Những dãy phố với những ngôi nhà cổ, những hàng rào, cánh cổng, cửa đi, cửa sổ, ô gió, lan can, ban công… bằng sắt trên khu phố Tây và khu phố cổ luôn chất chứa cái hồn của Hà Nội.
Trong số những công trình theo phong cách kiến trúc Đông Dương vẫn còn tồn tại cho đến nay, từ các tòa nhà lớn như Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Nhà hát Lớn Hà Nội, tòa nhà của Bộ Ngoại giao, Trường Đại học Tổng hợp (19 Lê Thánh Tông), Công an quận Hoàn Kiếm (số 2 Tràng Thi)… tòa nhà trụ sở Báo Hànộimới là một trong những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc đẹp bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Tòa nhà có những ban công bằng sắt kiểu cách khá hoa mỹ. Kiểu dáng uốn lượn như thế này đòi hỏi một trình độ gia công khá cao.
Tương tự, ở Hà Nội còn có ban công ở số 57B Hàng Bồ, 59 Nguyễn Trường Tộ, 39 Cầu Gỗ… Ở những nơi này, sắt thép hóa thân thành hoa lá tạo nên vẻ diễm lệ, thanh thoát cho những chiếc cổng, lan can hay ban công nặng nề.
Hà Nội không chỉ có phố Nguyễn Quang Bích còn lưu giữ nhiều chiếc cửa hoa sắt mà trên phố Chân Cầm vẫn còn một ngôi biệt thự cổ hoành tráng vẫn giữ nguyên chiếc cổng sắt tán đinh thể hiện sự cầu kỳ của chủ nhân xưa.
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đã dành hơn 15 năm lặn lội, ghi chép, khảo cứu về công nghệ và những tấm cửa sắt, trang trí kiến trúc sắt ở Hà Nội. Anh cho biết: “Song sắt là một cú hích từ việc người Pháp xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Vân Nam mở một cơ hội cho cánh lò rèn Hà Nội. Có lẽ cũng không quá lâu để những người thợ tài hoa Hà thành làm chủ kỹ thuật. Có thể đinh ninh rằng đại đa số những cánh cổng hoa sắt của các dinh thự lớn ở Hà Nội là do những bàn tay người Việt dựng nên”.
Quả thật, không rập khuôn họa tiết của Pháp nặng tính kể tả, chú trọng hữu hình, những người thợ Việt tài hoa đã biến những thanh thép vô hồn thành những bông hoa, họa tiết Á Đông như chữ Vạn, Phúc, Thọ. Có một điều đặc biệt là gần như các cửa hoa sắt không dùng các mối hàn như bây giờ mà bằng đinh tán. Các chi tiết gắn kết với nhau bằng những chiếc đinh tán ri-vê, sau khi được nung nóng, rèn tán theo hình vẽ.
Bên song hoa han gỉ, một trong những điều mà nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế tâm đắc là anh đã được trò chuyện với những con người sống trong những song cửa sổ thép đầy si mê đó, thấy được cái tinh tế hào hoa trong đời sống, tâm hồn và phong thái của họ.
Những cánh cửa, cánh cổng hoa sắt không đơn thuần chỉ là một phần của lối kiến trúc Hà Nội ở nửa đầu thế kỷ trước, mà còn mở ra một nét đẹp hài hòa của thành phố trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Đó là cái đẹp của nghệ thuật trang trí, cái đẹp của văn hóa bản địa kết hợp với những học hỏi từ phương Tây để tạo nên một nét văn hóa Đông - Tây vô cùng độc đáo.
Ngoài cửa sổ, gió khẽ lay, nắng vàng ruộm, ngập tràn trên từng ô từng nhịp của cây cầu sắt. Dòng xe cộ vẫn tấp nập…
Trải qua nhiều thập kỷ đương đầu với mưa nắng và những biến đổi đô thị, những khung cửa, ban công sắt đến nay còn lại không nhiều. Nhìn những bức tường rêu phong nhuốm màu năm tháng, những chiếc ban công với những thanh sắt uốn hoa… không ít người xuýt xoa, ngẩn ngơ. Chúng là một phần không thể tách rời mỗi khi nhớ về Thủ đô.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-qua-nhung-song-xua-a72544.html