Quốc lộ 5 xuống cấp nghiêm trọng: Vốn đã có, sao đường vẫn chưa sửa?

Được coi là tuyến đường huyết mạch trong vận tải hàng hóa, giao thương kinh tế giữa các địa phương Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng, thế nhưng từ nhiều năm nay, cơ sở hạ tầng tại Quốc lộ (QL) 5 đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, đơn vị được giao quản lý QL này là tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) vẫn chưa tiến hành khắc phục khiến tình trạng ATGT trên cung đường luôn ở mức báo động.

Xuống cấp nghiêm trọng

QL5 chính thức được đưa vào khai thác từ năm 1999. Đến nay, sau hơn 20 năm đưa vào khai thác, con đường bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo ghi nhận của PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, mặt đường nhựa nhiều đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Hải Dương bị rạn nứt và sụt lún, xuất hiện các rãnh lớn.

Xuống cấp rõ nhất trên tuyến đường này chính là tình trạng hằn lún vệt bánh xe làm cho mặt đường mấp mô. Vào những thời điểm nắng nóng, tình trạng hằn lún vệt bánh xe diễn ra thường xuyên, nghiêm trọng hơn do nhựa mặt đường bị co giãn và sức ép của ô tô trọng tải lớn.

Đáng nói, tình trạng xuống cấp kéo dài trên hầu hết QL5 đoạn qua Hải Dương, chứ không xuất hiện lẻ tẻ. Thực trạng này không chỉ khiến các phương tiện giao thông đi lại khó khăn, gây ùn tắc mà còn nhanh chóng làm vỡ nát mặt đường, đặc biệt rất dễ gây TNGT về ban đêm, nhất là đối với những người không thường xuyên di chuyển qua đây.

Tình trạng rạn nứt và sụt lún xảy ra trên dọc tuyến QL5 tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Cũng theo ghi nhận của PV, do là tuyến đường huyết mạch giữa Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng nên QL5 hiện đang bị đô thị hóa, có rất nhiều khu dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở kinh doanh phát triển hai bên đường. Điều này khiến lưu lượng phương tiện tăng nhanh, đặc biệt là xe tải, xe container.

Theo các hộ dân sinh sống tại khu vực có QL5 chạy qua, tình trạng rạn lún, ổ gà ổ voi đã xuất hiện tại QL5 từ nhiều năm nay nhưng vẫn không được đơn vị chức năng xử lý triệt để. Thêm vào đó là tình trạng nhiều xe có tải trọng lớn, container di chuyển với mật độ cao khiến việc lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân chính của không ít những vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên cung đường này.

Còn nhớ rằng, tại cuộc làm việc với các đơn vị liên quan đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng tuyến QL5 (đoạn qua tỉnh Hải Dương) vào tháng 8/2019, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu VIDIFI cần khẩn trương sửa chữa những đoạn hư hỏng, đảm bảo an toàn giao thông. Nếu doanh nghiệp chậm thực hiện, sẽ dừng thu phí. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại công tác nâng cấp, cải tạo QL5 vẫn chưa được thực hiện trong khi việc thu phí tại đây vẫn đều đều theo tiến độ.

Chậm tiến độ do… Covid-19

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Hoàng Việt - Giám đốc ban Quản lý dự án sửa chữa QL5 - cho biết, đơn vị đã có kế hoạch để thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa QL5 thực hiện trong năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên việc triển khai các thủ tục đấu thầu, lập thiết kế kỹ thuật bị chậm lại khiến dự án chưa thể triển khai.

Ông Việt cho biết: “Hiện đơn vị đang nỗ lực triển khai các nội dung để dự án được thực hiện đúng theo kế hoạch. Thời điểm chọn thầu để chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật lại xảy ra đúng vào thời gian dịch Covid-19 đang rất phức tạp tại Hà Nội nên đã bị gián đoạn. Khi đã chọn được tư vấn thiết kế kỹ thuật và bắt đầu triển khai gói thầu đầu tiên thì TP.Hải Dương lại tiến hành cách ly. Tới đây, các gói thầu sau khi được tổng cục Đường bộ thẩm định, chọn được nhà thầu sẽ cho thi công ngay”.

Ông Việt cũng cho biết, vấn đề về nguồn vốn để thực hiện dự án đã được giải quyết và ngân hàng đã bố trí vốn ngay sau khi dự án được phê duyệt. Thời gian qua để khắc phục tình trạng QL5 xuống cấp, VIDIFI thường xuyên phải sửa chữa khẩn cấp quy mô nhỏ để đảm bảo an toàn giao thông, nhất là những đoạn hằn lún, chủ đầu tư đã phải cào bóc tạm để đảm bảo bằng phẳng cho phương tiện lưu thông trên đường.

Trạm thu phí một dừng số 1, QL5.

Cùng trao đổi với PV về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Lăng - Vụ trưởng vụ An toàn giao thông (tổng cục Đường bộ Việt Nam) - cho biết, QL5 sau nhiều năm khai thác đến nay nhiều đoạn bị hư hỏng nặng cần phải sửa chữa.

Do đó, để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, dự án sửa chữa mặt đường QL5 dài 30km (từ Km 46 – Km76) được thông qua và triển khai trong năm 2020. Dự án có tổng mức đầu tư gần 840 tỷ đồng được lấy từ các nguồn thu trong phương án tài chính dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Dự án do VIDIFI làm chủ đầu tư và được chia làm 6 gói thầu xây lắp, 7 gói thầu tư vấn. Trong đó có 4 gói thầu xây lắp chính sửa chữa mặt đường và an toàn giao thông. Dự án đã được bố trí 280 tỷ đồng trong năm 2020 và sẽ được bố trí thêm trong năm 2021.

Do không có đủ vốn để tham gia ngay từ đầu phần vốn của Nhà nước đầu tư vào dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao VIDIFI thu phí tại hai trạm QL5 tạo nguồn thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc tại Quyết định 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007, trước khi có chủ trương thu phí bảo trì đường bộ và thành lập Quỹ bảo trì đường bộ (năm 2012).

Sau đó, do Quỹ bảo trì đường bộ hạn chế, không đủ kinh phí để sửa chữa QL5, bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao tiếp cho VIDIFI quản lý, bảo trì, sửa chữa QL5 từ năm 2016.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/quoc-lo-5-xuong-cap-nghiem-trong-von-da-co-sao-duong-van-chua-sua-a71816.html