Cụ thể, theo thông tin từ Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT), qua công tác nắm tình, Đội QLTT số 17 thuộc Cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp với Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại địa chỉ số 27 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Theo xác minh ban đầu cho thấy, điểm tập kết kinh doanh này do Nguyễn Hữu Bách (SN 1995, trú tại Bến Tắm, Chí Linh, Hải Dương) làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện Nguyễn Hữu Bách đang kinh doanh các loại bánh: Bánh trung thu, bánh chuối, bánh pho mai... do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng tứ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tổng số lượng kiểm đếm ban đầu khoảng hơn 8.000 sản phẩm bánh các loại.
Nhiều điểm tập kết bánh trung thu nhập lậu tại Hà Nội gây lo lắng cho người tiêu dùng. Ảnh: Quyên Lưu
Quá trình làm việc với lực lượng chức năng, chủ điểm tập kết trên cho biết số hàng hóa trên được thu gom, mua trôi nổi trên thị trường tại khu vực cửa khẩu phía Bắc, sau đó tập kết tại địa chỉ nêu trên để bán cho các “mối buôn” tại Hà Nội và các tỉnh kiếm lời.
Tiếp tục kiểm tra tại một điểm tập kết hàng hóa ở khu liền kề phường Dương Nội, quận Hà Đông do Nguyễn Văn Hùng (SN 1983, trú tại quận Hà Đông) làm chủ, lực lượng chức năng thu giữ khoảng 5.000 sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ.
Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để tiến hành xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật
Liên quan tới bánh trung thu không rõ nguồn gốc, trước đó lực lượng chức năng Hà Nội đã thu giữ khoảng hơn 20.000 sản phẩm bánh Trung thu nhập lậu. Trong đó, phổ biến nhất là loại bánh có tên nước ngoài là Liu Xin Su (hay còn gọi là bánh Trung thu trứng chảy).
Theo ghi nhận trên thị trường, bánh Trung thu trứng chảy hiện nay được rất nhiều người săn lùng vì có giá tương đối rẻ, chỉ với giá từ 150.000-260.000 đồng/hộp 6 bánh, giá nhập vào chỉ rẻ bằng 1/3 giá bán ra. Loại bánh được quảng cáo là có hương vị độc đáo, nhân trứng chảy cực hấp dẫn… này được bán tràn lan ngoài thị trường và cả trên mạng xã hội.
Hại thân nếu lựa chọn bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Đề cập tới tác hại khi lựa chọn phải loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, người tiêu dùng nên thận trọng trước những loại bánh không có nguồn gốc, tem nhãn không rõ ràng. Bởi dù là loại bánh nào cũng cần được công khai bảng thành phần, tên thương hiệu… rõ ràng để người tiêu dùng tự kiểm chứng, quyết định mua. Trong khi loại bánh không rõ nguồn gốc thường không ghi rõ thông tin quan trọng nhất nên cần phải lưu ý.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh giải thích thêm, các loại bánh trung thu thường được sử dụng các loại phẩm màu để tăng tính thẩm mỹ. Nếu được sử dụng phẩm màu thực phẩm được Bộ Y tế cho phép thì an toàn sức khỏe nhưng nếu rủi ro, chúng ta sẽ ăn phải bánh sử dụng chất tạo màu không được phép sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm. Điều này vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Do đó không nên mua và ăn những loại bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được công khai bảng nguyên liệu thành phần.
Tăng cường kiểm tra sản xuất, kinh doanh bánh trung thu Tổng cục quản lý thị trường (QLTT) vừa có công văn gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu 2020. Theo đó, trước Tết Trung thu, Cục QLTT các tỉnh, thành phố khu vực biên giới và dọc tuyến vận chuyến từ biên giới vào nội địa có phương án kiểm tra đột xuất; Ngăn chặn và xử lý vi phạm về vận chuyển, kinh doanh các loại nhân bánh làm sẵn; bánh trung thu giá rẻ, bánh nghi ngờ có nguồn gốc từ nước ngoài nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Các đơn vị kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh trung thu như nhân bánh, mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, nước đường, trứng muối... Đặc biệt, lưu ý kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu quy mô lớn, đầu mối cung cấp, địa điểm tập kết nguồn hàng. Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm không thuộc địa bàn quản lý thì chủ động phối hợp xử lý. Nếu phát hiện vi phạm kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan để truy xuất nguồn gốc, đình chỉ lưu thông sản phẩm góp phần bảo đảm quyền lợi và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. |
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/canh-bao-banh-trung-thu-nhap-lau-nguon-goc-khong-ro-rang-mang-den-he-luy-kho-luong-a71797.html