Thử thách gặp phải khi bước ra khỏi vùng an toàn

Nếu muốn đạt được những kết quả chưa từng có thì bạn phải làm những việc chưa bao giờ làm. Hầu hết chúng ta đồng tình với điều này và hiểu rằng làm những việc chưa từng làm cũng có nghĩa là chấp nhận đương đầu với khó khăn, áp lực lớn. Nhiều người đã bước ra khỏi vùng an toàn của mình và nhận lại kết quả rực rỡ, nhưng cũng không ít những trường hợp thất bại đắng cay.

Thử thách gặp phải khi bước ra khỏi vùng an toàn

Nếu muốn đạt được những kết quả chưa từng có thì bạn phải làm những việc chưa bao giờ làm. Hầu hết chúng ta đồng tình với điều này và hiểu rằng làm những việc chưa từng làm cũng có nghĩa là chấp nhận đương đầu với khó khăn, áp lực lớn. Nhiều người đã bước ra khỏi vùng an toàn của mình và nhận lại kết quả rực rỡ, nhưng cũng không ít những trường hợp thất bại đắng cay.

Vậy, đừng chỉ mơ mộng hoặc hành động một cách cảm tính, trước khi quyết định có nên dấn thân vào “vùng chưa biết” hay không, bạn cần xác định trước một số thử thách thường gặp dưới đây khi bước ra khỏi vùng an toàn. 

Bạn sẽ bất an, lo lắng nhiều hơn

Vùng an toàn có liên quan đến mức độ lo lắng. Vùng an toàn của bạn là bất kỳ kiểu hành vi nào giúp bạn luôn ở mức độ lo lắng thấp. Đó là những điều bạn thường làm, chẳng hạn như nấu bữa tối, làm công việc hàng ngày hoặc xem TV. Các hoạt động này sẽ không khiến bạn cảm thấy lo lắng và bất an, vì vậy chúng là thuộc vùng an toàn của bạn.

Trái lại, khi làm những việc bạn chưa từng có trải nghiệm trước đó, như tìm việc làm nhanh ở Đà Nẵng hay TPHCM lần đầu bạn sẽ cảm thấy bất an, lo lắng, đó là tâm lý bình thường. Nhưng nếu không làm chủ được tâm trạng của mình, bạn có thể phải đối mặt với căng thẳng, mệt mỏi và đưa đến kiệt sức. Đặc biệt nếu công việc gặp nhiều trở ngại, bạn có nguy cơ đối mặt với sự sợ hãi, mất kiểm soát nếu áp lực quá lớn.  

Bạn sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần bình thường

Bạn chỉ mất một thời gian ngắn để làm những việc bạn đã có kinh nghiệm, nhưng với công việc lần đầu tiên làm, bạn sẽ phải tiêu phí thời gian nhiều hơn. Bạn cũng phải tập trung cao độ để tránh sai sót.

Tóm lại, bước ra ngoài vùng an toàn sẽ khiến bạn tiêu tốn nhiều năng lượng lẫn thời gian. Do vậy, bạn cần lập ra lịch trình hoạt động hàng ngày một cách hợp lý, khoa học để đảm bảo cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

Đối mặt với những lời chỉ trích của người thân

Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi bạn quyết định làm một điều gì đó khác thường, không chắc chắn. Cha mẹ bạn có lẽ muốn thấy con cái “ổn định” nên họ sẽ sốt ruột, lo lắng khi bạn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Tất nhiên, ở đây không nói đến những hành động bước ra khỏi vùng an toàn có phần đơn giản hơn như một chuyến leo núi hay nói chuyện trước đám đông, mà là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, sự nghiệp của bạn.

Một khi đã quyết tâm theo đuổi mục tiêu, bạn phải chấp nhận những ý kiến trái chiều và tin tưởng vào quyết định của mình. Điều này thực sự là thử thách bởi lẽ, khi ở ngoài vùng an toàn là lúc con người thiếu tự tin và dễ bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác nhất. Từ đó, họ dễ bỏ cuộc và muốn tìm cớ quay về vùng an toàn. Bạn phải xác định trước điều này để tránh đi vào “vết xe đổ” của nhiều người.

Ảnh hưởng đến thu nhập

Khi bạn đang bỏ thời gian, công sức để học các kỹ năng mới hay dồn hết nguồn lực cho một công việc, dự án mới thì hẳn nhiên, trong giai đoạn đầu, bạn chi ra nhiều mà thu vào ít. Đây cũng sẽ là một thử thách lớn, đặc biệt cho những người có nguồn tài chính eo hẹp khi bước ra khỏi vùng an toàn. Bạn hãy dự liệu những khoản thu, chi để cân đối ngân sách trước khi quyết định ra khỏi vùng an toàn trong công việc, sự nghiệp.

Nguy cơ thất bại

Mặc dù chúng ta không ai muốn nhắc đến điều này nhưng đó là nguy cơ có thật. Vấn đề là cách bạn đối mặt với nó. Chấp nhận rủi ro và thất bại, dù không thành công thì sự nỗ lực dấn thân vào “vùng chưa biết” cũng đem đến cho bạn trải nghiệm đáng nhớ. Nếu bạn xác định như vậy thì còn ngần ngại gì mà không bắt đầu. Nỗi sợ thất bại có thể khiến chúng ta không dám làm điều gì mới mẻ. Nhưng, như ai đó đã nói “nếu làm, bạn có 50% thành công, nếu không làm thì bạn có 0% thành công”.

Khi bước ra khỏi vùng an toàn, bạn sẽ ngày càng mạnh mẽ và chấp nhận được bất kỳ điều gì mà cuộc sống mang lại cho mình. Và hãy nhớ rằng, kết quả không phải lúc nào cũng quan trọng nhất, điều quan trọng bạn đã học được gì từ những trải nghiệm mà mình đã quyết định dấn thân.

Kiều Giang

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/thu-thach-gap-phai-khi-buoc-ra-khoi-vung-an-toan-a72072.html