Viết thư cảm ơn sau phỏng vấn – 3 cách để tạo dấu ấn

Bên cạnh năng lực, thư cảm ơn sau phỏng vấn sẽ là một trong những yếu tố quan trọng giúp ứng viên “ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng.

Thư cảm ơn sau phỏng vấn là gì?

Thư cảm ơn là bức thư bày tỏ sự cảm kích, trân trọng của bạn đối với nhà tuyển dụng sau khi tham gia phỏng vấn. Ngôn từ và giọng điệu trong thư cảm ơn thường trang trọng, chân thành và tích cực.

Dù bạn đã tham gia phỏng vấn với bất kỳ hình thức nào (trực tiếp hoặc gián tiếp), bạn vẫn cần chuẩn bị một lá thư cảm ơn. Lá thư này được gửi đi ngay sau cuộc phỏng vấn kết thúc. Thư càng được gửi đi sớm, mọi thứ sẽ càng tốt và thuận lợi cho bạn.

Nội dung chính của lá thư chính là lời cảm ơn mà bạn muốn gửi đến nhà tuyển dụng đã cho bạn có cơ hội được tham gia phỏng vấn. Tuy nhiên, trong lá thư này, bạn cần khéo léo trình bày và diễn đạt mọi thứ để có thể “ghi điểm” thêm trong mắt nhà tuyển dụng.

Vì sao ứng viên nên viết thư cảm ơn cho nhà tuyển dụng?

Ngay sau khi cuộc phỏng vấn kết thúc, bất cứ ứng viên nào cũng gửi lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng rồi mới ra về. Tuy nhiên chỉ cảm ơn đại khái, qua loa như thế vẫn chưa đủ. Trên thực tế, một lá thư cảm ơn được gửi đi sẽ chân thành và lịch sự hơn một lời cảm ơn thông thường. Vì thế, thư cảm ơn không hề “thừa thãi” như nhiều người vẫn nghĩ, dù là đang ứng tuyển công việc tiếng Nhật, tiếng Anh ở bất kỳ lĩnh vực nào.

Bên cạnh đó, việc gửi đến nhà tuyển dụng lá thư cảm ơn sau phỏng vấn còn cho thấy bạn là một người lịch sự, tinh tế và vô cùng chuyên nghiệp trong công việc lẫn giao tiếp. Đồng thời, nhà tuyển dụng còn nhìn thấy ở lá thư đó sự thiện chí, nhiệt tình, mong muốn có được việc làm của ứng viên. Điều này góp phần tạo thiện cảm trong mắt nhà tuyển dụng và có thể họ sẽ cân nhắc đến bạn nếu có vị trí trống tiếp theo.

Những cách tạo dấu ấn trong thư cảm ơn sau phỏng vấn

Bày tỏ sự đánh giá cao cơ hội được tham gia phỏng vấn

Trong thư, bạn nên bày tỏ sự đánh giá cao cơ hội được mời tham gia phỏng vấn. Niềm hy vọng của ứng viên sẽ khiến cho nhà tuyển dụng nhận thấy sự đam mê, nhiệt tình cùng niềm hy vọng chân thành đối với công việc của bạn.

Trân trọng giá trị nhận được sau buổi phỏng vấn

Bạn nên bày tỏ thái độ trân trọng đối với những điều bạn nhận được, học hỏi được sau buổi phỏng vấn. Khi nói về điều này, bạn phải diễn đạt bằng những ngôn ngữ chân thành, tránh nói lời hoa mỹ, sáo rỗng. Bạn có thể nhắc lại một vài điểm tâm đắc trong quá trình trò chuyện với người phỏng vấn. Bạn cũng có thể đúc kết những bài học mà người phỏng vấn đã giúp bạn “vỡ ra” trong lúc trao đổi. Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá cao về tính cách cầu thị, ham học hỏi của bạn, ấn tượng và nhớ về bạn hơn. Từ đó khả năng được chọn vào công việc của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.

Lựa chọn hình thức thư phù hợp

Trên thực tế có rất nhiều hình thức gửi thư cảm ơn như: gửi thư viết tay, gửi email hay soạn thư bằng văn bản rồi ký tên… Ứng viên có thể lựa chọn bất kỳ hình thức nào để gửi thư cảm ơn. Hoặc ứng viên cũng có thể kết hợp nhiều hình thức cùng lúc, gửi email trước và sau đó gửi thêm thư tay. Tùy theo hoàn cảnh, tính chất công việc, đặc thù công ty... bạn có thể chọn ra hình thức gửi thư phù hợp nhất nhằm tạo dấu ấn cho nhà tuyển dụng. Chẳng hạn, nếu bạn ứng tuyển vào vị trí giáo viên hoặc quản nhiệm, bạn nên gửi thư tay với nét thanh nét đậm, được viết chăm chút để nhà tuyển dụng có ấn tượng sâu sắc về bạn.

Khi nào ứng viên nên gửi thư cảm ơn?

Lời cảm ơn phải được thốt ra đúng thời điểm mới có thể đem lại những giá trị nhất định. Nếu bạn gửi lá thư cảm ơn khi nhà tuyển dụng đã quyết định kết quả tuyển chọn, điều này không còn ý nghĩa.

Hoàn hảo nhất chính là hãy gửi thư cảm ơn trong vòng 24 giờ sau khi buổi phỏng vấn kết thúc. Đó là thời gian mà nhà tuyển dụng đang suy nghĩ về các ứng viên. Lá thư cảm ơn sẽ khiến cho bạn nổi bật và ấn tượng hơn so với những ứng viên khác.

Thư cảm ơn sau phỏng vấn không đóng vai trò quyết định kết quả tuyển dụng, thế nhưng, nó góp phần khiến nhà tuyển dụng có thêm thiện cảm với bạn. Không quá khó để hoàn thành một lá thư cảm ơn. Do vậy, bạn hãy dành chút thời gian để viết và gửi lá thư này để thể hiện sự chuyên nghiệp và lịch sự.

Pha Lê

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/viet-thu-cam-on-sau-phong-van-3-cach-de-tao-dau-an-a72593.html