Ký ức về thú chơi hoa thủy tiên của người Hà Nội

Phố Hàng Lược (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được biết đến là phố hoa cổ nhất của đất Hà thành, nhưng thứ hoa làm nên thương hiệu của con phố đó chỉ có thuỷ tiên và hoa đào.

Hoa thủy tiên - chỉ cần đọc tên hoa thôi là cũng đã có thể cảm nhận được một vẻ đẹp quá đỗi kiêu sa, mềm mại, uyển chuyển, dịu dàng. Một bình hoa thủy tiên hội tụ đủ đầy vẻ đẹp tinh khôi với “mâm vàng chén ngọc” của hoa, vẻ đẹp xoắn xuýt, quần tụ, mướt xanh của lá, vẻ trắng ngần miên man như thác đổ của bộ rễ được trau chuốt, rẽ, chải cẩn thận đến từng cọng. Không chỉ là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật trong bài trí mà bình hoa thủy tiên còn có ý nghĩa phong thủy. Chả thế mà hoa thủy tiên luôn là sự lựa chọn hàng đầu của những người sành chơi hoa đất Hà thành mỗi khi Tết đến xuân về.

Không ai biết chính xác người Hà Nội bắt đầu chơi hoa thủy tiên từ khi nào. Chỉ biết rằng từ những năm đầu thế kỷ XX, loài hoa này đã có mặt trong các gia đình người Hà Nội vào dịp Tết. Những người yêu hoa tổ chức thi hoa thủy tiên ở đền Bạch Mã mỗi dịp xuân sang, tiếc là đến khoảng năm 1960 thì thú chơi hoa này thất truyền. Có lẽ do chiến tranh khốc liệt, người Hà Nội không có điều kiện và nhất là không thể có thời gian và sự tĩnh tại để tỉ mẩn gọt tỉa, chăm sóc, tạo dáng cho hoa. Lác đác chỉ có một vài người vì quá đam mê mà vẫn cố công tìm kiếm mua củ về gọt chơi. Gần chục năm trở lại đây, hoa thủy tiên đã xuất hiện trở lại, thú chơi hoa dần dần được phục hồi và từng bước phát triển. Đó là nhờ tâm huyết của các bậc cao nhân hoa thủy tiên và một số nhóm bạn trẻ có tình yêu với thú chơi đậm chất văn hóa truyền thống của người Hà Nội. Họ đã cùng nhau lập ra các hội, nhóm chung đam mê hoa thủy tiên trên các mạng xã hội.

Một trong những nhóm hoạt động mạnh nhất phải kể đến Tinh hoa thủy tiên Việt mà thành viên nòng cốt ban đầu toàn những bậc cao nhân về hoa thủy tiên như “lão làng” Nguyễn Phú Cường, Phạm Văn Năng, chị Nguyễn Thanh Thủy, anh Phùng Thế Minh, anh Nguyễn Nghĩa. Với tôn chỉ hoạt động là quy tụ những người yêu hoa thủy tiên, tạo diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm nhằm khôi phục, phát triển và nâng thú chơi hoa lên tầm cao nghệ thuật không chỉ ở Hà Nội mà trên cả nước, nên chỉ sau hai năm thành lập, số lượng hội viên tăng lên nhanh chóng, lên tới gần hai nghìn người, trong đó có cả hội viên là Việt kiều. Các thành viên chủ chốt của nhóm đã tự bỏ kinh phí đi khắp nơi để tìm hiểu, sưu tầm tài liệu, hướng dẫn cách chơi cho những người mong muốn được học hỏi.

Năm 2016, những thành viên nòng cốt của Tinh hoa thủy tiên Việt đã tư vấn và hỗ trợ nhóm yêu hoa thủy tiên Hải Phòng khôi phục lễ dâng hoa thủy tiên - một nghi lễ quan trọng của Lễ hội truyền thống Lê Chân (vị nữ tướng tài đức vẹn toàn luôn được gắn với hình ảnh thanh tao, tinh khiết của hoa thủy tiên) sau nhiều năm bị thất truyền, góp phần vào thành công chung của lễ hội.

Hoa thủy tiên được cả sắc lẫn hương, với hai lớp cánh, lớp bên ngoài màu trắng ngà mỏng manh như lụa, lớp bên trong vàng rực rỡ mà người ta vẫn thường gọi là “mâm ngọc chán vàng”. Thuỷ tiên đựng trong lọ thuỷ tinh tạo nên sự tinh khôi trắng ngần. Một vẻ đẹp tinh khiết.

Do điều kiện khó khăn, mỗi nhà khi đó chỉ mua nổi một vài củ, việc cắt gọt cho thuỷ tiên nở hoa đúng giao thừa là sự may mắn, vinh hạnh không gì tả hết. Người ta vui với việc gọt tỉa củ thủy tiên, làm sao cho nở hoa vào đúng đêm giao thừa.

Phố Hàng Lược (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được biết đến là phố hoa cổ nhất của đất Hà thành, nhưng thứ hoa làm nên thương hiệu của con phố đó chỉ có thuỷ tiên và hoa đào.

Văn hoá - Ký ức về thú chơi thủy tiên nơi phố hoa cổ nhất Hà thành (Hình 2).

Góc phố Hàng Lược trước giai đoạn giải phóng Thủ đô 

Gọt củ thủy tiên phải gọt làm sao cho lộ được mầm hoa ra, tính toán để căn hoa nở đúng giao thừa. Làm sao tìm và chọn được đúng những bầu củ không có mầm hoa để cắt bỏ, giúp củ chính tập trung chất dinh dưỡng nuôi mầm hoa.

Người có kinh nghiệm mới tìm được mặt nào là mặt trước của củ để lựa thế gọt tạo dáng. Số mầm hoa thường là con số lẻ; 5,7 mầm hoa là chuẩn nhất. Lá cũng phải tỉa trong-ngoài để có dáng mềm mại, cong uốn lượn theo thế của củ và mầm hoa. Người cầu kỳ thì dùng lạt mềm gài sau lá để tạo dáng.

Kỹ thuật dùng dao cũng rất khéo léo, tỉ mỉ, những nhát cắt lượn, lách khéo léo giữa những lớp lá, lớp vỏ, bao hoa… tách lớp vỏ mỏng bên ngoài mà bên trong phải còn nguyên vẹn. Lỡ tay gọt sâu thì vào thịt củ, khiến củ không đủ chất dinh dưỡng nuôi mầm, gãy lá. Nếu không may lỡ tay làm mất cả mầm hoa thì chỉ khóc trong nước mắt, bởi có được một củ thuỷ tiên khi đó thôi là cả niềm kiêu hãnh.

Văn hoá - Ký ức về thú chơi thủy tiên nơi phố hoa cổ nhất Hà thành (Hình 3).

Chơi thuỷ tiên rất cầu kỳ, công phu.

Khâu chăm sóc cũng kỳ công, sau khi tỉa xong phải đắp miếng vải bông trắng lên lòng củ để củ hoa không bị đen. Trời lạnh thì thay nước ấm liên tục để thúc, càng gần ngày 30 Tết càng tăng lượng nước ấm và số lần thay. Để có một cây thuỷ tiên ra hoa đúng đêm giao thừa hay sáng mùng 1 đó là cả một sự kỳ công, tâm huyết.

Phố Hàng Lược khi đó còn có giải thưởng rất lớn cho gia đình nào có thể cắt thủy tiên nở hoa đúng và đẹp nhất đêm giao thừa. Đêm 30 Tết, tại chùa Tứ Vị, mọi người sẽ mang sản phẩm của mình ra thi và đón giao thừa. Giò thuỷ tiên nào nở đúng nhất đẹp nhất, gia đình đó sẽ được kiệu khênh về tận nhà. Gia đình tôi năm 1952 đã lần đầu và cũng là lần duy nhất vinh dự "đăng quang". 

Nhưng chơi hoa thủy tiên mà chỉ thưởng thức và giao lưu trực tuyến là không đủ đáp ứng nhu cầu của người yêu hoa. Nhiều người chơi hoa thủy tiên mong muốn có được một không gian thật phù hợp để các hội viên có thể trực tiếp gặp gỡ, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, đặc biệt là cần một không gian đẹp thuần Việt để trưng bày các tác phẩm hoa thủy tiên nghệ thuật. Cuối năm 2015, Ngôi nhà hoa thủy tiên đã ra đời bởi những sáng lập viên thuộc hàng “kỳ nhân” trong làng hoa thủy tiên Hà Nội là “lão nghệ nhân” Nguyễn Phú Cường, người phụ nữ xinh đẹp có thâm niên và trình độ chơi hoa thủy tiên tuyệt khéo Nguyễn Thanh Thủy, cùng một số cá nhân khác.

“Tiêu chí hoạt động của Ngôi nhà hoa thủy tiên là kết nối, chia sẻ kinh nghiệm gọt tỉa, cách nuôi dưỡng, chăm sóc thủy tiên trong nghệ thuật chơi hoa thủy tiên của người Hà Nội xưa và nay. Hoạt động là tự phát, thành viên không cố định nhưng ít nhất mỗi năm sẽ tổ chức gặp mặt những người yêu hoa và hướng dẫn gọt tỉa, trưng bày các tác phẩm hoa thủy tiên đẹp của các thành viên trong nhóm, giao lưu với các nhóm khác” - chị Nguyễn Thanh Thủy, người phụ nữ Hà thành khéo tay đã bén duyên với “nàng tiên nước” hơn hai mươi năm nay, từng “khởi duyên” bằng việc cắt tỉa những bông hoa thủy tiên từ quả đu đủ ở lớp Nữ công tinh hoa Bà Triệu năm 13 tuổi cho biết.

Người yêu hoa thì rất nhiều, nhưng để có hẳn một ngôi nhà cho hoa thì có lẽ mới chỉ thấy Ngôi nhà hoa thủy tiên. Nơi đây, mùa hoa này nối tiếp mùa hoa khác lại được đón thêm nhiều thành viên và khách yêu hoa thủy tiên với đủ mọi thành phần, lứa tuổi khác nhau. Khi tự tay mình nâng niu, trau chuốt, nuôi dưỡng từng chiếc lá, từng cọng rễ, từng nhành hoa, ta sẽ thấy yêu thiên nhiên hơn, ý thức bảo vệ môi trường tốt hơn và tâm hồn cũng thêm một lần được thấm đẫm văn hóa truyền thống tao nhã, thanh lịch của người Hà Nội. Đó cũng là ý nghĩa giáo dục thẩm mỹ và nhân văn lớn nhất mà cả Tinh hoa thủy tiên Việt và Ngôi nhà hoa thủy tiên cùng một số hội nhóm yêu hoa thủy tiên khác theo đuổi từ khi bắt đầu thành lập đến nay.

Chơi hoa thủy tiên là một thú chơi kỳ công, đòi hỏi người chơi phải dành rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc để mua sắm “đạo cụ” mới có thể gọt tỉa, trưng bày các tác phẩm hoa thủy tiên. Nhưng dường như với mỗi người yêu hoa, càng lâu năm, cái tâm của bản thân cũng dần dần được trui rèn nhiều hơn qua mỗi mùa hoa để trở nên hoàn thiện hơn, thanh tao, trang nhã hơn, nhẫn nại, nhân văn hơn. Đó mới đích thực là “vàng ròng” mà những người đam mê theo đuổi thú chơi hoa thủy tiên có được.

Huyền Ly (st)

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ky-uc-ve-thu-choi-hoa-thuy-tien-cua-nguoi-ha-noi-a72666.html