Trao đổi, chị A. cho biết, ngày 24/9, chị có mua online một sản phẩm bình sữa cho trẻ em nhãn hiệu BestBorn tại địa chỉ số 679 Trương Định (Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội) thông qua tài khoản facebook Phạm Kim Anh.
Các thông tin trên tài khoản facebook Phạm Kim Anh nói về sản phẩm |
Theo quảng cáo của tài khoản Facebook này, đây là sản phẩm bình sữa nội địa Trung Quốc đã được kiểm chứng bởi tổ chức của Mỹ và Thụy Sỹ chứng nhận. Nhưng do khá kĩ tính trong việc mua sản phẩm dùng cho con nên chị A. đã đến trực tiếp địa chỉ 679 Trương Định như quảng cáo để trực tiếp lựa chọn sản phẩm và mẫu bình ưng ý.
Đến nơi, chị gọi số hotline trên facebook nhưng không được vào nhà mà chỉ được một người đàn ông nhận là chồng của chị Phạm Kim Anh đưa cho một túi sản phẩm với số tiền phải thanh toán tiền là 330.000 đồng, không có hóa đơn hay giấy tờ thanh toán liên quan.
Khi về nhà, chị A. thấy hình thức bán hàng có dấu hiệu mập mờ, nên đã tìm hiểu và phát hiện trên sản phẩm không có tem nhãn phụ để lưu hành tại Việt Nam theo như quy định đối với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ tại nước ngoài.
Theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP đối với sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, bản nhãn chính, nhãn dịch, bản dịch thuật có dấu của ông ty dịch thuật, bản kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm thì sản phẩm bình sữa nhãn hiệu BestBorn không đáp ứng được yêu cầu.
Sản phẩm bình sữa cho trẻ em thương hiệu BestBorn |
Theo tìm hiểu, ngoài sản phẩm bình pha sữa nhãn hiệu BestBorn, Facebook Phạm Kim Anh còn bán sản phẩm bình đun sữa Hoybell và nhiều sản phẩm dược phẩm, các loại tinh dầu bé cùng nhiều sản phẩm khác của công ty có địa chỉ tại phố Lạc Nghiệp, Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội.
Hơn nữa, tài khoản facebook Phạm Kim Anh còn là quản trị viên của nhiều hội nhóm, diễn đàn dành cho mẹ và bé trên mạng xã hội facebook. Hầu hết các hội nhóm này đều đánh giá cao về sản phẩm bình đun sữa và bình pha sữa do facebook Phạm Kim Anh trực tiếp bán.
Để xác minh và làm rõ sự việc, PV đã tìm đến địa chỉ trên, tại số 679 Trương Định, Q.Hoàng Mai. Trao đổi với PV, anh Tú, chồng chị Kim Anh cho biết: “Thấy thị trường rộ lên thì bọn tôi nhập về bán. Nếu có vấn đề gì thì cứ kiện, chúng tôi sẵn sàng, sai bọn tôi chịu. Mà có vấn đề gì đâu, cái đấy là của bên sản xuất còn bọn tôi chỉ sai trong quá trình bán chứ không phải là người sản xuất”.
Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc PV có gặp và trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh, Phó đội quản lý thị trường số 15 của Hà Nội. Ông Thanh cho biết: “Đội quản lý thị trường luôn làm đúng trách nhiệm và kiên quyết xử lý những hành vi nhập và phân phối sản phẩm, hàng hóa không đúng vi phạm pháp luật. Đội sẽ báo cáo và cho anh em phụ trách địa bàn, xác minh thông tin khách hàng phản ánh. Tuy nhiên, do đây là bán online không có cửa hàng mà bán ở nhà nên cần xác minh rõ. Nếu mà có vi phạm sẽ kiên quyết xử lý ngay”.
Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, kính đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc xác minh, kiểm tra các thông tin khách hàng phản ánh để có các biện pháp xử lý đảm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dung thì thời gian gần đây, tính chất phức tạp trong các tranh chấp mua bán hàng qua mạng ngày càng gia tăng. Do vậy, khi mua hàng, khách hàng nên sử dụng phương thức đồng kiểm. Phương thức này cho phép kiểm tra hàng trước khi nhận. Trường hợp hàng nhận được là hàng giả, kém chất lượng hoặc không giống với quảng cáo, người tiêu dùng có thể từ chối. Nếu không đồng kiểm thì người mua hàng nên quay, chụp lại hình ảnh sản phẩm để có căn cứ phản ánh, khiếu nại.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Trần (Văn phòng luật sư Nguyễn Trần) cho biết: Pháp luật dân sự hiện hành cũng đã có những quy định cụ thể về hành vi của người bán hàng, nếu người bán hàng có hành vi cố ý giới thiệu làm cho người mua hiểu sai lệch về hàng hóa, nhằm mục đích để người mua tin tưởng và chấp nhận mua hàng thì giao dịch dân sự giữa hai bên có thể bị vô hiệu theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối. Theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015, khi giao dịch dân sự vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Tùy tính chất, mức độ, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định 167/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Hình sự 2015 thì Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.
Nghiêm trọng hơn nữa, nếu hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có tính chất chuyên nghiệp, gây hậu quả lớn, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.