Tuy nhiên, nền hòa bình ở Việt Nam lại một lần nữa bị thách thức ở khu vực biên giới Tây Nam khi lực lượng Khmer Đỏ sau khi nắm chính quyền tại Campuchia liên tục tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, giết chóc người dân và đốt phá làng mạc Việt Nam trong những năm 1975 – 1978.
Hiểu rõ giá trị của hòa bình khi vừa phải trải qua 2 cuộc chiến tranh với những đối thủ hùng mạnh nhất thế giới trong thế kỷ 20 là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần tìm cách đàm phán với Khmer Đỏ và chủ trương chỉ tổ chức phòng ngự trước các đợt tấn công của chúng.
Thiện chí ấy đã bị phía Khmer Đỏ “dội gáo nước lạnh” khi chúng ngày càng gia tăng các hoạt động tàn sát người dân Việt Nam và thậm chí còn chủ trương chống Việt Nam. Nghị quyết của Khmer Đỏ ngày 1/2/1978 nêu rõ: “Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15, đến 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam”.
Đỉnh điểm của các hoạt động chống phá Việt Nam của Khmer Đỏ diễn ra vào tháng 4/1978 trong vụ thảm sát Ba Chúc, nơi chúng giết hại tới 3.157 dân thường trong đó có hơn 100 gia đình bị giết cả nhà. Từ năm 1975 cho tới năm 1978, có tới 30.000 người Việt Nam bị Khmer Đỏ sát hại trong các cuộc tấn công dọc biên giới. Điều này đã buộc Việt Nam phải chuyển sang sử dụng vũ lực để giải quyết cuộc xung đột.
Ngày 13/12/1978, Khmer Đỏ đã huy động 19 trong 23 sư đoàn (khoảng 80.000-100.000 quân) tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Quân đội Việt Nam đã chống trả quyết liệt và đã kìm chân bước tiến, đồng thời tiêu hao sinh lực của quân Khmer Đỏ. Các hướng tiến quân của Khmer Đỏ bị chặn lại và không thể tiến lên.
Đến cuối tháng 1/1979, quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng cách mạng Campuchia đã tiêu diệt và làm tan rã 18 sư đoàn Khmer Đỏ (diệt 12.000 lính, bắt 8.800 lính, gọi hàng 3.200 lính và làm tan rã tại chỗ 44.000 lính); giải phóng trên 4 triệu dân Campuchia, thu hồi toàn bộ cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật quân sự, đập tan bộ máy chính trị của Khmer Đỏ từ Trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, tàn quân Pol Pot vẫn tiếp tục chống cự và quấy nhiễu, gây ra nhiều thương vong cho quân đội Việt Nam đồn trú tại Campuchia.
Liên tiếp trong 10 năm, từ 1979-1989, quân tình nguyện Việt Nam đã ở lại nước bạn, kề vai sát cánh với quân và dân Campuchia đánh bại mưu toan phục hồi chế độ diệt chủng, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước Chùa Tháp.
Tuy nhiên sự chí tình, chí nghĩa của “Đội quân nhà Phật” - như cách người dân Campuchia gọi quân tình nguyện Việt Nam - đã khiến Việt Nam phải hứng chịu những lời chỉ trích, lên án rất khó lý giải từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đa số coi hành động của Việt Nam là hành động “can thiệp quân sự và chiếm đóng” Campuchia bất chấp thực thế là chính Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã khẳng định, quân tình nguyện Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải phóng Campuchia.
“Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay lại của chúng? Câu trả lời chính là nhân dân và quân đội Việt Nam. Nhân dân Campuchia có niềm tin, chỉ có tiên, có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu tiên, Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”, Thủ tướng Hun Sen khẳng định.
Lợi dụng khu vực biên giới Tây Nam Việt Nam bất ổn, ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa 2 nước mà theo lời nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nói trong cuộc trao đổi với Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tháng 1/1979 là nhằm “dạy cho Việt Nam một bài học” sau những bất đồng giữa hai nước về nhiều vấn đề, trong đó có Khmer Đỏ, lực lượng được Trung Quốc hậu thuẫn nhằm chống phá Việt Nam.
Dù chỉ kéo dài khoảng một tháng nhưng chiến tranh biên giới phía Bắc đã gây ra những tổn thất lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn là lời “cảnh tỉnh đanh thép” với bất kỳ thế lực nào âm mưu xâm chiếm hoặc gây bất ổn cho Việt Nam cũng như khẳng định quyết tâm lớn lao trong việc bảo vệ toàn vẹn biên cương, lãnh thổ quốc gia.
Vừa phải căng mình bảo vệ 2 đầu biên giới đất nước, Việt Nam còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn về kinh tế, đặc biệt khi đất nước vừa mới bước qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ khiến nguồn lực quốc gia gần như cạn kiệt và tư duy kinh tế tập trung, bao cấp từng đóng vai trò then chốt trong việc tổng động viên sức người, sức của cho tiền tuyến giờ đã không còn phù hợp với thời đại mới.
Giáo sư Kinh tế Đại học Waseda, Nhật Bản Trần Văn Thọ từng tổng kết: “Mười năm sau 1975 là một trong những giai đoạn tối tăm nhất trong lịch sử Việt Nam. Chỉ nói về mặt kinh tế, là một nước nông nghiệp (năm 1980, 80% dân số sống ở nông thôn và 70% lao động là nông dân) nhưng Việt Nam thiếu ăn, nhiều người phải ăn bo bo trong thời gian dài. Lượng lương thực tính trên đầu người giảm liên tục từ năm 1976 đến 1979, sau đó tăng trở lại nhưng cho đến năm 1981 vẫn không hồi phục lại mức năm 1976. Công thương nghiệp cũng đình trệ, sản xuất đình đốn, vật dụng hằng ngày thiếu thốn, cuộc sống của người dân vô cùng khốn khó.
Ngoài những khó khăn của một đất nước sau chiến tranh và tình hình quốc tế bất lợi, nguyên nhân chính của tình trạng nói trên là do sai lầm trong chính sách, chiến lược phát triển, trong đó nổi bật nhất là sự nóng vội trong việc áp dụng mô hình xã hội chủ nghĩa trong kinh tế ở miền Nam... Nguy cơ thiếu ăn kéo dài và những khó khăn cùng cực khác làm phát sinh hiện tượng “phá rào” trong nông nghiệp, trong mậu dịch và trong việc quyết định giá cả lương thực đã cải thiện tình hình tại một số địa phương”.
Trong giai đoạn hết sức khó khăn đó, đã xuất hiện những “người xé rào” cho Đổi mới ở cả hai miền Nam, Bắc dù họ phải đối mặt với rất nhiều sức ép và thậm chí phải trả giá bằng sinh mệnh chính trị của mình. Đó là nguyên Giám đốc Sở Thương nghiệp và Du lịch Hải Phòng Nguyễn Kim Tín, người “đốt tem phiếu” bằng công bố ngày 15/5/1984 rằng tem phiếu không có giá trị mua bán, ai có nhu cầu đến các cửa hàng mua theo giá trị ghi sẵn, là bà Ba Thi, nguyên Giám đốc Công ty Kinh doanh Lương thực TPHCM, với quyết định bán gạo một giá đầu tiên trong cả nước, góp phần quyết định lo đủ gạo ăn cho 4 triệu dân của Thành phố mang tên Bác hay nguyên Bí thư tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính, tức Chín Cần, người tạo đột phá bằng quyết định “bù giá vào lương” nhằm xóa bỏ sự chênh lệch lớn giữa giá thị trường tự do với giá chỉ đạo của Nhà nước.
Hàng rào bao cấp bị xé bỏ, kinh tế Việt Nam dần dần khởi sắc và tới năm 1991 bước vào giai đoạn ổn định và phát triển. Tăng trưởng kinh tế của thời kỳ 1992-1997 đã cao gấp hơn hai lần của thời kỳ 1977-1991. Lạm phát của thời kỳ này cũng đã giảm mạnh so với thời kỳ 1986-1991 (bình quân năm là 9,5% so với 180,2%). Mất cân đối cán cân thương mại giảm dần và đến 1992, lần đầu tiên đã xuất siêu nhẹ.
Sự khởi sắc về kinh tế này đã trở thành bàn đạp vững chắc nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này cũng mở ra cơ hội giúp Việt Nam phá vỡ bao vây, cấm vận từ phía Mỹ, chủ động hội nhập quốc tế và đạt được những kết quả đáng khích lệ trong tương lai./.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/bai-3-vung-tay-sung-bao-ve-bien-cuong-xe-rao-cho-doi-moi-a71871.html