Thu hồi danh hiệu người đẹp có vi phạm sau đăng quang: Giải pháp nào cho việc “mất bò mới lo làm chuồng” ở các cuộc thi sắc đẹp?

Mới đây, BTC cuộc thi Người đẹp Du lịch Quảng Bình 2019 đã tước vương miện đối với hoa khôi Trần Ngọc Huyền, sự việc này lại một lần nữa làm dấy lên nhiều tranh luận và sự quan tâm vì chuyện tước danh hiệu thường gây xôn xao một thời gian dài, làm ảnh hưởng đến danh tiếng của cuộc thi. Đã có một số cuộc thi không dám làm mạnh vì sợ tiếng xấu với BTC. Vậy các nhà văn hoá, quản lý và những người trong cuộc nói gì về việc này?

Quản lý người đẹp sau đăng quang: Đừng “thả gà ra đuổi””

Theo đó, Bà Trần Bảo Linh - Trưởng BTC cuộc thi Người đẹp Du lịch Quảng Bình 2019 cho biết, Trần Ngọc Huyền là người đoạt giải cao nhất cuộc thi, nhưng cô gái này đã vi phạm nhiều quy định. Ban tổ chức nhiều lần nhắc nhở song Trần Ngọc Huyền không thực hiện. Cụ thể, cô đã không tham gia các chương trình nhằm quảng bá du lịch Quảng Bình cũng như các hoạt động thiện nguyện.

Người đẹp Trần Ngọc Huyền bị tước danh hiệu vì vi phạm quy định.

Trước Ngọc Huyền, hàng loạt người đẹp Việt cũng đánh mất danh hiệu vì lùm xùm đời tư. Vào tháng 9/2018, BTC cuộc thi Người mẫu thời trang Việt Nam 2018 công bố tước danh hiệu Á quân 1 của Nguyễn Thị Dung (nghệ danh Thư Dung). Lý do đơn vị tổ chức đưa ra là Thư Dung thực hiện hành vi không phù hợp, chụp ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của người Việt Nam tại Tuyệt tình cốc Đà Lạt. Ngoài ra, đơn vị nhận được thông tin phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật của Thư Dung khi cô bị nghi có liên quan tới đường dây bán dâm giá chục nghìn đôla bị cơ quan công an TP.HCM điều tra. Tiếp đó, BTC cuộc thi Miss Eco International (Hoa hậu Du lịch Sinh thái Quốc tế) thông báo trên fanpage chính thức, Thư Dung không còn là Á hậu của cuộc thi này. Người đẹp Brazil được trao danh hiệu thay thế.

Người đẹp Nguyễn thị Thành cũng từng ê chề khi bị tước danh hiệu Hoa khôi du lịch.

Tháng 3/2017, người đẹp Nguyễn Thị Thành bị tước danh hiệu Á khôi 1 và bị tước quyền tham dự cuộc thi Miss Eco International tại Ai Cập diễn ra trong năm đó vì đã từng thẩm mỹ răng. Sau khi làm việc với cơ quan quản lý, BTC Hoa khôi Du lịch thừa nhận có sai phạm trong quá trình tuyển sinh, cho phép cả những thí sinh chưa đáp ứng quy định pháp luật, tiêu chí, thể lệ tham gia cuộc thi. BTC sau đó đã nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm và cam kết thực hiện thu hồi giải thưởng của thí sinh Tuy nhiên, Nguyễn Thị Thành vẫn được BTC đồng ý cho giữ vương miện trị giá 7.500 USD làm kỷ niệm, đồng thời vị trí Á khôi 1 Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2018 sẽ bỏ trống. Trước đó, cô cũng từng tham gia Hoa hậu Việt Nam 2016 nhưng bị BTC cuộc thi yêu cầu dừng thi vì phát hiện cô ngụy tạo hồ sơ, cung cấp thông tin sai lệch và thẩm mỹ răng.

Cũng trong năm 2017, Mrs. Vietnam World 2017 Trần Bảo Ngọc bị BTC tước vương miện. Lý do đơn vị tổ chức đưa ra là do cô không hoàn thành được sứ mệnh của một Hoa hậu theo đúng tiêu chuẩn của BTC. Bảo Ngọc đã không tuân thủ và vi phạm những điều lệ đã được ký kết. Á hậu Hạnh Thu được đề cử thay thế vị trí của Bảo Ngọc và tham gia cuộc thi Mrs. World 2017 tổ chức tại Nam Phi.

Thư Dung từng gây phản cảm với bộ ảnh Tuyệt tình cốc và một số lùm xùm nên cũng bị tước danh hiệu.

Cũng từ sự việc của Ngọc Huyền, Thư Dung, Trần Bảo Ngọc hay Nguyễn Thị Thành, thiết nghĩ, BTC các cuộc thi sắc đẹp cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc tìm ra người đoạt giải không chỉ có nhan sắc mà còn có tài năng, nhân cách. Vậy việc “mất bò mới lo làm chuồng” - quản lý người đẹp đã được trao danh hiệu rồi mới phát hiện ra sai phạm liệu có dễ, và có chế tài nào khiến họ “sợ một phép” không?

Trao đổi với PV, chuyên gia văn hoá Đào Ngọc Cường cho hay: “Nếu người đẹp vi phạm BTC được quyền tước danh hiệu của họ, ai trao thì người đó có quyền thu hồi danh hiệu. Nước ta hiện nay có nhiều cuộc thi sắc đẹp, họ trao giải nhiều đến nỗi có người phải thốt lên rằng: “Ra ngõ là gặp Hoa khôi, Hoa hậu…” nhưng quản lý họ ra sao khi cuộc thi kết thúc cũng làm đau đầu nhiều BTC. Đa số người đẹp ý thức được danh hiệu, họ có nhiều hoạt động tích cực, nhưng cũng có người vi phạm. Nếu vi phạm nghiêm trọng nên sử dụng các biện pháp mạnh để khỏi ảnh hưởng đến cuộc thi. Tôi ủng hộ các BTC cuộc thi có các bản cam kết với thí sinh sau khi đăng quang, phải có sự ràng buộc và nếu vi phạm vì xử lý ngay… Nghiêm khắc nhưng đúng luật ai cũng ủng hộ…”.

Dự thảo về việc Cục NTBD có quyền yêu cầu thu hồi danh hiệu…

Đại diện bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nội dung Dự thảo Nghị định Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Nói về việc thu hồi danh hiệu của những người đẹp vi phạm pháp luật, Đại diện cục Nghệ thuật Biểu diễn (bộ VH,TT&DL) cho hay: “Cuối năm 2019, bộ VH,TT&DL đã tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trong đó có việc cho phép thu hồi danh hiệu đối với các trường hợp đã đạt giải mà bị phát hiện vi phạm một trong các điều kiện dự thi. Cục NTBD sẽ có quyền yêu cầu đơn vị tổ chức cuộc thi thực hiện việc này. Cụ thể, theo khoản h, điều 6, chương I của dự thảo, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn (đơn vị được cấp phép tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu – PV) sẽ phải thu hồi danh hiệu, giải thưởng trao cho tổ chức, cá nhân đạt giải theo yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, quy chế tổ chức cuộc thi.

Nếu dự thảo này được thực hiện là sẽ tháo gỡ vướng mắc của cơ quan chức năng, tránh xảy ra những lùm xùm “hậu” cuộc thi mà cơ quan quản lý văn hóa không thể xử lý được bởi thiếu cơ sở pháp lý, như trường hợp Lê Âu Ngân Anh đăng quang ngôi vị Hoa hậu Đại dương 2017 bị phát giác từng nâng mũi, vi phạm quy chế thi nhưng BTC không thu hồi, dẫn đến nhiều ồn ào. Hay, một số trường hợp người đẹp đạt giải cao tại các sân chơi sắc đẹp trong nước cũng có những hành vi bị cho là thiếu chuẩn mực, hoặc bị phát hiện vi phạm quy chế thi người đẹp, tuy nhiên hầu hết đều không thể xử lý theo hình thức tước danh hiệu bởi BTC giải thể sau cuộc thi nên cho dù cơ quan quản lý văn hóa có đề nghị tước cũng không biết phải tước thế nào, hoặc họ sẽ không tước mà “lách luật”. Những người đẹp đã bị tước danh hiệu mà truyền thông nhắc đến là do BTC cuộc thi chủ động thu hồi danh hiệu do áp lực dư luận, chứ cục NTBD chưa can thiệp vào”.

Về vấn đề pháp lý, luật sư Tiến Hà (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay: “Hiện tại, pháp luật vẫn quy định việc quản lý các cuộc thi nhan sắc là giao toàn bộ cho Cục NTBD thuộc bộ VH,TT&DL chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về thi người đẹp, người mẫu theo nghị định 79/2012 nhưng đã có điều chỉnh pháp luật. Như nghị định 28/2017 sửa đổi bổ sung nghị định 158/2013 để hướng dẫn chi tiết rõ ràng hơn, những vấn đề vẫn chưa rõ. Quy định hướng dẫn tước danh hiệu hoa hậu phải quy định là tước khi nào, chứ không phải tùy tiện muốn tước là tước, có quyền nhưng có hạn, cơ quan cục NTBD chỉ có việc yêu cầu chứ không có quyền trực tiếp để tước nên giữa pháp luật đi vào đời sống, thực tiễn có vấn đề chưa ổn. Nếu dự thảo Nghị định Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn đi vào hoạt động, cần quy định rõ BTC nào, ai trao tặng danh hiệu đó thì người đó có quyền thu hồi lại, có quyền tước...”.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/thu-hoi-danh-hieu-nguoi-dep-co-vi-pham-sau-dang-quang-giai-phap-nao-cho-viec-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-o-cac-cuoc-thi-sac-dep-a72242.html