Nở rộ tình trạng rao bán vàng non trên thị trường
Trang sức vàng non là loại sản phẩm này đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người trong thời gian gần đây vì được rao bán công khai rầm rộ, cả ở cửa hàng, lẫn trên mạng Internet. Chỉ cần bỏ vài trăm ngàn đồng là có thể mua được một bộ dây chuyền hoặc nhẫn, vòng rất bắt mắt mà người bán quảng cáo là trang sức vàng non.
1 chỉ vàng non đang được chủ hàng bán với giá 600.000 đồng, rẻ bằng khoảng 1/9 so với giá vàng 4 số 9 đang được niêm yết trên thị trường. Dù treo biển và quảng cáo là trang sức vàng non nhưng chủ hàng không biết hàm lượng vàng chiếm tỷ lệ bao nhiêu % trong sản phẩm mà chỉ cam kết là có vàng.
Chủ một cửa hàng trang sức tại Hà Nội cho biết: "Vàng non là vàng tây thấp tuổi. Vàng ký hiệu KHT thì có khoảng 20% vàng còn ký hiệu TY, TY+ có tỷ lệ 30% hoặc trên 33%, 34% là vàng".
Người bán còn cam kết, nếu đo không đủ tỷ lệ vàng thì có thể đổi trả miễn phí. Thậm chí, để thu hút người mua, nhiều cửa hàng có chính sách thu mua lại với giá trị từ 40%-60% nếu người dùng có nhu cầu bán.
Không chỉ bán ở những cửa hàng, hiện tại, vàng non đang được rao bán ngập tràn trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada hay Shopee… thậm chí mức giá còn rẻ hơn, chỉ từ 100.000 đồng – 300.000 đồng cho một sản phẩm trang sức vàng non.
Để quảng cáo bán hàng, hàng loạt cửa hàng còn rầm rộ livestream giới thiệu có thể bán buôn bán lẻ trên địa bàn toàn quốc. Khi khách mua vàng còn được miễn phí vận chuyển.
Theo đại diện Viện Đá quý, Vàng và Trang sức Việt, vàng là vàng, không có chuyện vàng nhiều tuổi thì đắt, vàng ít tuổi thì rẻ. Không có khái niệm tuổi vàng và lại càng không có thuật ngữ nào là vàng non trong khoa học, địa chất học, kim hoàn học. Giá trị của vàng được xác định bằng tỉ lệ phần trăm vàng có trong sản phẩm.
Còn theo Thông tư quy định về phân loại, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật.
Như vậy, vàng non chỉ là cách đặt tên cho sản phẩm trang sức đó của những người bán hàng trên thị trường. Để xác định chính xác "vàng non" là gì, chắc chắn chỉ có tiến hành kiểm định mới khẳng định được.
Bản chất của trang sức vàng non trên thị trường
Sau khi đưa dây chuyền vàng non mua trôi nổi trên thị trường vào máy quang phổ - một thiết bị chuyên dụng chuyên dùng đo tuổi vàng, kết quả cho thấy, hàm lượng vàng ở bề mặt dây chuyền chiếm 31,8 %. Tuy nhiên, để xác định chính xác tuyệt đối tỷ lệ vàng có trong dây chuyền vàng non là bao nhiêu, nhân viên kỹ thuật của một công ty vàng bạc đá quý phải dùng đen phương pháp nung chảy.
Kết quả kiểm định lần này bất ngờ cho thấy, hàm lượng vàng chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ 3,3 mà chủ yếu là đồng, chiếm tỷ lệ 79,7 %, sau đó là kẽm với tỷ lệ 13,2%. Vậy rốt cuộc dây chuyền vàng non, theo cách gọi của người bán thực chất là dây chuyền hợp kim đồng.
Để có thêm căn cứ, Viện Đá quý, Vàng và Trang sức Việt cũng tiến hành kiểm định một sản phẩm trang sức vàng non khác được mua từ cơ sở kinh doanh trên phố Bạch Mai. Kết quả phân tích bằng máy quang phổ cho thấy, hàm lượng vàng trên bề mặt của dây chuyền vàng non chiếm tỷ lệ 27,4%.
Vậy nhưng, khi tiến hành chà xát nhẹ ở bề mặt, rồi đưa vào máy kiểm định, lại cho kết quả hoàn toàn khác. Lúc này, vàng chỉ còn chiếm tỷ lệ 3,8% còn chủ yếu là đồng với tỷ lệ 81,6%.
Vàng non thực chất lại chỉ là đồng mạ vàng.
Rao bán vàng non, thực chất lại chỉ là đồng mạ vàng với một chiêu thức tinh vi. Cách bán hàng này có phải là lừa đảo?
Chủ cửa hàng vàng bạc trên phố hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: "Đấy là lừa đảo. Với con mắt nhà nghề chỉ cần cầm lên đo trọng lượng đã biết 50% đấy là thật hay giả rồi, dùng máy móc kiểm tra thì 100% phát hiện đấy là vàng giả".
Ông Vũ Đức Tuấn, chuyên viên kiểm tra chất lượng công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu: "Quảng cáo là vàng non nhưng thực tế chỉ xi mạ một lớp vàng, đấy chính là hình thức lừa đảo khách hàng. Nghe là vàng non cứ nghĩ là sản phẩm vàng, thực tế chỉ mạ một lớp vàng rất là ít và không thể gọi là sản phẩm vàng được".
Theo đại diện doanh nghiệp này, trong thời gian qua, hệ thống các cửa hàng đã tiếp nhận một số trường hợp khách hàng mang sản phẩm đến nói là vàng non, mua trôi nổi trên mạng muốn bán lại. Tuy nhiên, khi kiểm định phát hiện, toàn bộ các sản phẩm trang sức đó chỉ là kim loại mạ vàng. Thậm chí, có sản phẩm chỉ được xi một lớp có màu giống vàng nên phía doanh nghiệp đều từ chối không mua lại.
Cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe vì trang sức vàng non
Nhiều người kinh doanh vàng bạc tại phố hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, cho biết, hiện trên thị trường, vàng non được các đối tượng làm giả một cách tinh vi, khi mạ lớp vàng ra bên ngoài, còn bên trong lõi lại là kim loại khác khiến máy đo quang phổ thông thường không phát hiện được, vì thế, người mua sẽ dễ dàng bị lừa, tin rằng vàng non vẫn là một loại vàng nếu chỉ nhìn vào kết quả kiểm định qua máy đo này.
Muốn xác định chính xác hàm lượng vàng là bao nhiêu thì cần áp dụng phương pháp nấu chảy. Nghĩa là buộc phải phá hủy mẫu. Vậy nhưng, khi có kết quả, biết đã bị lừa, người mua chẳng thể đòi được quyền lợi cho mình- khi sản phẩm ban đầu không còn nguyên vẹn nữa.
Không chỉ mất tiền, điều lo ngại hơn, là nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe khi trang sức vàng non thực chất là hợp kim đồng - chứa nhiều kim loại khác nhau.
Ông Đinh Tiến Dũng, Viện Đá quý, Vàng và Trang sức Việt, cho biết: "Khi sử dụng những trang sức đấy, có thể mồ hôi tiết ra hay những chất bên ngoài môi trường tác động sẽ gây ô xy hóa đồng, khi đó sẽ ngấm vào và ảnh hưởng tới sức khỏe con người".
Đại diện Viện Đá quý, Vàng và Trang sức Việt cũng cảnh báo, không ngoại trừ các kim loại nặng độc hại lẫn trong sản phẩm như chì, cadimi… đều có khả năng tác động xấu đến sức khỏe, ảnh hưởng trực tiếp đến phần da tiếp xúc, gây mẩn ngứa, dị ứng đối vói người sử dụng.
Không có khái niệm “vàng non” Trao đổi với báo chí, GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý, Vàng và Trang sức Việt tỏ ra khá ngạc nhiên trước thông tin về loại vàng này. Ông cho biết, không có loại vàng nào là vàng non hay vàng già, vàng trung tuổi. Theo GS Thị, người ta không phân loại vàng theo tuổi, đó chỉ là cách gọi truyền miệng. Giá trị của vàng được xác định bằng tỉ lệ phần trăm vàng có trong sản phẩm. Vàng có tỉ lệ thấp nhất trên thị trường hiện nay là vàng 1 số 9 (74-75%), vàng có giá trị cao nhất là vàng 4 số 9, chính là vàng 24K. Sản phẩm vàng non quảng cáo trên thị trường không thể coi là vàng, hoặc nó có thể là bất kỳ kim loại nào đó màu vàng mà không phải vàng”, GS. Thị nhấn mạnh. Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, những sản phẩm vàng trang sức có tỉ lệ vàng thấp vẫn được phụ nữ lựa chọn vì giá thành rẻ, mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt. Nhưng dù tỉ lệ nhiều hay ít, khi có thành phần vàng thì nó vẫn có giá trị trao đổi. Khi mua đồ trang sức vàng, tốt nhất là lựa chọn các cửa hàng vàng, trang sức uy tín và cảnh giác với những quảng cáo trôi nổi trên mạng. Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, để chắc chắn, sau khi mua vàng, khách hàng có thể đem đi giám định tuổi vàng. Đối với vàng trắng, vàng tây, độ dung sai cho phép là 2%, tức là tuổi vàng 18k, khi giám định được 73-74% vàng là có thể chấp nhận được, con số này ở vàng ta thì sai số chỉ là 1-2%, tức là vàng ba, bốn số 9, khi giám định phải đạt 99,8% mới chấp nhận được. Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, trong khoa học, địa chất học và ngành kim hoàn, không có khái niệm “vàng non” mà chỉ có vàng bao nhiêu phần trăm. "Việc người ta bán trang sức với danh nghĩa vàng non là một cách nói mập mờ, rất có thể là để bán vàng giả", ông cho hay. |
Ngọc Trinh (t/h)
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/trang-suc-vang-non-bo-tien-that-de-mua-vang-rom-a71875.html