Để hòa nhập nhanh vào môi trường làm việc mới, bạn nên làm gì?

Đôi khi, môi trường làm việc mới khiến bạn cảm thấy áp lực và trở nên khép kín dẫn đến việc tạo thêm khoảng cách với mọi người. Điều này không tốt cho quá trình thử việc, học hỏi quy trình và hòa nhập vào công ty, doanh nghiệp. Nếu bạn đang gặp tình trạng này, thì hãy tham khảo ngay 5 lời khuyên sau đây.

Tự giới thiệu bản thân qua email và các nhóm chat của công ty

Quá trình chào đón nhân viên mới thường do nhà tuyển dụng (nhân sự, hành chính) thực hiện để giới thiệu bạn tới mọi người trong công ty. Đôi khi, hoạt động này chỉ lướt qua bạn một vài giây, đủ để bạn chào mọi người mà chưa kịp giới thiệu gì về mình. Để sớm làm quen với mọi người trong công ty, những ngày đầu bạn nên tự giới thiệu bản thân qua email và các nhóm chat của công ty. Bởi, đối với phần lớn các công ty hiện nay, email và các nhóm chat liên lạc nội bộ là một kênh giao tiếp khá quan trọng giữa các thành viên. Bạn nên tận dụng các kênh này để chào hỏi, giới thiệu bản thân nếu muốn “gia nhập” công ty mới trong môi trường làm việc ảo”. Chỉ cần vài dòng ngắn gọn về họ tên, phòng ban làm việc, số điện thoại, email… kèm một lời chào thân thiện gửi qua nhóm chat, bạn đã có cơ hội được mọi người trong công ty nhớ tới, và quan trọng hơn là bạn đã để lại tên và email để thuận lợi hơn khi làm việc sau này.

Nhớ tên mọi người và gọi mọi người bằng tên của họ

Một trong những kỹ thuật giao tiếp tạo ấn tượng tốt khi giao tiếp với đồng nghiệp trong môi trường làm việc mới chính là sử dụng tên của họ. Bạn biết không, mở đầu email hoặc chào mọi người bằng tên sẽ luôn đem lại cảm giác thân thiện, gần gũi hơn. Vì vậy, bạn hãy dành thời gian để tìm hiểu tên của mọi người. Thay vì chỉ xã giao bằng “Cảm ơn chị”, hay “Chào anh”, bạn hãy thử nói “Cảm ơn chị Hà nhiều!” hoặc “Anh Huy giúp em việc này được không?”... Điều này sẽ giúp bạn được đánh giá cao hơn.  

Ăn trưa cùng mọi người, ít nhất là trong những ngày đầu

Sẽ không có gì sai khi bạn thích ăn cơm nhà, hay chỉ muốn ăn trưa một mình với chiếc điện thoại, nhưng ít nhất là trong những ngày đầu, bạn hãy cố gắng ăn trưa cùng mọi người thay vì “thu mình” trong môi trường làm việc mới. Khi ra ngoài ăn trưa, đồng nghiệp thường có nhiều thời gian để trò chuyện, rút ngắn khoảng cách, đồng thời cũng là cơ hội để bạn tìm hiểu thêm về môi trường làm việc - những chuyện khó mà trao đổi cởi mở khi còn ở trong văn phòng. “Đừng bao giờ ăn trưa một mình” là tựa của một cuốn sách nổi tiếng, và đối với nhân viên mới thì đây quả là một lời khuyên hữu ích. Hãy biết tận dụng thời gian ăn trưa để trò chuyện, làm quen và tìm hiểu nhiều hơn về những người đồng nghiệp của mình.

Tham gia các buổi đào tạo, sự kiện nội bộ và tìm hiểu về công ty

Tại nhiều công ty, các buổi đào tạo cho nhân viên mới là quy trình bắt buộc và rất quan trọng vì qua đó, nhân viên mới sẽ có được cái nhìn tổng quan về lịch sử công ty, tình hình kinh doanh cũng như cơ cấu tổ chức - những thông tin rất cần thiết cho quá trình làm việc sắp tới. Chính vì vậy, khi tham gia các sự kiện đào tạo nội bộ như trên, bạn hãy cố gắng tham gia hết mình. Đây còn là cơ hội để bạn gặp gỡ những thành viên của các phòng ban khác, giúp cho quá trình hòa nhập được nhanh chóng hơn. Nếu công ty không tổ chức đào tạo nhân viên mới, bạn vẫn có thể tìm hiểu kỹ về công ty qua internet hoặc thông qua quản lý của mình. Khi có nhiều thông tin về nơi mình đang làm việc, bạn cũng sẽ có một tâm lý tự tin, vững vàng để giao tiếp với mọi người nhiều hơn.

Để ý và tôn trọng văn hóa riêng của công ty

Thực tế cho thấy, văn hóa của mỗi công ty có thể rất khác biệt, và điều đó đôi khi gây ra tâm lý “shock văn hóa” cho những nhân viên mới khi phải thay đổi hành vi, phong cách của mình cho phù hợp với văn hóa của môi trường mới. Công ty gia đình, công ty nhà nước hay công ty nước ngoài, tùy vào quy mô, loại hình kinh doanh, vùng miền lại có những văn hóa và “quy tắc ứng xử” ngầm khác nhau. Lời khuyên cho bạn là “nhập gia tùy tục”, hãy học hỏi, để ý mọi thứ với sự tôn trọng và chừng mực. Tránh hoàn toàn việc so sánh, chỉ trích những điều mà bạn không thích, bởi nó chỉ khiến bạn tạo thêm khoảng cách với những người xung quanh mà thôi. Thay vào đó, thái độ cầu thị, tôn trọng sẽ được đánh giá cao, và khiến bạn dễ dàng hòa nhập hơn với môi trường xung quanh.

Đối với nhân viên mới, đa phần quá trình hòa nhập vào môi trường làm việc mới thường diễn ra khá suôn sẻ vì văn hóa chung của các công ty hầu hết đều khá thân thiện, chào đón những thành viên mới. Nhưng nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc hòa nhập, hay cảm thấy lạc lõng trong môi trường mới, thì rất hi vọng những lời khuyên trên đây có thể phần nào giúp bạn nhanh chóng vượt qua trở ngại này.

Ngân Linh

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/de-hoa-nhap-nhanh-vao-moi-truong-lam-viec-moi-ban-nen-lam-gi-a72891.html