Sau đây là 7 cách cân bằng cảm xúc, giữ cho tâm trạng luôn ổn định, duy trì nguồn năng lượng giúp đảm bảo hiệu suất trong công việc của bạn.
Xác định đúng tầm quan trọng của vấn đề
Một số người có xu hướng thổi phồng mức độ nghiêm trọng của vấn đề nên dễ rơi vào âu lo mặc dù bản chất vấn đề khá đơn giản. Thông thường chúng ta sẽ mất bình tĩnh nếu như nghĩ ngay đến kịch bản xấu. Chẳng hạn chỉ với việc không thương thuyết được với khách hàng mà bạn nghĩ ngay đến việc bị giảm trừ lương, sếp sa thải…
Để vượt qua, chính bạn phải thay đổi suy nghĩ. Đó là nhìn nhận vấn đề đúng như bản chất của nó để giảm áp lực, vượt qua stress. Nên suy nghĩ theo hướng đơn giản hóa vấn đề. Chẳng hạn, làm được việc này giúp mình thăng tiến hơn/ ghi điểm nhiều hơn/ có thu nhập cao hơn… Trong trường hợp thất bại, bạn sẽ khắc phục thế nào, bài học thu được là gì.
Làm đúng việc, không ôm đồm
Đừng cố gắng nhận lấy công việc quá nhiều hoặc quá khả năng để rồi cảm thấy căng thẳng, áp lực đè nén. Hoặc cũng đừng để những việc lộn xộn chồng chất sẽ làm bạn không kịp giải quyết. Bạn nên xác định đúng việc cần làm. Bỏ qua việc “vớ vẩn” mất thời gian hoặc phân tâm. Tốt nhất nên tập trung vào một việc cụ thể trong khoảng thời gian theo đúng như kế hoạch.
Dự đoán và ứng phó
Lướt qua một lượt tin đăng việc làm trên các trang tuyển dụng, bạn có thể thấy chịu được áp lực là một trong những yếu tố cần thiết cho hầu hết công việc. Và để dễ dàng vượt qua stress, bạn nên dự đoán trước một vài tình huống có thể xảy đến và nghĩ ra phương án dự phòng. Luôn chuẩn bị tinh thần ứng phó cho tình huống xấu giúp bạn không cảm thấy bất ngờ.
Làm chủ ngôn ngữ cơ thể
Bạn có thể giữ bình tĩnh bằng cách làm chủ cơ thể của mình: ngồi thẳng người, giữ đầu thẳng, bờ vai cân đối, làm chủ ánh mắt và nét mặt; bước đi thật chậm để giữ bình tĩnh; hít thở sâu bằng mũi và thở chậm ra bằng đường miệng, lặp lại cho đến khi bạn thấy bình tĩnh hơn. Ngoài ra bạn có thể đi ra ngoài tìm một không gian yên tĩnh ngắm cảnh; uống chậm một ly nước hay thực hành một vài động tác cân bằng…
Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp
Mối quan hệ với đồng nghiệp quyết định rất nhiều đến không khí và tinh thần làm việc của mỗi người. Đồng nghiệp tốt, hợp nhau sẽ là phương thuốc quý giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi hiệu quả. Sẽ thật tuyệt vời nếu mọi người làm việc cùng nhau vui vẻ, tinh thần đoàn kết và hỗ trợ. Sau giờ làm có thể cùng nhau đi ăn uống hay giải trí để giảm stress.
Thư giãn
Để vượt qua sự căng thẳng bạn có thể tìm một vài cách thư giãn như tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn, đi dạo bộ, nghe những bản nhạc nhẹ nhàng yêu thích, xem một bộ phim.
Bạn có thể chăm sóc bản thân như massage thư giãn, nghỉ ngơi, thậm chí chăm sóc ngoại hình bằng bộ quần áo mới, thay đổi kiểu tóc, phong cách thời trang, mua một món đồ yêu thích, đi ăn cùng bạn bè nếu bạn cảm thấy thoải mái vui vẻ.
Đặc biệt, điều quan trọng giúp bạn giảm căng thẳng đó là ngủ đủ giấc. Vì thiếu ngủ là nguyên nhân tạo ra các cơn căng thẳng, tâm trạng dễ bực bội, cáu gắt và mất kiểm soát. Sau một giấc ngủ sâu và đủ, đầu óc sẽ minh mẫn, bình tĩnh và cân bằng hơn rất nhiều.
Chia sẻ và nhờ sự trợ giúp
Nếu bạn cảm thấy bế tắc với vấn đề của mình thì tốt nhất nên chia sẻ với người khác. Đôi khi bạn khó giải quyết vấn đề một mình. Những lúc như vậy tốt hơn nên nhờ người có thể hỗ trợ bạn. Dù bằng hành động thiết thực hay một lời an ủi động viên cũng sẽ góp phần khích lệ, giúp bạn thoải mái và có động lực hơn. Bên cạnh đó, thêm ý kiến sẽ thêm được giải pháp hiệu quả.
Vượt qua stress, áp lực trong công việc hiệu quả cũng là một dạng kỹ năng mềm. Nó hình thành nhờ 2 yếu tố: bản năng và cả quá trình tự nỗ lực rèn luyện bản thân về cách kiểm soát cảm xúc. Nếu giỏi kỹ năng này, áp lực công việc không còn là trở ngại. Bạn sẽ đủ tự tin để vượt qua và làm việc hiệu quả, dễ thành công hơn.
Lê Hà
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/7-cach-de-vuot-qua-stress-trong-cong-viec-a72225.html