Vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3: Mãi tiếc thương 13 cán bộ hy sinh

13 thi thể của đoàn công tác gặp nạn ở khu vực tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ đã được tìm thấy dưới lớp đất đá sâu 2 - 3m...

Vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3: Mãi tiếc thương 13 cán bộ hy sinh - 1

Lực lượng cứu hộ quân đội tìm kiếm các nạn nhân tại hiện trường Tiểu khu 67

Đến 19h30 tối 15/10, lực lượng cứu hộ đã tìm kiếm được tất cả 13 thi thể của đoàn công tác gặp nạn ở khu vực tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Trong đó có thi thể của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 và Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình.

Các nạn nhân bị vùi sâu 2-3m

Trước đó, lúc 11h ngày 15/10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy 4 thi thể đầu tiên trong đoàn. Trong buổi chiều, nhiều thi thể khác tiếp tục được tìm thấy. Các nạn nhân bị vùi dưới lớp đất sâu 2-3m nên mất nhiều thời gian đào bới mới tiếp cận được. Trong số các nạn nhân, có thi thể của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 và Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình.

Những thi thể của cán bộ, chiến sĩ trong đoàn công tác vừa tìm thấy được đưa về Bệnh viện Quân y 268 để bảo quản và sau đó lễ truy điệu sẽ tổ chức chung tại nhà tang lễ 268, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Việc tìm kiếm 13 nạn nhân trong đoàn công tác tại Trạm kiểm lâm 67 do mũi cứu hộ thứ nhất - cứu hộ quân đội thực hiện. Với gần 2 triệu m3 đất non mềm vùi lấp toàn bộ Tiểu khu 67, sau 3 ngày tìm kiếm, cán bộ chiến sĩ tham gia làm việc không ngừng nghỉ, chạy đua với thời gian.

Cũng trong ngày 15/10, tại hướng đường thủy, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế (mũi tìm kiếm thứ hai) tiếp tục triển khai sử dụng xuồng, cano cao tốc để vượt lòng hồ thủy điện Hương Điền đưa lực lượng tiến sâu vào khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 với hướng tiếp cận là khu vực thân đập thủy điện.

Để lên đây, công an phải đi đường thủy 10km ngược dòng ở lòng hồ thủy điện Hương Điền (TX Hương Trà), sau đó tiếp tục đi đường bộ. Tuyến đường bộ bị sạt lở nghiêm trọng gây khó khăn cho công tác cứu nạn. Lực lượng chức năng đã phải dùng flycam thăm dò địa hình và hỗ trợ tìm kiếm người bị nạn.

Theo nhận định, tại khu vực thân đập thủy điện sẽ có khả năng tìm kiếm nhiều công nhân mất tích. Tại các vị trí tìm kiếm, công tác thông tin được đảm bảo thông suốt nhằm phục vụ công tác chỉ huy. Đây chính là nơi còn 16 công nhân đang mất tích sau vụ sạt đất lúc 0h ngày 12/10.

Tuy nhiên, trời mưa và tối, lực lượng công an đã rút khỏi hiện trường do không đảm bảo an toàn tiếp tục cứu nạn. Đến tối 15/10, chưa có thi thể nào được tìm thấy tại khu vực này.

Tính hết ngày 15/10, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kịp thời đưa 24 công nhân, chuyên gia và một thi thể công nhân Thủy điện Rào Trăng 3 về Bệnh viện Đa khoa Bình Điền.

Theo ghi nhận, trong ngày hôm qua, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tiếp tục huy động nhân lực, phương tiện đến khu vực sạt lở để sớm thông tuyến, tìm kiếm các nạn nhân.

Người cán bộ luôn xả thân cứu dân vùng lũ

Vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3: Mãi tiếc thương 13 cán bộ hy sinh - 2

Xe cứu thương chở thi thể các nạn nhân rời hiện trường về TP Huế

Trong số 13 nạn nhân được tìm thấy hôm qua, có trường hợp của ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền.

Trước đó, từ sáng đến đầu giờ chiều 12/10, ông Nguyễn Văn Bình cùng đoàn công tác của Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế đi cứu trợ lũ lụt cho bà con ở vùng cô lập, ngập sâu thuộc các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Sơn (huyện Phong Điền). Vừa đi cứu trợ trở về, khi hay tin công nhân thủy điện Rào Trăng 3 gặp nạn, không kịp nghỉ ngơi, ông tiếp tục tham gia đoàn công tác cùng lãnh đạo Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Chị Nguyễn Thị Tình, thôn Tư, xã Phong Hòa cho biết: “Hôm trước, anh Bình đến trao quà tận thôn tôi. Thấy tôi bế con lội lụt nhận quà, anh xoa đầu con tôi và dặn tôi đừng cho con lội nước, nguy hiểm. Vậy mà ngày sau tôi nghe tin anh đã mất tích trên đường đi cứu hộ trên thủy điện, xót xa quá”.

Còn với Phó Tư lệnh Quân khu 4, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, trước khi được điều động về Bộ Tư lệnh Quân khu 4, ông là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, địa phương luôn xảy ra nhiều thiên tai, bão lũ.

Lúc còn ở Quảng Bình, trong các mùa mưa bão, ông luôn là người xông xáo, đi đầu đưa bộ đội xuống giúp dân gồng gánh chạy lũ vùng nội địa dọc sông Gianh hoặc vùng trũng 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy.

Lũ sông Gianh mỗi lần dâng cao, mạn phía Châu Hóa, Văn Hóa (Tuyên Hóa), Quảng Trường, Phù Hóa… (Quảng Trạch) nước chạm nóc nhà, tỉnh Quảng Bình lập Sở chỉ huy tiền phương ngay trụ sở UBND xã Cảnh Hóa thì đã thấy Thiếu tướng Nguyễn Văn Man tập hợp chiến sĩ, thuyền bè cứu hộ tức tốc vượt đỉnh lũ đi cứu dân ngay trong đêm.

Nhiều người dọc sông Gianh từng nói rằng, trong thiên tai, thấy lính của Tướng Man là coi như được cứu. Bà Đào Thị Thanh, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình tâm sự: “Người dân ở đây không ai không biết đến anh Man. Xã tôi là rốn lũ của huyện, gần như năm nào cũng lụt. Năm nào anh và các đồng chí bộ đội cũng đến từng nhà cứu hộ, cứu trợ, đưa người dân đi sơ tán. Ngay cả những đứa trẻ cũng biết đến anh Man, vì anh luôn ân cần, thân mật, phong cách giản dị”.

Tất cả người dân Quảng Bình đều biết, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man như một người xông pha trận mạc, ở đâu có thiên tai địch họa thì với tư cách người lính chiến đấu, ông luôn có những chỉ đạo kịp thời để cứu dân.

Chuyển lên công tác tại Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cũng đã 2 năm, lần nào miền Trung gặp mưa lũ cũng đều thấy ông xắn quần cùng cán bộ, chiến sĩ đi vào cứu dân. Lần này cũng vậy, sau khi đi thị sát tình hình lũ lụt, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man đã quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, bởi nơi đây có thể cơ động nhanh đến các điểm xung yếu, bị chia cắt của huyện Phong Điền và Quảng Điền, các lực lượng chi viện tập kết ở đây có thể chia ra nhiều hướng.

Tuy nhiên, điều đau lòng đã xảy ra vào đêm 12/10, cả 13 người trong đoàn công tác đã vĩnh viễn không thể trở về.

Ngày 12/10, sau khi nhận được tin báo điện thoại ngắn ngủi của một công nhân về sự cố sạt lở tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, qua xác minh có 17 công nhân tại đây mất tích. Lãnh đạo Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập đoàn công tác gồm có 21 người để tiếp cận hiện trường ngay trong ngày.

Khi đi đến khu vực có gầm tràn sâu trên đường 71, xe ô tô không qua được, đoàn để lại xe và đi bộ vào thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13km. Đến khoảng 21h ngày 12/10, do mưa rất lớn, nước chảy xiết, đường đi trơn trượt, nguy hiểm, đoàn đã phải dừng chân, nghỉ tại nhà kiểm lâm tại Tiểu khu 67, Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Khoảng 24h cùng ngày, bất ngờ đất đá đổ xuống đè lên tòa nhà đoàn đang nghỉ, có 8 người thoát khỏi.

Danh sách 13 người trong đoàn công tác

- Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4.

- Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Quốc phòng.

- Trung tá Bùi Phi Công, Phó chủ nhiệm hậu cần Quân khu 4.

- Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng phòng Tác chiến, Quân khu 4.

- Thượng tá Hoàng Mai Vui, Phó trưởng phòng Xe- máy, Cục kỹ thuật, Quân khu 4.

- Trung tá Lê Tất Thắng, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn thông tin 80, Quân khu 4.

- Trung tá Trần Minh Hải, Phó tham mưu trưởng, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế.

- Đại úy Tôn Thất Bảo Phúc, Trưởng ban Công binh, Phòng tham mưu Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế.

- Đại úy Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn thông tin 80.

- Thượng úy Đinh Văn Trung, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn thông tin 80.

- Thượng úy Trương Anh Quốc, nhân viên điệp báo chiến dịch, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế.

- Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình.

- Nguyễn Văn Hướng, Trưởng phòng thông tin tuyên truyền, Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên - Huế.

 

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/vu-sat-lo-thuy-dien-rao-trang-3-mai-tiec-thuong-13-can-bo-hy-sinh-a72446.html