"Ông bụt" ở bản

“Không có tiền làm nhà thì đến gặp anh Bốn” là câu nói quen thuộc của những hộ nghèo ở bản Đồng Tiến, xã Lạng Khê (Con Cuông). Trưởng bản Đồng Tiến Vi Văn Hợi cho hay, hơn 10 năm nay đã có gần 50 hộ nghèo được anh Lương Văn Bốn cho vay tiền làm nhà không lấy lãi. Anh Bốn còn là người đi đầu trong vận động giúp hộ nghèo, hiến đất làm đường, hòa giải ở cơ sở...

Đi qua cầu Chôm Lôm vắt ngang dòng Lam, là thấy ngay những nếp nhà sàn của người dân bản Đồng Tiến, xã Lạng Khê (Con Cuông) ẩn hiện trong những rặng cây xanh tốt. Không hẹn trước, chúng tôi đến nhà ông Vi Văn Vũ. Căn nhà xây khang trang của ông đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, các mảng tường đã được trát xong bề mặt, một số nơi đã ốp gạch men sáng bóng. “Chỉ chờ sơn và lắp cửa nữa là có thể dọn lên nhà mới”, ông Vi Văn Vũ vui vẻ cho biết.

Giới thiệu về ngôi nhà mới của mình, vợ chồng người nông dân chân chất Vi Văn Vũ không giấu được niềm vui sướng: “Cả đời làm lụng chúng tôi cũng không bao giờ dám nghĩ có ngày lại xây được căn nhà to, đẹp như hôm nay”. Rồi ông Vũ quay sang nhìn anh Lương Văn Bốn, tiếp lời: “Tất cả là nhờ có anh Bốn”.

Anh Lương Văn Bốn thăm gia đình ông Vi Văn Vũ. Anh Lương Văn Bốn thăm gia đình ông Vi Văn Vũ.

Vợ chồng ông Vi Văn Vũ lấy nhau từ thuở còn mười tám, đôi mươi, được bố mẹ cho mảnh ruộng cấy lúa, mảnh đồi trồng tre, mét, nuôi thêm vài con gà, con vịt nên cuộc sống cũng chỉ đủ ăn. Có với nhau 3 đứa con, hai vợ chồng ông nai lưng với ruộng, rẫy, vất vả quanh năm nhưng có lúc cũng chẳng đủ cho con cái ăn học nên không bao giờ mơ ước xây được nhà to, đẹp.

Nói rồi ông Vũ dẫn chúng tôi “tham quan” căn nhà cũ mà gia đình ông đã nhờ nó che mưa, che nắng mấy chục năm. Đó là một căn nhà dựng bằng các cọc gỗ và tre, mét, xung quanh thưng bởi các tấm đan cũng từ tre, nứa, mét. “Ngôi nhà này chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ 7 triệu đồng để xóa nhà tranh, tre, dột nát từ những năm 2000. Vay mượn thêm mới cất được 2 gian nhà tre”, ông Vũ kể.

Đến năm 2018, mái lợp fibro xi-măng bắt đầu vỡ, tường đan bằng tre, mét cũng gãy, thủng, trời mưa không thể ở được, trong khi vợ chồng ông Vũ không có tiền để làm nhà mới. Thấy hoàn cảnh vợ chồng ông Vũ như vậy, năm 2018, anh Lương Văn Bốn đã cho ông Vũ vay 100% số tiền mua vật liệu để làm nhà, tính ra hết khoảng 350 triệu đồng. Vốn quen biết nhiều cửa hàng bán vật liệu xây dựng, anh Bốn bỏ tiền mua vật liệu giúp, còn tiền công xây nhà thì chủ nhà tự thỏa thuận với chủ thầu xây dựng.

Thời điểm đó, vợ chồng con trai ông Vũ bắt đầu đi làm cho một công ty ở Bắc Giang, mỗi tháng gửi về cho bố mẹ hơn 10 triệu đồng để vừa nuôi 2 đứa con ăn học, vừa trả nợ làm nhà mỗi tháng vài ba triệu đồng. Đứa con út của vợ chồng ông đang học THPT. Nói đến đây, ông Vi Văn Vũ nhắc lại câu nói ban đầu: “Tất cả là nhờ anh Bốn. Anh Bốn bỏ ra mấy trăm triệu đồng cho tôi vay đã 2 năm mà không lấy đồng tiền lãi nào”.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Lạng Khê Lộc Văn Việt cho biết, anh Lương Văn Bốn nhiều năm liền được UBND xã khen thưởng về sản xuất, kinh doanh giỏi; khen thưởng về thành tích trong công tác dân vận khéo; được UBND huyện Con Cuông khen thưởng trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020; được Ban Dân tộc tỉnh khen thưởng nông dân tiêu biểu trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước năm 2019.

Cách nhà ông Vi Văn Vũ không xa, vòng qua một con ngõ là ngôi nhà xây chắc chắn vừa mới hoàn thiện của vợ chồng ông Vi Văn Xo. Trước mảnh sân bé xinh, vợ ông Xo là bà Kha Thị Cân đang chậm rãi lật từng miếng măng rừng phơi trên tấm liếp đan bằng nứa.

Bà Cân năm nay tầm 50 tuổi nhưng sức khỏe yếu, không làm được việc nặng nhọc, chỉ phụ giúp chồng làm việc nhà và chăm sóc 2 đứa cháu. “Lúc nào khỏe thì lên rừng hái măng về bán, hái được nhiều thì đem phơi khô”, bà Cân vừa chậm rãi nói vừa tranh thủ bê mấy tấm liếp chứa đầy măng ra để nơi nắng chiếu.

Căn nhà ngói 3 phòng ngủ, 1 phòng khách và 1 phòng bếp của vợ chồng bà Cân được sơn quét mặt ngoài, mặt trong được ốp gạch đá bóng loáng. Bà Cân cho hay, chồng bà là ông Vi Văn Xo làm thuê cho gia đình anh Lương Văn Bốn đã nhiều năm nay.

Anh Bốn có vườn trồng mét, trồng keo, lại làm cả dịch vụ cho thuê rạp đám cưới nên thường xuyên thuê khoảng 10 nhân công làm việc, mỗi tháng mỗi người được trả công từ 3 – 5 triệu đồng. Ai có sức khỏe làm nhiều thì được anh trả nhiều hơn. Nay hai vợ chồng ông bà đã ngoài 50 tuổi, con trai đi làm công ty ở khu công nghiệp gửi tiền về tích cóp được một ít, còn lại nhờ anh Lương Văn Bốn cho vay để làm nhà.

“Đến nay nhà đã làm xong, vợ chồng, con cái đã dọn vào nhà mới nhưng tiền thì chưa trả hết, còn nợ anh Bốn nhiều lắm. Mỗi tháng ông Xo làm công cho anh Bốn được hơn 3 triệu đồng thì trả nợ một ít, còn một ít để mua đồ ăn, mua thuốc chữa bệnh khi ốm đau”, bà Cân bộc bạch. Nói xong bà quay sang nói với anh Bốn: “Vợ chồng tui còn nợ chưa trả hết ngay được”. Anh Bốn cười hiền hậu: “Khi nào có thì trả bà ạ!”.

Một góc bản Đồng Tiến. Một góc bản Đồng Tiến.

Nhắc lại câu nói của anh Bốn “khi nào có thì trả”, vị cán bộ UBND xã Lạng Khê nói thêm, hơn 10 năm nay anh Lương Văn Bốn đã cho gần 50 hộ nghèo vay tiền làm nhà. Hộ ít nhất thì 70 – 100 triệu đồng, có nhiều hộ anh cho vay 100% với số tiền hàng trăm triệu đồng bằng cách cung cấp nguyên, vật liệu, vật tư từ cái đinh ốc cho đến bàn, ghế, gạch, ngói.

Chúng tôi băn khoăn hỏi anh Lương Văn Bốn về việc kinh doanh khá đặc biệt này, khi cho người dân vay dài hạn với số tiền lớn như vậy thì liệu tiền lời trong mua nguyên, vật liệu có đủ trả tiền lãi ngân hàng? Anh Bốn cho hay, thực ra việc cung cấp nguyên, vật liệu cho người dân vay làm nhà của anh không hề để kiếm lời, thậm chí có khi lỗ. “Tôi thấy vui khi làm như vậy, vui khi giúp được nhiều gia đình có nhà ở khang trang, cha mẹ, con cháu vui vầy”. Rồi anh Lương Văn Bốn cho biết, nhiều lúc để có tiền trả cho các cửa hàng cung cấp nguyên, vật liệu có thời điểm anh phải bán 10 con trâu, thậm chí phải vay ngân hàng mấy trăm triệu đồng.

Nghe đến đây, vị cán bộ UBND xã nói thêm, mỗi nhà anh Bốn cho vay khoảng 80 – 150 triệu đồng. Ví như ông Lô Văn Minh vay 250 triệu đồng từ năm 2017, đến nay vẫn chưa trả hết. Ông Vi Văn Xáo vay năm 2019, đến nay còn nợ 80 triệu đồng, hiện cả nhà ông Xáo đều đang “đi làm công ty” ở tỉnh khác, cửa đóng, then cài, cũng đồng nghĩa với việc chưa biết đến khi nào sẽ tiếp tục trả nợ cho anh Bốn.

Nhà ông Lô Văn Minh ở ngay sát nhà anh Lương Văn Bốn cũng được anh cho vay tiền, đến nay tuy còn khá nhiều chưa trả nhưng anh Bốn luôn động viên ông Minh, bởi ông thường ốm đau, bệnh tật. Hỏi về việc “nợ nần” của bà con, anh Bốn cười xòa rồi nói bản thân không nhớ rành rẽ ai còn nợ bao nhiêu, và anh cũng không có chủ ý ghi nhớ, “ai có thì trả”. Có những nhà vay đã gần chục năm rồi chưa trả hết, có nhà thì chỉ 1 – 2 năm đã thanh toán xong. Hầu hết các hộ được anh cho vay đều trả nợ mỗi tháng vài triệu đồng, có nhiều nhà vì con cái hoặc bản thân ốm đau nên có nhiều tháng không trả được đồng nào.

Năm 2018, anh giúp gần 20 hộ làm nhà, năm 2019 gần 10 hộ, tiền nong phải huy động nhiều, anh phải bán đàn trâu 10 con, rồi khất nợ các cửa hàng bán vật liệu quen biết. Sau đó anh quay sang khai thác mét, keo để trả nợ dần. Ngoài ra, trước đây anh đầu tư sắm 2 bộ rạp cưới, thuê thêm người giúp, cộng thêm gian hàng tạp hóa tận dụng khoảng sân trước nhà nên mỗi năm cũng kiếm đủ cái ăn cho cả nhà. “Cho nên tôi không lo lắng gia đình mình thiếu thốn, còn tiền thì cứ xoay vòng, không ở nhà tôi thì ở nhà anh em, bà con xóm bản”, anh Lương Văn Bốn bộc bạch.

Anh Lương Văn Bốn sinh năm 1974, bố mẹ anh Bốn sinh được 6 người con. Vì gia đình đông con, lại chỉ biết dựa vào sản xuất nông nghiệp và thu hái lâm sản phụ nên anh Lương Văn Bốn trải qua tuổi thơ gian khó, vất vả.

Nhiều bữa cả gia đình không có cơm ăn, bố mẹ đi mò cua, bắt ốc nơi suối, khe nuôi các con qua ngày. Cả gia đình 8 người sống trong căn nhà sàn tranh tre, nứa lá, đã không biết bao lần anh mơ ước mình có được ngôi nhà khang trang rộng rãi để các anh, chị em và bố mẹ được an hưởng cuộc sống. Song nhà quá nghèo, anh không có điều kiện để đi học cấp 3 ở thị trấn nên đành ở lại bản, quyết tâm chăm lo lao động, sản xuất, trồng rừng và tích góp vốn mở quán hàng tạp hóa nhỏ. Những tháng ngày tuổi thơ vất vả đã giúp anh thấu hiểu hoàn cảnh cũng như mơ ước của những người nghèo, những gia đình không có đủ tiền để xây dựng nhà cửa.

Sau này, khi đã có cuộc sống khá giả, anh luôn tâm niệm muốn giúp đỡ những người khốn khó thực hiện được ước mơ của mình.

Anh Lương Văn Bốn trồng mét phát triển kinh tế. Anh Lương Văn Bốn trồng mét phát triển kinh tế.

Không chỉ giúp đỡ bà con khó khăn có tiền xây nhà, anh Lương Văn Bốn còn là nhân tố khơi dậy các phong trào ở địa phương. Đồng Tiến là một trong những bản nằm trong vùng có ảnh hưởng của Thủy điện Chi Khê và Thủy điện Khe Thơi. Trước đây, liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thi công 2 công trình thủy điện này, nhiều làng, bản đã xảy ra tình trạng tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, bản Đồng Tiến cũng không ngoại lệ. Vì vậy, cùng với ban cán sự thôn, bản và UBND xã Lạng Khê, bằng uy tín, tình cảm của mình, anh Lương Văn Bốn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng, không làm những việc vi phạm pháp luật. Bởi thế, người dân Đồng Tiến đã tránh được những tranh chấp, khiếu kiện và được đảm bảo quyền lợi chính đáng.

Tuy không là bí thư, trưởng bản nhưng anh Bốn lại được nhân dân yêu cầu tham gia tổ hòa giải, ban thanh tra nhân dân. Những “khúc mắc” xảy ra trong bản có sự tham gia “can thiệp” của anh Lương Văn Bốn đều trở nên tốt đẹp.

Cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Con Cuông thăm mô hình phát triển kinh tế của anh Lương Văn Bốn. Cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Con Cuông thăm mô hình phát triển kinh tế của anh Lương Văn Bốn.

Ví như sự việc ẩu đả, tranh chấp giữa 2 gia đình ông Hoa và anh “Liên tù”. Hai người này bắt đầu từ việc cưa nhầm cây gỗ của nhau mà dẫn đến ẩu đả, rồi kiện cáo nhau lên cấp xã, cấp huyện nhưng vẫn không giải quyết được. Anh Lương Văn Bốn đã đích thân gặp từng người, hỏi han tâm tư và phân tích phải trái, sau đó mời 2 người cùng nói chuyện, thỏa thuận cách xóa bỏ mâu thuẫn. Từ năm 2016 – 2020, anh Lương Văn Bốn đã tham gia hòa giải thành công 5 vụ việc tranh chấp mâu thuẫn trong thôn. Ngoài ra, anh còn tham gia vận động người dân hiến đất, dỡ bờ rào, chặt cây để hiến đất làm đường với hàng nghìn mét vuông và hàng trăm cây cối các loại…

Không chỉ kêu gọi người dân hiến đất mở rộng trục đường chính của bản, đích thân anh Bốn còn kêu gọi bạn bè có máy xúc, máy san gạt để tu sửa tuyến đường từ cánh đồng đến bản Chôm Lôm hơn 1,3 km; tặng kinh phí 30 triệu đồng làm sân thể thao giúp người dân bản Đồng Tiến có nơi vui chơi, rèn luyện thể thao mỗi ngày. Anh Lương Văn Bốn bộc bạch, buôn bán, trồng rừng phát triển kinh tế không chỉ là mục đích kiếm nhiều tiền cho bản thân, mà để giúp đỡ được nhiều gia đình hơn, để làng, bản ai cũng yên vui, hạnh phúc.

Giúp đỡ người khác cũng là giúp bản thân có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống. Suy nghĩ đó của anh đều được vợ và các con ủng hộ. Cứ thế, ngày qua ngày, những việc làm của anh Bốn đối với bà con đã giúp cho anh có được sự tin cậy, tôn trọng từ bà con nhân dân, trở thành người uy tín của Đồng Tiến. Anh như là “ông bụt” ở bản vậy!

 

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ong-but-o-ban-a72089.html