Hiệu quả nhờ ứng dụng ePort và eDo
Đặc thù nhiệm vụ của Tổng Công ty là hàng ngày đón lượng khách hàng rất lớn ở nhiều khu vực khác nhau nên nguồn nguy cơ lây bệnh rất cao. Chỉ tính riêng cảng Tân cảng Cát Lái của Tổng Công ty, mỗi ngày đón khoảng 20 nghìn lượt khách đến làm các thủ tục logictics và giao nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu, trong đó có nhiều người nước ngoài, hãng tàu nước ngoài.
Để phòng ngừa dịch bệnh do COVID-19 lây cho cán bộ, nhân viên, đơn vị đã quán triệt đến tất cả nhân viên phải giữ gìn vệ sinh chung, đeo khẩu trang khi làm việc, nhất là khi tiếp xúc với người nước ngoài và tránh tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa.
Bộ phận y tế của Tân cảng Sài Gòn phát khẩu trang, sát khuẩn tay cho khách hàng của các hãng tàu ngay khi tàu cập cảng.
Đặc biệt Trung tâm Y tế của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã bố trí phòng cách ly, sẵn sàng nhận bệnh nhân cần cách ly khi nghi ngờ nhiễm COVID-19. Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh cá nhân như: Sử dụng khẩu trang y tế và các biện pháp phòng, chống lây nhiễm đúng cách, hạn chế hoặc không tập trung đông người; rà soát, bổ sung đầy đủ trang bị, phương tiện, hóa chất, vật tư y tế; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ báo cáo hàng ngày, hàng tuần theo quy định…
“Tôi thấy cách phòng ngừa COVID – 19 rất bài bản. Các khách hàng đều được đo thân nhiệt, phát khẩu trang, sát khuẩn tay và theo dõi sức khỏe. Vì vậy, tôi yên tâm khi đến công tác…”, một khách hàng tại cảng Cát Lái bày tỏ yên tâm khi trao đổi với phóng viên.
Bên cạnh những giải pháp phòng ngừa trên, tại các cơ sở Tổng Công ty đều đẩy mạnh ứng dụng đăng ký thủ tục dịch vụ và thanh toán trên hệ thống cảng điện tử ePort và thực hiện Lệnh giao hàng điện tử qua EDO, hạn chế việc di chuyển ra vào các văn phòng hãng tàu và cơ sở cảng, giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng của COVID-19.
Được biết, hệ thống ePort được Tổng Công ty áp dụng thử nghiệm từ năm 2016 và thực hiện cho mọi phương án giao nhận hàng xuất từ đầu năm 2017, phương án thủ tục với cảng cho hàng nhập từ 2018. EPort giúp khách hàng chủ động khai báo thông tin giao nhận cho các lô hàng và đặc biệt kết nối thanh toán dịch vụ trực tuyến linh hoạt thông qua cổng Napas 24/24 với các hệ thống ngân hàng. Ứng dụng công nghệ này đã giảm tiếp xúc trực tiếp trong quá trình làm việc, nên rất có ý nghĩa trong phòng chống COVID- 19.
Tiếp nối thành công của ePort, việc triển khai đồng loạt lệnh giao hàng điện tử EDO kết nối với hãng tàu từ tháng 10/2019 giúp cho quá trình làm thủ tục giao nhận hàng được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn.
Việc triển khai số hóa chứng từ vận tải, cụ thể là lệnh giao hàng điện tử (EDO) nhanh chóng, đảm bảo an toàn bảo mật với các hãng tàu, khách hàng xuất nhập khẩu, kết nối dữ liệu trực tuyến, thông suốt giữa ePort của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn và EDO của các hãng tàu đã tạo ra một sự thay đổi rất lớn, giúp tiết kiệm về thời gian, hạn chế tối đa việc sử dụng chứng từ giấy, tiết kiệm nhân lực lao động và đặc biệt tránh nhiều rủi ro trong việc giao nhận và kiểm soát giao dịch; hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ giao thông trong và ngoài khu vực cảng Tân Cảng- Cát Lái.
Phương án này được các hãng tàu, khách hàng đánh giá cao, khi giảm thiểu tối đa các tiếp xúc giao dịch trực tiếp trong tình hình dịch bệnh Covid 19 lây lan khắp trên thế giới.
Phát triển bền vững 3 trụ cột kinh doanh
Theo số liệu từ Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, so với 5 năm trước, sản lượng của Tổng Công ty tăng 1,9 lần, doanh thu tăng 2,3 lần, lợi nhuận tăng 2 lần, vốn chủ sở hữu tăng 2,2 lần... Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn giữ vững vị trí số 1 Việt Nam về khai thác cảng biển, trong nhóm 20 cụm cảng container có sản lượng lớn nhất thế giới (vượt 14 bậc).
Đẩy mạnh ứng dụng ePort và EDO mang lại hiệu quả cao.
Với nhận thức Phát triển kinh tế biển tạo điều kiện vật chất để tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, và ngược lại, chủ quyền biển, đảo có vững chắc mới tạo môi trường, không gian, điều kiện thuận lợi, an toàn cho phát triển kinh tế biển bền vững, Ban Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị đẩy mạnh phát triển trên 3 trụ cột kinh doanh: Khai thác cảng biển, dịch vụ logistics và vận tải biển; tập trung xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý, điều hành, từng bước số hóa các quy trình, tạo môi trường kết nối an toàn, khai thác dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo… phù hợp với xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hiện Ban Tổng giám đốc đang tập trung lãnh đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả SXKD, phát triển toàn diện 3 trụ cột, thực hiện tốt các khâu đột phá nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới khách hàng; đồng thời lãnh đạo hiện đại hóa công nghệ dịch vụ giao nhận tại cảng và đẩy mạnh hoạt động marketing, xúc tiến thương mại trong nước, quốc tế.
Bện cạnh đó Tân cảng Sài Gòn đang mở rộng quy mô, phát triển trụ cột logistics nhanh hơn, hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn; quan tâm phát triển trụ cột vận tải biển và các ngành kinh tế biển..., phấn đấu xây dựng Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn trở thành tập đoàn kinh tế - quốc phòng hàng đầu Việt Nam.
An Luých
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tong-ct-tan-cang-sai-gon-day-manh-3-tru-cot-kinh-doanh-tang-cuong-ung-dung-cong-nghe-a71939.html