Bà Hiền, Phó Chủ tịch và cán bộ phụ trách lĩnh vực tài nguyên - môi trường trả lời nhóm PV. Điều đặc biệt là bà Phó Chủ tịch đứng còn cán bộ phụ trách lại ngồi ngay ghế Phó Chủ tịch.
Tình trạng khai thác đá mồ côi (đá dùng để lót sân, ốp tường…) đang diễn ra tràn lan trên địa bàn xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Theo phản ánh của người dân, sự việc này đã diễn ra từ rất lâu, khiến nguồn tài nguyên khoáng sản cạn kiệt, môi trường bị xâm hại, gây thất thu thuế Nhà nước.
Theo tìm hiểu, điều tra của nhóm phóng viên cho thấy, hầu hết các điểm khai thác đá nằm trong vườn, rẫy (chủ yếu là tràm, chuối, đất trống…) của người dân. Dưới danh nghĩa “cải tạo đất vườn”, chủ đất móc nối với các cơ sở chế biến, sản xuất đá (chủ yếu là 2 cơ sở: Thạch Bàn 2 và hộ ông Sách, nằm trên địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai - nhóm PV sẽ đề cập sau) để khai thác đá mồ côi ồ ạt.
Sau nhiều ngày mật phục, xác minh, điều tra, thu thập hồ sơ, ngày 27/8, nhóm PV đã đến trụ sở UBND xã Sông Trầu để đề nghị làm việc. Tuy nhiên, khi đến nơi, chúng tôi hoàn toàn bị bất ngờ trước cảnh nhiều cán bộ/công chức tụ tập ăn uống tại phòng Phó Chủ tịch, dù đang trong giờ làm việc. Thấy nhóm PV vào, đưa giấy giới thiệu, bà Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Sông Trầu vẫn còn nhai thức ăn trong miệng chống chế: “do cúp điện”.
Hình ảnh này hoàn toàn trái ngược với những gì đang diễn ra trên thực địa (tại xã Sông Trầu), khi mà máy cuốc, máy xúc, máy ủi vẫn đang ồ ạt hoạt động để đưa đá rời khỏi địa phương với số lượng rất lớn hàng ngày. Thực tế cho thấy, trong vai người đi mua đá, nhóm PV vào đặt hàng tại cơ sở của ông Sách (xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) thì đại diện cơ sở này cho biết: “Mỗi ngày có thể cung cấp được khoảng 60 kiện, mỗi kiện có thể lót được 11 m2 diện tích sàn”.
Trở lại diễn biến tại phòng làm việc của bà Hiền (có cán bộ phụ trách mảng địa chính, tài nguyên – môi trường), chúng tôi có cung cấp thông tin để cùng UBND xã xác minh vụ việc. Dù vậy, sau khi cung cấp địa điểm, vị trí khai thác đá trên địa bàn thì bà Hiền – Phó Chủ tịch, cùng cán bộ địa chính tỏ ra lúng túng và trả lời: “Việc này phải để từ từ kiểm tra lại, vì địa bàn Sông Trầu có đến 4.315ha lận, đưa 1 cái hình như vậy thì tìm đến khi nào cho ra được”.
Khi nhóm PV mời bà Phó Chủ tịch và cán bộ phục trách của xã đi cùng để xác minh vị trí thì vị cán bộ này trả lời ngay: “Không, anh không đi cùng bọn em được”.
Câu hỏi được đặt ra, lãnh đạo và cán bộ phụ trách lĩnh vực này của UBND xã Sông Trầu có vô trách nhiệm trong công tác quản lý địa bàn hay không?. Thực tế, trong nhiều ngày mật phục, nhóm PV ghi nhận có hàng trăm xe ben loại lớn (hầu hết không còn niên hạn sử dụng) phóng bạt mạng, chở đầy đá tảng cỡ lớn từ khu vực xã Sông Trầu (đoạn từ đầu đường Sông Trầu - Cây Gáo – Vĩnh Tân và Sông Trầu - Cây Gáo – Vĩnh Tân B đi vào) ra bãi của ông Sách và Thạch Bàn 2.
Có một sự thật đau lòng là khoáng sản đang chảy máu từng giờ, từng phút với số lượng rất lớn, thế nhưng lãnh đạo và cán bộ phụ trách địa chính, tài nguyên - môi trường xã Sông Trầu lại thờ ơ và vô trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước tại địa bàn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này, nhất là quy trình khai thác, vận chuyển, sản xuất, đưa đi tiêu thụ đá trên địa bàn 2 huyện: Trảng Bom và Vĩnh Cửu của tỉnh Đồng Nai.
Từ tháng 6/2020, PV cũng đã đến đề nghị cung cấp thông tin về tình trạng phân lô bán nền trên địa bàn xã Sông Trầu. Sau nhiều lần làm việc, từ khi có chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND xã phân công cho bà Hiền trả lời, tuy nhiên, đến nay, PV vẫn chưa nhận được cứ thông tin nào. Đến ngày 27/8, PV có đề cập đến việc này, bà Hiền vẫn ngơ ngác như chưa có chuyện gì xảy ra. Còn cán bộ phụ trách địa chính ngồi ngay ghế Phó Chủ tịch (của bà Hiền) nói: “Anh đang định in mà cúp điện”. |
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/dong-nai-khoang-san-chay-mau-chinh-quyen-ngo-lo-a71859.html