- Một, hai ba, Hạnh với Việt nhảy xuống nha.
- Tủm! Tủm!
Tiếng tạt nước, cười nói, nô đùa của 4 đứa trẻ rộn cả khúc sông ở xã Tân Phước, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Niềm vui lớn nhất của Trần Thị Minh Việt, Trần Thị Minh Nam, Trần Thị Minh Hạnh và Trần Thị Minh Phúc - những cô bé sinh tư vào năm 2012 - là được tắm sông thỏa thích mỗi ngày.
Tuổi thơ miền sông nước
Ngồi ở bến sông trước nhà nhìn theo 4 con gái nhỏ, anh Trần Hữu Đồng nhắc đám trẻ bơi riêng, không được níu nhau.
“Nó thích tắm sông lắm, cho kẹo nhiều khi không vui bằng tắm sông. Có ngày bốn đứa tắm 3-4 lần, mỗi lần cả giờ. Nhiều khi tôi kêu lên cũng không chịu, chúng mệt mới leo lên bờ", cha bé nói.
Con sông trước nhà là "thiên đường" của bốn đứa trẻ. |
Từ khi có nước sạch, những đứa trẻ ở đây xa dần khoảng sông nước đục, ngai ngái mùi bùn. Nhưng Việt, Nam, Hạnh, Phúc đã quen với mùi ngai ngái, mùi nắng khét trên tóc từ lúc hơn 3 tuổi.
“Mùa nước cạn, bốn đứa còn lội sông mò hến, bắt ốc. Con gái mà cứ lội nước rồi đi đầu trần ngoài nắng nên đứa nào cũng đen nhẻm”, chị Trần Thị Tình, mẹ của các bé, cười xòa.
Chỉ khi cha ở nhà, bốn con gái mới được chở đi chơi bằng xe máy, được cha chặt dừa cho uống. |
Hai bé Việt, Nam trầm tính, hay bẽn lẽn khi gặp người lạ. Hạnh, Phúc lại lúng liếng, lanh lợi, hay nói. Trong số 4 chị em, Phúc thông minh, "sáng dạ" nhất.
“Lúc các con chào đời, ai cũng nói 4 mặt như một thì cũng một tính cách. Lớn lên, mỗi đứa mỗi tính. Bốn đứa cũng không thích mặc đồ giống nhau. Mỗi đứa một màu, nhất quyết không chịu đổi”, chị Tình nói.
Nhớ lại lúc sinh bốn bé, chị Tình không khỏi rùng mình. Trước khi mang thai lần 3, vợ chồng anh chị đã có một trai, một gái, đều bình thường. Sau 3 lần siêu âm, bác sĩ khẳng định 100% là thai tư, vợ chồng chị vừa mừng vừa lo.
Lọt lòng mẹ, bốn đứa trẻ chỉ nặng hơn 1 kg. Nhìn con nhỏ chỉ bằng bắp tay, anh chị không dám bế. Chị Tình kể khi đó, nhìn con trong lồng kính mà trào nước mắt, không biết có nuôi được không.
Cái tên Việt, Nam, Hạnh, Phúc được bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ (nơi sinh các bé) đặt, gửi gắm hy vọng bốn bé lớn lên khỏe mạnh, tương lai tươi sáng. Gia đình thấy tên ý nghĩa nên đã làm giấy khai sinh luôn cho các bé.
Té xe đến trầy gối, chảy máu, Nam và Phúc không hề khóc nhè. |
Năm học mới không có quần áo mới
Trước ngày tựu trường, bốn chị em lôi vở, sách ra dán nhãn, bọc bìa, bỏ sẵn vào balo. Khi dán nhãn sách môn Tiếng Anh, Phúc cố nhìn mặt chữ đánh vần nhưng mãi không được. Cô bé nhìn trang sách, nghiền ngẫm rồi kêu quyển này lạ lạ. Thì ra, đây là sách Tiếng Anh, lên lớp 3, các em mới được học.
Hạnh và Phúc được mẹ mua cho 2 chiếc balo mới màu hồng, có in hình búp bê. Việt, Nam cũng thích lắm, nhưng hai em đã có balo mới nhờ mạnh thường quân tặng. Chị Tình hứa năm sau cũng mua balo có hình búp bê thì Hạnh, Phúc mới chịu.
"Hai đứa năn nỉ mẹ mua cho balo búp bê. Nhưng đầu năm, ngoài tiền sách, vở, bốn đứa còn phải đóng tiền bảo hiểm y tế, sổ liên lạc, tiền quỹ ở trường. Gia đình thuộc diện cận nghèo, chi phí chỉ đóng một nửa, cùng lúc xoay tiền nộp cho 4 đứa là vấn đề lớn với gia đình tôi", người mẹ cho biết.
Đi học rồi, Nam sợ búp bê ở nhà buồn nên mang theo "em" đến lớp. |
Lúc các bé được 3 tuổi, chị gái đầu (lớp 8) nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ cha mẹ lo cho các em. Năm nay, chị đã lập gia đình, phải lo cho tổ ấm riêng, không đỡ đần cha mẹ được như trước.
Vợ chồng chị Tình tính cho con trai thứ hai nghỉ học, theo cha đi làm để kiếm tiền nuôi em.
“Năm nay, nó lên lớp 10. Cũng muốn đi học lắm nhưng tôi khuyên con đi làm, phụ cha mẹ nuôi các em. Tiền cha nó gửi về mỗi tháng không thể lo đủ cho 5 đứa cùng ăn học”, chị Tình bùi ngùi kể.
Từ ngày sinh 4 đứa bé, chị Tình chỉ ở nhà lo cho con, không làm thêm được gì. Anh Đồng đi làm thuê ở xưởng nước đá tại TP.HCM, mỗi tháng được 7,5 triệu đồng. Anh chị xoay xở nhiều cách, gia đình vẫn túng thiếu đủ bề.
Đồng phục ở trường giống nhau nhưng bốn chị em đều để riêng, không mặc chung. |
Năm học này, bốn chị em không được mua quần áo mới. Đồng phục từ năm lớp 1, lớp 2, dù hơi ngắn, vẫn dùng được nên mẹ cho các em mặc lại.
Đang ướm thử quần áo, nghe mẹ gọi quét nhà, dọn cơm, Hạnh, Phúc nhanh nhảu chạy xuống phụ. Hai cô gái nhỏ không quên ăn vụng miếng đậu mẹ vừa chiên trên bếp.
Các em còn quá nhỏ để hiểu nét buồn trên gương mặt mẹ, sự ít nói của cha. Thế giới của bốn cô bé xoay quanh những lần tắm sông, búp bê, chiếc xe đạp màu hồng. Đó là niềm vui nhỏ bé, bình dị như bao đứa trẻ miền Tây sông nước.
Hơn 8 tuổi, bốn chị em đều biết phụ mẹ vo gạo, rửa chén, lau nhà. |
"Tôi còn làm được ngày nào, con còn được học ngày đó"
Nhớ hôm nay tựu trường, bốn cô gái nhỏ dậy sớm nhất nhà. Bốn đứa trẻ háo hức đến độ không muốn ăn sáng, nằng nặc đòi cha chở đến trường thật sớm, dù nhà cách trường hơn 1 km.
Tranh thủ còn một ngày ở nhà, anh Đồng đưa con đến trường, gửi gắm cho thầy cô. Ngày mai, anh phải lên TP.HCM làm thuê, gửi tiền về đóng các khoản phí đầu năm.
Chỉ khi cha đi làm xa về, bốn cô gái mới được đưa đi học bằng xe máy. |
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, Đồng Tháp chỉ tổ chức ngắn gọn lễ khai giảng ngày 5/9, hạn chế số học sinh tham gia. Bốn cô bé sẽ không được dự lễ khai giảng ở điểm trường chính. Ngày 7/9, Việt, Nam, Hạnh, Phúc chính thức bước vào tuần học đầu tiên của năm học mới.
Được cha cho tiền mua quà vặt, với 7.000 đồng, bốn chị em đã vui cả buổi. |
Chủ nhiệm lớp 3 - thầy Đặng Công Toại - chăm chú nhìn khuôn mặt của bốn cô gái nhỏ, mong tìm được đặc điểm để phân biệt, nhớ tên. Một lúc lâu, thầy chủ nhiệm chỉ biết được Hạnh và Nam nhờ vị trí nốt ruồi trên mặt.
Thầy Toại quyết định xếp chỗ ngồi cho 4 bé theo thứ tự Việt, Nam, Hạnh, Phúc và dặn các con không được đổi chỗ để thầy gọi đúng tên.
Bốn bé được phân học cùng một lớp ở điểm phụ của trường Tiểu học Tân Phước 2. |
Đứng nhìn theo con từ khung cửa lớp, anh Đồng nói chỉ mong đủ sức khỏe để làm lụng nuôi đám trẻ ăn học đến nơi đến chốn.
“Trời thương, tôi còn đi làm được ngày nào thì cho con ăn học đến ngày đó. Mai mốt, mấy đứa thích nghề nào, cho đi học nghề đó. Cứ nghĩ tới ngày Việt, Nam, Hạnh, Phúc lớn lên khỏe mạnh, có nghề nghiệp đàng hoàng, cực mấy tôi cũng chịu được”, gương mặt người cha ánh nét cười khi nói về con.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nam-hoc-moi-cua-chi-em-sinh-tu-viet-nam-hanh-phuc-a71936.html