“Nước lũ rút hết rồi mà vẫn chưa dám dọn đồ đạc xuống. Chồng tôi bảo cứ để nguyên như vậy đã, lỡ bão vào lại mưa lụt thì bà con xóm giềng còn có chỗ mà trú” - chị Đinh Thị Hoa (thôn Sơn Trình, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) chỉ lên mái chạn nói với chúng tôi.
Căn nhà nhỏ của gia đình chị Hoa sau những ngày mưa lũ ngổn ngang đồ đạc, hàng chục bì lúa đã nảy mầm. Trên gác chạn chật chội được ghép bằng những thanh gỗ, quần áo, chăn màn và đồ dùng thiết yếu vẫn được giữ nguyên từ những hôm nước ngập chìm làng đến nay.
Chị Hoa nói: “Nhìn mái chạn như vậy mà gần 20 con người sống trên đó 5 ngày liền đấy! Thôn chúng tôi là khu vực ngập sâu nhất ở vùng này. Khi thấy nước lên nhanh quá, vợ chồng tôi đã giúp các gia đình trong xóm nhanh chóng di tản đến tránh trú an toàn ở nhà mình”.
Nhớ lại những ngày căn gác nhỏ của gia đình trở thành “nhà cộng đồng”, chị Hoa vẫn không thôi lo lắng. Đoàn tránh trú có 8 trẻ nhỏ và một cụ già trên 80 tuổi sức khỏe yếu; mưa ngày một lớn và nước dâng nhanh trong khi lượng thực phẩm dự trữ không còn nhiều. Anh Đặng Hữu Danh - chồng chị Hoa phải cùng cánh đàn ông ngâm mình trong nước đi nhận đồ tiếp tế, chị em phụ nữ ở nhà tìm cách lập bếp “dã chiến” để nấu nướng phục vụ mọi người.
“Nhìn biển nước mênh mông mà lòng như lửa đốt. Mình thế nào cũng được, chỉ lo trẻ con và người già bị đói, bị rét nên thức ăn cũng phải chia sao cho hợp lý vì chẳng biết đến bao giờ nước mới rút” - chị Hoa chia sẻ.
Dù đã phần nào trở lại cuộc sống bình thường nhưng dường như chị Hoa vẫn không thôi ám ảnh về những ngày thiếu thốn, chị và xóm làng cận kề hiểm nguy. Cũng chính vì thế mà khi nghe đài báo những cơn bão liên tiếp có thể đổ bộ, vợ chồng chị đã bàn nhau phải gia cố thêm mái chạn cho chắc chắn. Đồ đạc hôm trước mang lên để bà con sử dụng cũng được giữ nguyên trên mái, chưa vội mang xuống.
Trong cơn lũ, mấy tạ thóc của gia đình bị ngâm nước, lên mầm. Số lúa chạy lũ được, anh chị định sẽ mang đi xay xát để có nguồn gạo dự trữ, phòng những ngày tới nếu mưa lụt thì có đủ lương thực cho bà con khi đến tránh trú. “Giờ thì chủ động hơn rồi. Nếu chẳng may lụt nữa thì vẫn đón được vài chục người đến ở mà không lo bị đói” – anh Danh nói.
Gia cố lại mái chạn để giữ an toàn cho hàng xóm khi tránh trú mưa bão.
Ở thôn An Việt - xã Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên), căn nhà ba tầng kiên cố của vợ chồng anh Trần Đình Tám cũng trở thành “nhà cộng đồng” cho 6 gia đình với 19 người tránh trú an toàn qua những ngày mưa lũ lịch sử.
Được xây dựng trên phần đất cao, lại nhiều tầng nên khi xóm làng ngập sâu thì căn nhà của anh Tám như “ốc đảo”. Không thể đứng nhìn bà con có nguy cơ bị nhấn chìm trong lũ, anh Tám chẳng quản nguy hiểm, lội nước đi mượn thuyền để đến từng nhà đưa hàng xóm về tránh trú ở nhà mình.
Anh Tám (bên trái) cùng người nhà chuẩn bị chăn nệm, vật dụng trong các phòng trống, sẵn sàng đón hàng xóm láng giềng nếu tiếp tục mưa lụt.
Anh Tám chia sẻ: “Quầy hàng của vợ tôi ở chợ tỉnh ngập sâu nhưng lúc đó hai vợ chồng chẳng nghĩ gì đến chuyện đi cứu hàng nữa mà chỉ mong sao di tản được nhiều người dân về nhà mình an toàn. Cũng may là gạo dự trữ vẫn còn, lại có sẵn bầy gà mấy trăm con gia đình nuôi nên trong 4 ngày nước lũ dâng cao, chúng tôi đều an toàn và không cần tiếp tế”.
Đã qua những ngày nguy hiểm, tầng 1 và khuôn viên của ngôi nhà khang trang đã được dọn dẹp sạch sẽ. Nhưng khi bước chân lên tầng 2, chúng tôi ngạc nhiên với quang cảnh một “nhà tránh lũ” thu nhỏ với đầy đủ chăn nệm được trải sẵn dưới nền nhà, mỗi phòng đều có đồ dùng sinh hoạt; ở một góc phòng, vẫn còn dấu vết của một “căn bếp” được lập tạm bợ.
Đặc biệt hơn, hàng chục con gà được nuôi nhốt ngay trên tầng 2 từ đầu đợt mưa lũ. “Đã định mang gà xuống chuồng mà thấy thời tiết diễn biến bất thường quá nên lại thôi. Nhốt gà ở đây vừa không bị trôi mất mà lúc mọi người qua tránh lũ thì cũng có sẵn để làm thức ăn” - anh Tám chuẩn bị tâm thế sẵn sàng.
Thành phố Hà Tĩnh – ít ai ngờ rằng lại ngập sâu và ngập lâu đến thế trong cơn lũ vừa qua. Cũng chính vì tâm lý chủ quan đó nên khi nước lũ lên nhanh, gia đình ông Phan Công Đức (tổ dân phố 8-9 phường Tân Giang - TP Hà Tĩnh) chẳng kịp sơ tán. “Gần 20 năm nay, chưa bao giờ thấy thành phố ngập đến mức đó. Chỉ sau một đêm, nước đã tràn vào nhà gần 1m. Sau khi nhờ bà con lối xóm kê cao đồ đạc, chúng tôi nhanh chóng lội sang nhà bác Tần hàng xóm để tránh lũ”.
Ông Phan Công Đức (bên phải) không thể quên những ngày khó khăn, cận kề nguy hiểm đã được hàng xóm hỗ trợ kịp thời.
Nhà ông Nguyễn Mai Tần - hàng xóm gia đình ông Đức tuy ở cùng dãy phố nhưng xây dựng sau nên phần móng được đôn lên cao. Dù nước tràn vào phòng khách nhưng các tầng trên vẫn đủ chỗ cho các gia đình hàng xóm trú ngụ. Những ngày mưa lũ, vợ và con dâu ông Tần nghỉ làm, ở nhà nấu nướng phục vụ cơm nước cho mọi người.
“Đối với tôi, đó là những bữa cơm ngon và ấm áp tình làng nghĩa xóm nhất. Trong lúc khó khăn, nếu không có xóm làng giúp đỡ, không biết vợ chồng tôi phải làm sao nữa. Chẳng may có mưa lụt thì chắc chắn gia đình tôi vẫn sẽ nhận được sự giúp đỡ của bà con lối xóm. Thế mới biết, “bán anh em xa, mua láng giềng gần” là như thế nào” – ông Đức xúc động chia sẻ.
Dù lũ đã rút nhưng những hộ gia đình may mắn ở nơi cao ráo, kiên cố vẫn luôn sẵn sàng biến nhà ở của mình thành những căn “nhà cộng đồng” tránh lũ với một tâm thế “trực chiến”. Họ không chỉ chủ động chuẩn bị cho gia đình, người thân của mình mà còn sẵn lòng ứng cứu bà con làng xóm trong những tình huống nguy cấp. Sáng 30/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, trên địa bàn các huyện, thị, thành ở Hà Tĩnh lại tiếp tục xuất hiện mưa lớn, nguy cơ ngập lụt tại các vùng thấp trũng. Các hộ có nhà cửa ở nơi cao ráo luôn sẵn sàng đón bà con láng giềng đến tránh trú.
Trong những ngày gian khó, hoạn nạn đó, người dân có thể thiếu thốn rất nhiều thứ nhưng có một thứ luôn tràn đầy, ấm áp - đó là tình người, là nghĩa xóm làng “tối lửa tắt đèn có nhau”.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/chuyen-nhung-nguoi-dung-nha-rieng-giup-cong-dong-tranh-lu-a72745.html