Vợ chồng chưa đăng ký kết hôn, vợ có được hưởng thừa kế của "chồng" không?

Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Chị Lê Ngọc Loan (Quảng Ninh) hỏi: Tôi chung sống với một người đàn ông góa vợ từ năm 2013 nhưng không đăng ký kết hôn. Nay anh đột ngột qua đời, không để lại di chúc, dẫn đến việc các con riêng của anh ấy tranh chấp quyền hưởng di sản với tôi. Xin hỏi tôi có quyền thừa kế đối với di sản của anh không?

Luật sư trả lời:

Do trước khi mất, "chồng" chị không để lại di chúc nên di sản thừa kế của "chồng" chị sẽ được phân chia theo pháp luật.

Theo quy định tại điều 651 bộ luật Dân sự 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định như sau:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Tuy nhiên, theo quy định tại điều 14 luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì khi hai người có đủ điều kiện để kết hôn mà không đăng ký kết hôn thì không được coi là vợ chồng và không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Bởi vậy, về mặt pháp luật, anh chị không phải là vợ chồng. Do đó, chị không thuộc hàng thừa kế của người đã chết nên sẽ không được hưởng di sản thừa kế từ anh ấy.

Phân chia quyền thừa kế - CafeLand.Vn

Có được lập cam kết về tài sản trước khi kết hôn không?

Để hạn chế một số tranh chấp tài sản cũng như có cơ sở xác định tài sản của vợ chồng, pháp luật về hôn nhân và gia đình đã có một số quy định về vấn đề này.

Chị Ngô Hồng Phụng (ngophung*****@gmail.com) hỏi: Tôi và chồng sắp cưới đều có tài sản riêng và con riêng trong cuộc hôn nhân trước. Lần kết hôn này chúng tôi muốn thỏa thuận tài sản với nhau để tránh những rắc rối về sau. Vậy chúng tôi có được phép lập thỏa thuận này hay không?

Luật sư trả lời:

Ngày nay, chuyện ly hôn đã trở thành bình thường và các cuộc hôn nhân lần 2, lần 3 cũng trở thành phổ biến. Khi đó, chuyện hôn nhân giữa các cặp vợ chồng đã có tài sản riêng, con riêng… trở thành phức tạp nếu không được thỏa thuận trước.

Theo quy định tại khoản 1 điều 28 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng do các bên thỏa thuận nhưng phải có những nội dung cơ bản theo điều 48 luật Hôn nhân và Gia đình.

Cụ thể nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng.

Thứ hai, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan, tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Thứ ba, điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản.

Cuối cùng, nội dung khác có liên quan.

Ngoài ra, theo điều 49 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và điều 17 Nghị định 126/2014/NĐ-CP thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó, hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định.

Việc sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản theo thỏa thuận cũng phải được thực hiện bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực từ ngày được công chứng hoặc chứng thực.

Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm việc sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Ngọc Anh (T/H)

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/vo-chong-chua-dang-ky-ket-hon-vo-co-duoc-huong-thua-ke-cua-chong-khong-a73076.html