5 ngày trong trung tâm Covid - 19 của Bệnh viện TW Huế

Nhưng những nhân viên y tế ở đây - Trung tâm cách ly và điều trị COVID-19 tại cơ sở 2 của Bệnh viện Trung ương Huế không có mấy giây phút thảnh thơi để tận hưởng vẻ đẹp đất trời. Những bệnh nhân cũng thế.

CHUYỆN VỀ NHỮNG NGƯỜI ĐỨNG RẤT XA LẴNG HOA VÀ ỐNG KÍNH

Bầu trời Phong Điền trong xanh, sáng nào mây cũng vẽ vô số những vệt trắng nhạt phớt xếp hình rẻ quạt như một mặt hồ gợn sóng khổng lồ trên không. Chiều, nắng rơi trên những hàng phi lao xanh ngắt, cây trà nở hoa đỏ thắm và bãi cỏ viền quanh những con đường trong khuôn viên bệnh viện, đầy bình an thơ mộng.

Tối nào cũng vậy, cứ khoảng 8 giờ, vị ni cô 75 tuổi lại ngồi thiền trên giường bệnh. Đôi bàn tay chắp lại lần nhẹ vòng tràng hạt ngắn, lưng thẳng tắp, mắt nhắm. Rồi bà chắp hai tay bái về phía trước cùng với thân hình phủ phục sát mặt nệm. Chậm rãi và đều đặn, hàng tiếng đồng hồ liền. Sau cùng, bà ngồi dậy, tay vẫn lần chuỗi tràng hạt, quay mặt đối diện với cửa sổ, cứ ngồi thế nhìn ra ngoài rất lâu.

Mỗi buổi chiều, vị ni cô đều ngồi nhìn xa xăm ra ngoài cửa sổ, không di chuyển

Giữa khung cửa sổ rộng mở ra trời đêm tối đen, dáng người phụ nữ trong chiếc áo lam màu xám trông nhạt mờ và cô độc. Bà là một trong số ít bệnh nhân còn dương tính với COVID-19 cho đến ngày chúng tôi rời Huế, vào 20/8.

Tôi không biết bà đã nghĩ gì suốt bao nhiêu đêm ngày một mình với chiếc tràng hạt, với lòng tin và bài tập thiền suốt nhiều tiếng đồng hồ, chỉ có những bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý ra vào trong bộ áo trùm kín mít không trông thấy mặt mũi làm bạn. Trong khu bệnh nhân COVID-19 không có bất cứ thứ gì giải trí để giảm đi buồn bã và tẻ nhạt.

Nếu những người bên ngoài xem được các hình ảnh này, tôi nghĩ họ sẽ đo được rất cụ thể giá trị của sức khỏe, sự tự do đi lại, công việc hàng ngày, những bữa ăn theo sở thích, đêm ngủ tròn giấc, quây quần với cha mẹ, vợ chồng, con cái… mà chúng ta đang được hưởng.

1 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại Trung tâm Cách ly của Bệnh viện TW Huế

NẾU NHỮNG NGƯỜI BÊN NGOÀI XEM ĐƯỢC CÁC HÌNH ẢNH NÀY, TÔI NGHĨ HỌ SẼ ĐO ĐƯỢC RẤT CỤ THỂ GIÁ TRỊ CỦA SỨC KHỎE, SỰ TỰ DO ĐI LẠI, CÔNG VIỆC HÀNG NGÀY, NHỮNG BỮA ĂN THEO SỞ THÍCH, ĐÊM NGỦ TRÒN GIẤC, QUÂY QUẦN VỚI CHA MẸ, VỢ CHỒNG, CON CÁI… MÀ CHÚNG TA ĐANG ĐƯỢC HƯỞNG.

Trung tâm cách ly và điều trị COVID-19 nằm ở cạnh con đường nhỏ ven khu dân cư lác đác vài ba cái nhà xen giữa ruộng lúa và bãi cỏ, gần sát tường rào của cơ sở 2. Bệnh viện này không ở trung tâm thành phố hay huyện lỵ mà nằm tách biệt hẳn ở thôn Thượng An, xã Phong An, huyện Phong Điền, cách thành phố Huế khoảng 21km, rất vắng vẻ. Địa thế này thuận lợi để điều trị các bệnh lây nhiễm do rất rộng và thông thoáng, rất nhiều cây, giống như một nơi nghỉ dưỡng.

Khu nhà được dựng bằng container này là khu thay quần áo khử khuẩn trước khi vào khu làm việc hành chính và Khu cách ly

Mỗi điều dưỡng hay bác sĩ ra vào Khu cách ly đều phải ra ngoài rửa tay khử khuẩn, súc họng bằng các công cụ được đặt ở bên ngoài container

Trước, nó là khu bệnh nhiệt đới; từ khi có dịch COVID-19 thì chuyển sang dùng cách ly và điều trị bệnh nhân.

Kiểm soát nhiễm khuẩn là quan trọng nhất đối với các bệnh lây nhiễm.

Với hỗ trợ của các đoàn tăng cường của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, BV Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện TW Huế, chuyên gia của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Trung tâm đã bố trí và sắp xếp lại khá nghiêm ngặt. Chúng tôi được hướng dẫn xịt Presept (hoá chất có chứa clo hoạt tính, thay cho cồn) vào đế dép ở vòng kiểm soát đầu tiên cách đó khoảng 50m, rửa tay kỹ lưỡng ở 2 khu vực bồn rửa thoáng bên ngoài, sau đó vào 2 container được dùng làm nơi thay áo quần, ăn uống và nghỉ ngơi để thay bộ quần áo lót phẫu thuật viên bằng vải được giặt và hấp kỹ của nhân viên y tế, đội mũ trùm kín tóc, đeo khẩu trang đúng chuẩn, thay dép sạch, sau đó mới được bước vào Trung tâm.

Hàng ngày, thậm chí hàng giờ, tất cả các vật dụng thải ra như đồ bảo hộ y tế cá nhân dùng một lần; các đồ vải như áo quần, chăn gối, drap trải giường, khăn tắm cho bệnh nhân, vật dụng của người bệnh và nhân viên y tế… đều được phân loại, bao gói, chuyển đi xử lý làm sạch hoặc đốt bỏ theo quy định của của Bộ Y tế. Máy móc thiết bị được bao gói hoặc khử khuẩn định kỳ. Những gì người đọc ít khi trông thấy trên báo chí như luồng đi lại của nhân viên y tế khi đi vào và ra khỏi các phòng bệnh, khi vận chuyển vật dụng, thức ăn, thuốc thang và các mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm, các giới hạn khu sạch và khu có nguy cơ nhiễm bệnh cao/thấp, hay xử lý thi hài… đều được tính toán và theo dõi hàng giờ để kịp thời cải tiến.

Các nhân viên y tế đang gom rác của các bệnh nhân trong Khu cách ly

Các loại máy móc sau khi sử dụng sẽ được khử khuẩn và phủ vải trắng để nhận biết với các loại máy móc khác

Quá trình vận chuyển ra khu vực để rác thải

Khu vực gom rác thải trong Khu cách ly của bệnh nhân trước khi đem đi xử lý

Dãy phòng hình chữ I của Trung tâm, một đầu dùng làm khu hành chính, còn gọi là Vòng ngoài, là nơi diễn ra các hoạt động giao ban mỗi sáng, kê thuốc, làm sổ sách, cung ứng tất cả vật dụng, thuốc men, thức ăn cho bệnh nhân và trang thiết bị cần thiết. Qua một đoạn hành lang ngắn là bước vào Khu giới hạn.

Các bác sĩ ở bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hà Nội đến họp giao ban mỗi ngày với các cán bộ của bệnh viện

Để nắm tình hình của các bệnh nhân trong khu vực cách ly, các bác sĩ ở khu hành chính sẽ gọi Facetime với các điều dưỡng bên trong

Khu này gồm một khu vực đệm và Khu phòng bệnh của các bệnh nhân dương tính với COVID-19.

Đệm là Phòng thay phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE) của nhân viên y tế trước khi bước vào phòng bệnh và kho cất các đồ dùng cho người bệnh như drap, khăn tắm, áo gối… Một không gian thoáng tiếp nối phòng này dùng để các hộ lý làm sạch dép và các vật dụng khác mà nhân viên y tế mang vào/mang ra khỏi phòng bệnh, xe mini đưa các vật dụng từ Vòng ngoài vào Vòng trong và ngược lại. Ngay cả tiền giấy của bệnh nhân muốn mang ra cũng phải qua hấp tiệt khuẩn ở nhiệt độ thấp.

Mặc PPE đúng phải trải qua nhiều bước tỉ mỉ, cái gì mang trước, cái gì mang sau, mang như thế nào. Trong phòng thay PPE có nhiều bản quy định hướng dẫn bằng hình vẽ các bước, và luôn có ít nhất một bác sĩ hay chuyên viên Kiểm soát nhiễm khuẩn giám sát và hỗ trợ. Một miếng băng dán nơi phía trên khẩu trang hở ra, vài miếng băng dán cho chặt nơi tiếp giáp giữa cổ áo và găng tay, hay đơn giản chỉ là viết tên vào sau lưng bộ áo bảo hộ… Họ luôn cần phải giúp nhau.

Khi phóng viên của chúng tôi bắt đầu mặc PPE với sự giúp đỡ của các chuyên viên Kiểm soát nhiễm khuẩn, tôi đo thử thời gian. Mất 25 phút. Mang đôi bốt nhựa, mang khẩu trang, dán băng mũi, đeo kính, trùm mũ bảo hộ và đeo tấm chắn giọt bắn, mặc quần áo bảo hộ, mang một đôi giày giấy bao ra ngoài lần nữa và đeo ít nhất một đôi găng tay. Các nhân viên y tế thì thuần thục gấp nhiều lần, họ xong toàn bộ chỉ trong vòng năm, sáu phút, nhưng ai mặc xong thì hơi nước cũng đã bốc lên mờ gần kín hai mắt kính bảo hộ.

Khu vực Đệm - Nơi các y bác sĩ thay đồ trước khi vào khu vực cách ly

Dãy hành lang lối đi ở khu bệnh nhân, đứng nhìn từ khu Đệm

Một khu vực phòng đệm khác là nơi cởi bỏ PPE bẩn.

Mặc PPE khó một thì cởi bỏ PPE khó gấp bội lần vì nếu thực hành không đúng sẽ có nguy cơ phơi nhiễm với mầm bệnh. Chỉ riêng việc khi nào cởi bỏ khẩu trang và thay đôi dép (thay tổng cộng 3 lần) cũng không dễ nhớ ngay. Do vậy, tất cả nhân viên y tế đều phải được tập huấn kỹ trước khi vào làm việc tại Khu cách ly.

Tiếp đó là Vòng trong - các phòng bệnh nơi bệnh nhân đang được điều trị.

Luồng đi lại theo quy định chỉ được đi một chiều để tránh nhiễm khuẩn chéo. Ngoài ra còn có những chiếc quạt công nghiệp để thổi luồng không khí một chiều từ khu vực sạch nhất đến khu vực bẩn nhất, sau đó thoát ra ngoài nơi có ít người qua lại và thoáng đãng.

Khu vực cách ly của bệnh nhân, xe robot vận chuyển đồ từ khu ngoài vào cho bệnh nhân đều được khử khuẩn, sau đó mang vào trong Khu cách ly

Các bác sĩ đang trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân

Anh Sáng đang đứng quan sát đồng nghiệp làm việc và gửi hình ảnh ra bên ngoài bằng một chiếc Ipad

Các bác sĩ đang chuẩn bị thuốc và dụng cụ vệ sinh cho bệnh nhân

Mỗi một hành vi chủ quan xem nhẹ, một bước chân trong bộ đồ bảo hộ từ phòng bệnh ra đi quá barie đều có thể mang lại nguy cơ lây nhiễm cho chính mình và nhiều người khác.

Khi xem những thước phim mô tả cuộc chiến đấu bên trong bệnh viện, hầu như ai cũng xúc động với hình ảnh những nhân viên y tế bịt kín mít trong bộ đồ bảo hộ, mắt mờ hơi nước sau lớp kính, mồ hôi đổ thành dòng, cơ thể nóng đến mức sau khi cởi bỏ bộ quần áo bảo hộ, đồng nghiệp phải đổ nước lên đầu cho bớt. Họ là các bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị, chăm sóc người bệnh.

Nhưng có những người đứng xa ống kính và các bó hoa rất nhiều lần - như lời nói của BS Nhiệm, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Trung ương Quảng Nam. Đó là các chuyên viên, bác sĩ làm Kiểm soát nhiễm khuẩn - những người làm tất cả các công việc tôi vừa kể ở trên. Và các hộ lý.

Hộ lý là những nhân viên y tế cấp thấp nhất trong chiếc thang xếp loại nhân viên y tế trong bệnh viện. Họ làm các công việc tay chân nhiều nhất, vất vả nhất, nhiều nguy cơ lây nhiễm nhất, bất kể giờ giấc nhất, mà phúc lợi và danh tiếng cũng là thấp nhất, thậm chí chẳng hề có chút danh tiếng.

Họ cung cấp đầy đủ tất cả đồ dùng, dọn dẹp tất cả rác thải của tất cả nhân viên y tế và bệnh nhân, giặt giũ, rửa dép, lau sạch tất cả các bề mặt hay vật dụng có cơ thể người chạm đến, đồng thời hỗ trợ điều dưỡng vệ sinh cá nhân cho người bệnh. 24 tiếng/ca làm việc liên miên bất chấp. Kể cả khi đang cầm chén cơm ăn, nếu có yêu cầu mang mẫu đi xét nghiệm cũng phải bỏ xuống để đi cho kịp.

Đó chính là phần thầm lặng nhất của hậu phương, cũng là phần cần được trân trọng và tôn vinh xứng đáng.

Xin hãy ghi ơn họ.

HỘ LÝ LÀ NHỮNG NHÂN VIÊN Y TẾ CẤP THẤP NHẤT TRONG CHIẾC THANG XẾP LOẠI NHÂN VIÊN Y TẾ TRONG BỆNH VIỆN. HỌ LÀM CÁC CÔNG VIỆC TAY CHÂN NHIỀU NHẤT, VẤT VẢ NHẤT, NHIỀU NGUY CƠ LÂY NHIỄM NHẤT, BẤT KỂ GIỜ GIẤC NHẤT, MÀ PHÚC LỢI VÀ DANH TIẾNG CŨNG LÀ THẤP NHẤT, THẬM CHÍ CHẲNG HỀ CÓ CHÚT DANH TIẾNG. XIN HÃY GHI ƠN HỌ.

MỖI NGƯỜI LÀ MỘT MẢNH GHÉP

Công việc quen thuộc mỗi ngày của các y bác sĩ: Theo dõi các tấm phim chụp của bệnh nhân

CHỊ ĐỪNG PHỎNG VẤN EM CHỊ NẠ. PHỎNG VẤN EM CŨNG KHÔNG TRẢ LỜI MÔ. MỖI NGƯỜI Ở ĐÂY LÀ MỘT MẢNH GHÉP, KHI GHÉP VÔ VỚI NHAU MỚI HOÀN TẤT CÔNG VIỆC ĐƯỢC. THIẾU MỘT AI, THIẾU MỘT BỘ PHẬN NÀO CŨNG KHÔNG THỂ ĐƯỢC MÔ. NGAY CẢ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÓ MẶT Ở ĐÂY NHƯ CÁC KHOA, PHÒNG THÌ MỌI NGƯỜI ĐỀU PHẢI LO TẤT CẢ MỌI THỨ CẦN THIẾT, TỤI EM MỚI CÓ THỂ BƯỚC VÀO VÒNG TRONG LÀM VIỆC TỐT ĐƯỢC. MỘT NỮ ĐIỀU DƯỠNG RẤT TRẺ, VÀ CŨNG RẤT GIỎI KỂ VỚI TÔI TRONG VÀI PHÚT HIẾM HOI CHÚNG TÔI NGỒI ĂN CÙNG NHAU BỮA TRƯA

Trong Trung tâm COVID-19 không có ban đêm. Các ca làm việc thay phiên nhau liên tục: bác sĩ 24 tiếng/ca, điều dưỡng 6 tiếng/ca, nhiều kíp thay phiên nhau. Đó là cả một guồng máy đông đảo gồm các bác sĩ, điều dưỡng điều trị và chăm sóc, bác sĩ và chuyên viên Kiểm soát nhiễm khuẩn, buồng bệnh, kỹ thuật viên chạy thận, chạy máy thở, máy ECMO, các nhân viên kế hoạch, tổng hợp, trực lãnh đạo, kỹ thuật viên xét nghiệm, bếp ăn dinh dưỡng, khu giặt, nhân viên vệ sinh và đầu mối ở các Khoa, Phòng trong bệnh viện để cung cấp tất cả các nhu cầu của Khu cách ly.

Nhân viên nấu ăn trong khu vực dinh dưỡng

Tính ra, thời điểm cao nhất có 24 bệnh nhân điều trị, thì ở Vòng ngoài con số phải lên đến hàng trăm. Mỗi bệnh nhân kéo theo vài ba chục người phục vụ. Người bệnh nặng thì thường xuyên còn có ít nhất hai nhân viên y tế túc trực tại giường bất kể ngày đêm.

Kéo theo số người nằm viện là chi phí khổng lồ. Mỗi lần một nhân viên y tế đi vào Vòng trong phải sử dụng một bộ đồ bảo hộ cá nhân bao gồm: khẩu trang N95, kính bảo hộ, tấm chắn giọt bắn, mũ trùm tóc, bốt nilon chống thấm, bốt giấy và ít nhất một đôi găng tay y tế. Ra khỏi phòng bệnh, tất cả các thứ kể trên phải đốt sạch, tiêu tốn vài trăm ngàn đồng/bộ. Nhân lên với ít nhất ba bốn chục lượt vào ra phòng bệnh, đủ biết tốn kém bao nhiêu. Ấy vậy mà đó mới là khoản chi phí dễ nhìn thấy nhất.

Đợt này có nhiều người nhiễm COVID-19 đã sẵn bệnh nền nặng. Trung tâm COVID-19 phải điều trị cùng lúc tất cả các bệnh đó. Vì thế khi cần di chuyển bệnh nhân qua các Khoa, Phòng, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn phải tính toán một lối đi ít người, cho bệnh nhân đeo khẩu trang (nếu được) để hạn chế phát tán mầm bệnh. Họ còn phải tạo một lá chắn giữa người bệnh với nhân viên y tế và không gian xung quanh, chẳng hạn đặt bệnh nhân nằm trong một ống dài làm bằng vật liệu nhẹ, trong suốt để thuận tiện theo dõi bệnh nhân trong quá trình di chuyển; và cân nhắc tất cả các điểm phun khử khuẩn trong quá trình di chuyển đó.

Trung tâm cũng phải bố trí sẵn các máy thở, máy chạy thận dùng riêng cho họ. Nếu máy hư hỏng, kỹ sư sửa chữa các máy móc đó vẫn có nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh (máu, dịch tiết trong các chi tiết máy). Làm thế nào khử trùng thế nào cho tất cả chi tiết máy có rất nhiều chi tiết tinh vi mà không làm nó hỏng thêm, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn cho các kỹ sư? Đó là bài toán đau đầu.

VÌ VẬY, XIN ĐỪNG TIẾP TỤC THEO ĐUỔI QUAN NIỆM COVID-19 CŨNG CHỈ LÀ MỘT DẠNG BỆNH CÚM NHẸ VÀ DỄ CHỮA, CHỈ LÀM CHẾT MỘT SỐ ÍT NGƯỜI GIÀ YẾU VÀ CÓ SẴN BỆNH NỀN NẶNG. HÃY THỬ PHÂN TÍCH CHI PHÍ VÀ CÔNG SỨC KHỔNG LỒ CỦA CẢ BỘ MÁY Y TẾ VÀ XÃ HỘI ĐÃ PHẢI BỎ RA CÁCH LY, KIỂM SOÁT VÀ ĐIỀU TRỊ, CÙNG CÁC CƠ HỘI ĐÃ MẤT ĐI VÌ TRẬN DỊCH.

Thêm một bệnh nhân, kéo dài một cơn dịch, sự vất vả và nguy cơ phơi nhiễm bệnh cho chính các nhân viên y tế đang chăm sóc bệnh nhân đều không thể tính toán nổi. Đừng chủ quan.

Xin đừng ích kỷ và chủ quan.

NHỮNG CÂU CHUYỆN NHỎ

Duyên, điều dưỡng trưởng của Trung tâm cách ly trong mùa dịch trước kể, có hôm sáng dậy đi làm thấy bệnh viện vắng vắng, lại ngạc nhiên nghĩ thầm sao hôm nay mọi người đi đâu. Gọi điện đến các khoa phòng hỗ trợ không ai cầm máy, phải gọi di động. May mà mọi người đều nghe và vui vẻ giải quyết công việc. Đến trưa, việc vãn, ngẩng lên hỏi đồng nghiệp mới hay hôm đó là chủ nhật, bệnh viện nghỉ, chỉ những ai trực mới làm việc. Mà hôm ấy cũng không phải ca trực của cô.

- Cứ sáng ra là xuống Khu cách ly làm việc, nó thành thói quen rồi chị. Rồi cũng chẳng biết ngày giờ luôn - Duyên tự cười mình.

- Bây chừ còn đi được chứ lúc ban đầu là chạy không thôi, chị. Nhận bệnh, chăm sóc, lấy mẫu đi xét nghiệm, làm giấy tờ sổ sách… chỉ chạy mới kịp. Ba bốn tuần liên tục không nghỉ ngày mô, sáng 7h làm việc đến 6h tối, những ngày đầu thì đến 9, 10h tối. Ăn cơm nuốt không vô, như em là chỉ uống sữa không thôi. Thèm ngủ hơn thèm ăn chị nạ - vài nữ điều dưỡng khác kể.

Chị Duyên, điều dưỡng trưởng của Khu cách ly

Bác sĩ
Trần Thị Huyền Trân

Anh Lê Văn Sáng

Có những bác sĩ là nam thanh niên khỏe mạnh cũng chỉ ăn được chừng nửa suất cơm công vụ rồi bỏ dở. Có người ăn cháo. Có người ăn đỡ ly mì gói không thịt cá, không rau xanh, chỉ để cho có chút nước, dễ trôi.

Đã vậy, có những bệnh nhân bị loạn thần, hành vi không tỉnh táo. Họ phun nước bọt, nhổ đàm ra xung quanh, đầy lên các bức tường gần nhất. Có người trây trét phân của mình ra lung tung.

Không có người thân nào bên cạnh, mọi việc chăm sóc cho người bệnh nằm cả trong tay nhân viên y tế. Có những bác sĩ mang triết lý về chánh niệm để nói chuyện với bệnh nhân, giúp họ bình tĩnh, chấp nhận căn bệnh và đồng ý hợp tác. Những điều dưỡng ngày ngày hút đờm dãi, đánh răng, thay tã cứt đái cho bệnh nhân hôn mê, chăm sóc các vết loét do nằm lâu, lau rửa sạch sẽ, cầm chân tay họ co duỗi để cơ được vận động… Trong hoàn cảnh oái oăm của bệnh dịch, chính họ là nguồn sống và là người thân của bệnh nhân.

Giữa tháng 8, tin tức về các bác sĩ và điều dưỡng ở Bệnh viện Đà Nẵng bị lây nhiễm COVID-19 lan trên các báo. Tôi đem thông tin này hỏi các bác sĩ, điều dưỡng đang làm việc trong Bệnh viện Trung ương Huế.

- Em chỉ nghĩ là nếu có lây nhiễm thì mình sức trẻ, mình là nhân viên y tế nữa, mình hiểu bệnh, nên nó cũng nhanh chóng khỏi đi thôi - một bác sĩ trẻ nói.

TỤI EM CŨNG KHÔNG NGHĨ NỮA. VIỆC GIAO CHO MÌNH THÌ MÌNH LÀM. BAN GIÁM ĐỐC YÊU CẦU ĐI THÌ TỤI EM ĐI THÔI. CHỈ MONG BỆNH NHÂN SỚM KHỎE MẠNH, ĐƯỢC RA VIỆN, CÒN MÌNH ĐƯỢC VỀ NHÀ.

- Tụi em cũng không nghĩ nữa. Việc giao cho mình thì mình làm. Ban giám đốc yêu cầu đi thì tụi em đi thôi. Chỉ mong bệnh nhân sớm khỏe mạnh, được ra viện, còn mình được về nhà - Duyên nói. Con gái ba tuổi của cô đang chờ mẹ ở nhà suốt một tháng nay. Nếu hết thời hạn làm việc tại Trung tâm, Duyên vẫn phải tiếp tục cách ly 14 ngày nữa mới thực sự được về nhà.

Mất 25’ để mặc một bộ đồ bảo hộ mỗi lần, theo từng bước được quy định sẵn một cách nghiêm ngặt

Bác sĩ Ngọc ở ĐH Y Hà Nội đến hỗ trợ các y bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế

Anh Lê Văn Sáng - Điều dưỡng bệnh viện

KHI MỘT NGƯỜI CHA HÁT CHIẾC ĐÈN ÔNG SAO

Ngày 20/8, trong Trung tâm chỉ còn 6 bệnh nhân đang điều trị.

Mờ sáng, một bác sĩ vừa hết ca trực, khoát nước rửa mặt rồi ngẩng lên nói một mình: “Sáng ni nhẹ nhõm quá”.

Cuối buổi chiều hôm đó, một bác sĩ nam to cao, chiếc cằm vuông đầy chân râu xanh xanh vừa cầm điện thoại ngắm ảnh con vừa hát âm ỉ trong lần khẩu trang “Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu…”.

Trong hai ngày trước, lần lượt 6 bệnh nhân có các bệnh nền rất nặng khác đã được ra viện, đưa trở về Bệnh viện Đà Nẵng để tiếp tục chăm sóc.

Tuy vẫn đi tiếp trong chiếc xe cấp cứu, và không gian xung quanh vẫn còn rất căng thẳng với những bóng người liên tục phun xịt khử khuẩn, cũng như cả đội lái xe đều phải mặc đồ bảo hộ suốt hành trình, nhưng dù sao phía bến đậu bên kia đã là bình an.

MỘT BÁC SĨ CHẠY THẬN NHÂN TẠO ĐỨNG CẠNH TÔI, CƯỜI TƯƠI RÓI SUỐT BUỔI, GIƠ TAY CHÀO NHỮNG NGƯỜI BỆNH ĐÃ TRỞ NÊN THÂN THIẾT SAU GẦN MỘT THÁNG ĐIỀU TRỊ VÀ HÉT TO: “CHÀO CHỊ, CHÀO CHÚ, CHÀO EM… VỀ NGHE! MẠNH KHỎE NGHE!”. MẠNH KHỎE, BÌNH AN NHÉ, CÁC NHÂN VIÊN Y TẾ TUYẾN ĐẦU THÂN YÊU. CHÚC CÁC ANH CHỊ EM SỚM ĐƯỢC VỀ NHÀ.

1 kíp trực kết thúc, các bác sĩ hoàn thành công việc và chuẩn bị lên phòng nghỉ ngơi sau ngày dài làm việc

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/5-ngay-trong-trung-tam-covid-19-cua-benh-vien-tw-hue-a71874.html