Làng Đông Ngạc, nằm ven bờ sông Hồng, cách trung tâm Thủ đô 10km về phía tây bắc, là một trong những làng cổ nhất ở Việt Nam. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với truyền thống khoa bảng, có nhiều người học rộng tài cao, đỗ đạt làm quan mà còn mang đậm dấu ấn kiến trúc làng quê vùng Bắc Bộ. Đằng sau vẻ yên bình của một làng quê bị đô thị hóa còn có những giai thoại ly kỳ mà đến nay vẫn chưa có lời giải đáp… |
“Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”
Về với ngôi làng danh tiếng thuở nào, chúng tôi được cán bộ văn hóa của phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) giới thiệu đến gặp “pho sử” của làng - ông Phạm Quang Đại (SN 1940), người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Trước đây, ông Đại là giáo viên cấp 3 dạy môn Toán ngay tại trường làng, đến khi về hưu ông chuyển sang dạy Hán Nôm. Cũng từ ngày nghỉ hưu, ông dày công tìm tòi, nghiên cứu về sử làng từ những tài liệu, gia phả, thư tịch cổ. “Cũng vì muốn tìm tòi lịch sử của làng, tôi học, nghiên cứu về Hán nôm một cách công phu. Giờ, trình độ dạy Hán nôm của tôi có khi còn hơn dạy môn Toán”, ông Đại chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật.
Phải chăng niềm đam mê với sử sách địa phương khiến cụ ông tuổi 80 vẫn minh mẫn lạ thường. Ông kể lại lịch sử làng vanh vách và trong giọng điệu của ông toát lên niềm tự hào khôn xiết về nơi “chôn rau cắt rốn”. Ông bảo, theo đơn vị hành chính hiện nay, Đông Ngạc không còn gọi là làng mà là phường. Thế nhưng, người dân nơi đây vẫn thích được gọi là người dân làng Đông Ngạc hơn.
Làng Đông Ngạc có tên Nôm là Kẻ Vẽ. Từ đời xưa, làng đã nổi tiếng trong câu ca của người dân Kinh kỳ: “Đất kẻ Giàn, quan kẻ Vẽ”. Lý giải tại sao người xưa lại nói “quan Kẻ Vẽ”, “pho sử” của làng cười bảo: “Bởi làng Vẽ nhiều quan. Từ đời Trần đến đời Nguyễn, trong khoảng 500 năm làng Đông Ngạc đã có 22 tiến sĩ, bảng nhãn, phó bảng và trên 400 cử nhân, tú tài. Mà xưa triều đình phong kiến quy định làng nào có 10 người trở lên đỗ Tiến sĩ thì được coi là làng khoa bảng. Do đó, ngày nay nhiều người gọi làng tôi với cái tên làng khoa bảng, làng tiến sĩ là từ đó mà ra”.
Điều đặc biệt, các dòng họ trong làng Đông Ngạc gồm Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn, Hoàng, Lê… đều có người đỗ đại khoa, ít là một người, nhiều nhất là 9 người. Ông Phạm Quang Đại kể: “Người đỗ Tiến sĩ khai khoa cho làng là cụ Phan Phu Tiên - Lưỡng triều Tiến sĩ (tức là Tiến sĩ của hai Triều: Triều Trần và triều hậu Lê). Nổi bật nhất trong làng là dòng họ Phạm có tới 9 Tiến sĩ, tiếp đến là họ Nguyễn có 6, họ Phan có 5, họ Hoàng có 4, họ Đỗ và họ Lê có 1 Tiến sĩ”.
Với số lượng Tiến sĩ lớn như vậy, làng Vẽ đứng thứ 3 trong cả nước thời phong kiến về đỗ Tiến sĩ sau làng Mộ Trạch ở Hải Dương (36 Tiến sĩ), làng Kim Đôi ở Bắc Ninh (25 Tiến sĩ). Và cũng chính từ đó, trong làng có không ít các giai thoại liên quan đến sự học, ví như có giai thoại kể những chiếc cổng làng Kẻ Vẽ còn có tên Đống Ếch vì học trò chăm học khiến làng xóm ran tiếng đọc sách như tiếng ếch kêu. “Một giai thoại khác mà người dân làng tôi vẫn thường hay kể về tấm gương điển hình chăm học là cụ Phạm Quang Trạch. Ngày ngày cụ ra vườn, đi vòng quanh các cây cau đọc sách khiến tất cả các thân cây cau nhẵn bóng do cụ vịn tay vào nhiều quá, ma sát mòn cây”, ông Đại kể.
“Làng Vẽ nhiều quan, vì thế chẳng lạ khi mà cứ hễ ra ngõ là gặp quan. Dân các làng khác còn truyền nhau, ở Kẻ Vẽ, khi ra đình làng có việc hay những ngày tế thần, tri huyện, chi phủ chỉ mới được giữ chân giải chiếu, chứ chưa được ngồi, vì quan to khoa bảng trong làng quá nhiều. Không những vậy, thiên hạ còn mệnh danh làng Vẽ một cách ngoa ngoắt: Chơi với quan viên Kẻ Vẽ, cái bát mẻ cũng không còn”.
Tiếp nối truyền thống khoa bảng
Từ thời phong kiến, làng Đông Ngạc được xã hội suy tôn là làng văn hiến, vậy không biết truyền thống hiếu học, đỗ đạt cao, có nhiều người tài còn được duy trì về sau này hay không? Thắc mắc với ông Đại về điều này, ông Đại từ tốn nói: “Thời nào, Đông Ngạc cũng có người tài cả. Cận đại có Tiến sĩ luật Phan Văn Trường thường xuyên liên hệ với Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc và các nhà trí thức tiến bộ, cùng tham gia các hoạt động cách mạng. Ông cùng Phan Châu Trinh lập ra “Hội đồng bào thân ái”, tập hợp những người Việt Nam sinh sống học tập lao động tại Pháp. Ông là người dịch ra tiếng Pháp những tư tưởng của Phan Châu Trinh. Đến khi Nguyễn Ái Quốc đến Pháp, gặp Phan Văn Trường, thì chính nhà luật sư Việt kiều yêu nước này đã hỗ trợ Bác trong việc diễn đạt ra Pháp văn những ý tưởng chính luận của Bác một cách hùng hồn. Năm 1917, Phan Văn Trường cùng với Nguyễn Ái Quốc thành lập và chỉ đạo “Hội những người Việt Nam yêu nước”.
Ông cũng chính là người hỗ trợ Bác trong việc công bố Bản yêu sách của nhân dân An Nam bằng tiếng Pháp trên các báo ở Paris. Cuối năm 1923, ông về nước và tham gia một số hoạt động trong Ban nghiên cứu thuộc địa và viết nhiều bài đăng báo Le Paria (Người cùng khổ) - tờ báo do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Sau, ông mở một văn phòng luật sư tham vấn ở Sài Gòn. Một mặt hành nghề luật sư, một mặt ông cùng với Nguyễn An Ninh xuất bản báo Chuông rè (La Cloche Fêlée) và Nước Nam (L'Annam) bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn để đấu tranh chống thực dân Pháp”.
Nối tiếp ông cha, những người con Đông Ngạc ngày nay không ít người đã trở thành lãnh đạo cấp cao của nhà nước, chính khách, nhà nghiên cứu khoa học, ví dụ như: Giáo sư, bác sĩ vi trùng học, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam trong những năm 1946-1958 Hoàng Tích Trí; Giáo sư Hoàng Minh Giám, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Bộ trưởng Văn hóa; đồng chí Phạm Gia Khiêm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao; Giáo sư y học Hoàng Thủy Nguyên; GS.TS Nhà giáo Nhân dân Phạm Gia Khánh…
Làng có nhiều người được đặt tên phố
Có công với dân với nước nên nhiều tên của “quan Kẻ Vẽ” được đặt làm tên phố, tên phương. Là người mở đầu cho con đường khoa bảng ở Đông Ngạc, tên cụ Phan Phù Tiên được lấy đặt cho đoạn đường bắt đầu từ phố Hàng Cháo đến phố Cát Linh cắt ngang qua ngõ Hàng Bột. Không chỉ là người mở đầu con đường khoa bảng cho làng, cụ còn là một nhà nho nổi tiếng đời Trần - Lê. Nối chí nhà sử học Lê Văn Hưu, Phan Phù Tiên soạn tiếp cuốn Đại Việt sử ký. Cụ là người đầu tiên thu thập thơ ca các triều đại Lý, Trần, Lê soạn thành sách Việt âm thi tập. Cụ giỏi nghề thuốc, đi ghi chép 392 vị thuốc nam thành Bản thảo thực vật toát yếu. Cụ từng được giao phụ trách Quốc Tử Giám.
Riêng Luật sư Phan Văn Trường đã có 2 con đường mang tên ông tại 2 thành phố lớn nhất cả nước: Hà Nội và TP.HCM.
“Ngoài hai vị họ Phan được đặt tên phố thì còn có 4 vị họ Hoàng là Hoàng Tướng Hiệp, Phó bảng Hoàng Tăng Bí cùng con trai Hoàng Minh Giám và bác sĩ Hoàng Tích Trí cũng được đặt tên phố ở Hà Nội, Tuyên Quang, TP.HCM, Đà Nẵng”, ông Đại chia sẻ.
Bên cạnh bề dày truyền thống khoa bảng, làng Đông Ngạc vẫn còn ẩn dấu những lớp trầm tích về văn hóa, kiến trúc, ẩm thực… Vậy hãy cùng PV Người Đưa Tin Pháp luật tiếp tục lật dở từng dấu ấn văn hóa ở làng cổ Đông Ngạc nằm ven bờ sông Nhị, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 10km về phía tây bắc.
Còn nữa…
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/kham-pha-dong-ngac-ngoi-lang-co-noi-danh-tren-manh-dat-kinh-ky-a73094.html