Mồ hôi, nước mắt của những cô giáo cõng chữ lên 'cổng trời'

“Đi dạy ở 'cổng trời Ea Rớt' cũng giống như nghỉ dưỡng, cứ nghĩ vậy là vui”, cô Yến, giáo viên lớp mẫu giáo duy nhất ở đây, nói về công việc của mình với niềm vui đặc biệt.

Nhọc nhằn đường đến trường

Ea Rớt là thôn nghèo nhất của xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Cái tên “Cổng trời Ea Rớt” xuất phát từ con đường khó khăn mà ai đến đây cũng phải đi qua. Nằm sâu trong rừng, đường lên Ea Rớt gấp khúc, quanh co như con rắn vắt vẻo ở lưng chừng đồi núi. Nhiều con dốc cao, xe chạy lên chỉ chực lăn ngược xuống. Khu vực này hiểm trở tới mức được gọi là "cổng trời" của cả Tây Nguyên.

Hầu hết người dân nơi đây đều là đồng bào dân tộc H’Mông, di cư tới từ những năm 1996. Cuộc sống gần như tách biệt với phần còn lại, thiếu thốn đủ đường, có thời điểm trẻ con không được đi học. Từ khi hai điểm trường tiểu học và mẫu giáo được mở, lũ trẻ mới biết đến con chữ.

Gieo chu tren dinh nui anh 2

Điểm trường ở Ea Rớt thuộc trường Tiểu học Cư Pui II. Ea Rớt là điểm trường xa nhất và cũng thiếu thốn nhất trong 6 phân hiệu của trường tiểu học này. Bên cạnh khối tiểu học, Ea Rớt cũng có một lớp mẫu giáo, phân hiệu của trường Mẫu giáo Cư Pui.

Các cô giáo được phân công dạy tại điểm trường Ea Rớt có tuổi đời từ 26-32, đến từ nhiều huyện khác nhau như Krông Bông, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Pắc…

Nhà của các cô giáo đều cách xa Ea Rớt, người gần nhất cũng 30 km, xa nhất 120 km. Quãng đường đến trường dù ngắn hay dài, họ đều phải leo lên những con dốc quanh co, khúc khuỷu, chạy xuyên rừng và vượt sông bằng bè tạm.

Gieo chu tren dinh nui anh 4

Gieo chu tren dinh nui anh 5

Nối giữa điểm trường chính và “cổng trời” là đường độc đạo. Mỗi khi có việc xuống trường, các cô gần như vật lộn với 20 km đường rừng. Mùa khô, bụi cuốn mịt mù; mùa mưa thì thật là cơn ác mộng. Đường vừa dính vừa nhão như mỡ gà, bánh xe phải quấn xích mới chạy được.

Con đường dài 20 km đi xuyên dãy núi Ea Lang đã không ít lần chứng kiến cảnh cô giáo mắc kẹt giữa chừng, đi không được, lùi chẳng xong, uất ức đến chảy nước mắt. Có cô vì đường khó đi quá phải bỏ cuộc, vứt cả xe ở vệ đường rồi đi bộ lên trường, hôm sau trời nắng ráo mới quay lại lấy xe.

“Té thì không biết bao nhiêu lần mà kể. Té thì té nhưng vẫn phải đi chứ sao”, cô giáo Liễu, dạy lớp 4 ở Ea Rớt, kể lại.

Gieo chu tren dinh nui anh 6

Đường xa, nhiều đoạn nguy hiểm, đi lại vất vả mất nhiều sức, thế nên lựa chọn tối ưu là ở lại nhà tạm trú cạnh trường. Vì điều kiện khó khăn, mỗi năm, các thầy cô giáo luân phiên nhau đến Ea Rớt dạy học. Nhưng ở lâu thành quen, không ít người đã xin gắn bó với “cổng trời” lâu hơn thời hạn một năm.

Hành trình cõng chữ và những lần "sức chẳng theo nổi lòng"

Dạy học ở Ea Rớt thử thách nhiều bề. "Cõng" chữ lên được nơi này đã khó, "ươm trồng" chữ còn gian truân gấp mấy lần. Đồng bào ở đây vẫn xem chuyện học là thừa vì nó không mang lại cái ăn. Thế nên, lũ trẻ cũng ít đứa thiết tha với con chữ, đi học để vui chơi chạy nhảy là phần nhiều. 

Gieo chu tren dinh nui anh 7

Người dân Mông ở đây đẻ nhiều nên có nhà mấy anh em học rải đều từ mẫu giáo đến lớp 5, mỗi ngày cứ í ới cả lũ kéo nhau đi. Bọn trẻ có thói quen đến trường rất sớm. Với chúng, đến trường để chơi hơn là học.

Cả lũ không quan tâm lắm chuyện đi sớm hay đi muộn. Giờ vào học buổi sáng là 7h, nhưng nếu hôm nào trời lạnh thì phải đợi có nắng mới đi, đủng đỉnh đến lớp cũng gần 9h. Có khi, học buổi sáng và chiều đều đi lúc 9h.

Gieo chu tren dinh nui anh 8

Cô Trần Thị Yến là giáo viên đứng lớp mẫu giáo duy nhất ở đây. Dạy ở Cư Pui được 6 năm, năm nào, cô Yến cũng xin vào điểm trường Ea Rớt. Ngày mới về, với nhiệt huyết của giáo viên trẻ vừa từ Đà Nẵng chuyển vào, cô Yến lúc đó chỉ muốn được dạy ở điểm trường khó khăn nhất.

Năm đầu tiên, cô dạy ở điểm trường khó khăn thứ hai của Cư Pui. Gia đình vừa lo vừa xót, không muốn cô đi dạy. Cha mẹ học sinh (là đồng bào thiểu số) thấy cô giáo lạ nên không cho con đi học. Lũ trẻ mẫu giáo còn bé, không đứa nào biết tiếng Kinh. Cô với trò như hai thế giới, chúng không bằng lòng giao tiếp với cô. Một tháng đầu tiên đi dạy, tối nào, cô Yến cũng trùm chăn khóc.

Thời gian trôi, lạ cũng thành quen, cha mẹ cô Yến thấy con mình vẫn quyết tâm thì không ngăn cản nữa. Đồng bào dân tộc dần dà cũng quen với sự hiện diện của nữ giáo viên nên cũng hết nghi ngờ. Lũ trẻ vẫn như trước không biết tiếng phổ thông nhưng đã gần gũi và nghe lời cô giáo. Cô Yến lấy lại thăng bằng cho mình. Năm nay, sau 6 năm di chuyển khắp 4 điểm trường, cô cũng được toại nguyện lên “cổng trời” Ea Rớt dạy học.

Gieo chu tren dinh nui anh 9

“Ngày đầu tiên ở đây, mình không chịu được mùi của mấy đứa nhỏ. Tụi nó ít khi tắm rửa, đi học chỉ chân đất, mặt mũi tay chân lấm lem, thành ra tụi nó có cái mùi đặc trưng lắm”, cô Yến nhớ lại những ngày đầu đi dạy.

Cả lớp mẫu giáo 37 học sinh của cô Yến, không đứa nào nói được tiếng Kinh. Chỉ có cậu lớp trưởng là nghe và hiểu được cô giáo nói gì, nhưng không trả lời được.

“Thông dịch viên của mình đó, muốn nói với tụi nhỏ cái gì cũng phải Phúc ơi, Phúc à, bảo các bạn giúp cô, giao tiếp cô trò cố gắng cũng được vậy thôi. Dạy tụi nhỏ không khác gì độc thoại, mình tự hỏi, tự trả lời, chứ tụi nó cũng có hiểu đâu. Dạy phải hơn 2 tháng tụi nhỏ mới dần dần quen nếp, nghe lời cô, mà mình cũng giao tiếp được mấy câu với tụi nó”, cô Yến kể.

Giáo án của cô Yến không phong phú được như những đồng nghiệp nơi khác, ở đây chỉ có thể dạy bọn trẻ hát, tô màu, rồi tập viết chữ cái để lên lớp 1 đỡ vất vả. Còn kể chuyện, thủ công, khám phá thiên nhiên xung quanh... thì không cách nào để bọn trẻ học được.

Ngày trước, đi dạy ở điểm trường khác, cô Yến thông thạo cả tiếng Ê đê để dạy học, nhưng ở Ea Rớt thì chưa có lớp học tiếng Mông nên cô chỉ biết chịu cảnh đứng giữa lớp độc thoại.

Gieo chu tren dinh nui anh 10

Lũ trẻ mẫu giáo không kiên nhẫn ngồi yên một chỗ quá lâu, vào học lúc 7h30 thì 9h đã râm ran đòi về. Cả bọn cũng không thích tô màu vẽ chữ là mấy, ngồi với nhau chỉ đùa giỡn hay nói chuyện. Cô Yến phải dụ dỗ cho hát hò, đọc thơ thì mới ngồi thêm được chốc lát.

Câu mà đứa nào cũng háo hức nghe cô nói nhất là “mù chế la” (đi về thôi), chỉ đợi có vậy là cả lớp đồng thanh hét lại “mù chế là la”.

“Tụi nhỏ đi học có chính sách hết đó, mỗi tháng một đứa được 120.000 đồng, cha mẹ cho đi học một phần là vì được cấp tiền. Tụi nó cứ nghỉ là mình vô tận nhà kêu đi học lại, cứ nói nghỉ học sẽ không có tiền thì cha mẹ mới cho đi”, cô Yến chia sẻ.

Gieo chu tren dinh nui anh 11

Lớp mẫu giáo đã gian truân chuyện giao tiếp, nhưng cô Yến thấy mình còn dễ dàng hơn đồng nghiệp đứng lớp tiểu học, nhất là lớp 1, 2. Lũ trẻ vừa phải học ngôn ngữ mới, vừa phải học kiến thức bằng ngôn ngữ đó, nên học rồi quên luôn là thường.

Với các cô giáo ở Ea Rớt, học sinh nhớ được mặt chữ nào là mừng vui mặt chữ đó, học hết lớp 1 mà đánh vần được tên mình là giỏi xuất sắc. Những kiến thức đơn giản như ông nội là bố ai, ông ngoại là bố ai, phải dạy cả buổi chiều thì mới có vài đứa hiểu, hôm sau hỏi lại cũng quên mất.

Điều kiện khó khăn nên đa phần lũ trẻ đi học không mặc đồng phục. Tinh thần vui chơi của chúng rất cao, ngồi học nhưng vẫn thích loay hoay đùa giỡn, ít tập trung bài học.

Gieo chu tren dinh nui anh 12

Gieo chu tren dinh nui anh 13

Lớp 4 của cô Liễu có học sinh cá biệt, tên Cừ Seo Dình. Cậu bé rất ham chơi, lúc nào cũng nghĩ ra trò chọc phá bạn bè. Lúc nào không đùa giỡn, cậu ngồi ngây như phỗng, cứ nhìn cô mà không để ý gì.

“Phạt thì bữa sau hắn nghỉ học liền, mà rủ nhau nghỉ lũ lượt nữa chứ không phải một hai đứa. Vậy là lại lóc cóc vô làng năn nỉ hắn đi học. Nhà của hắn đặc biệt lắm, bố mẹ đi làm, ở nhà với chú, ông bà nên hắn không sợ ai cả. Có hôm mình giận hỏi muốn đi học nữa không, hắn cứ đứng nhìn mãi mới nói có, vậy mà hôm sau đâu cũng vào đấy”, cô Liễu lắc đầu kể về học trò cá biệt.

Gieo chu tren dinh nui anh 14

Còn Dương Văn Thành là cậu học trò mê ngủ của lớp cô H'Bích Byă. Cậu bé đã học 4 năm lớp 1 rồi nhưng tình hình vẫn vậy. Cậu nhóc rất thích ngủ trên lớp. Cô Bích nhớ nhất một lần cả lớp phải tham gia tiết mục giao lưu, nhưng Thành nhất quyết không rời ghế. Cả lớp phải xúm lại khiêng bạn ra ngoài.

Đi học không học được nhiều phần vì rào cản ngôn ngữ, phần vì năng lực tiếp thu chậm hơn, lũ trẻ ở Ea Rớt rất dễ nghỉ học, cứ khoảng 12-14 tuổi là ở nhà lấy chồng, vợ. Cơ hội học lên tiếp nữa của lũ trẻ rất khó, các cô ở Ea Rớt chỉ biết tận lực dạy dỗ sao cho đứa nào cũng đọc, viết được, tính toán cơ bản.

Những đổi mới, cải cách về giáo dục gần như không hiệu quả với những đứa trẻ ở vùng khó khăn này. Chúng chỉ cần đọc viết thành thạo là thầy cô đã vui mừng.

“Cố tập trung dạy cho bọn hắn biết cái chữ, biết đọc, tính toán rành rẽ nữa để sau này đi làm không bị ai lừa hết”, cô Liễu lo lắng cho tương lai của học trò.

Gieo chu tren dinh nui anh 15

Gieo chu tren dinh nui anh 16

Mỗi lần đi họp chuyên môn, thấy đồng nghiệp trường khác giảng dạy bằng phương pháp hiện đại, các cô ở Ea Rớt lại buồn. Dạy ở đây, có bàn ghế, lớp học khang trang đã là đủ đầy, làm gì có máy chiếu với bảng tương tác.

“Mình cũng tụt hậu theo bọn hắn luôn, ngày nào cũng dạy chừng đó kiến thức mà bọn hắn tiếp thu còn khó khăn nữa là dạy bằng phương pháp mới. Mình cũng muốn nâng cao kỹ năng sư phạm nữa chứ nhưng những cái đó không phù hợp trình độ của học sinh”, cô Liễu chia sẻ.

Đứng lớp ở đây, điều kiện thiếu thốn không làm các cô nản, nhưng học trò chậm hiểu, tinh thần học không cao, lại lười khiến ai cũng ít nhiều buồn lòng. Ban đầu, mọi người rất chật vật trong việc truyền đạt kiến thức. Dần dần, các cô cũng quen và chấp nhận những thiếu sót của học trò mình, rồi lại nỗ lực nhiều hơn để tìm cách dạy sao cho phù hợp, dù đôi lúc cũng “lực bất tòng tâm”.

Kinh nghiệm được các cô đúc kết để lũ trẻ chú ý hơn là cứ thấy chúng mệt hay chán là sẽ cho cả lớp hát hoặc nghe hát. “Bọn hắn cái gì chậm chứ hát là nhanh lắm. Mình hỏi bài thì ậm ừ chứ hát là rõ to, có đứa còn gào cả lên”, cô Liễu chia sẻ.

Nỗi niềm và những trăn trở

Ởcùng căn nhà tạm trú, thông thường, chỉ có các cô giáo lên đây dạy học, nếu có các thầy sẽ đỡ đần được nhiều việc nặng nhọc, nhưng sinh hoạt chung thì khó khăn. Điều kiện sống ở đây cũng chỉ đáp ứng được cho các cô giáo ở mức tối thiểu.

Gieo chu tren dinh nui anh 17

Điện là từ năng lượng Mặt Trời, để thắp sáng và sạc điện thoại. Nếu muốn soạn bài bằng laptop, các cô phải tự chở ắc quy lên dùng dần. Nước giếng khoan, nấu bếp củi, bữa sáng nào cũng là mì tôm, cứ vậy đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu. Đồ dùng hay bị mất trộm, cứ mấy hôm là phải mua thau chậu mới.

Gieo chu tren dinh nui anh 18

Phụ nữ nào cũng thích mình đẹp, chăm sóc sắc đẹp vừa là sở thích vừa mang lại niềm vui. Thế nhưng, với những cô giáo ở đây, đó là thứ xa xỉ. Quần áo tư trang của giáo viên ở điểm trường Ea Rớt là những thứ đơn giản nhất có thể vì đường bùn đất và lý do tế nhị nữa là "ở đây có đẹp cũng chẳng cho ai ngắm".

Gieo chu tren dinh nui anh 19

Nguồn nước để sinh hoạt của trường là cái giếng sâu tới 10 m. Hàng ngày, các cô phải chia nhau kéo nước. Nước nhiễm phèn nặng nên rất chua, vì thế làn da của giáo viên ở đây thường đen sạm, còn về sức khỏe thì chỉ có cách chấp nhận sự lo lắng để bám trường.

Nước uống và nấu ăn được các cô mang thùng thay nhau đi chở ở trạm cách đó khoảng 2 km, giá mỗi thùng 7.000 đồng.

Gieo chu tren dinh nui anh 20

Căn nhà tạm của các cô cứ giờ nấu ăn ngập trong khói. Trước đó, ống khói bị vỡ vì một đoàn từ thiện vào xin nấu ăn nhưng làm sai cách, tới bây giờ vẫn chưa ai sửa được giúp.

"Nấu có một bữa cơm thôi mà ai cũng xúc động ra nước mắt", các cô đùa nhau vì lúc nấu cơm khói làm cay xè mắt.

Mọi người cứ luân phiên, tranh thủ ai rảnh sẽ nấu cơm trước. Ở "cổng trời" xa xôi, ít khi xuống được chợ mua đồ, thế là có nhiều lúc mọi người chỉ ăn một món duy nhất mấy ngày liền.

Gieo chu tren dinh nui anh 21

Nỗi ám ảnh nhất của các cô là ở thôn Ea Rớt có một người đàn ông bị tâm thần, cả ngày đi lang thang khắp nơi, vui buồn thì lấy đá ném lên nóc nhà.

“Có lần, hắn cứ đứng trước cửa rồi ném đá, vỡ luôn của kính phòng học. Mấy chị em sợ quá phải gọi điện cho anh trưởng thôn, nhưng mà đến xua thì hắn cũng không đi, chị em mất ngủ cả đêm”, cô Liễu nhớ lại.

Gieo chu tren dinh nui anh 22

Ở Ea Rớt, thời tiết rất khắc nghiệt, ngày thì nắng nóng, đêm lại lạnh căm. Kiếm củi nấu ăn vất vả nhưng tối nào các cô cũng phải nấu một nồi nước to để tắm vì trời lạnh.

Gieo chu tren dinh nui anh 23

Hầu hết cô giáo ở Ea Rớt đều có con nhỏ. Buổi tối khi xong việc, mỗi người một góc gọi điện về nhà để được ngắm nhìn, trò chuyện với chồng con qua màn hình điện thoại. Thời điểm gọi về cho con là lúc ai cũng vui vẻ nhất.

Ở Ea Rớt cũng không có gì để giải trí. Buổi tối, đèn năng lượng sáng không rõ, các cô xong việc là lên hết giường, cố gắng ngủ sớm. 

Gieo chu tren dinh nui anh 24

Gieo chu tren dinh nui anh 25

Những ngày đầu, các cô sợ đủ thứ, ở nhà ván gỗ, chung quanh là rừng cây, trên núi lại nhanh tối nên cứ khoảng 19h là đóng hết cửa nẻo rồi chỉ ở trong nhà, đi vệ sinh cũng phải hai người mới dám ra khỏi cửa.

Bây giờ thì đã quen thuộc hơn với địa hình và người dân nên cứ mỗi tối, sau khi hoàn thành giáo án, cô Yến cầm đèn pin đi tuần tra vòng quanh nhà. Ea Rớt nằm sâu trong núi nên trời tối rất nhanh. Buổi tối ở đây hoang vắng nên các cô sợ nhiều thứ.

"Có lần để cái chăn trên giường, sáng ngủ dậy thấy con rắn quấn ngay cái chăn bên cạnh, sợ mất hết tinh thần", cô Yến kể lại kỷ niệm đáng nhớ.

“Nếu mà cứ nhìn vô cái khổ thì mình chỉ thấy khó khăn thôi, mà khó khăn hoài hay sao, tập làm quen với nó là được. Chị em cứ nói với nhau đi dạy ở 'cổng trời' Ea Rớt như đi nghỉ dưỡng, cứ nghĩ như vậy là vui”, cô Yến nói.

Gieo chu tren dinh nui anh 26

Đây đã là năm thứ tư cô Liễu dạy học ở Ea Rớt. Nhà ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắc, đường đi của cô Liễu là hơn 50 km với 10 cây số đường rừng. Chiều thứ sáu, cô lại mang bụng bầu nặng nhọc, một mình chạy xe về nhà từ lúc chập choạng. Đường về nhà cô Liễu phải băng qua nhiều cánh đồng hoang vắng. Khi được hỏi, cô chỉ cười bảo "đi mãi thì quen thôi, không sợ gì nữa".

Gieo chu tren dinh nui anh 27

Gieo chu tren dinh nui anh 28

Cô có một bé gái vừa lên 2 tuổi tên Bống, nhưng cũng không tiện đi về thường xuyên chăm con vì đang mang bầu tháng thứ 8. Bé con ở nhà phải nhờ ông bà ngoại trông giúp.

“Bống còn nhỏ, chồng làm ở Gia Lai, mình đi dạy đằng đẵng cả tuần. Phải để con ở nhà cũng xót hắn lắm, tối nào cũng gọi về cho hắn, vui thì mẹ ơi mẹ à, chứ buồn là cũng không thèm nói chuyện với mẹ nữa. Cuối tuần về nhà, hắn cũng thương mẹ lắm, nhưng ở với ông bà thì hắn quấn ông bà nhiều hơn là mình”, cô Liễu kể lại.

Vừa rồi, Bống bị viêm phổi, phải đưa đi bệnh viện, cô Liễu xin nghỉ cả tuần để chăm con nhưng vì học sinh đang thi giữa kỳ nên chỉ được cấp phép 4 ngày.

Gieo chu tren dinh nui anh 29

Gieo chu tren dinh nui anh 30

Gieo chu tren dinh nui anh 31

Niềm vui lớn nhất của cô Liễu là những phút giây được về nhà với con. Dù thương bé Bống còn nhỏ, cô cũng chỉ được gần con hai ngày cuối tuần. Sáng thứ hai, nữ giáo viên lại bắt đầu con đường đến trường quen thuộc.

Hỏi về những thay đổi mà các cô mong muốn để việc dạy học tốt hơn, cô Liễu cười nói: “Điều kiện khó khăn cũng khó khăn rồi, cái đó mình tự thay đổi được. Bây giờ chỉ mong nhất là có ông tiến sĩ hay nhạc sĩ nào phổ nhạc chương trình học ở đây thôi, không thì cho mình đi học về phổ nhạc hết. Bọn hắn ở đây thích hát, cứ dạy bằng câu hát thì bọn hắn giỏi ngay”.

Gieo chu tren dinh nui anh 32

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/mo-hoi-nuoc-mat-cua-nhung-co-giao-cong-chu-len-cong-troi-a73458.html