Gian nan một thú chơi tao nhã

Không ngoại trừ ai - cái thú chơi chim được lòng từ già đến trẻ, ở đất Hà Thành thì lại càng sôi động. Nếu không tin thì sáng cuối tuần, bạn cứ thử lang thang góc ngã tư Trần Bình Trọng, Nguyễn Du, cạnh hồ Thiền Quang, quan sát mấy ông chú đưa chim đi "dãi", chắc hẳn bạn cũng sẽ thấy thích thú lạ thường.

Vui một điều là quan niệm xưa nay chỉ có những người đứng tuổi, khá giả, có cơ ngơi bề thế ở các biệt thự mới yêu tiếng hát của thiên nhiên, nhưng giờ đã khác khi ngày càng nhiều người trẻ tuổi ở phố, ở các khu nhà chung cư, nhà tập thể tìm đến thú chơi tao nhã này.

Lảnh lót hiếu thắng như họa mi, kiêu sa như vành khuyên, hay mộc mạc như cu gáy, trong trẻo của chào mào, những âm thanh ấy khơi gợi về không gian yên bình của những khu vườn xanh rợp bóng cây trong vùng nội ô. Có lẽ cũng vì thế mà xưa nay, người Hà thành dành tình cảm đặc biệt cho những loài chim bé nhỏ này.

Một trong những quán cafe được nhiều người chọn làm nơi ngồi nghỉ để thưởng tiếng hót. Ảnh: Vnexpress

Nghề nuôi chim đòi hỏi sự công phu chính từ kĩ nghệ, các cao thủ đi trước thường khuyên răn lớp trẻ có khi 365 ngày chăm sóc chim đúng theo một quy chuẩn và chỉ lơ là một ngày coi như chú chim đó mất giá trị, trở về con số không như mới được mang từ thiên nhiên về. Muốn chim trở thành chiến binh thực thụ, người chơi phải thường xuyên cho chim đi dãi. Dãi chim tức là nhiều người chơi cùng mang đến những lồng chim, để cạnh nhau, để chúng thật đông vui, nhìn nhau mà hót, mà múa. Tức là con nọ kích thích con kia, con này mừng con khác sau đó người ta mới ấn định ngày thi cho chúng.

Nơi dãi chim là nơi yên tĩnh, để có thể phân biệt được giọng hót của nhau. Chịu khó mang chim đi dãi cũng là tăng thêm yếu tố cộng đồng trong hội. Còn gì thú bằng khi các chú chim đang dãi, các ông chủ lồng chim kê ghế, ngồi nhâm nhi ly trà, tách café ngắm nghía bình luận.

Một địa chỉ đem chim đi dãi được ưa thích hiện nay là góc quán hồ Hale giáp với đường Nguyễn Du, Trần Bình Trọng của anh Hùng "Hale". Còn những người chơi lâu năm vẫn thích tạt ngang phố cổ ngồi quán anh Hùng "Nguyễn Siêu", chủ nhật thích tạt qua phố Hàng Giấy với danh thủ Tuấn "Hàng Giấy" là người có chú chim hót líu đấu xòe đuôi và là người tạo ra phong trào ưa chuộng khuyên hót xòe đuôi, hoặc lên sân thượng nhà các tay chơi trên phố Hàng Đồng (nhà Cường "Hàng Đồng"), Hàng Dầu bắc lồng lên để dõi mắt như dán vào từng cử động của chú chim "bảo bối".

Góc ngã tư Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Du, Trần Bình Trọng là nơi tụ tập đông đủ của không ít 'cao thủ 'chơi chim'. Và nhiều người muốn đến nghe chim hót. Ảnh: Vnexpress

Nhiều người đi đường tò mò, đứng lại nghe tiếng chim hót, khiến con phố này càng trở nên đông vui. Ảnh: Vnexpress

Chơi chim, luyện chim và thi chim đã từng bước khẳng định một thú chơi. Nhưng những người chơi lâu năm trên đất Hà thành vẫn âm thầm khẳng định một cách chơi mới. Chơi lồng chim, đẳng cấp thể hiện ở những chiếc lồng và cóng (đựng thức ăn) của chim. Giá cả các loại lồng phụ thuộc vào độ tinh xảo trong cách xử lý chất liệu chế tạo lồng. Lồng đục chạm càng cầu kỳ giá càng cao. Nếu thêm các chất liệu quý như ngà voi, đồi mồi, sừng, xương để thay một số hay toàn bộ tre trúc thì giá càng đắt. Tên lồng được đặt theo tích từng hoạ tiết được nghệ nhân khắc chạm trên đế. Tích phổ biến của các loại lồng nhập khẩu từ Trung Quốc được người dùng ưa thích như tích Tam Quốc, tích Bát tiên: Tích 12 con giáp: Các bức chạm trên chất liệu tre trúc giống như những bức tranh trang trí tăng thêm phần trang trọng của từng chiếc lồng.

Bức chạm càng tinh xảo, giá tiền chiếc lồng càng cao. Theo anh Hoàng Minh Tuấn, một chủ cửa hàng chuyên cung cấp các loại lồng độc cho các đại gia chơi khuyên thì lồng khuyên được chia làm nhiều loại và hai chiếc lồng sử sụng chất liệu truyền thống là gỗ và trúc là lồng hổ và lồng chim hoa được nhập về từ Trung Quốc có giá không dưới 70 triệu đồng. Hàng cao cấp làm theo các hình ảnh, các tích truyện cổ còn phải nhắc đến lồng khung tre, trúc có khảm, chạm ngà voi, đồi mồi. Hoặc loại lồng chất liệu 100% bằng ngà voi, đồi mồi, sừng có giá từ vài chục, vài trăm đến cả tỉ đồng mỗi chiếc.

Cận cảnh bộ sưu tập lồng chim đắt đỏ giá 10 tỷ đồng của đại gia Việt - 2

 Một trong những chiếc lồng đựng chim được chạm khắc theo các tích nổi tiếng như Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng, Tam Quốc... Ảnh: Dân Trí

"Chơi đồ cổ để giữ thần, chơi cây để giữ lễ, chơi chim để luyện trí" - cả nghìn năm nay, câu nói của cổ nhân vẫn được truyền tụng trên đất Thăng Long văn vật. Niềm đam mê như dòng chảy bất tận, góp một tiếng hót, một thú vui cho đời vẫn như ngọn lửa đam mê cháy mãi trong được truyền cho các thế hệ trẻ 9X hôm nay.

Trung Hưng(T/H)

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/gian-nan-mot-thu-choi-tao-nha-a73339.html