Sống khoẻ nhờ nghề "nhặt tiền lẻ" ngay vỉa hè phố cổ

Chỉ cần 1 chiếc máy nhỏ xách tay, dũa và vài xâu chìa khóa treo lủng lẳng, với bộ đồ nghề này hàng chục thợ khoá trên phố Lương Văn Can có thể thu về vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng mỗi ngày.

Việc nhẹ thu nhập khá

Hàng ngày, 7 giờ sáng ông Lưu Ngọc Tiến 64 tuổi trú tại Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại có mặt trên phố Lương Văn Can để bắt đầu công việc sửa khoá. Ông làm việc suốt cả ngày và kết thúc lúc 9h tối.

Người dân ở đây thường gọi ông là Tiến khoá vì đã có 50 năm thâm niên trong nghề. Vừa lên 14 tuổi ông đã theo chân bố mình sửa khoá tại phố Lương Văn Can.

Đồ nghề chỉ là chiếc máy và một hộp gỗ cùng vài xâu "phôi" chìa khóa, ông Lưu Ngọc Tiến ngồi chờ khách ngay vỉa hè. Khách hàng của ông là người qua đường nhiều lứa tuổi đôi khi có cả những người khách quen.

Ông Lưu Ngọc Tiến cho biết: “Làm nghề này không mấy vất vả mà thu nhập cũng khá tốt. Một chiếc khoá bình thường có giá 10 nghìn đồng nhưng có những chiếc chìa khoá ô tô có giá từ 1 - 2 triệu đồng”.

“Làm cái nghề này nó như đi câu ấy, hôm ít thì được khoảng 300.000 đồng, có hôm được cả triệu. Khách hàng đến đây có người muốn đánh thêm chìa khoá thứ 2, có người làm chìa gốc do đánh mất, có người lại nhờ đến tận nhà mở khoá là tôi sẵn sàng đi ngay...” - ông Lưu Ngọc Tiến tâm sự.

Sống khoẻ nhờ nghề nhặt tiền lẻ ngay vỉa hè phố cổ - 1

Công việc của ông Tiến (bên trái) và những người đồng nghiệp là ngồi vỉa hè chờ khách 

Nghề không cần quá nhiều sức lao động nên dọc con phố Lương Văn Can không khó để bắt gặp những người phụ nữ làm nghề này.

Chị Hoàng Thu Hương 40 tuổi trú tại Hàng Bài (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có 15 năm trong nghề sửa khoá. Bộ đồ nghề của chị được cho là hiện đại nhất trong những người thợ khoá ở đây với giá khoảng 20 triệu đồng. Mỗi ngày trung bình chị kiếm được khoảng 500.000 đồng từ việc sửa khoá.

Hiện nay trên phố Lương Văn Can có luôn có từ 10 - 15 người thường xuyên đến ngồi sửa khoá, trong đó có đến 4 người phụ nữ. Giàu kinh nghiệm nhất là ông Lưu Ngọc Tiến với 50 năm trong nghề, cũng không ít người mới hành nghề được vài năm trở lại đây. 

Sống khoẻ nhờ nghề nhặt tiền lẻ ngay vỉa hè phố cổ - 2

Công việc sửa khoá đã được máy móc giúp đỡ nhiều

Không ngừng học hỏi

Theo chị Hoàng Thu Hương nghề này chỉ vất vả nhất lúc nắng mưa phải ngồi vỉa hè. Ngoài ra thợ khoá phải không ngừng học hỏi, tìm tòi nghiên cứu và luôn nắm bắt những nguyên lý cơ bản, nhớ cấu tạo của các loại khóa để mở các loại khác cùng dạng, dòng sản xuất, nhãn hiệu.

Chị Hoàng Thu Hương cho biết: “Bây giờ đánh chìa khoá phụ thuộc vào máy móc nên chưa đầy 1 phút là xong 1 chiếc, chỉ có mở những chiếc ổ khóa mất chìa thì lâu. Bây giờ nhà nhà dùng khoá nên công việc có quanh năm nhất là đầu năm mới và đầu năm học. Có ngày tôi làm đến cả trăm chiếc chìa khoá”.

“Càng ngày những loại khoá đời mới càng làm chắc chắn và tinh xảo để để có thể mở được có khi mất đến cả ngày trời. Bởi vậy, người làm nghề thợ khóa cần nhất là đôi bàn tay khéo léo và những nỗ lực học hỏi bền bỉ để cập nhật những tiến bộ” chị Hoàng Thu Hương cho biết thêm.

Trước đây những người thợ khoá chỉ đơn thuần là mở và sao chép khóa nhà, nhưng những năm trở lại đây việc phải sửa khoá ô tô, xe máy, cửa điện tử hay két sắt trở nên phố biến càng khiến người thợ phải có trình độ cao hơn.

Sống khoẻ nhờ nghề nhặt tiền lẻ ngay vỉa hè phố cổ - 3

Nhiều phụ nữ làm công việc sửa khoá

Chị Hoàng Thu Hương chia sẻ: “Tôi không bó tay trước bất cứ loại khóa nào, từ khóa cơ cho đến khóa điện tử, thậm chí cả những loại khóa chống trộm hiện đại nhất. Vấn đề là thời gian bao lâu”.

Làm không hết việc nhưng không phải ai cũng có thể trở thành thợ khoá. Theo ông Lưu Ngọc Tiến làm thợ khoá ngoài kiên trì, khéo léo và tỉ mỉ thì vừa phải có tâm và có tầm thì mới giữ được khách.

Sống khoẻ nhờ nghề nhặt tiền lẻ ngay vỉa hè phố cổ - 4

Không phải ai cũng làm được công việc này

“Không ít lần tôi được mời đi mở két sắt, ô tô, những căn phòng đầy đồ giá trị. Thường tôi sẽ phải bảo chủ nhà đứng cạnh đó để xem tôi mở khoá xong xuôi sẽ tránh xa ra ngay” ông Lưu Ngọc Tiến tâm sự.

Theo ông Lưu Ngọc Tiến, làm thợ khoá không cẩn thận sẽ thành tiếp tay cho tội phạm. Nhiều khi mở khoá cần phải xem thái độ người thuê xem có được tự nhiên hay không.

Cũng theo ông Lưu Ngọc Tiến, làm nghề này đạo đức phải đặt lên hàng đầu sau mới đến tay nghề. Quy tắc của ông là báo giá trước, gia chủ đồng ý mới thực hiện. Nhiều khi mở những căng phòng rêng tư hay két sắt cần phải xem rõ chứng minh thư của người thuê để đảm bảo chính chủ thuê mình mở khoá.

Sống khoẻ nhờ nghề nhặt tiền lẻ ngay vỉa hè phố cổ - 5

Thợ sửa khoá phải có tâm và tầm thì mới giữ được khách

Giữ mình trước sự cám dỗ, trước những “lời mời” làm ăn phi pháp là chuyện đương nhiên nếu muốn sống với nghề. Nhưng cũng có trường hợp người thợ khóa vô tình tiếp tay cho kẻ xấu mà không biết, tưởng giúp người khác nhưng hóa ra không phải.

Ông Lưu Ngọc Tiến kể lại: “Cách đây mấy năm tôi được một cậu thanh niên nhờ đến mở khoá phòng, vừa mở xong thì bố mẹ cậu ta về mới biết là thuê mở khoá để lấy tiền tiêu xài. Mỗi lần như thế tôi có thêm kinh nghiệm, sự cảnh giác cần thiết để biết từ chối những lời đề nghị làm việc phi pháp”.

 

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/song-khoe-nho-nghe-nhat-tien-le-ngay-via-he-pho-co-a72540.html