“Bánh vẽ” khiến nhiều người mắc lừa
Trong vai trò là Tổng giám đốc công ty CP Đầu tư Bất động sản Phát An Gia, đối tượng Hoàng Mạnh Cường bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các quyết định đã được VKSND TP.HCM phê chuẩn.
Theo điều tra ban đầu, các cơ quan chức năng không hề tiếp nhận hồ sơ và cấp phép đầu tư, xây dựng cho cá nhân Hoàng Mạnh Cường hay công ty Phát An Gia tại các thửa đất do Cường đứng tên quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, Cường vẫn “vẽ” ra 5 dự án gồm: Khu dân cư Central House Đường 4; khu dân cư Đường 8; khu dân cư Trường Lưu; khu dân cư Long Phước (272 Trường Lưu) và khu dân cư Võ Văn Hát.
Sau khi tự đặt tên dự án, lập bảng quảng cáo và bản vẽ phân thành 193 nền đất, Cường đã ký kết hợp đồng đặt cọc, hứa chuyển nhượng và hứa nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 91 nền đất. Qua đó đã chiếm đoạt số tiền hơn 97 tỷ đồng của 80 khách hàng.
Một trong các “dự án ma”, khu dân cư Central House được mô tả bằng những lời có cánh như “quy hoạch đồng bộ, khu dân cư hiện hữu, tiện ích đầy đủ” với tổng diện tích trên 6.000 m2 (chia 2 giai đoạn) và cam kết “sổ hồng riêng”.
Đối tượng Hoàng Mạnh Cường vừa mới bị Công an TP.HCM khởi tố vì bán "dự án ma".
Từ đó, nhiều người như bà B.T.N.A (34 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) đã mắc bẫy. Ngày 10/12/2018, bà N.A. ký kết hợp đồng đặt cọc vì được Hoàng Mạnh Cường hứa chuyển quyền sử dụng đất thuộc dự án Central House.
Đến khi mở bán dự án, nhân viên công ty Phát An Gia đưa bà N.A. đi xem vị trí đất, cung cấp bản vẽ phân lô tách thửa. Sau đó, bà A. đăng ký mua lô đất số B35, diện tích 57,6 m2 với giá hơn 2 tỷ đồng rồi đặt cọc hơn 1 tỷ đồng.
Theo hợp đồng, sau 210 ngày kể từ ngày ký hợp đồng đặt cọc, các bên sẽ tiến hành việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đến ngày ký hợp đồng chuyển nhượng thì Cường không thực hiện.
Sau đó, Cường đề nghị bà N.A. ký hợp đồng thanh lý hợp đồng đặt cọc, hứa sẽ trả lại số tiền đã nhận vào ngày 12/11/2019. Bà N.A. tưởng rằng sau khi ký thanh lý hợp đồng sẽ được trả lại tiền, ngờ đâu sau đó Cường chơi trò “mất tích”, công ty đóng cửa, nhân viên nghỉ việc.
Một nạn nhân khác là ông Ng.D. (ngụ huyện Đạ Tèh, tỉnh Lâm Đồng). Ngày 28/12/2018, ông D. ký hợp đồng đặt cọc B6/2018/D4LL, mua nền đất lô đất B6 tờ bản đồ số 1 có diện tích 88,4m2 có mục đích là đất ở đô thị.
Tính đến nay, ông D. đã thanh toán cho công ty Phát An Gia số tiền hơn 2,9 tỷ đồng. Nhưng sau 7 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, công ty Phát An Gia vẫn không thể hoàn thiện đầy đủ cơ sở hạ tầng bao gồm lưới điện, nước, hệ thống thoát nước thải, đường nhựa... và bàn giao đất cho khách hàng như cam kết.
Thậm chí, ông D. còn tá hỏa khi phát hiện công ty Phát An Gia rao bán dự án là đất ở đô thị, hưng khi ra quyền sử dụng đất cho khách hàng thì toàn bộ đều là đất nông nghiệp. Nhận thấy có dấu hiệu vi phạm hợp đồng, ông D. đến trụ sở công ty Phát An Gia để yêu cầu làm rõ nhưng phía công ty tìm cách trì hoãn.
Đến ngày 27/7/2019, hợp đồng B6/2018/D4LL hết hạn nên phía công ty Phát An Gia đã tiến hành ký phụ lục hợp đồng tiếp tục gia hạn với ông D. đến ngày 31/10/2019. Công ty này cũng hứa sẽ hỗ trợ ông D., một khoản tiền lợi nhuận là hơn 37 triệu đồng, được thanh toán sau khi phụ lục hợp đồng hết hạn.
Nếu quá thời hạn mà phía công ty Phát An Gia không thực hiện công chứng chuyển quyền sử dụng đất như cam kết thì hai bên sẽ thanh lý hợp đồng. Bên phía công ty sẽ đền bù cho ông D. theo hợp đồng B6/2018/D4LL ký ngày 28/12/2018.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng trễ hẹn, ông D. yêu cầu thanh lý hợp đồng nhưng phía công ty Phát An Gia không chịu trả lại số tiền hơn 2,9 tỷ đồng theo phiếu hẹn ngày 15/3/2020.
Phải làm rõ từng giao dịch
Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM chi nhánh quận 9 cho biết, ngày 3/1/2020, UBND quận 9 đã cấp 2 giấy chứng nhận số CP571487 và CP571486 đối với thửa 718, diện tích 1.083 m2 và thửa 719 diện tích 1.938 m2; giấy chứng nhận số CP571484, CP571483 thuộc thửa 720 diện tích 2.893,7 m2 mang tên đồng sở hữu của Hoàng Mạnh Cường và bà Hoàng Thị Hồng (chị của Cường).
Nhưng đến ngày 31/3/2020, cơ quan này xác nhận, ông Cường và bà Hồng đã chuyển nhượng các tài sản này cho ông T.M.Q. Ngày 29/4/2020, ông T.M.Q đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các thửa đất trên.
Trong khi đó, đại diện UBND phường Trường Thạnh khẳng định rằng không có các dự án mang tên Central House hay dự án khu dân cư tại đường số 4 Lò Lu như các hợp đồng mà nhiều nạn nhân bị lừa đảo. Còn chính quyền phường Long Trường cũng xác nhận, trên địa bàn không có dự án mang tên khu dân cư Trường Lưu.
Đã có hàng chục người là nạn nhân của công ty bất động sản Phát An Gia.
Luật sư Nguyễn Hữu Thục (đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: “Dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng Hoàng Mạnh Cường khá rõ”.
Trong vụ án này, do khu đất không được quy hoạch khu dân cư nên không thể chuyển được sang đất ở, không thể cấp sổ cho việc phân lô thì người đến sau luôn là người chịu toàn bộ mọi rủi ro.
“Những cá nhân của công ty biết rất rõ tình trạng đất đai của mình nhưng gian dối, đưa ra thông tin không đúng sự thật để người mua tin tưởng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người mua là trái quy định của pháp luật”, luật sư Thục chỉ ra.
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, các dự án kinh doanh bất động sản phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư, phải có quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, dự án đó phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quá trình triển khai thực hiện dự án phải có sự quản lý của cơ quan quản lý đất đai. Việc phân lô bán nền phải được phép của cơ quan chức năng.
Với thửa đất chưa có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không được phép tách thửa, thậm chí có thể chưa chuyển mục đích sử dụng đất thì không được phép tự ý thực hiện các giao dịch về bất động sản.
“Trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ những thông tin, thủ đoạn gian dối mà các đối tượng trong công ty Phát An Gia đã đưa ra đối với những khách hàng trong các giao dịch về bất động sản.
Sẽ phải làm rõ từng giao dịch đối với từng khách hàng để xác định giao dịch nào có dấu hiệu gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, giao dịch cao là quan hệ dân sự đơn thuần”, luật sư Cường nói.
Trong trường hợp người mua bất động sản biết rõ là dự án này chưa hợp pháp, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép nhưng vẫn cố tình thực hiện giao dịch mà không chứng minh được thủ đoạn gian dối của các đối tượng thì giao dịch đó sẽ là quan hệ dân sự và có thể bị tòa án tuyên bố vô hiệu.
Còn đối với các giao dịch đặt cọc, mua bán mà chưa được phép tham gia giao dịch, không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, giấy tờ về dự án là giả mạo thì hành vi có dấu hiệu Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vừa ăn cướp vừa la làng Điều trái khoáy là vào hồi tháng 10/2019, ông Hoàng Mạnh Cường lại bác bỏ những tố cáo trong tuyên bố trên trang web công ty Phát An Gia. Cụ thể, ông Cường cho biết các dự án của Công ty là đất thuộc quyền sở hữu của mình. Tất cả các khu đất đều thuộc quy hoạch khu dân cư hiện hữu và “có thể tách thửa, toàn bộ đã là đất ở đô thị 100%”. Ông Cường cũng không quên nhấn mạnh về giá trị lợi nhuận dành cho khách hàng khi đầu tư vào các dự án của công ty Phát An Gia. Từ giá giao dịch lúc đầu là 24-25 triệu đồng/m2, dự án khu dân cư Trường Lưu đã có giá trị 42-45 triệu đồng/m2. Còn khu dân cư 272 Long Phước đã gần đi vào hoàn thành. Phía công ty Phát An Gia cũng cho biết đã hoàn thành nghĩa vụ thuế là hơn 800 triệu đồng. “Có một số thành phần đã cấu kết với các đơn vị khác không hiểu biết về luật bất động sản, không xác định được đất nông nghiệp và đất ở đô thị để đưa thông tin sai lệch, nhằm hãm hại, tống tiền và ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của hơn 100 cán bộ công nhân viên Công ty”, ông Cường quả quyết Hơn nữa, phía công ty Phát An Gia cho hay “có đủ hình ảnh, camera, ghi âm các cuộc gọi” và “sẽ cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền nhằm tố cáo hình sự”. |
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/chieu-tro-ban-du-an-ma-cua-giam-doc-35-tuoi-lua-dao-gan-100-ty-dong-a72604.html