Phát hiện đột biến của virus corona trên chồn có thể gây đại dịch mới

Cách đây vài ngày, Chính phủ Đan Mạch đã gây chấn động thế giới khi tuyên bố sẽ tiêu hủy tới 17 triệu con chồn trong nước, xóa sổ toàn bộ ngành công nghiệp chăn nuôi chồn tại nước này.

Các cơ quan chức năng đã chọn giải pháp triệt để này vì virus corona mới, do mầm bệnh đã phát triển một đột biến nguy hiểm tiềm ẩn trên quần thể chồn nuôi nhốt. Báo cáo từ Đan Mạch cho biết loại virus corona đột biến đã lây nhiễm cho ít nhất 12 người.

Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng chủng mới có thể nguy hiểm đến mức nó có thể khiến các vắc xin Covid-19 dự tuyển hiện tại trở nên vô dụng. Một báo cáo mới hiện đưa ra nhiều tin tức đáng lo hơn, khi một số nhà nghiên cứu cho rằng chủng virus corona đột biến có khả năng gây đại dịch. Trong khi những người khác kêu gọi bình tĩnh.

Phát hiện đột biến của virus corona trên chồn có thể gây đại dịch mới - 1

"Trường hợp xấu nhất là chúng ta sẽ bắt đầu một đại dịch mới ở Đan Mạch. Có nguy cơ là loại virus đột biến này rất khác so với những virus khác đến mức chúng tôi phải đưa những thứ mới vào vắc xin và do đó sẽ khiến tất cả chúng ta quay trở lại điểm xuất phát", giáo sư Kåre Mølbak nói trên tờ The Guardian.

GS. Mølbak là chuyên gia về vắc xin và là giám đốc bệnh truyền nhiễm tại Viện Huyết thanh Nhà nước Đan Mạch (SSI).

Tuy nhiên, chồn được coi là một nguy cơ sức khỏe cộng đồng dựa trên lời khuyên của SSI, sau khi 12 người bị nhiễm virus đột biến.

Nhà virus học Allan Randrup Thomasen của Đại học Copenhagen thì tin tưởng rằng Đan Mạch không "trên bờ vực trở thành Vũ Hán tiếp theo", nhưng vẫn có những nguy cơ. “Biến thể này có thể phát triển đến mức trở nên đề kháng hoàn toàn, và do đó vắc xin không có tác dụng,” giáo sư nói. 

Phát biểu trên truyền thông địa phương, ông Thomsen cho rằng Đan Mạch nên phong tỏa do nguy cơ từ các trang trại nuôi chồn hương.

Các nhà nghiên cứu chưa có đầy đủ chi tiết về đột biến và cần thêm số liệu. Tuy nhiên, một chuyên gia virus người Hà Lan đã đưa ra một vài chi tiết về virus corona ở chồn. “Có vẻ như đột biến biến thể chồn được tìm thấy ở protein gai của virus Sars-Cov-2, nhưng chúng tôi không thực sự chắc chắn,” Wim van der Poel nói. 

Ông nói rằng các quốc gia nên tránh để virus lây lan trên chồn hương và các thành viên khác thuộc họ chồn, như lửng và chồn martens, ngay cả khi không có đột biến.

“Chúng tôi cho rằng đây cũng là một nguy cơ ở Hà Lan. Nếu virus lây lan một cách hoang dã trong các quần thể chồn, thì sẽ có ổ chứa ở trong động vật hoang dã tại địa phương, và chúng ta có thể bị tái nhiễm trước khi thậm chí có được vắc xin chất lượng tốt.”

Hà Lan là một trong những nước đầu tiên ra lệnh tiêu hủy chồn vào đầu năm nay khi biết rõ rằng những con vật này có thể bị nhiễm mầm bệnh và truyền sang người.

Các nhà nghiên cứu không biết liệu virus corona đột biến có thể lây lan mạnh sang người hay không, nhưng 12 người bị nhiễm ở Đan Mạch chứng minh có lý do để lo lắng. Nhà virus học Ian Jones của Đại học Reading giải thích rằng virus sẽ phải thích nghi trên động vật để xâm nhập vào tế bào. Kết quả là, nó sẽ “biến đổi protein gai để cho phép điều này xảy ra một cách hiệu quả”.

“Điều nguy hiểm là virus đột biến sau đó có thể lây lan trở lại vào người và né tránh bất kỳ phản ứng vắc xin nào được thiết kế cho phiên bản ban đầu, không đột biến của protein gai, chứ không phải phiên bản thích nghi với chồn”, Ian Jones nói.

Các chuyên gia Phần Lan cho rằng quyết định tiêu hủy toàn bộ đàn chồn của Đan Mạch trong các trang trại là quá cực đoan. Thay vào đó, họ tư vấn các biện pháp kiểm soát đã có hiệu quả trong nước. 150 trang trại nuôi chồn ở Phần Lan đều được cho là không có Covid-19.

Một số chuyên gia khác thì cho rằng sự nguy hiểm có thể bị thổi phồng quá mức do lo ngại rằng virus đột biến có thể gây nguy cơ cao hơn cho người.

Có thể còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào về chủng virus corona Đan Mạch mà chính quyền địa phương đã xác định, và vẫn còn rất nhiều điều chưa biết. Các chuyên gia bên ngoài chưa được truy cập vào trình tự gen của dữ liệu. Nhưng Đan Mạch đã tải 500 trình tự gen vào cơ sở dữ liệu mở cho các nhà nghiên cứu và sẽ tải lên nhiều hơn nữa.

Các nhà nghiên cứu cho rằng một đột biến đơn lẻ có thể không nguy hiểm đến mức đó và tin tốt là đột biến đã được phát hiện sớm - những điều này thường không được phát hiện cho đến khi chúng lan rộng hơn. Ví dụ điển hình nhất là SARS-CoV-2, mà nguồn gốc động vật vẫn còn là một bí ẩn.

Khi virus corona mới bắt đầu lây lan ở người, không ai chủ động theo dõi nó. Hiện tại, toàn bộ đội ngũ các nhà di truyền học đang theo dõi chặt chẽ SARS-CoV-2, vì vậy khi các đột biến xuất hiện, chúng có thể được xác định ngay lập tức. Theo dõi các đột biến là một bước quan trọng để đảm bảo vắc xin hoạt động.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/phat-hien-dot-bien-cua-virus-corona-tren-chon-co-the-gay-dai-dich-moi-a72921.html