“Pây Tái” Nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Tày, người Nùng

Bươn Chiêng kin nựa Cáy, bươn Chất kin nựa Pết (nghĩa là tết tháng Giêng ăn thịt gà, tết tháng Bảy ăn thịt vịt). Ngày mùng 2 tháng giêng và ngày rằm tháng bảy là "cái cớ" để người con gái Tày vùng Cao Bằng được trở về nơi mình sinh ra, trước là để hương khói dâng lên tổ tiên, sau là bày tỏ lòng yêu mến, hiếu thảo tới đấng sinh thành.

Lễ vật được chuẩn bị cho phong tục ( Ảnh: Giang Nam chụp 2/9)

“Thuyền theo lái gái theo chồng” – Phong tục Việt Nam xưa nay vẫn thường vậy, người phụ nữ khi kết hôn phần lớn sẽ thuận theo gia đình chồng, đặc trưng nhất là việc rời xa gia đình nhà đẻ để cùng chồng con lo toan việc làm ăn ở nhà chồng và phải quán xuyến hương khói thờ phụng ông, bà, tổ tiên.

Nếu người Kinh thường gọi rằm tháng Bảy là ngày lễ Vu Lan Báo hiếu, thì với người Tày - Nùng ngày rằm tháng Bảy âm lịch còn được gọi bằng một cái tên khác là Tết “Pây Tái” hoặc “Kin Chất”, đối với họ ngày lễ này được đề cao giống như ngày Tết Nguyên Đán, chẳng tự dưng mà người Cao Bằng có câu “Tết tháng Giêng hẹn từ tháng Bảy” và tết tháng Bảy người Cao Bằng cũng hẹn từ tháng Giêng.

Rộn ràng từ sáng sớm ngày rằm tháng Bảy, con gái, con rể, các cháu ngoại thường “Pây Tái” rất sớm với gánh đồ lễ, trong đó không thể thiếu đôi vịt béo, một chục bánh gai, thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên bên ngoại.

Theo truyền thuyết của người Tày - Nùng, vịt được coi là con vật thiêng trong tâm linh, vì họ quan niệm con vịt là vị sứ giả của mường trần gian với mường trời. Con vịt có công cõng gà trống vượt biển (khảm hải) đi cống xứ mường trời vào ngày Rằm tháng Bảy hằng năm, để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cho người nông dân. Cụ Vương Hùng mang dòng máu tộc người Tày đã được 85 tuổi xuân lạ là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Bằng - ông cho rằng rằm tháng bảy ở Cao Bằng còn mang nhiều ý nghĩa khác, đây cũng là dấu mốc quan trọng của quá trình sản xuất trong năm. Mùa này, bà con thu hoạch xong vụ lúa chiêm, vụ ngô và cấy xong vụ mùa. Việc lao động sản xuất thảnh thơi, chỉ cần làm cỏ, chăm bón chờ đến ngày thu hoạch. Vì thế, bà con mở tiệc ăn mừng, làm cỗ thắp hương mời tổ tiên về chứng kiến và mong tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cây lúa sinh trưởng tốt tươi được mùa.

Khi về tới nhà bên ngoại, rủng rỉnh đôi vịt trên tay, các con gái, cháu gái mới tập trung làm vịt, cả nhà quây quần giống như xưa cùng chung tay chế biến các món ăn truyền thống. Món ăn này vẫn được coi là đặc trưng nhất của người Tày chế biến thành món vịt quay mác mật. Vịt mổ xong, tẩm ướp đầy đủ gia vị, nhồi lá mác mật vào bụng con vịt rồi khâu lại, phết một chút mật ong rừng lên ngoài da, sau đó đem quay, sao cho vàng đều màu cánh rán là được. Hiện nay, món thịt vịt quay lá mác mật của người Tày, Nùng đã trở thành món ăn đặc sản, khách thập phương nức nở khen không hết lời. Người Tày, Nùng thường có câu cửa miệng khi nói về các món ăn thuộc về phong tục của dân tộc mình: Bươn Chiêng kin nựa Cáy, bươn Chất kin nựa Pết (nghĩa là tết tháng Giêng ăn thịt gà, tết tháng Bảy ăn thịt vịt).

Không chỉ có món Vịt quay, mà còn chục bánh gai được chính tay con gái làm rồi mang cùng về, theo bí kíp riêng của phụ nữ Tày, để làm một chiếc bánh gai ngon, người làm bánh phải chuẩn bị các nguyên liệu: Lá gói (lá chuối), gạo nếp, lá gai, đỗ xanh, đường phên từ hàng mấy tháng trước rằm. Lá gai được phơi khô, loại bỏ xơ, nấu nhừ rồi giã nhuyễn thành bột. Gạo nếp ngâm nước 1 đêm rồi xay mịn để ráo nước; đậu xanh ngâm bỏ vỏ rồi nấu chín, nghiền mịn thành nhân bánh. Khi hấp chín, bánh gai được vuốt thẳng ra và lau khô với ý nghĩa để mọi người dân được nghỉ ngơi thanh thản sau khi đã thu hoạch vụ mùa vất vả, mong muốn có một cuộc sống bình yên.

Nhìn mâm cỗ cúng ngày lễ "pây tái" của người Cao Bằng tuyệt nhiên không thể thiếu con vịt quay, đôi bánh gai, bánh dợm, một đôi bánh chưng, một bát gạo và một bát muối. Tùy từng địa phương, dân tộc, mỗi loại đồ cúng đều có một vài món ăn khác nhau nhưng mang ý nghĩa chung là cầu mong sức khỏe, bình an đến với gia đình. Đặc biệt là lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên và những người đã khuất trong dòng họ. Sau khi hoàn thành, mâm cỗ được bày lên bàn thờ ở vị trí trang trọng nhất. Khi kết thúc, các món ăn được hâm nóng lại, cả nhà cùng quây quần bên nhau, trò chuyện và ăn cơm.

Dòng Bằng Giang hiền hòa và thơ mộng trên  mảnh đất Cao Bằng (Ảnh: Giang Nam chụp 2/9)

Với người Tày, Nùng dù sống ở bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S cũng không thể quên tục “Pây Tái” vì hàm chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Chính vì vậy, nó cần được gìn giữ và phát triển hơn nữa trong thời đại xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, góp phần bảo tồn không gian văn hóa chung của đồng bào các dân tộc.

Thùy Huyền - Ngọc Anh

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/pay-tai-net-dep-trong-doi-song-van-hoa-cua-nguoi-tay-nguoi-nung-a72037.html