8h ngày 6/3/2006, sau khi nhận lệnh làm việc, chàng thanh niên 24 tuổi Phạm Huy Thanh khoác lên mình bộ quần áo công nhân, đeo đèn và bình tự cứu bước vào hầm lò cùng những người đồng nghiệp bắt đầu một ngày làm việc.
Kể từ đó đến nay đã 12 năm.
Từng làm việc ở công ty than Thống Nhất (Cẩm Phả, Quảng Ninh) được 2 năm, sau đó chàng thanh niên quê Hải Dương theo chân những người trong làng đến nơi có nhiều cơ hội việc làm, mong ngày được đổi đời. Sau một thời gian đào tạo, anh được nhận vào làm ở công trường đào lò 3 thuộc khu Yên Ngựa.
Căn hầm tối om được thắp sáng bởi vài bóng đèn, nhiệt độ mỗi lúc một hạ thấp, cái lạnh đủ để làm khô bớt những giọt mồ hôi hòa lẫn với bụi than. Đâu đó trên những khe than là tiếng nước ngầm tí tách.
Những người đàn ông nối đuôi nhau tiến sâu vào bên trong, rồi từng tốp rẽ ngang đến khu vực làm việc của mình.
Cầm chiếc búa tiếp tục công việc dang dở của ca trước, anh xác định khu vực mình sẽ phải hoàn thành trong ngày hôm nay. Buổi tối, có hẹn gọi điện nói chuyện với cô bạn cùng quê cũng là người anh thầm thích bấy lâu. Anh bảo ngày mà điện thoại di động chưa phổ biến như bây giờ, mỗi lần gọi hai người phải hẹn nhau cả chục lần. Những nhát búa vang lên dồn dập, âm thanh va đập trong không gian chật hẹp làm nhộn nhịp cả một khu vực dưới hầm lò.
9h15 một ngày của tháng 3/2006, một tiếng nổ bùm làm anh Thanh giật mình, ngay lập tức, một luồng khí mạnh hất tung anh đập vào tường, khói bụi mịt mù, băng chuyền vận tải than cong queo như quả đỗ phơi dưới nắng giòn tan, đèn điện tắt ngóm, không gian tối thui bủa vây xung quanh.
Ngay lập tức anh lấy lại được bình tĩnh đủ để hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Anh nhanh chóng đứng dậy xác định vị trí, chiếc đèn trên đầu không đủ mạnh để soi rõ bàn tay bởi khói bụi quá dày đặc. Theo bản năng và trí nhớ đã làm việc dưới hầm 2 năm, anh lần mò đến vị trí gần nhất để thông báo tình hình cho anh em, quay lại đợi thông gió rồi tiến gần hơn đến nơi vụ nổ khí vừa xảy ra.
Công trường đào lò 3 là một trong những lò khá hiện đại với tiết diện lò gần 12 m2 và từ tháng 4/2005 mới đưa máy vào lò Combai AM- 50Z của Ba Lan vào hoạt động. Nơi xảy ra vụ nổ là đường lò thượng dài 54 m từ mức 0 đến mức +42. Trước khi công nhân vào làm việc, nơi đây đã được lò trưởng và an toàn viên đi kiểm tra. Không ai nghĩ rằng công trình hiện đại và mới nhất thời điểm đó lại xảy ra sự cố như vậy.
Vụ nổ khí Metan ngày 6/3/2006 đã làm 8 người thợ mỏ tuổi còn rất trẻ (người trẻ nhất 21 tuổi) thiệt mạng.
Buổi tối hôm ấy, có một câu chuyện khác ngày thường bên chiếc điện thoại lạch cạch bấm số, chị Lý (cô bạn cùng quê cũng là vợ anh Thanh bây giờ) không khỏi nhói lòng khi nghe anh kể lại những gì đã chứng kiến. Chị chỉ biết cảm ơn trời phật ngày hôm đó đã để anh lành lặn trở về.
Sau ký ức ám ảnh ấy, vài người nghỉ, nhưng anh Thanh và bao người thợ mỏ khác vẫn bám trụ cho đến tận bây giờ. Công việc tuy vất vả và có thể gặp sự cố bất cứ lúc nào nhưng bù lại có được thu nhập đáng kể cho gia đình nếu so với các công việc khác cùng thời.
14 năm làm việc tại Công ty than Thống Nhất, thỉnh thoảng anh cũng gặp một vài sự cố nhưng nhanh chóng được khắc phục. Anh đã mua được nhà ở Cẩm Phả, lấy vợ và có 3 cô con gái xinh xắn.
Con đường đá từ lâu vốn nhuộm đen bởi màu của than, những ngôi nhà, cây cối hai bên đường cũng được khoác một màu áo tương tự. Vài người công nhân tay xách túi quần áo đi đến công trường. Hướng ngược lại là những khuôn mặt lem nhem vội vã giờ tan ca.
Anh Thanh là một trong hơn 3.000 công nhân đang làm việc tại mỏ than công ty Thống Nhất. Công nhân được chia làm 3 ca, mỗi ca 8 tiếng, họ được luân chuyển các ca phù hợp để đảm bảo sức khỏe cũng như có thời gian về thăm gia đình.
Để được làm việc dưới hầm mỏ, anh Thanh cùng những người công nhân khác phải trải qua lớp đào tạo ngắn hạn 8-16 tháng. Tại đây anh không chỉ được học về nghiệp vụ mà còn được học các kỹ năng bảo vệ an toàn cho bản thân, phân biệt các tình huống xấu nhất có thể xảy ra để kịp thời xử lý.
Trước khi vào hầm, nhóm công nhân được tập trung lại để nhận lệnh làm việc sau khi đã thay quần áo, mũ, đèn đầy đủ, đồng thời cũng nắm được năng suất lao động ca trước của mình.
Từng tốp công nhân lần lượt đi vào hầm lò. Điểm sâu nhất của hầm ở mức âm 140 m so với mực nước biển. Đèn điện được treo dọc lối đi, tùy vào công việc của mình, công nhân được phân chia ở vị trí khác nhau.
Với những người lần đầu vào lò, càng đi xuống dưới, không khí càng loãng, nhiều người ban đầu vì sợ hít phải bụi than cũng dần cởi bỏ khẩu trang để dễ thở hơn. Vậy mà những người công nhân vẫn vác trên mình máy khoan cỡ lớn, giữ chặt thanh gỗ để lưu thông máng trượt tải than.
Làm dưới hầm mỏ không cho phép họ mang điện thoại, thuốc lá hay bất cứ thứ gì không phục vụ cho công việc, lác đác vài người đeo đồng hồ. Họ vào hầm khi trời tối đen và ra về lúc tảng sáng, cũng có người trở về nhà khi những đứa trẻ đã ngủ say.
Giữa ca, những người công nhân có một chút thời gian nghỉ ngơi, họ ăn bánh mỳ kẹp giò và sữa sau đó lại bắt tay vào làm việc.
Nhà ăn buổi giao ca nhộn nhịp, những hốc mắt đen xì sau một đêm mất ngủ, những mái đầu còn vương vài giọt nước sau lần tắm rửa. Mỗi suất ăn tự chọn giá 50.000 đồng, bữa ăn vào cuối buổi làm việc còn được thêm một lon bia.
Kết thúc công việc, người trở về với gia đình, người thì về khu ở tập thể của công nhân mỏ than. Khu tập thể có sức chứa hàng trăm người, mỗi phòng có từ 2 đến 4 công nhân. Hàng tháng họ trả 160.000 đồng tiền thuê nhà. Khu ký túc xá có bếp ăn, thư viện, tivi, máy tính phục vụ nhu cầu giải trí.
Lái tàu được 10 năm, xa nhà biền biệt, 3-4 tháng mới có dịp về quê một lần, anh Nguyễn Văn Phúc (1985) từ bỏ công việc lênh đênh trên biển khơi để tìm kiếm một việc làm có thời gian ở gần vợ con hơn. Nhân một lần tuyển công nhân của công ty than Thống Nhất, anh đủ điều kiện và nhận được sự ủng hộ từ gia đình, chàng trai người Ninh Bình lại khăn gói ra đất mỏ để mưu sinh.
Mỗi tháng anh được về nhà hai lần cùng với thu nhập ổn định, anh bảo nếu còn sức khỏe sẽ gắn bó với công việc này đến tuổi hưu thì thôi.
Cũng trải qua 5 năm làm việc ở mỏ than, anh Phạm Văn Quang (Thái Bình) chưa bao giờ có ý định nghỉ việc dù việc làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe. “Quả thực có về quê cũng không thể kiếm được việc nào mỗi tháng 12-13 triệu như bây giờ”, anh chia sẻ.
Năm 2017, Công ty than Thống Nhất (Quảng Ninh) có công nhân đạt thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Trung bình lương 11 đến 12 triệu đồng/tháng.
Đối với những người thợ có thời gian làm việc chưa dài thì với họ, chế độ đãi ngộ hay tiền lương là điều khiến họ tiếp tục gắn bó với công việc này. Còn với anh Thanh, một người có kinh nghiệm làm ở mỏ than gần 15 năm nay, công việc đó còn mang ý nghĩa lớn hơn. Không chỉ là nguồn thu nhập để anh mua được nhà và chăm lo tốt cho cả gia đình, đó còn là mỗi ngày được ra vào hầm lò cùng anh em đồng đội, được tự tay đào những mỏ than sáng bạc lấp lánh.
“Bản thân tôi xuất phát từ quê làm công việc nặng nhọc quen rồi, những ngày đầu còn bỡ ngỡ nhưng sau dần quen. Công việc nào cũng có khó khăn, vất vả của riêng nó, nhưng yêu nghề, hết mình với nghề thì khó mấy cũng làm được thôi”, nói rồi anh Thanh đưa tay lên chỉnh chiếc đèn trên đầu, tiếp tục công việc của mình. Ánh sáng từ chiếc đèn rọi vào từng vỉa than lấp lánh. Trong thoáng chốc cả hầm lò sâu hun hút rực sáng lên, sáng như nụ cười trên gương mặt người thợ mỏ.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/doi-tho-mo-cuc-nhoc-nguy-hiem-duoi-ham-sau-a73512.html