Tại cuộc họp triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 8 (cơn bão Saudel), Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin: tính đến 10 giờ ngày (23/10), vị trí tâm bão ở khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 114,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6-8m; biển động dữ dội.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp.
Đêm ngày 24 và trong ngày 25/10, bão số 8 sẽ gây ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Mưa sẽ xuất hiện ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam với lượng mưa từ 50 - 100mm, có nơi có thể lên tới 200mm. Ông Mai Văn Khiêm cho biết, ngay sau khi cơn bão số 8 kết thúc, khả năng sẽ xuất hiện cơn bão số 9.
Dự kiến về cơn bão số 9 sắp đổ bộ
Trong 24 giờ qua cả nước hầu như không mưa, cục bộ tại một số tỉnh Tây Nam Bộ (40-70mm). Hiện nay, lũ trên các sông tại Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đang xuống mức dưới BĐ1; Lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang xuống, lúc 7h/23/10 tại Lệ Thủy là 2,43m dưới BĐ 3 là 0,27m. Dự báo trong ngày 23/10 mực nước trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy tiếp tục xuống.
Về tình trạng của các hộ dân đến 10h ngày 23/10, tỉnh Hà Tĩnh nước đã rút, không còn tình trạng ngập lụt; tỉnh Quảng Bình: 1.895 hộ, giảm 19.995 hộ (h. Lệ Thủy 1.000 hộ, h. Quảng Ninh 437 hộ, h. Minh Hóa 450 hộ, TX Ba Đồn 8 hộ). Hiện lũ đang rút.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết, hiện nay có khoảng 37 tàu cá trên Biển Đông trong vùng ảnh hưởng của bão số 8. Riêng tàu cá của Bình Định hiện nằm cách tâm bão khoảng 16 hải lý. “Sáng nay, tàu cá này đã bị sóng đánh vỡ kính và hỏng một phần cabin. Đến 12h trưa nay Tổng cục Thủy sản đã kết nối được với tàu cá này qua điện thoại vệ tinh”.
Phát biểu tại cuộc họp, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, hiện có một tàu cá của Bình Định số hiệu 97126 đang nằm trong tâm bão. Sau khi nhận thông tin, đơn vị đã có văn bản đề nghị Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao thông báo cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp triển khai các biện pháp quyết liệt để cứu hộ tàu cá trên. Đồng thời, yêu cầu Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam phối hợp với Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Trung Quốc quyết liệt triển khai tìm kiếm cứu nạn. Điều khó nhất hiện nay là tàu đang nằm trong tâm bão, các lực lượng không cơ động ra đó được. Hiện Ủy ban cũng đã chỉ đạo hải quân, cảnh sát biển và các lực lượng sẵn sàng khi bão đi qua tiếp tục vào khu vực đó để tìm kiếm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Về ứng phó bão số 8, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị Quân khu 4, Quân khu 5 sẵn sàng 256.297 người với 2.478 phương tiện ô tô, tàu xuồng và máy bay sẵn sàng ứng phó.
Ngoài ra, trưa nay Bộ Quốc phòng đã điều đoàn công tác do Trung tướng Nguyễn Tân Cương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn vào Quảng Bình phối hợp Quân khu 4 và Quân khu 5 chỉ đạo sẵn sàng ứng phó bão số 8.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ ra, chưa bao giờ trong một tháng có 5 cơn bão/áp thấp đổ bộ. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị và địa phương phải cảnh giác dù có dự báo khả năng bão số 8 khi gần bờ cường độ không quá lớn. Ngoài ra, các cơ quan chuyên trách, chính quyền địa phương đặc biệt lưu ý tới hoạt động tàu thuyền trên biển khi bão số 8 đang tiến vào đất liền; Kêu gọi, thông báo cho các tàu thuyền còn ở vùng nguy hiểm của bão cần khẩn trương vào nơi tránh trú an toàn, thoát nhanh ra khỏi vùng nguy hiểm. Ngoài việc liên hệ các tàu đang trong khu vực ảnh hưởng vào nơi tránh trú an toàn thì cần kiểm tra lại xem còn tàu nào nữa trong khu vực ảnh hưởng không.
Đối với vùng đất liền, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Phòng chống thiên tai cần tích cực phối hợp với các địa phương đôn đốc việc sơ tán dân đến khu vực an toàn trước khi bão đổ bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu giám sát chặt chẽ hơn 2.000 hồ chứa (thủy điện, thủy lợi) dọc khu vực miền trung để đảm bảo vận hành cho hợp lý, lên các kịch bản ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Trước đấy ngày 21/10/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban đã chủ trì cuộc họp chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương ứng phó với bão số 8 và khắc phục mưa lũ miền Trung và có Thông báo số 368/TB-VPCP. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 29/CĐ-TWPCTT và Công điện số 30/CĐ-TW chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam; các Bộ, ngành để ứng phó bão số 8.
Bộ trưởng - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo TWPCTT Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 8 và khắc phục hậu quả mưa lũ các tại Quảng Bình và Quảng Trị.
Giang Nam - Ngọc Anh
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/dong-chi-nguyen-xuan-cuong-chi-dao-hop-ung-pho-voi-bao-so-8-a72580.html