Thông tin thất thiệt, sai sự thật đang dần bùng phát mạnh trên mạng xã hội toàn cầu, và thực tế “virus” tin giả lây lan nhanh hơn cả virus SARS-CoV-2. Nhiều quốc gia trên thế giới đã liên tiếp vào cuộc, sẵn sàng tuyên chiến với nạn tin giả.
Ở Malaysia, bộ luật chống tin giả gây tranh cãi và chỉ trích được ra đời vào năm 2018 nhanh chóng được bãi bỏ vào năm 2019, sau khi tổng bầu cử tại nước này kết thúc. Bộ luật chống tin giả được thông qua vào tháng 4/2018 dưới chế độ Thủ tướng Najib Razak, vốn bị chỉ trích là một hành động có chủ đích đàn áp phe đối lập và những người bất đồng chính kiến, đã không thể giúp ông tái đắc cử, khi lãnh đạo đảng đối lập kiêm cố vấn một thời của ông là Mahathir Mohamad giành chiến thắng. Hồi cuối tháng 1 năm nay, cảnh sát đã bắt giữ 6 đối tượng đăng tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng xã hội. Giới chức Malaysia coi hành vi tung thông tin sai lệch về nguồn gốc, quy mô và mức độ của dịch bệnh là mối đe dọa đối với an toàn công cộng.
Với nước láng giềng Indonesia, trong tháng qua, ít nhất 8 đối tượng đã bị cảnh sát bắt với cáo buộc vi phạm luật cấm phát tán thông tin sai lệch, có thể phải đối mặt với mức án phạt tù 6 năm.
Singapore tiếp bước là một trong những quốc gia tiên phong kiểm soát việc lan truyền thông tin giả về COVID-19 bằng đạo luật Chống thông tin sai trái và thao túng trên mạng. Luật quy định đối tượng có hành vi phát tán các thông tin sai sự thật có chứa nội dung cố ý gây hại tới lợi ích của công chúng sẽ phải đối mặt với án tù giam lên tới 10 năm.
Việt Nam là một trong 10 nước đứng hàng đầu thế giới về số người dùng mạng xã hội, với gần 64 triệu tài khoản Facebook và gần 35 triệu tài khoản YouTube. Song người dùng chủ yếu sử dụng mạng xã hội xuyên biên giới khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều cản trở, bất cập trong công tác quản lý, đấu tranh với những vi phạm của người sử dụng mạng xã hội nhằm bảo đảm môi trường lành mạnh và hạn chế những tác động tiêu cực.
Chính phủ Thái Lan đã thành lập Trung tâm Chống tin giả để phối hợp với cảnh sát phát hiện, truy tìm và bắt giữ các đối tượng tung tin giả về COVID-19. Việc phát tán tin giả vi phạm Điều 14 (2) của Luật Tội phạm mạng Thái Lan, trong đó quy định hành vi đăng tải hoặc chia sẻ thông tin không có căn cứ trên mạng Internet, gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, an toàn công cộng hoặc hoảng loạn cho công chúng, có thể bị phạt tiền lên đến 100.000 baht (hơn 3.200 USD) và/hoặc phạt tù lên đến 5 năm.
Campuchia cũng tuyên chiến với nạn tin giả khi thông qua đạo luật riêng, theo đó bất cứ ai đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội hoặc trên các trang web có thể chịu án tù 2 năm và bị phạt tới 1.000 USD.
Trung Quốc khá mạnh tay trong việc kiểm soát thông tin giả liên quan tới dịch COVID-19. Theo Luật Hình sự nước này, hành vi bịa đặt thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh và lan truyền thông tin đó qua các phương tiện truyền thông, gây mất trật tự xã hội sẽ bị kết án tù 3-7 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng, giam giữ hình sự hoặc giám sát công cộng.
Tại Hàn Quốc, cơ quan chức năng cũng xử lý nghiêm hành vi phát tán tin giả về dịch bệnh sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố việc bịa đặt và phát tán thông tin sai lệch về dịch COVID-19 là “hành vi phạm tội nghiêm trọng”.
Riêng trong tháng 3/2020, lực lượng an ninh Iran đã bắt giữ hàng chục đối tượng tung tin đồn trên mạng về dịch bệnh và cảnh cáo 118 người. Gần 70 đối tượng cũng bị bắt giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ vì tội danh tương tự.
Tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật hiện hành, tất cả những hành vi đăng tải, phát tán tin giả trên không gian mạng đều có chế tài, nhẹ thì nhắc nhở, xử phạt hành chính, nặng thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật An ninh mạng và sau đó là Nghị định 15/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 15/4/2020) với việc chú trọng xử lý các hành vi đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội được cho là hành lang pháp lý hiệu quả để chống tin giả. Tuy nhiên, công cuộc chống tin giả vẫn còn nhiều thách thức, nhất là công tác truy vết tài khoản tung tin giả.
Nga là một trong những nước đi đầu chống tin giả về COVID-19. Đầu tháng Tư này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành các sửa đổi Đạo luật Vi phạm hành chính (CAO), theo đó sẽ phạt tiền tối đa 10 triệu rubble (tương đương khoảng 126.000 USD) các pháp nhân phát tán qua các phương tiện truyền thông hay Internet thông tin giả đe dọa tới tính mạng, kể cả dịch bệnh. Ngoài phạt tiền, những cá nhân phát tán tin giả có thể phải nhận án tù lên tới 5 năm. Ngay sau khi ban hành luật, Nga đã khởi tố hình sự vụ tin giả đầu tiên liên quan tới COVID-19.
Một số nước như Đức, Pháp đã thông qua luật chống tin giả trên mạng xã hội.
Chính phủ Anh vừa thành lập “biệt đội kiểm soát thông tin sai lệch” nhằm xác định tin tức giả mạo về COVID-19 và yêu cầu các công ty truyền thông xã hội dỡ bỏ. Chính phủ Mỹ đã đề nghị các công ty công nghệ phối hợp ngăn chặn những thông tin sai sự thật về COVID-19 trên mạng xã hội, sử dụng trí tuệ nhân tạo để sớm phát hiện và loại bỏ những thông tin này trước khi chúng được phát tán rộng rãi. Nam Phi đã ban hành luật mới, theo đó người tung tin giả về dịch COVID-19 trên các phương tiện truyền thông có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù đến 6 tháng hoặc cả hai.
Để ngăn chặn nguy cơ trở thành kẻ tiếp tay lan truyền thông tin không đúng sự thực về bầu cử, từ ngày 17/9, mạng xã hội Twitter thông báo tăng cường bảo mật cho các tài khoản của những chính trị gia cao cấp, thành viên các chiến dịch vận động và phóng viên. Twitter coi đó là một “biện pháp phòng ngừa cần thiết” trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Theo đó, mạng xã hội này sẽ triển khai thêm các hệ thống phức tạp để phát hiện hoạt động khả nghi, tăng cường phòng vệ để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng nhằm chiếm quyền kiểm soát tài khoản của những nhân vật trên. Các tài khoản sẽ được tăng cường bảo vệ an ninh gồm những tài khoản của các chính trị gia cấp liên bang, cấp bang, các đảng phái chính trị, các ứng cử viên, các chiến dịch vận động tranh cử và những phóng viên đưa tin về bầu cử.
Những tài khoản này sẽ được yêu cầu sử dụng mật khẩu mạnh, với chế độ cài đặt yêu cầu xác nhận bằng email hoặc số điện thoại khi muốn thay đổi mật khẩu. Twitter cũng khuyến khích người quản lý những tài khoản này sử dụng chế độ xác thực hai chiều với yêu cầu xác nhận lại, ví dụ như điền mã xác nhận được Twitter gửi tới số điện thoại khi đăng nhập.
Đầu tháng 9/2020, Facebook cũng thông báo sẽ hạn chế các quảng cáo chính trị trong 1 tuần trước khi diễn ra bầu cử và gỡ bỏ các nội dung sai lệch về dịch COVID-19 cũng như về cuộc bầu cử Mỹ năm 2020.
Tuy nhiên, trong một số tuyên bố, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết Facebook, Twitter và Google vẫn chưa làm đủ mạnh để chống lại những thông tin sai lệch trên các nền tảng của họ.
Tin giả gây thiệt hại 78 tỷ USD mỗi năm
Nghiên cứu của công ty an ninh mạng CHEQ và Đại học Baltimore ước tính rằng nạn tin giả trực tuyến hiện gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 78 tỷ USD mỗi năm. Báo cáo này cũng phân tích những thiệt hại kinh tế trực tiếp từ tin tức giả và ước tính rằng tin tức giả mạo đã gây thiệt hại cho thị trường chứng khoán khoảng 39 tỷ USD hằng năm. Trong số tổng thiệt hại được ước tính, báo cáo dự đoán theo phân khúc rằng các doanh nghiệp sẽ mất khoảng 9 tỷ USD hằng năm do thông tin sai lệch về sức khỏe, 17 tỷ USD từ thông tin sai lệch về tài chính, 9 tỷ USD từ chi phí bỏ ra cho việc quản lý danh tiếng, 3 tỷ USD từ các chi phí liên quan đến an ninh mạng, và 400 triệu USD từ các quảng cáo chính trị giả mạo. Cụ thể hơn, ước tính cho thấy các thương hiệu và doanh nghiệp thiệt hại khoảng 235 triệu USD do chạy quảng cáo song song hoặc cạnh bên các quảng cáo tin giả mà không hề hay biết.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/vaccine-nao-cho-virus-tin-gia-a73054.html