Khách tham quan tại triển lãm “Khoảng trống” năm 2020
Ở những năm trước Mỹ vẽ theo cảm xúc những gì ập đến, chợt hiện ra. Dù có những tranh đẹp nhưng nhìn bề mặt ta dễ nhận thấy hình bóng bút pháp của họa sĩ Trần Lưu Hậu (người cha của ông). Vì thế con đường nghệ thuật của Mỹ như đặt trước một bức tường án ngữ. Người xem băn khoăn tự hỏi làm thế nào và đến bao giờ ông có thể cởi bỏ được “Tấm áo khoác ấy”! Song ở chiều ngược lại, ẩn bên trong bức họa ta nhận thấy Mỹ có nội hàm riêng với một cảm thức rộng về tình yêu thiên nhiên, hiện hữu một tâm hồn trong.
Chân dung họa sĩ Trần Lưu Mỹ
Nếu triển lãm “Trần Lưu Mỹ” (năm 1999) là thông điệp của cảm xúc thuần khiết, thì “Khoảng trống” (năm 2020) của hôm nay lại là tiếng lòng trải nghiệm, dấn thân. Hình thức biểu đạt của giai đoạn đã qua tập trung ở Ấn tượng - Trừu tượng thì giờ đây, Trừu tượng là khuynh hướng chính xuyên suốt, nhất quán trong mạch sáng tác. Việc xác định này phù hợp với nhu cầu hướng nội, đáp ứng những câu hỏi liền mạch mà Mỹ đặt ra, mong muốn chuyển tải: Tình yêu và sự khổ đau, niềm vui hân hoan hay sự bất hạnh ngập tràn, sự sống đam mê đối lập với cận cảnh u tối của cái chết...
Và trên hết Mỹ mong muốn nhập tâm, tìm hiểu để bóc tách lớp vỏ bên ngoài của các phạm trù đó dù nằm ở trong hay bên ngoài để tìm đến bản thể chân xác nhất. Có lẽ chỉ có khoảng trống mới có lời giải hợp lý về vòng đời màu nhiệm, về tính nhân bản và đức tin, về sự thật trần trụi đến nghiệt ngã, về sự vị tha…
Buổi chiều
Trong “Khoảng trống”, các tác phẩm lan tỏa tinh thần ấm áp, vẻ đẹp bình yên trong một không gian sáng, chúng hòa quyện với nhau bởi những gam màu trầm ấm hoặc đối kháng chói gắt. Và đặc biệt các tác phẩm đã quy nạp một hệ phả nét nhiều tầng mạnh mẽ, quyết đoán: Dù chuyển động đơn lẻ hay tạo thành tổ hợp thì chúng luôn chảy liên tục khi thì chồng chéo đến đặc quánh, lúc lại buông lơi, đứt đoạn đến vu vơ mà đích đến có thể là sự cuồng nộ hoặc tĩnh tại thinh không. Mỹ không chủ tâm chú trọng kỹ thuật biểu đạt mà chỉ hướng tới sự cân bằng trong cấu trúc của bức tranh: Giữa một bên là bố cục, hình dáng còn bên kia là diện mạo “điểm thở” của không gian, qua đó tìm tới và định vị được khoảng trống vô hình trong mình. Đấy là sự bày đặt đường dẫn một cách có chủ đích.
Ký ức về miền quê II
Tôi thích một số tác phẩm trong triển lãm “Khoảng trống” của họa sĩ Trần Lưu Mỹ. Các bức họa này ghi dấu những trạng thái rất riêng: Ở đó sức sống của lửa tràn ngập khí lực, niềm vui ca hát ngân lên và có khoảnh khắc tinh thần như bị bóp nghẹt, đông cứng lại... Những trạng thái này chỉ người có nội giới thực sự mới thể hiện được. Phải chăng đây là “ngã” của Mỹ!
Người nghệ sĩ ai cũng muốn tìm được chính mình nhưng không nhiều người làm được điều đó. Tôi nghĩ, giờ đây Trần Lưu Mỹ đã đi cùng hàng trong số không nhiều.
Nguyễn Xuân Tiệp
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/trien-lam-khoang-trong-trai-nghiem-dan-than-cua-tieng-long-a73083.html