Cẩn trọng với các chiêu trò lừa đảo qua hình thức bán hàng online

Công nghệ thông tin phát triển, việc mua bán sản phẩm qua các kênh trực tuyến cũng trở nên phổ biến hơn. Bên cạnh những tiện ích dễ thấy thì mua hàng online cũng chứa đựng nhiều rủi ro, đặc biệt phải kể đến vấn nạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người tiêu dùng đang diễn ra ngày càng nhiều và tinh vi.

Đặc thù của việc mua bán hàng qua mạng chính là người mua chỉ có thể nhìn thấy hình ảnh mà người bán đăng tải chứ không hề biết được chắc chắn đó có phản ánh đúng sản phẩm thực hay không. Chính vì không được tận tay tận mắt kiểm tra hàng hoá trước khi đặt nên nhiều người dùng nhận hàng đã “dở khóc dở cười” vì hình một đằng, sản phẩm một nẻo.

Hình ảnh trên mạng và sản phẩm thực tế khách hàng nhận được qua đơn hàng online

Nắm được tâm lý người tiêu dùng, các bên bán hàng online giả mạo thường chú trọng đầu tư về mặt hình ảnh sao cho thật bắt mắt, giá cả hợp lý cùng với những lời giới thiệu “có cánh” và chắc nịch về chất lượng sản phẩm để tăng mức độ tin cậy trong mắt người mua. Chính những chiêu trò này đã khiến cho nhiều khách hàng “nhẹ dạ cả tin” mắc bẫy lừa đảo.

Thủ đoạn chiếm đoạt tài sản người tiêu dùng online thường thấy nhất đó là người bán yêu cầu người mua phải chuyển khoản trước rồi mới gửi hàng đi. Nghe có vẻ “khó” có thể đánh lừa được khách hàng vì để chắc ăn, người mua thường lựa chọn trả tiền sau khi nhận sản phẩm nhưng với những lí do đầy thuyết phục mà người bán đưa ra như giá sale nên hàng chỉ còn ít, nhiều người cũng đang hỏi nên cần chuyển tiền trước để giữ hàng, … cùng với tâm lý đồ đẹp không mua được lại tiếc nên nhiều người đã ngay lập tức tin tưởng trả phí trước khi nhận hàng để rồi mất tiền oan, làm lợi cho những kẻ lừa đảo.

Nhiều khách hàng "thông thái" rơi vào cảnh dở khóc dở cười với những chủ shop online

Những chiêu trò như vậy xuất hiện ngày càng nhiều nên người tiêu dùng dường như cũng đã cảnh giác hơn. Tuy nhiên, để đạt được mục đích, các bên bán hàng online không uy tín lại có những hình thức lừa đảo mới và ngày càng tinh vi. Chiều lòng khách hàng, bên bán sẵn sàng để khách trả phí sau khi nhận sản phẩm.

“Mình thấy giao diện trang web khá là chuyên nghiệp, hình ảnh đẹp và chỉn chu, giá cả cũng không quá đắt so với chất lượng sản phẩm mà bên đó đăng tải nên đã đặt hàng luôn. Sau đó họ có gọi điện chốt đơn đàng hoàng và gửi hàng đến. Lúc nhận thì mình kiểm tra thấy đúng nên gửi tiền họ nhưng vì để tặng nên mình không thử, đến khi bạn mình sử dụng thì đồ bị chật. Mình xem lại kĩ hơn thì lỗi là do bên bán vì đã giao nhầm size.” – Bạn H.A (Nam Trung Yên, Hà Nội) chia sẻ.

“Mình có gọi điện cho shop nhưng không ai nghe máy, sau đó phải nhờ bạn đặt một đơn mới trên web để họ gọi lại chốt đơn thì mới liên lạc được. Mình chỉ yêu cầu đổi size sản phẩm thôi nhưng bên bán vòng vo một lúc rồi cúp máy. Lúc đó mình mới biết rằng bản thân đã bị lừa.”

Một shop bán hàng có dấu hiệu lừa đảo qua online

Chỉ kiểm tra chứ không thử vì nhiều lý do, khách hàng vẫn bị rơi vào “bẫy lừa đảo” như trường hợp của bạn H.A. Các bên bán hàng online giả mạo tìm cách để chiếm đoạt tài sản người tiêu dùng ngày càng tinh vi và khéo léo hơn, qua mắt cơ quan chức năng.

Trên thực tế, các hình thức lừa đảo khó bị chặn đứng hoàn toàn vì dù bị phát hiện, các đối tượng vẫn còn nhiều trang web khác để tiếp tục hành vi của mình. Thậm chí nhiều nạn nhân bị lừa với số tiền ít nên không lên tiếng mà chỉ “ngậm đắng nuốt cay”, tuy nhiên, nếu cửa hàng lừa được số đông khách hàng thì số tiền chiếm đoạt lại vô cùng lớn.

Trong bối cảnh mua bán, trao đổi hàng hoá qua hình thức trực tuyến ngày càng phát triển, người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo và thận trọng, tìm hiểu kĩ trước khi mua để tránh tiền mất, tật mang

Hương Giang - Hải Anh

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/can-trong-voi-cac-chieu-tro-lua-dao-qua-hinh-thuc-ban-hang-online-a73548.html