Nghẹn ngào những mảnh đời vô gia cư lay lắt trong đêm mưu sinh khốn khổ

0h 30 phút phố xá náo nhiệt dần “nhường chỗ” cho không gian yên ắng tĩnh mịch đến nao lòng, nhất là trong những ngày dịch Covid -19 diễn biến phức tạp. Bên dưới ánh đèn đường mờ ảo, có những người vô gia cư nằm co ro trên những chiếc bạt, nềm trải vội, đắp chiếc chăn rách mỏng dính và xung quang chất đầy những thứ đồ lỉnh kỉnh. Cuộc sống vốn đã cơ cực, nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến những người “cù bất cù bơ” này rơi vào cảnh đã khốn khó càng thêm khốn khó…

100 vỏ chai = 15 nghìn = 1 suất cơm nghẹn đắng

Khốn khổ và cô độc là những từ ngắn gọn nhất để miêu tả cuộc sống của những người vô gia cư. Không nhà cửa, không tiền bạc và không nơi nương tựa, những người này dù đã tuổi cao sức yếu, nhưng, ngày ngày họ vẫn phải rong ruổi trên hành trình mưu sinh đơn độc. Ở cái độ tuổi 60-70, đáng nhẽ ra những người này phải được vui vầy bên con cháu, tận hưởng tuổi già, thế mà họ vẫn phải “trú ngụ” ở những vỉa hè, gầm cầu,… mỗi khi đêm về.

Lang thang trong đêm, chúng tôi bắt gặp một người vô gia cư đang ngồi trước cửa của một ngôi nhà trên phố Tràng Thi. Trước mắt chúng tôi là người đàn ông có thân hình gầy gò dường như chỉ còn “da bọc xương”, nhìn ông tôi chợt liên tưởng đến ngọn nến, một ngón nến lay lắt trước bão tố cuộc đời.

Ông giới thiệu tên là Hải, năm nay đã ngoài 70 tuổi, dù đến  tuổi cần được nghỉ ngơi an dưỡng, nhưng ông Hải vẫn đang chật vật mưu sinh bằng công việc nhặt ve chai mỗi ngày. Đưa đôi tay chai sạn, nhăn nheo còn nhem nhuốc những vết bẩn run run đón lấy túi đồ ăn, ông cười hiền hậu: “Đây là phần cho sáng mai, tối nay tôi đã được ăn tối rồi”.

Đã gần 60 năm kể từ khi xa gia đình, ông Hải sống lang bạt khắp nơi, ban ngày kiếm tiền mua đồ ăn, ban đêm ông sống cảnh “màn trời chiếu đất”. Hành trang của ông gồm có một chiếc xe đạp cũ được nhà hảo tâm tài trợ, trên xe chất đầy túi nilon, bìa catton, vỏ lon chai nhựa... Những đồ vật vứt đi tưởng chừng như đơn giản đó là tất cả những gì mà người đàn ông này có, là tài sản vô cùng quý giá mà ông phải nâng niu, giữ gìn.  

Thứ quý giá nhất với ông Hải có lẽ là chiếc xe đạp và những vỏ chai lọ mà ông kiếm được - Ảnh: Thái Phương

Tâm sự với chúng tôi ông kể, ông lạc mất người thân và phiêu bạt ngoài đường từ năm 12 tuổi.  Không giấy tờ tuỳ thân, không gia đình, ông lang thang, vạ vật  khắp chốn để kiếm kế sinh nhai. Mỗi ngày ông dậy sớm trước khi nhà người ta mở cửa, sau đó đi vệ sinh ở nhà vệ sinh công cộng. Cả ngày lang thang kiếm ăn, tối đến, chờ khi các cửa hàng tắt đèn, ông lại trở về đúng chỗ cũ, nghỉ ngơi trên “chiếc giường vỉa hè.”

Mỗi ngày ông Hải kiếm vài chục ngàn đồng từ việc bán giấy vụn, vỏ chai nhặt nhạnh được trong thùng rác, trên vỉa hè và các quán ăn ở khu vực Hà Nội. “Từ khi có dịch Covid-19, các hoạt động xã hội giảm mạnh nên một ngày tôi cũng chẳng nhặt được nhiều, có ngày “bới” thùng rác cả ngày chỉ được gần 100 vỏ chai. Dịch như thế này người ta thu mua với giá rẻ, 10 vỏ chai được 1.500 đồng, 100 vỏ được 15.000 đồng, 15.000 bằng một suất cơm có lúc tằn tiện chẳng dám tiêu”, ông buồn bã chia sẻ.

Bữa ăn thường ngày của ông là gói cháo ăn liền, mì gói, hôm tươm tất lắm mới được suất cơm 15 nghìn đồng. Dù cuộc sống khó khăn nhưng nụ cười vẫn thường trực trên gương mặt già nua của người đàn ông này. Ông kể, có nhóm tình nguyện thương cảm số phận của ông nên ngỏ ý muốn thuê một căn nhà trọ giúp ông tránh mưa tránh nắng nhưng ông không nhận. Một phần ông sợ nhờ vả phiền toái mọi người, một phần ông đã quen với cuộc sống ngoài đường, người đàn ông này luôn coi vỉa hè là nhà, đất là giường, mọi người xung quanh chỗ ông ngủ là hàng xóm láng giềng “tắt lửa tối đèn có nhau”.

Khát khao có một mái ấm hạnh phúc

Dưới chân cầu Chương Dương, ông Hùng (55 tuổi) đang ngồi thẫn thờ bên đống đồ chất cao như núi. Ông cho biết, 5 năm ông gắn bó với Hà Nội cũng là khoảng thời gian ông gắn bó với cảnh “màn trời chiếu đất”. Nhìn khuôn mặt khắc khổ, ánh mắt đượm buồn cùng với bộ quần áo cũ mèm càng khiến người đàn ông này trông tội nghiệp.

Sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng, ông Hùng là con út trong gia đình nghèo 5 anh em đều bị dị tật, các anh của ông dị tật chân, còn riêng ông dị tật cả 2 bàn tay. Từ nhỏ, đôi bàn tay của ông đã yếu, không thể co duỗi và vận động mạnh như người bình thường. Vậy mà hàng ngày người đàn ông này vẫn phải đẩy bộ gánh hàng để mưu sinh vì không có tiền mua xe đạp.

Đôi tay dị tật khiến ông thể làm được những công việc tay chân nặng nhọc- Ảnh: Thái Phương

Ông Hùng cho hay, từ khi bố mẹ và các anh lần lượt qua đời, ông rơi vào cảnh bơ vơ, không người thân thích. Vùng quê miền núi nghèo nàn nên tìm việc cũng khó khăn, chỉ có công việc bốc vác nặng nhọc nhưng vì tay yếu nên ông không làm nổi. Đó cũng là lý do ông khăn gói xuống Hà Nội, ông chẳng mong muốn gì viển vông, chỉ muốn có một công việc phù hợp để kiếm ăn qua ngày.

Công việc của ông Hùng là đẩy gánh hàng bán cặp lồng, kim chỉ, áo mưa,… rong ruổi khắp các con phố để bán hàng. Khi được hỏi về tình hình buôn bán trong dịch, ông Hùng ngao ngán chỉ tay về phía đống bìa các tông rồi nói: “ Trước khi có dịch Covid-19 thu nhập cũng tạm gọi là đủ sống, mỗi ngày tôi kiếm được khoảng hơn 100.000 đồng. Còn bây giờ có hôm lòng vòng cả ngày không bán được một thứ gì, hiện tại tôi phải nhặt bìa cát tông để kiếm thêm đồng ra đồng vào”.

Ông Hùng chia sẻ với PV Người đưa tin Pháp luật- Ảnh: Thái Phương

"Nhìn xung quanh người ta có gia đình êm ấm tôi thấy chạnh lòng, tủi thân vô cùng, nhưng, tôi tự biết thân biết phận mình nên cũng không dám đòi hỏi nhiều. Cơ thể không lành lặn như người bình thường, không nhà không cửa, không tiền bạc, đến lo thân mình chưa xong thì lấy gì lo cho người ta. Thế nhưng nhiều lúc tôi cũng mong muốn có một mái ấm gia đình, có người chăm sóc, tỉ tê tâm sự mỗi ngày”.

Trong đêm vắng, mặc cho những dòng người đang tất bật di chuyển để trở về nhà của mình, duy chỉ có những người lao động nghèo, những người vô gia cư vẫn còn lang thang khắp mọi nẻo đường mưu sinh khốn khó. Mỗi người mỗi cảnh, có những người hết ngày dài lại đến đêm thâu sống như vậy suốt nhiều năm nay.

Rời những con phố hiu hắt ánh đèn hình ảnh của ông Hải và ông Hùng vẫn khiến chúng tôi không khỏi day dứt. Tôi thầm nghĩ, dù đêm đông lạnh giá, mưa phùn gió bấc cũng không thể lạnh và cùng cực bằng nhưng trái tim cô độc, khát khao được yêu thương…

Sống hơn nửa đời người, ông Hùng vẫn một mình lẻ loi trong hành trình mưu sinh nhọc nhằn, đơn độc. Nhìn vào ánh mắt của ông khi kể chuyện, chúng tôi cảm nhận người đàn ông này luôn khát khao có một mái ấm gia đình, nhưng dường như đó là mong muốn quá đỗi xa xỉ với ông…

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nghen-ngao-nhung-manh-doi-vo-gia-cu-lay-lat-trong-dem-muu-sinh-khon-kho-a71866.html