Ngắm nghía những bức ký họa công trình thời Pháp tại Hà Nội

Bấy giờ, nhà hát lớn Hà Nội là công trình biểu diễn lớn nhất khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ và sau này luôn là trung tâm biểu diễn và văn hóa. Không chỉ còn có giá trị về mặt thẩm mỹ và kiến trúc, nó còn giá trị lịch sử đối với nhà nước Việt Nam vì đây là nơi diễn ra cuộc họp đầu tiên của Quốc hội nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Những phong cách kiến trúc phổ biến thời Pháp thuộc

Phong cách kiến trúc Tân-Cổ điển là phong cách kiến trúc áp đảo đối với các công trình công cộng lớn ở Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc và cũng là phong cách mang dấu ấn mạnh mẽ nhất của kiến trúc thời kỳ này.

Những công thự lớn tiêu biểu như Phủ Toàn quyền, Dinh Thống Sứ, Toà án… được xây dựng. Để biểu đạt cho sự uy nghi của chính quyền mới thì không gì bằng việc sử dụng các hình thức kiến trúc Cổ điển. Sau này, phong cách Tân-Cổ điển còn ảnh hưởng sang các công trình lớn về kinh tế-văn hoá ở Hà Nội như ga Hàng Cỏ, trụ sở Công ty hoả xa Đông Dương-Vân Nam, Nhà hát Thành phố, Viện Radium Đông Dương… và nhiều biệt thự dành cho người Pháp ở Hà Nội. Phong cách kiến trúc Tân-Cổ điển ở Hà Nội thời kỳ này không còn là Tân-Cổ điển Pháp thuần tuý nữa mà mang nhiều màu sắc của chủ nghĩa Triết chung. Mặc dù vẫn sử dụng bố cục đối xứng nghiêm ngặt, các cấu trúc hình học và tỷ lệ vẫn được tuân thủ, các thức cổ điển vẫn mang tính áp đảo, song ở nhiều công trình các chi tiết của kiến trúc Phục hưng, Baroque cũng được sử dụng.

Cong trinh Phap anh 1

Nhà hát Lớn Hà Nội (số 1 Tràng Tiền): Năm 1899, Hội đồng thành phố Hà Nội đệ trình xây dựng một nhà hát nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của người Pháp tại Hà Nội. Công trình khởi công ngày 7/6/1901 và hoàn thành vào năm 1911, do hai kiến trúc sư là Harlay và Broyer thiết kế, trong quá trình thi công có sự tham gia của kiến trúc sư Lagisquet. Đây là công trình biểu diễn lớn nhất khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ và sau này luôn là trung tâm biểu diễn và văn hóa. Không chỉ còn có giá trị về mặt thẩm mỹ và kiến trúc, nó còn giá trị lịch sử đối với nhà nước Việt Nam vì đây là nơi diễn ra cuộc họp đầu tiên của Quốc hội nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tranh: Phạm Anh Quân.

Cong trinh Phap anh 2

Phủ Chủ tịch (số 2 Hùng Vương): Công trình khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1906, do kiến trúc sư Auguste Henri Vildieu và Charles Lichtenfelder thiết kế. Công trình đươc tôn cao bởi các bậc thang vượt qua tầng bán hầm tạo vẻ uy nghi, bề thế. Với phong cách kiến trúc Tân cổ điển, không sử dụng mái mang-sa, các chi tiết trang trí đơn giản. Tranh: Bùi Mạnh Hà.

Cong trinh Phap anh 3

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Phạm Ngũ Lão): Công trình trước đây mang tên Viện Viễn Đông Bác cổ hay Bảo tàng Louis Finot, khởi công năm 1925 và hoàn thành năm 1932, do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế. Đây là công trình mang phong cách Đông Dương đầu tiên do Ernest Hébrard khởi xướng. Ông đã cố gắng tìm tòi các chi tiết kiến trúc gỗ truyền thống như mái, con sơn đỡ diềm mái và các ô văng cửa sổ. Đây là sự tìm tòi có giá trị, kết hợp giữa phong cách châu Âu và Á Đông. Tranh: Phạm Thanh Sơn.

Cong trinh Phap anh 4

Ga Hàng Cỏ (Ga Hà Nội - số 120 Lê Duẩn): Tháng 6/1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer chấp nhận dự án xây dựng ga đường sắt tại Hà Nội do kiến trúc sư Boreil và Vildieu thiết kế. Công trình khởi công xây dựng năm 1899 và hoàn thành vào năm 1902. Công trình mang đậm nét kiến trúc của châu Âu, ban đầu chỉ là dãy nhà chính trông ra đầu phố Trần Hưng Đạo, kinh phí do chính phủ Pháp kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn. Đây là ga trung tâm của Hà Nội, từ đây tới Vân Nam qua Lào Cai hay qua Lạng Sơn tới Bằng Tường (Trung Quốc), đi Hải Phòng và tuyến Bắc Nam vào tới Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Năm 1972, bom Mỹ phá sập phần chính của ngôi nhà. Tranh: Trần Thị Thanh Thủy.

Cong trinh Phap anh 5

Nhà thờ Lớn Hà Nội (số 40 Nhà Chung): Nhà thờ được hoàn thành 1883, do linh mục Puginier chỉ đạo xây dựng theo mẫu hình từ châu Âu. Nhà thờ Lớn là nhà thờ có hai tháp chuông kiểu Gothic duy nhất ở Hà Nội, có thể xem như mẫu hình thu nhỏ của nhà thờ ở Paris. Tranh: Hoàng Phong (trái), Sutien Lokulprakit (phải).

Cong trinh Phap anh 6

Bộ Ngoại giao (số 1 Tôn Thất Đàm): Công trình này trước đây là Sở Tài chính Đông Dương, do Ernest Hébrard thiết kế, khởi công năm 1925 và tới năm 1928 thì hoàn thành. Công trình có phong cách Đông Dương, một số chi tiết mang tính bản địa kết hợp với phong cách châu Âu như hệ mái hắt trên các khung cửa.

 

Kiến trúc theo phong cách Đông Dương là những công trình có cấu trúc mặt bằng, hình khối hoàn toàn theo kiểu Pháp thịnh hành lúc bấy giờ, nhưng đã có sự tìm tòi, biến đổi về mặt không gian và cấu tạo kiến trúc nhằm tạo ra những công trình có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, cảnh quan cũng như truyền thống văn hoá bản địa. Các kiến trúc sư theo phong cách này thường sử dụng những hình thức và chi tiết kiến trúc truyền thống Việt Nam, Khmer trong việc tạo nên các bộ mái, ô văng che cửa, cùng các hoạ tiết trang trí khác. Nhìn chung đây là phong cách thành công nhất trong việc tạo ra những công trình kiến trúc đẹp, hiện đại, phù hợp với khí hậu, cảnh quan và văn hoá truyền thống bản địa thời kỳ Pháp thuộc.

Từ khi trở thành trụ sở Bộ Ngoại giao của nhà nước Việt Nam, nơi đây đã chứng kiến nhiều cuộc họp đưa ra các quyết định có tính lịch sử về đường lối ngoại giao qua nhiều giai đoạn phát triển của Việt Nam. Tranh: Vương Long.

Cong trinh Phap anh 7

Nhà khách Chính phủ (trước đây là Bắc Bộ Phủ - số 12 Ngô Quyền): Hoàn thành năm 1911, do kiến trúc sư Auguste Henri Vildeu thiết kế, trước đây là Dinh Thống đốc Bắc Kỳ. Hiện nay công trình được sử dụng làm nhà khách của chính phủ. Công trình mang phong cách Tân cổ điển châu Âu, bố cục hình khối đơn giản, các trang trí cột được cách tân nhưng vẫn đạt hiệu quả thẩm mỹ. Công trình tạo được sự bề thế, sang trọng, đặc biệt với mái khu sảnh bằng kim loại ít được sử dụng trong thời kỳ đó. Tranh: Nguyễn Hoàng Lâm.

Cong trinh Phap anh 8

Đại học Tổng hợp Hà Nội (số 19 Lê Thánh Tông): Công trình trước đây là Đại học Đông Dương, được đưa vào sử dụng năm 1926, do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế, mang phong cách Đông Dương. Sự tìm tòi của Ernest Hébrard thể hiện ở việc kết hợp phong cách Tân cổ điển châu Âu với đặc điểm kiến trúc phù hợp khí hậu bản địa, tạo các mái vẩy trên ô cửa, rất hữu hiệu trong việc che mưa nắng vùng nhiệt đới. Gian chính có lối vào hoành tráng với các mô típ trang trí dùng họa tiết Á Đông. Tranh: Phạm Anh Quân.

Cong trinh Phap anh 9

Bưu điện Bờ Hồ (số 1 Lê Thạch): Đây là một trong những công trình công cộng thuộc loại đầu tiên người Pháp xây dựng tại Hà Nội, và tới nay nó vẫn được sử dụng với chức năng ban đầu. Công trình này do kiến trúc sư Auguste Henri Vildeu thiết kế, được đưa vào sử dụng năm 1896. Bưu điện Bờ Hồ nằm trong khu vực hành chính đầu tiên của Hà Nội và mang phong cách Cổ điển châu Âu với cách phân chia các tầng và mái mang-sa. Kiến trúc sư thiết kế thêm hàng hiên để phù hợp với khí hậu địa phương. Tranh: Trần Thị Thanh Thủy.

Cong trinh Phap anh 10

Cầu Long Biên: Cây cầu được khởi công xây dựng năm 1898 và hoàn thành năm 1902 nên có người gọi đây là cây cầu nối hai thế kỷ. Cầu do hai nhà thầu Daydé và Pille thi công. Kết cấu thép của cầu có độ dài gần 2 km, là cây cầu lớn nhất bắc qua sông Hồng lúc đó và cũng là cây cầu lớn nhất Đông Dương. Cầu được tổ chức đường sắt ở giữa, hai bên dành cho xe cộ, sau này làm thêm vỉa hè cho người đi bộ. Có thêm một điểm độc đáo nữa là chiều đi ngược với bình thường. Năm 1972, cầu bị bom Mỹ phá hỏng một số nhịp nên hình dáng bây giờ không còn nguyên vẹn như thuở ban đầu. Tranh: Sutien Lokulprakit

Ngọc Anh (T/H)

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ngam-nghia-nhung-buc-ky-hoa-cong-trinh-thoi-phap-tai-ha-noi-a73186.html