Câu chuyện về một chiếc cột đồng hồ ở Hà Nội

Nơi cột đồng hồ đứng bây giờ không còn nhìn thấy bờ đê cũ, cũng như những bè gỗ, bè nứa phủ kín mặt sông, mà là một nút giao thông lập thể và một cây cầu sắt mang tên Chương Dương - một chứng nhân lịch sử trong quá trình đổi mới đi lên của đất nước, một phần lịch sử của Thủ đô.

Dấu xưa

Trước năm 1983 ở phía đông phố cổ Hà Nội, nơi giao điểm của các tuyến phố Trần Nhật Duật, Lương Ngọc Quyến, Hàng Muối, Hàng Chĩnh, Nguyễn Hữu Huân có một đảo tròn để điều tiết giao thông. Trên đảo tròn đó có một cây cột đồng hồ.

Được biết, trước khi khánh thành cầu Long Biên, Đốc lý Pretre Charles (giữ chức vụ từ ngày 1-8-1901 đến 21-11-1901) cho dựng chiếc đồng hồ công cộng ngoài trời đầu tiên này. Ngày ấy, đồng hồ là vật dụng hiếm quý nên Hà Nội chỉ có dăm cái công cộng để báo giờ cho dân.

Cây cột được đúc bằng gang mang từ Pháp sang, được trang trí hoa văn, họa tiết rất tinh tế, trên đỉnh lắp một đồng hồ hai mặt hình tròn, một mặt quay hướng Bắc, một mặt quay hướng Nam. Người dân quen gọi là “cột đồng hồ”. Địa danh “cột đồng hồ”, dù không chính thức ghi trong bản đồ nhưng nguời Hà Nội nào cũng biết.

Từ cột đồng hồ này có thể dễ dàng đi vào các phố cổ: Mã Mây, Hàng Giầy, Hàng Buồm, Hàng Mắm, Hàng Bạc... để đến các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, ra hồ Hoàn Kiếm… Hoặc từ cột đồng hồ đi chếch phía bờ sông Hồng là bến tàu thủy neo đậu. Thời ấy khu vực này chưa có đê nên việc đi lại từ khu vực trung tâm phố cổ qua cột đồng hồ đến bến tàu thủy rất thuận tiện. Ngay kề bên cái cột đồng hồ về phía phố Hàng Tre bây giờ có trụ sở công ty của "ông vua đường sông Bắc Kỳ" Bạch Thái Bưởi. Vì thế, cái đồng hồ đặt ở đây chính là để phục vụ cho những khách lên bến xuống thuyền xem giờ cho khỏi lỡ chuyến.

Từ sau vụ lụt năm 1925-1926, chính quyền khi đó mới đắp con đê chạy dọc sông và mở những cửa khẩu đi ra ngoài các bến bãi. Kể từ đó, do giao thông không thuận tiện nên quanh cột đồng hồ không còn sầm uất nữa, dần trở nên hoang vắng.

Năm 1983, khi Hà Nội được phép xây một cây cầu treo tại đây để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông qua sông Hồng thì khu vực này được rào kín lại để nhường chỗ cho công trường xây dựng và từ đó, không còn ai còn nhớ đến cây cột đồng hồ nữa.

Trở lại

Khi khánh thành cầu Chương Dương năm 1985, do lượng xe lưu thông chưa nhiều nên đường lên xuống cầu từ phía Hà Nội chỉ có hai chiếc “râu” hẹp chạy men theo đê sông Hồng từ hai phía thượng lưu và hạ lưu. Tuy nhiên, đến năm 2000, khi kinh tế phát triển, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra ở khu vực đầu cầu (trục đường Trần Quang Khải). Bộ Giao thông - Vận tải và UBND thành phố Hà Nội quyết định cải tạo lại nút giao thông Nam Chương Dương.

Nút giao Nam Chương Dương.

Để tạo cảnh quan kiến trúc cho nút giao thông này, theo kế hoạch sẽ bố trí một bức phù điêu gốm về Thăng Long - Hà Nội và dự kiến bố trí tượng phù điêu “đầu rồng” ngay trên vòng xuyến tại điểm tiếp cận với đầu cầu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà hạng mục phù điêu “đầu rồng” không thể thực hiện được.

Theo ông Tạ Đình Bảy, nguyên Giám đốc Công ty Cầu 12 (Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1), thời kỳ xây dựng cầu Chương Dương 1983-1986, Giám đốc Công ty Cầu 12 khi đó là ông Hà Đình Cẩn đã cho tháo dỡ cột đồng hồ và mang về bảo quản nguyên vẹn tại trụ sở Công ty ở Cổ Bi (Gia Lâm). Năm 2001, khi biết không thể thực hiện được việc đặt biểu tượng “đầu rồng”, Công ty Cầu 12 - đơn vị chủ lực xây dựng nút giao thông Nam Chương Dương đã đề xuất lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải xin được dựng lại cây cột đồng hồ ở khu vực ban đầu.

Được chấp thuận, Công ty Cầu 12 đã dựng lại cây cột đồng hồ ngày xưa tại vị trí giao nhau giữa cầu và nút giao thông. Việc đặt lại cột đồng hồ về chốn cũ đã thể hiện tấm lòng của những người thợ cầu của ngành Giao thông Vận tải Việt Nam với Thủ đô thân yêu khi đó đang hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Khi dựng lại cột và lắp đồng hồ, nhiều người dân đã đến tận nơi để ngắm nghía, sờ tận tay cây cột xưa, tưởng đã vĩnh viễn đi vào quên lãng. Nhiều người xúc động khi nhìn thấy cây cột vốn đã một thời gắn bó với người Hà Nội được trả về nguyên trạng.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/cau-chuyen-ve-mot-chiec-cot-dong-ho-o-ha-noi-a72376.html