ạng sáng 19/10, 5 người trong gia đình ông Nguyễn Xuân Hồng (SN 1954, thôn Xuân Hà, xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh) đang ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng động lớn phát ra từ trên núi Hòn Mẽ. Trời sáng, ai cũng hốt hoảng khi thấy cả mái núi lớn bị sạt lở khiến cả nghìn m3 đất đá tràn xuống chân núi. Khu vực này chỉ cách căn nhà của gia đình ông Hồng chừng 50m. “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây nhưng chưa khi nào chứng kiến núi Hòn Mẽ sạt lở cả. Trước khi xảy ra, ở xã Lâm Hợp có mưa lớn kéo dài 5 - 6 ngày liên tục nên có thể đất đá trên núi bị rạn nứt, trụt xuống” - ông Hồng cho hay.
Chủ tịch UBND xã Lâm Hợp Phạm Thái Hoa cho biết: Qua kiểm tra, núi Hòn Mẽ có 6 điểm sạt lở khác nhau khiến cả nghìn m³ đất đá tràn xuống vùi lấp 4,9 ha đồng ruộng và 6,6 ha keo tràm của người dân địa phương. Ngoài núi Hòn Mẽ còn có 2 ngọn núi khác là Nền Trại và Nuốm Vàng cũng bị sạt lở sau đợt mưa lớn từ ngày 15 - 21/10, ảnh hưởng tới các thôn Bắc Hà, Nam Hà, Kim Hà, Tân Hà của xã Lâm Hợp.
Mưa lớn kéo dài cũng khiến nhiều đồi núi ở các xã thượng huyện Kỳ Anh như Kỳ Thượng, Kỳ Lạc, Kỳ Tây… bị sạt lở nghiêm trọng. Sau các vụ sạt lở, những mái núi lớn như bị tách ra, lộ rõ những mảng đất đỏ chạy từ trên đỉnh xuống tới chân núi. Đây là tình huống rất đặc biệt và chưa từng có ở Hà Tĩnh về quy mô sạt lở lớn như vậy. Theo thống kê ban đầu của UBND huyện Kỳ Anh, mưa lớn làm sạt lở núi trên diện rộng khiến hơn 219 ha đất lúa, đất màu và nhiều diện tích đất ven đồi trồng cây ăn quả của các xã bị vùi lấp.
Mưa lớn làm sạt lở núi trên diện rộng khiến đất lúa, đất màu và nhiều diện tích đất ven đồi trồng cây ăn quả của người dân bị vùi lấp. Ảnh: Vũ Viễn
“Qua lời những người lớn tuổi ở địa phương thì phải mấy chục năm, thậm chí cả trăm năm, huyện Kỳ Anh mới xảy ra sạt lở núi nghiêm trọng như vậy. Điều lo lắng là sau đợt mưa lớn kéo dài đã khiến đồi núi ngấm nhiều nước, kết cấu đất đá bị phá vỡ, trong khi dự báo tới đây sẽ còn tiếp tục mưa to nên nguy cơ xảy ra sạt lở núi trên địa bàn vẫn còn rất lớn”, ông Nguyễn Tiến Hùng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh lo lắng.
Những ngày qua, tình trạng sạt lở núi xảy ra ở nhiều địa phương khác như: xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà); xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên); thị trấn Vũ Quang, các xã: Hương Minh, Quang Thọ (Vũ Quang); xã Xuân Lam (Nghi Xuân). Các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, nguy cơ ngày càng cao khi đồi núi đã “no nước” sau các đợt mưa lớn cực đoan kéo dài.
Đặc biệt, tại xã Hương Liên (Hương Khê), trong đợt mưa trước, người dân và chính quyền xã phát hiện vết nứt trên núi Vò Vò. Do mưa lớn liên tục, vết nứt ngày càng lớn và kéo dài.
Ông Trần Phúc Anh - Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên cho biết, từ một vết nứt nhỏ, đến nay đã kéo dài hàng chục mét, rộng khoảng 15 cm. Toàn thôn 1 có 8 hộ với 20 nhân khẩu thuộc diện ảnh hưởng, trong đó có 4 hộ trong tình trạng đặc biệt nguy hiểm. Ngay khi nhận được thông tin phản ánh từ người dân, UBND huyện Hương Khê đã nhanh chóng kiểm tra thực địa. Xác định tình huống nguy hiểm, nhiều khả năng xảy ra sạt lở đất, địa phương đã nhanh chóng tổ chức sơ tán các hộ dân và tài sản nằm trong vùng nguy cơ tới nơi an toàn.
Ngay sau khi phát hiện các vết nứt trên các khu vực núi tại xã Hương Liên, Lãnh đạo huyện Hương Khê đã kiểm tra thực địa, vận động người dân và huy động các lực lượng gấp rút hỗ trợ di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Ảnh: Dương Chiến
Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ngô Đức Hợi cho biết: “Cái khó hiện nay là tình trạng sạt lở đất có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Những vùng lâu nay chưa từng xảy ra tình trạng này thì nay vẫn sạt lở. Mưa lớn như thế thì nước trong các đồi núi đã đầy tràn, chỉ cần tăng thêm nước một chút nữa hoặc có chuyển động nhỏ trong đồi núi thì sẽ dẫn tới sạt lở ngay”.
Theo ông Hợi, những trường hợp sạt lở đất đã xảy ra nhưng chưa gây thương vong về người là nhờ các địa phương đã chủ động sơ tán trước khi có sự cố. Tuy nhiên, thời gian tới đây, thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, các địa phương phải luôn xác định được các điểm nguy cơ xảy ra sạt lở đất, các hộ dân trong vùng nguy hiểm, từ đây có các phương án ứng phó hiệu quả nhất.
Tới thời điểm hiện nay, xác định được nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Nghi Xuân… đã sẵn sàng các phương án sơ tán 6.000 người dân. Không để bị động, bất ngờ, các địa phương cũng đã củng cố lại tổ xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các thôn, tổ dân phố đảm bảo “4 tại chỗ” để chủ động sơ tán theo các phương án khi có tình huống xấu xảy ra. Đặc biệt, các địa phương đã chủ động cắt cử lực lượng theo dõi, túc trực, giám sát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở và sẽ di dời người dân nếu có dấu hiệu bất thường.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành kiểm tra các khu vực sạt lở và nguy cơ sạt lở ở vùng thượng Kỳ Anh. Ảnh: Văn Đức
Trước tình hình này, trong chuyến kiểm tra tại các địa phương mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng yêu cầu các ngành, địa phương rà soát, nắm rõ những hộ dân sống ở chân núi, nhanh chóng tiến hành khảo sát xung quanh triền núi và những nơi có nguy cơ có thể xảy ra sạt lở đất khi thời tiết vẫn còn diễn biến khó lường; từ đó, cảnh báo để có phương án sơ tán khi cần thiết, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản cho người dân.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, trước tình hình thời tiết vẫn diễn biến rất phức tạp, cần gắn trách nhiệm với lãnh đạo các địa phương, từ chủ tịch UBND huyện tới các xã; phải thông tin tới cộng đồng dân cư, không để người dân, hộ dân nào nằm trong vùng nguy hiểm.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ha-tinh-khong-chu-quan-voi-sat-lo-dat-a72729.html