Hiểu lầm thứ nhất: Đường là thủ phạm duy nhất gây bệnh tiểu đường
Sự thật: Các yếu tố nguy cơ được biết đến trong việc gây ra bệnh đái tháo đường là tiền sử gia đình, tuổi tác, thừa cân, huyết áp cao, mức cholesterol cao, lối sống ít vận động và hút thuốc. Do vậy, sự thật về bệnh đầu tiên bạn mà nên biết là đường không đóng vai trò như thủ phạm duy nhất và lớn nhất của bệnh tiểu đường như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Thực tế là việc ăn quá nhiều đường dẫn đến béo phì và làm quá tải hoạt động của tuyến tụy cho việc tiết insulin điều chỉnh lượng đường, từ đó càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Hiểu lầm thứ hai: Nếu bị tiểu đường, tôi chỉ có thể tiêu thụ thực phẩm được dán nhãn là “không đường” hoặc “phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường”
Sự thật: Cơ quan Quản lý thực phẩm và thú y của Singapore (AVA) yêu cầu các sản phẩm không đường chứa không quá 0,5g đường trên 100g hoặc 100ml. Những loại này dẫu ít đường hơn các sản phẩm tương tự khác nhưng có thể chứa các chất làm ngọt nhân tạo khác như sorbitol.
Vì thế, bạn nên đọc kỹ thông tin dinh dưỡng bất kỳ loại thực phẩm nào để kiểm tra lượng carbohydrate, đường tự nhiên và lượng calo chứa trong đó nhằm tránh tình trạng đường huyết tăng cao bất thường sau khi ăn.
Bên cạnh đó để đường huyết ổn định, cuộc sống cân bằng, bạn nên dùng thêm sữa dành riêng cho người bị đái tháo đường. Nguyên do là khi mắc căn bệnh này khiến mức đường huyết của bạn sẽ lên xuống thất thường. Việc kiểm soát mức đường huyết là rất khó và nếu không kiểm soát được về lâu dài sẽ dẫn đến các vấn đề tim mạch.
Bạn nên ưu tiên chọn sản phẩm sữa đã được chứng minh lâm sàng, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối cho người đái tháo đường. Sản phẩm có công thức đặc chế giúp kiểm soát đường huyết, tăng cường sức khỏe tim mạch, giúp giảm cân và vòng eo. Người bệnh có thể dùng sữa chuyên biệt thay thế toàn phần bữa ăn chính hoặc làm bữa ăn phụ.
Hiểu lầm thứ ba: Thực phẩm giàu tinh bột đều không phù hợp với người bệnh đái tháo đường và nên tuyệt đối tránh xa
Sự thật: Tất cả các loại thực phẩm giàu tinh bột đều phân hủy thành glucose, đây là nguồn năng lượng cần thiết của cơ thể. Do đó, bạn không cần thiết phải tránh xa các món ăn giàu tinh bột mà chỉ cần biết được mình cần nạp vào lượng carb ở mức bao nhiêu để đảm bảo cơ thể vẫn đủ sức hoạt động mà lại không ảnh hưởng đến tình trạng bệnh.
Hiểu lầm thứ tư: Người mắc bệnh tiểu đường cần kiêng đường hoàn toàn
Sự thật: Với việc kiểm soát bệnh tiểu đường tốt (được chứng minh bằng kết quả xét nghiệm máu HbA1C và nồng độ đường huyết mao mạch ở mức tích cực) và bằng cách tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ dinh dưỡng phù hợp, bạn không cần kiêng đường một cách tuyệt đối như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Hiểu lầm thứ năm: Thực phẩm có vị đắng sẽ giúp hạ đường huyết
Sự thật: Sự thật về bệnh đái tháo đường tiếp theo mà bạn cần biết chính là việc tiêu thụ những thực phẩm có vị đắng như mướp đắng, rau đắng, rau má, rau cần tây… sẽ không giúp hạ đường huyết. Nồng độ glucose trong máu của bạn được điều khiển bởi lượng carbohydrate tiêu thụ. Chìa khóa để kiểm soát lượng đường trong máu sẽ bao gồm việc hiểu rõ về yêu cầu carbohydrate của cơ thể bạn và tuân thủ theo thực đơn dinh dưỡng mà bác sĩ đưa ra.
Hiểu lầm thứ sáu: Chuyển sang dùng gạo nguyên cám có nghĩa rằng bạn có thể ăn cơm thỏa thích
Sự thật: Hàm lượng carbohydrate của gạo nguyên cám cũng tương tự như gạo trắng thông thường. Tuy nhiên, gạo nguyên cám cung cấp nhiều chất xơ và vitamin hơn, làm cho món ăn này trở thành một lựa chọn tốt hơn cho người bệnh đái tháo đường.
Bên cạnh đó, gạo nguyên cám còn chứa nhiều chất dinh dưỡng như sắt, magie, vitamin B và chất xơ. Gạo nguyên cám cũng mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa, mang lại cảm giác no lâu hơn.
Dẫu cho như thế, bạn vẫn nên dựa trên ý kiến bác sĩ để biết được chính xác lượng gạo có thể ăn bởi mỗi người sẽ có một thực đơn riêng dựa trên thể trạng.
Hiểu lầm thứ bảy: Giảm cân có thể chữa được bệnh đái tháo đường
Sự thật: Nếu bạn thừa cân, việc giảm cân không chữa khỏi bệnh tiểu đường hoàn toàn. Việc giảm 5 – 10% trọng lượng ban đầu góp phần kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách cải thiện tình trạng kháng insulin. Ngoài ra, giảm cân cũng có thể giúp kiểm soát lipid máu và huyết áp.
Hiểu lầm thứ tám: Bệnh nhân đái tháo đường không được ăn trái cây
Sự thật: Không ít người cho rằng bị tiểu đường phải kiêng ăn trái cây, nhất là những trái có vị ngọt tự nhiên. Tuy nhiên, sự thật về bệnh đái tháo đường sẽ khẳng định điều ngược lại.
Người mắc bệnh tiểu đường nên ăn trái cây. Mặc dù có chứa carbohydrate nhưng trái cây lại rất giàu vitamin, chất chống oxy hóa, khoáng chất và cũng dồi dào chất xơ. Bên cạnh đó, không có trái cây “tốt nhất” hoặc “xấu nhất” cho người mắc bệnh đái tháo đường mà bạn chỉ cần tìm hiểu hàm lượng dinh dưỡng của chúng, từ đó cân đối thực đơn dinh dưỡng sao cho phù hợp để không khiến lượng đường trong máu tăng vọt.
Ngoài ra, bạn nên ăn từ 1 – 2 phần trái cây tươi mỗi ngày, hạn chế ăn hoa quả đóng hộp hoặc nước ép chế biến sẵn.
Hiểu lầm thứ chín: Không cần quan tâm đến tiểu đường thai kỳ vì bệnh sẽ tự hết sau khi em bé ra đời
Sự thật: Nếu được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, bạn và thai nhi có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn sau này. Do đó, mẹ bầu nên theo dõi sát sao tình trạng bệnh nhằm ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe không mong muốn có thể xảy ra trong tương lai.
Hiểu lầm thứ mười: Nên chọn thức ăn dựa trên chỉ số GI (chỉ số đường huyết thực phẩm)
Sự thật: Nhìn chung, việc tiêu thụ thực phẩm có chỉ số GI cao sẽ làm tăng lượng đường trong máu nhanh hơn bằng cách giải phóng đường vào máu một cách nhanh chóng. Điều này khá hữu ích cho các vận động viên sau khi tập thể dục hoặc cho bệnh nhân bị hạ đường huyết.
Tuy nhiên, chỉ số GI chỉ phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết sau ăn các thực phẩm chứa chất bột đường, một số thực phẩm có chỉ số GI thấp như bánh quy yến mạch nguyên cám, sôcôla đen nguyên chất là các món ăn không lành mạnh, thiếu giá trị dinh dưỡng cũng như không phù hợp cho người mắc bệnh tiểu đường.
Vậy nên, sự thật về đái tháo đường mà ai cũng nên biết chính là việc đừng mang cái nhìn quá tiêu cực cho một món ăn hay nhóm thực phẩm nào. Thay vào đó, bạn hãy duy trì chế độ ăn uống cân bằng với trái cây, rau củ kết hợp cùng tập thể dục thường xuyên. Đây chính là chìa khóa trong hành trình đạt được mục tiêu kiểm soát đường huyết trong mức tốt, giúp ổn định sức khỏe dài lâu.
Lan Anh
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/10-su-that-ve-benh-dai-thao-duong-ma-nhieu-nguoi-hay-lam-tuong-a71795.html