Sinh viên thấp thỏm lo “cõng” nợ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 116/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Cụ thể, sinh viên theo học khối ngành này sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo, đồng thời, được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Thời gian hỗ trợ sinh hoạt phí được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định nhưng không quá 10 tháng/năm học (tương đương 36,3 triệu đồng/năm).
Trong trường hợp giảng dạy theo học chế tín chỉ, mức hỗ trợ được quy đổi phù hợp và tổng kinh phí hỗ trợ theo tín chỉ cả khóa không vượt quá theo năm học. Nơi đào tạo có trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt thông qua tài khoản tiền gửi của sinh viên tại ngân hàng.
Trước thông tin được cho là “tin vui” đối với ngành sư phạm, không ít ý kiến cho rằng, chính sách hỗ trợ này chưa đủ để trở thành “nam châm” thu hút đầu vào chất lượng.
Sinh viên Nguyễn Thị Hải Yến (khoa Sư phạm Âm nhạc, trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) cho rằng: “Nếu học trong môi trường sư phạm, sinh viên đã được miễn học phí rồi, thì chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cũng không thực sự cần thiết!
Điều này đôi khi khiến nhiều sinh viên đăng ký vào trường chỉ vì được bảo đảm tài chính trong quá trình học tập, dẫn đến ỷ lại, không chịu khó nâng cao trình độ...
Chưa kể, sau khi ra trường, nếu sau 2 năm, sinh viên đó thất nghiệp hoặc làm việc không đúng ngành thì phải bồi hoàn học phí và sinh hoạt phí. Nhiều sinh viên vô tình lại “cõng” trên lưng một khoản nợ lớn sau khi vừa “chân ướt chân ráo” ra khỏi trường, mà chưa thể phục vụ trong ngành sư phạm vì một điều kiện khách quan nào đó.
Thậm chí, sinh viên nào sợ phải bồi hoàn thì sẽ cố gắng theo ngành dù có thể năng lực không đủ, trình độ chuyên môn không đáp ứng, nhiệt huyết không cao... sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”.
Cam kết một chiều khó “hút” sinh viên
Lo ngại chính sách hỗ trợ học phí và phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm sẽ chỉ thu hút nhiều thí sinh khó khăn, mà trở nên “vô hiệu” với những thí sinh có năng lực và điều kiện, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT) - nhận định: “Về cơ bản chính sách này rất tốt nhưng mới chỉ thu hút được sinh viên nghèo vào ngành sư phạm thôi chứ chưa chắc đã hội tụ được sinh viên giỏi, vì còn liên quan đến vấn đề ra trường có việc làm hay không và thu nhập cao hay không. Đam mê sư phạm không phải chỉ có nghề hay mà còn phải tính đến cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến sau khi tốt nghiệp”.
Đồng tình với quan điểm đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh - cũng nhấn mạnh: “Điều đó là chính xác! Bản thân tôi là người đã đi khảo sát và trò chuyện cùng phụ huynh và thí sinh ở khu vực phía Nam, nhiều người hiện đang coi việc học đại học là một sự đầu tư, mà đầu tư phải đúng để sinh lợi.
Rất hiếm ai nói rằng, học đại học vài năm rồi ra trường, với đồng lương thấp “lè tè” và nói đó là để cống hiến. Trừ trường hợp, một số gia đình có truyền thống “trồng người” thì bố mẹ khuyên con đi theo; còn lại, lớp trẻ hiện nay có “tư duy thị trường”, và cũng rất thực tế”.
Theo TS Lê Viết Khuyến, ở một số nước trên thế giới, nhân lực ngành sư phạm có thu nhập cao nên thu hút sinh viên. “Vậy, nhìn vào đó, chúng ta thấy rằng, lương giáo viên không cần “cao chót vót” nhưng phải ổn định và cơ bản đáp ứng mức sống. Mấy năm vừa qua, vẫn rộ lên những câu chuyện của nhiều giáo viên cống hiến đến gần 20 năm vẫn dạy hợp đồng, không ổn định... Chưa kể, quy định sinh ra hết tín chỉ này, tín chỉ kia, để sàng lọc, khiến giáo viên phải “chạy” theo đáp ứng, trong khi chế độ đãi ngộ lại không đảm bảo. Vậy thì làm sao có thể thu hút sinh viên vào sư phạm?” - ông đặt câu hỏi.
“Bên cạnh đó, sinh viên cũng sẽ phải bồi hoàn khoản học phí, sinh hoạt phí đã được hỗ trợ nếu sau khi ra trường không phục vụ ngành sư phạm. Đó là cam kết một chiều. Nếu muốn ngành sư phạm có sức hút, cần phải có cam kết hai chiều, tức là khi sinh viên đồng ý vào sư phạm thì Nhà nước đảm bảo phân công việc làm sau khi ra trường. Làm được như vậy, không cần hỗ trợ bất kỳ khoản phí nào, ngành sư phạm vẫn có sức hút!” - nguyên Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học phân tích.
Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ThS Nguyễn Đức Linh - giảng viên trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương - đề xuất: “Trong ngành giáo dục vẫn còn tồn tại những tiêu cực, sinh viên sau khi tốt nghiệp, để được vào biên chế rất khó khăn. Chính vì vậy, tôi cho rằng, để “né” được tình trạng thu hút người tài vào sư phạm rồi lại “lãng phí” nhân lực đầu ra, thì cần “siết” thêm những quy định.
Khi Nhà nước đã hỗ trợ về tài chính thì cũng cần cam kết luôn đầu ra cho sinh viên. Trước đây, khi sinh viên sư phạm tốt nghiệp, Nhà nước điều động về đâu là phải theo. Tất nhiên, trong điều kiện hiện tại, chúng ta cũng có thể linh động hơn. Chẳng hạn, một sinh viên sư phạm sau khi ra trường, sẽ có thời hạn hai năm để tự liên hệ, xin việc ở những môi trường mà bản thân mong muốn. Sau đó, nếu vẫn thất nghiệp thì Nhà nước có quyền điều động về bất cứ môi trường nào”.
Cần một chiến lược bền vững PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn “chiêu mộ” được nhân tài, thì Chính phủ cần có một chiến lược bền vững. Chính sách như hiện nay là không bền vững, sinh viên học tập sau mấy năm được hỗ trợ tài chính nhưng ra trường không xin được việc, hoặc xin được việc nhưng lương không đủ trang trải cuộc sống, thì có ai muốn vào sư phạm. Vì thế, phải tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Chính phủ có thể dùng số tiền hỗ trợ sinh viên kia để đưa vào quỹ lương, tăng lương cho giáo viên với hệ số lương cao như khối ngành quân đội, công an... việc thu hút đầu vào sẽ hiệu quả hơn!”. |
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ho-tro-sinh-hoat-phi-co-thuc-su-la-nam-cham-cua-nganh-su-pham-a72320.html