Tọa độ lửa
“Quỳnh Lưu chiến địa/Mai Giang huyết hồng…” là câu ca nhắc nhớ về những chiến công chống giặc ngoại xâm ở nơi địa đầu xứ Nghệ. Trong thời kỳ chống Mỹ, với vị trí “yết hầu” trên con đường chi viện cho miền Nam, Hoàng Mai trở thành trọng điểm đánh phá điên cuồng của địch. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, quân, dân và lực lượng TNXP ở Hoàng Mai vẫn đảm bảo giao thông thông suốt với khẩu hiệu “qua sông không cầu, chạy tàu không ga”, “địch phá ta sửa ta đi”…
Tuổi đã cao, bước chân đã run rẩy, đi lại khó khăn nhưng bà Phạm Thị Hường (khối Tân Thành, phường Quỳnh Thiện, Thị xã Hoàng Mai) vẫn hào hứng khi dẫn phóng viên về thăm hang Hỏa Tiễn. Nơi đây là một trong những địa điểm đáng nhớ trong quãng thời gian tham gia lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước của bà Hường, của một thời kỳ “Quỳnh Lưu chiến địa/Mai Giang huyết hồng…”.
Câu chuyện của bà Hường dẫn về những năm tháng gian khổ, ác liệt mà bản thân đã cùng đồng đội vừa tham gia sửa chữa cầu đường, vừa chiến đấu chống trả quân thù nơi vùng đất địa đầu xứ Nghệ: “Tôi quê ở Triệu Sơn, Thanh Hóa. Ngày 17/4/1965, tôi gia nhập TNXP và được chi viện vào Hoàng Mai. Lúc đó, nơi đây bị đánh phá ác liệt suốt ngày đêm. Trên trời thì máy bay quần thảo ném bom, ngoài biển thì pháo hạm bắn vào. Có những hôm chúng tôi vừa thông cầu, đường được khoảng 5 phút thì máy bay lại quay lại càn hết cả trận địa pháo, cầu đường. Có hôm 5 giờ sáng, đại đội TNXP kéo lên đồi làm ngụy trang cho trận địa pháo đâu vào đấy thì một lúc sau máy bay đến oanh tạc rồi. Suốt ngày, suốt đêm, nơi đây bom nổ, pháo sáng các loại liên tục…”.
Theo các tài liệu lưu trữ tại Thư viện Nghệ An, trong thời kỳ chống Mỹ (1954 – 1975), Hoàng Mai có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, phía Bắc là cầu La Man, Khe Son, Khe Dũ, phía Nam là cầu Hoàng Mai bắc qua sông Mai Giang, giữa là Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam – được xem là con đường chiến lược mở đầu cửa ngõ xứ Nghệ.
Bên cạnh đó, Hoàng Mai còn có một vùng núi đá vôi tốt, trữ lượng lớn có thể khai thác, sản xuất vật liệu phục vụ cho việc san lấp, hàn gắn các tuyến đường trong thời chiến. Với lợi thế về giao thông thủy, bộ và sản xuất nguyên liệu, Bộ Chính trị xem Hoàng Mai là một vị trí quan trọng trong công tác chi viện cho chiến trường miền Nam nên đã tăng cường các lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong quyết tâm bảo vệ tuyến đường này. Về phía địch, chúng cũng nhận thấy tầm quan trọng của Hoàng Mai nên dùng nhiều thủ đoạn và vũ khí hiện đại để tàn phá.
Hệ thống đường sắt, đường bộ, cầu phà, từ Hoàng Mai đến Bến Thủy bị tàn phá ác liệt. Ở khu vực Hoàng Mai, đế quốc Mỹ đã sử dụng nhiều loại vũ khí và phương tiện hiện đại như: máy bay A3D, AD6, F4H, A6A, B66B, tàu chiến liên tục đánh phá suốt ngày đêm, quyết tâm cắt đứt tuyến đường chi viện từ hậu phương của ta. Các địa danh nơi địa đầu xứ Nghệ lúc đó là ga Hoàng Mai, cầu Hoàng Mai, mỏ đá Hoàng Mai… trở thành những túi bom.
Theo cuốn “Nghệ An lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, năm 1966, ở Quỳnh Lưu (lúc này Hoàng Mai thuộc huyện Quỳnh Lưu-pv) số trận đánh năm 1966 tăng hơn năm 1965 là 1.327 trận (năm 1965 là 5.766 trận).
Với tinh thần quả cảm, lực lượng thanh niên xung phong lăn xả dưới mưa bom, bão đạn giành giật với kẻ thù từng mét cầu, mét đường, cứu tàu, cứu hàng ra khỏi khu vực địch đánh phá; phối hợp nhịp nhàng với lực lượng quân tự vệ, bộ đội pháo cao xạ, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bắt sống được một số giặc lái, góp phần đập tan luận điệu “không lực Hoa Kỳ là bất khả đụng đến”, dưới làn bom đạn Mỹ, Bắc Việt Nam không thể chịu nổi vài tuần”, và “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”.
Những năm tháng 1965-1966 là những tháng ngày in đậm tội ác của giặc Mỹ và ghi dấu tinh thần chiến đấu quả cảm của quân dân và lực lượng thanh niên xung phong ở khu vực Hoàng Mai. Thời gian này, địch sử dụng các phương tiện kỹ thuật, hiện đại và thay đổi phương pháp tấn công bằng cách dùng máy bay đánh đi đánh lại nhiều lần vào các mục tiêu ở Hoàng Mai, có nhiều ngày địch đánh từ 16 đến 21 trận, nhiều đường sá, cầu cống, nhà ga bị san phẳng, nhiều nơi hố bom chồng lên hố bom.
Không ngại gian khổ, hy sinh, hàng vạn cán bộ công nhân, thanh niên xung phong ngành Giao thông, ngành Đường sắt cùng với quân và dân Hoàng Mai đã chiến đấu kiên cường trên tọa độ lửa Hoàng Mai, đảm bảo giao thông liên tục và thông suốt “phà Hoàng Mai đêm đêm xe cứ vượt, chở đạn bom ra chiến trường”.
Kết thúc 2 đợt chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, khu vực Hoàng Mai có 250 bộ đội và TNXP hy sinh, hàng nghìn người bị thương. Trong đó có sự kiện đáng nhớ nhất là ngày 28/4/1966, máy bay Mỹ bắn tên lửa làm 33 TNXP hy sinh tại hang Hỏa Tiễn.
Nhớ về những năm tháng hào hùng của lực lượng TNXP mỏ đá Hoàng Mai lúc đó, ông Nguyễn Văn Tư (từ tháng 4/1965 là đội trưởng tuyến đường sắt phía Nam) nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, nhớ lại: “Từ năm 1965, đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt khu vực này, có tháng từ khe nước Lạnh và ga Hoàng Mai chúng đánh 100 lần. Lúc đó, đồng chí Phan Trọng Tuệ – Bộ trưởng Bộ Giao thông đã chỉ thị: “Địch phá ta cứ đi, tàu chạy không ga, qua sông không cầu”. Những người tham gia chiến đấu còn rất trẻ, tuổi đời 18, 20, người bị thương nhẹ, cùng người khỏe mạnh tiếp tục chiến đấu, vừa cấp cứu bị thương vừa bổ sung lực lượng chiến đấu…”.
Với những người đã đi qua cuộc chiến, “Tọa độ lửa Hoàng Mai” là không thể nào quên!
Đường chưa thông không tiếc máu xương
Để chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam đánh địch, bên cạnh vận tải đường bộ, đường sông, đường biển, Đảng và Nhà nước ta lúc đó có những chủ trương khai thác triệt để thế mạnh của vận tải đường sắt trong điều kiện địch đánh phá ác liệt. Vì vậy, sau khi tiếp nhận quân số TNXP chi viện cho ngành GTVT của Trung ương Đoàn thanh niên lao động Việt Nam, ngày 27 tháng 4 năm 1965, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập đơn vị C271 đội 27, “ba sẵn sàng” gồm 150 đồng chí, chuyển giao cho Tổng cục Đường sắt để đáp ứng nhu cầu bảo vệ tuyến đường sắt huyết mạch và sản xuất nguyên liệu đá đáp ứng kịp thời cho công tác bảo đảm giao thông, khu vực Thanh Hóa – Vinh, trong đó tập trung tăng cường cho mặt trận Hoàng Mai, Nghệ An.
Đơn vị C271 được phân thành nhiều tổ đội, mỗi tổ đội đảm nhiệm một nhiệm vụ khác nhau như: nạo vét kênh nhà Lê; bốc dỡ hàng hóa tại ga Hoàng Mai; bảo vệ an toàn đường sắt, đường bộ từ khe Nước Lạnh vào cầu Hoàng Mai,… trong đó, Tổ 4 có 36 đồng chí (14 nam, 22 nữ) với nhiệm vụ khai thác đá để xây dựng đoạn đường vào ga Hoàng Mai và khắc phục kịp thời các sự cố trên tuyến đường sắt khi bom Mỹ đánh phá. Họ là những thanh niên nhiệt huyết còn ở độ tuổi mười tám đôi mươi, xuất thân từ những vùng quê nghèo ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình,…. công việc và cuộc sống của các anh chị hết sức khó khăn vất vả.
Họ phải sống trong các lán trại tạm thời, mái lợp tranh rạ, không điện, không nước, mùa Hè phải vào tận khe Nước Lạnh, khe Dũ, kênh nhà Lê cách nơi ở và làm việc hàng cây số để lấy nước sinh hoạt, mùa Đông phải nằm ngủ trên các tấm cót lót rơm rạ, lá chuối khô để chống rét.
Những anh chị TNXP trên tọa độ lửa Hoàng Mai thời đó, nay còn sống đều đã “gần đất xa trời” và mỗi người mỗi phương. Sau những lời chỉ dẫn và sự nhiệt tình của nhiều người, chúng tôi cũng tìm được đến nhà của các “nhân chứng sống”, trong đó có bà Đặng Thị Doanh (70 tuổi, nguyên quán xã Diễn Phú (huyện Diễn Châu), hiện cư trú tại xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Bà Doanh là một trong những người may mắn thoát chết vào cái ngày định mệnh 28/4/1966, nhưng chị gái của bà là Đặng Thị Châu cùng 32 đồng đội đã bị hỏa tiễn vùi lấp trong hang.
Nhắc đến hang Hỏa Tiễn, bà Doanh rơm rớm nước mắt, nghẹn ngào: “Thời đó tôi mới 16 tuổi, bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng, chị em ở với nhau, khi nghe tiếng gọi lên đường tham gia TNXP, tôi được chị đưa đi gia nhập vào đơn vị C271. Khi mới vào tôi còn nhỏ nên được làm cấp dưỡng, gánh nước.
Từ đó lớn lên vào công việc, cùng anh chị em chiến đấu. Vừa khai thác đá vừa vác đạn cho pháo binh. Chỗ nào máy bay bắn phá ác liệt thì chúng tôi có mặt để khắc phục giao thông. 12 giờ đêm có lệnh gọi chúng tôi cũng có mặt ngay ở hiện trường. Hồi đó chúng tôi ở đó đông lắm, hàng trăm người. Toa tàu bị đánh chúng tôi bốc dỡ hàng, sửa đường, cứu hộ, phục vụ chiến đấu, chôn cất anh em, cái chi cũng làm. Khu vực Hoàng Mai ngày xưa Mỹ đánh ác liệt lắm. Anh em khi đưa người hy sinh rồi đi chôn xong, máy bay Mỹ lại đến thả bom dựng quan tài lên. Mỗi ngày nó đánh 3-4 trận, bất kể thời gian. Trên bom thả, dưới pháo dập từ biển vào. Đánh ác liệt lắm. Quân dân ta hy sinh rất nhiều”.
Theo các tài liệu “Nghệ An lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975)” và “Xí nghiệp đá Hoàng Mai, 40 năm một chặng đường lịch sử”, có những thời điểm đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt, lương thực thiếu thốn, cả đơn vị phải nhường cơm sẻ áo chia nhau từng nắm cơm độn khoai lót dạ. Cuộc sống kham khổ, lao động nặng nhọc “đào đất cất gỗ”, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng với nhiệt tình của tuổi trẻ, các anh chị TNXP tổ 4 sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân của mình, vượt qua mưa bom, bão đạn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, với một lý tưởng cao đẹp: “đem sức trẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Năm 1965, lực lượng TNXP tăng cường cho mỏ đá Hoàng Mai cùng với công nhân mỏ đã khai thác được 225.644m3 đá dăm, 63.047m3 đá hộc, 7.750m3 đá khác,… phục vụ đảm bảo giao thông liên tục thông suốt không những cho khu vực Hoàng Mai mà còn nhiều khu vực khác.
Với những thành tích đã đạt được, lực lượng TNXP đường sắt Thanh Hóa – Nghệ An đã được Bác Hồ viết thư khen ngợi và tặng Cờ Thi đua, nội dung bức thư có đoạn viết: “Thân ái gửi các cháu đoàn viên và thanh niên công trình đường sắt Thanh Hóa – Nghệ An. Trong kế hoạch 5 năm, Đảng và Chính phủ đã quyết định xây dựng lại đường sắt Thanh Hóa – Nghệ An. Trung ương đoàn thanh niên lao động đã thay mặt các cháu mà nhận công trình đó và xin đặt tên là: “Công trình đường sắt thanh niên”. Các cháu đã xung phong tình nguyện làm việc đó, thế là các cháu đã làm đúng khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”…”
Ngày 31/1/1966, tổng thống Mỹ Giônxơn, tiếp tục ra lệnh cho không quân, hải quân đánh phá miền Bắc. Tại Hoàng Mai, thời tiết lạnh giá, mưa liên tục,… lực lượng TNXP gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng các anh chị TNXP đã không quản ngại sự khó khăn vất vả, tình nguyện ra công trường xúc đá, nổ mìn, vận chuyển nguyên liệu ra những cung đường, những chiếc cầu vừa bị bom Mỹ đánh sập, cốt làm sao hoàn thành nhanh nhất để những chuyến xe, chuyến tàu đi qua với khẩu hiệu: “đường chưa thông không tiếc máu xương”, “địch phá đường ta đắp, ta lại đi”.
Ngày định mệnh
Ngày 28/4/1966, Tổ 4 đang hăng say làm nhiệm vụ trên công trường, không khí làm việc khẩn trương và sôi nổi, tuy mồ hôi đã thấm ướt vai áo nhưng đâu đó trong những tốp thanh niên xung phong vẫn vui vẻ lạc quan cất tiếng hát át tiếng bom làm vơi đi nỗi mệt nhọc “qua những công trình quê hương kháng chiến/ tất cả mọi con đường đều hướng ra tiền phương.”
Trong tâm trí của những người như bà Đặng Thị Doanh, ngày 28/4/1966, là một ngày không thể nào quên. Dẫn chúng tôi ra cánh đồng và chỉ tay về những dãy núi đá vôi phía Hoàng Mai, bà Doanh cho biết: “Sáng ngày 28/4/1966, chúng tôi ra làm như thường lệ. Khi đang làm việc thì chúng tôi nghe kẻng đánh báo động tránh máy bay. Cứ 15 phút 1 trận, máy bay bỏ bom mù mịt tối tăm.
Chúng tôi sơ tán vào hang. Các anh chị vào sâu lắm, tôi thì nằm ở phía bên ngoài về phía cánh bên phải của hang. Khi vào hang thì chúng tôi bị phóng hỏa tiễn từ phía biển vào. Chỉ nghe một tiếng uỳnh lớn thì đá mù mịt đổ xuống lấp cửa hang. Khi đó người chết ở cửa hang nhiều. Đi ra thì người chết nằm trên bãi cỏ, bãi sim nhiều lắm. Đầu rơi máu chảy. Ở trong hang, có người gọi tôi “Em ơi! Em kêu họ đến cứu anh đi”. Nhưng có một hòn đá to khổng lồ chấn ngang bụng, không thể cứu được. Anh cứ kêu mãi kêu mãi…
Trong trận đó, bà Đặng Thị Châu – chị gái tôi vào tận trong đáy hang tránh bom. Khi đi vào chị rủ tôi “Đi vào trong này em”. Tôi nói “Không! Em ở ngoài này. Có chết thì để họ dễ lấy xác. Trong đáy hang không lấy được xác”. Mà chị có lấy được xác đâu. Lộn xộn và nát cả. Người ta nhặt ra mỗi nơi mỗi miếng để lắp cho có mộ thôi”.
Lúc đó, lực lượng chi viện và công nhân mỏ đá nỗ lực tìm kiếm, đào bới được 6 người. Khi công việc tìm kiếm còn dang dở thì máy bay Mỹ lại tiếp tục quay lại ném bom, lực lượng tìm kiếm phải rút về nơi an toàn, đến chiều tối, khi Mỹ ngừng ném bom, các đơn vị TNXP, bộ đội, dân quân, công nhân khai thác đá, tập trung về đây quyết tâm nỗ lực tìm kiếm với hy vọng còn đồng đội nào sống sót, với những dụng cụ thô sơ như cuốc chim, xẻng,… tích cực đào bới suốt đêm.
Là một trong những người chứng kiến sự kiện ngày 28/4/1966, và chạy về thôn kêu người ra ứng cứu, ông Đặng Ngọc Kim (khối Tân Hùng, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai) kể: Từ đó buổi trưa cho đến tối khuya, mọi người trong làng đổ ra ứng cứu. Chiều hôm đó thì có anh Nguyễn Ngọc Lâm, nằm cách sâu 2m kêu: “Các bác ơi cứu cháu với” mà không thể cứu được. Đến nửa đêm thì mất. Trong hang có người sống nhưng không cứu được nổi bởi không có máy móc chi, mà chỉ có xà beng bạy thủ công, tay. Cha tôi cũng là một trong những người tham gia đưa các thi hài các anh chị ra nhập lượm. Có một người ra bãi, nằm trong quan tài, đến đêm sống lại, đó là bà Nguyễn Thị Toán, dậy kêu “các bác ơi cho cháu miếng nước”, thì mọi người biết còn sống đưa ra viện”.
Bước vào hang, tất cả đồng đội như chết lặng khi thấy một cảnh tượng đau thương bao trùm: 32 thi thể nằm ngổn ngang, bất động, không còn ai còn nguyên vẹn – các anh các chị đã hy sinh. (Trong số các TNXP bị vùi lấp trong hang, có chị Trần Thị Loan được đưa đi Hà Nội để cứu chữa, nhưng do bị thương quá nặng, chị đã hy sinh vào tháng 8 năm 1966).
Các anh các chị TNXP đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, người trẻ tuổi nhất là anh Nguyễn Trọng Chiến mới tròn 17 tuổi, người nhiều tuổi nhất là anh Trần Đình Thắm 31 tuổi. Sau khi các anh các chị hy sinh, đồng đội đã khâm liệm và đem mai táng ở sườn đồi gần nơi các anh đã chị làm việc.
Những người còn sống sót sau này mỗi người mỗi việc, nhưng họ luôn nhớ về một thời tuổi trẻ sống cống hiến hết mình cho Tổ quốc, như bà Đặng Thị Doanh, đã kể: “Sau khi tôi bị thương nặng, bị sức ép thì họ cáng ra ngoài khe Nước Lạnh, rồi cho xe chở ra Thanh Hóa điều trị. Khỏe rồi về tiếp tục công việc. Hồi đó, chúng tôi còn rất trẻ. Nhiều người mới rời ghế nhà trường vào làm nhiệm vụ.” Họ trở về và khuất lấp trong cuộc sống đời thường: “Tôi bị thương không được hưởng chế độ chi hết. Rồi về làm nghề nông, làm hàng xáo. Thỉnh thoảng, vào dịp kỷ niệm ngày 27/7, xí nghiệp đá Hoàng Mai lại mời chúng tôi vào, để chúng tôi thắp cho đồng đội một nén hương. Tôi vẫn thường kể cho con cháu mình về một thời “đá xanh, máu đỏ!”./.
Hang Hoả Tiễn – nơi 33 TNXP hi sinh ngày 28/4/1966
Hang Hỏa Tiễn là một hang động tự nhiên được hình thành cách ngày nay hàng triệu năm, nằm trong dãy núi Eo Kín thuộc TX Hoàng Mai. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, hang đá này được Tổ 4, đơn vị C271 đội 27 TNXP chọn làm nơi trú ẩn trong thời gian phục vụ bảo vệ huyết mạch giao thông tại khu vực Hoàng Mai. Ngày 28/4/1966, trong khi tổ 4 đang trú ẩn tại hang thì bị máy bay Mỹ bắn tên lửa (hỏa tiễn) làm 33 chiến sỹ TNXP hy sinh, vì vậy, nhân dân gọi là hang Hỏa Tiễn. Ngoài tên gọi hang Hỏa Tiễn, di tích còn có tên là Hang Tổ 4, vì 33 TNXP hy sinh tại hang đều thuộc tổ sản xuất số 4, có nhiệm vụ khai thác đá phục vụ san lấp, sửa chữa tuyến đường sắt, đường bộ khu vực Hoàng Mai. Ngày 27/4/2011, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 1410/ QĐ – BVHTTDL công nhận hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang Liệt sỹ đường sắt (thuộc thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, nay là TX Hoàng Mai) là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. |
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/hang-hoa-tien-noi-tuoi-20-hoa-thanh-bat-tu-a71848.html