Tản bộ dọc sông Hương, ngắm nhìn một Huế rất đời thường

Cả thế kỷ rồi, không biết trên đời này đã xuất hiện bao nhiêu câu hát, bài thơ ca ngợi sông Hương như một làn tóc của gái Huế, điểm xuyết bởi một chiếc trâm cài – cầu Tràng Tiền. Xưa cũng thế, nay cũng thế, chưa có lúc nào Huế thoát khỏi cái bóng mộng mơ ấy. Những ai yêu Huế, liệu có từng chú ý đến những địa điểm check-in Huế thật đời thường, giản dị ở hai bên bờ dòng Hương giang không?

Suốt hơn 18 năm được thủy thổ Cố đô nuôi dưỡng, tôi đã không ít lần tìm tòi, khám phá những chỗ mới, góp một ít sức nhỏ nhoi để cho nhiều người biết rằng quê hương tôi xinh lắm. Mỗi năm hai lần đều đặn, tôi đều về lại Huế, không khỏi vui sướng khi chứng kiến nơi chôn rau cắt rốn của mình ngày càng nhộn nhịp tiếng khách ghé thăm.

Giờ đây, tôi có thể tự hào bảo rằng Huế là một thành phố du lịch đúng nghĩa, nhưng đâu đó trong niềm kiêu hãnh ấy là một sự chạnh lòng nho nhỏ, là một nỗi khát khao muốn thấy Huế của những tháng ngày vắng người. 10 người Huế thì chắc chỉ có 1 người dám bỏ cả buổi chiều ra để đi bộ một vòng hai bên bờ sông Hương và tìm kiếm địa điểm check-in Huế đời thường. Bấy giờ, “đi bụi” ngay trên chính quê hương của mình là cách duy nhất mà tôi nghĩ ra để chiêm nghiệm nét đẹp giản dị đời thường của Huế. 

Trường Quốc Học – Bia Quốc Học (Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong)

Để xe ngay ngắn tại Cung văn hóa thiếu nhi, tôi rẽ ra hướng cầu Tràng Tiền để bắt đầu hành trình. Chỉ vài bước chân là đã đến một nơi gắn liền với thời niên thiếu của tôi: Trường Quốc Học – Huế, đối diện đó là đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong.

trường Quốc học Huế

Thời gian cứ trôi, còn vẻ đẹp vẫn được lưu giữ trường tồn.

Lần nào quay về quê, tôi cũng lại ngôi trường hơn 120 năm tuổi này để nhìn, ngắm và nhớ, như một thủ tục vậy. Để không trễ giờ giấc, tôi chỉ kịp nán lại bên ngoài một tí, ghi lại một vài bức hình qua loa. Trường thì vẫn cứ vậy, cứ như nằm trong một hố trũng tách biệt, nơi mà thời gian chẳng hề trôi. 

quốc học huế

Trường tôi phiên bản “đóng khung”, nhìn từ bia Quốc Học.

Tiếng râm ran nói cười phát ra từ bia Quốc Học, tên gọi dân giã của đài tưởng niệm chiến sĩ trận vọng, khiến tôi không khỏi chú ý. Là tiếng của những đoàn người tập thể dục, những cô cậu thanh niên tạo dáng chụp hình, và cả những tốp trẻ đang hăng hái tập múa hát. Dám chắc rằng đó là học sinh trường Quốc Học đang bận chuẩn bị cho chương trình văn nghệ gì đấy, bởi lứa tụi tôi cũng từng có những ngày như vậy mà!

địa điểm check-in huế

Các em mải mê tập, chẳng thèm để ý đến chiếc ống kính của tôi!

Có nhiều người tiếc vì bia Quốc Học đã được trùng tu, sơn sửa lại rồi, chẳng còn vẻ đẹp cổ kính rêu phong như trước nữa. Tôi cũng tiếc lắm chứ! Nhưng so với việc nhìn công trình ngày càng đổ nát, thì màu sơn vàng bây giờ tốt hơn nhiều!

quốc học huế

Suy cho cùng, nó cũng đâu tệ như nhiều người than phiền, đúng không?

Cầu gỗ lim – Đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu

Tiếp tục rảo bước trên công viên Lê Lợi để đến với cầu gỗ lim, một địa điểm check-in Huế tạo hứng thú cũng như gây biết bao tranh cãi khi được đưa vào sử dụng cách đây chưa lâu. Chưa đến lần nào, tất nhiên kẻ như tôi cũng không khỏi tò mò, thích thú mà cố bước nhanh một chút.

địa điểm check-in huế

Bắt gặp vài chiếc thuyền vịt của tuổi thơ, nay vì trời lạnh nên không ai sử dụng. Xa xa là Nghênh Lương Đình cùng Kỳ đài.

Chẳng biết người ta chê chỗ nào, chứ tôi thì cực kỳ thích thú khi thấy cầu rộng rãi, sạch sẽ và rất thoáng đãng. Cảm thấy một sự may mắn khi đi trúng một chiều xuân se lạnh, nên chỉ lác đác vài người dạo quanh, không chen lấn gì.

địa điểm check-in huế

Em bé “da beo” cùng mẹ.

địa điểm check-in huế

Đôi uyên ương tay trong tay dạo chơi.

“Con chụp hình cho ông một tấm nhé!”, lần đầu tiên có một người lạ đề nghị chụp hình như thế này, quả thật có một chút thấp thỏm lẫn phấn khởi. Cụ ông cũng như tôi, lần đầu ra đây dạo chơi, cứ tấm tắc khen mãi. Chỉ tiếc là cụ đã cao tuổi, chẳng có điện thoại hay email gì nên tôi không gửi hình tặng cụ được.

địa điểm check-in huế

“Cầu đẹp quá, đẹp dữ lắm luôn con ơi! Sau này chắc ông ra đây chơi hoài luôn đó!”

Vài người thì rảo bộ trò chuyện, một số khác lại thảnh thơi ngồi câu cá, trông bình yên vô cùng. “Con chụp ông thì phải trả tiền đấy nhé, vì ông là người mẫu mà!… Ngày được ít, ngày được nhiều, mà toàn thả lại sông hết con à. Mà cá ở đây là cá của đất Phật, chỉ toàn ăn mồi là khoai lang thôi…”, một bác thợ câu thản nhiên chia sẻ.

địa điểm check-in huế

“Có đưa lên Facebook thì nhớ nói đây là một ông điên nhé! Ngày nào cũng ra đây tốn 50.000 VND cho chúng nó ăn đấy!”

địa điểm check-in huế

“Con chó nó làm gì con á?” – “Nó hun!”

địa điểm check-in huế

Cô bạn bị tôi lôi kéo đến cầu gỗ lim chơi trong lúc chờ đón em đi học về.

Cầu gỗ lim cắt ngang dưới cầu Phú Xuân, thường được người Huế quen gọi là cầu Mới, rồi nối tiếp với đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Trước đây đường còn nhỏ, chủ yếu hoạt động buôn bán về đêm. Bây giờ đã được mở rộng, lát gạch sang trọng cùng hai hàng cây thẳng tắp, có thể ví như phiên bản thơ mộng, nhỏ nhắn hơn của phố đi bộ Nguyễn Huệ. 

sông hương

Sông Hương đâu chỉ có mỗi thuyền rồng.

đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu

Đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu một chiều xuân.

sông Hương

Toàn cảnh sông Hương nhìn từ đường đi bộ, thấp thoáng bóng dáng cầu Trường Tiền và cầu Phú Xuân

Cầu Trường Tiền – Chợ Đông Ba

Đây rồi biểu tượng trăm năm của vùng đất Thần Kinh. Thú thật là bao nhiêu năm trôi qua, cầu Trường Tiền trong trí nhớ của tôi là những chuyến chạy xe vội vã cho kịp giờ học, việc làm. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi có một cuộc rảo bộ thảnh thơi, nhìn thật kỹ cuộc sống đang diễn ra tại đây.

cầu Tràng Tiền

Góc nhìn “huyền thoại” của cầu Tràng Tiền.

bánh mì Huế

O bán mì. Ở Huế gọi “bánh mì” đơn giản là “mì” thôi.

Mà thật ra ai đi trên cầu cũng vậy cả thôi, chẳng ai rảnh rang mà đi ngó ngàng đến những gì xung quanh. Vì đã quá quen thuộc, hay vì guồng quay cuộc sống, tôi chẳng dám khẳng định. Chỉ có du khách hay những kẻ đi du lịch tại quê nhà như tôi mới bỏ thời gian ra ngắm nhìn.

địa điểm check-in huế

Dòng người tất tả.

địa điểm check-in huế

địa điểm check-in huế

Xích lô.

Tạt về phía chợ Đông Ba, tôi có chút ngập ngừng, vì đây là nơi mà tôi nghĩ xô bồ, bát nháo. Ừ thì đâu có sai. Chợ mà! Có lẽ vì đi với tâm thế thoải mái, mà hôm nay tôi cảm thấy sự xô bồ ấy đã biến thành một bản giao hưởng của âm thanh, mùi vị và màu sắc. Là tiếng người nói cười, trả giá, văng vẳng vài tiếng chửi nhau đâu đó. Là màu của mứt bánh, hoa trái, áo quần. Là mùi của hàng mắm ruốc, quán bún bò và cả gánh ốc gạo.

hoa giấy Thanh Tiên ở Huế

Một khóm hoa giấy Thanh Tiên.

địa điểm check-in huế

Lối đi chật cứng người ra kẻ vào.

địa điểm check-in huế

Một sự lộn xộn mà dễ thương.

Đại Nội

Hướng về phía Đại Nội để tiếp tục cuộc hành trình. Lẽ ra tôi chỉ đi bên ngoài con đường Lê Duẩn, ngắm Phu Văn Lâu vàng son trước Kỳ đài sừng sững trước khi vòng lên cầu Dã Viên để về lại. Nhưng không, tôi rẽ vào cửa Ngăn, hy vọng thấy được đời sống của Huế xung quanh tử cấm thành lúc xế chiều.

bảo tàng lịch sử huế

Mệ bồng cháu xem máy bay tại bảo tàng lịch sử.

địa điểm check-in huế

Các o bán trái cây vẫn nán lại, mong bán hết.

cửa chương đức

Cửa Chương Đức đã khép.

Tầm này, những đoàn khách du lịch đã về hết. Bởi khi ánh nắng mờ dần, chẳng còn ai dám nán lại trong cung cấm rợn người ấy nữa. Trái hẳn với vẻ bình yên ở bên ngoài, nơi các o, các mệ bán hàng rong vẫn còn ngồi chờ bán nốt; các ông, các chú đạp xe nhàn hạ hoặc đi bộ thể dục; đương nhiên không thể vắng đám thanh niên đá banh hay vài đứa nhóc thả diều.

địa điểm check-in huế

Cụ ông đạp xe dạo chiều.

địa điểm check-in huế

Bánh bò, bánh tiêu, bánh cam… chỉ 2.000 VND / cái.

địa điểm check-in huế

Vui vẻ đi bộ thể dục.

Cầu Bạch Hổ – Cầu Dã Viên

Rẽ ra khỏi kinh thành theo cửa Quảng Đức, tôi hướng về cầu Dã Viên để chuẩn bị kết thúc buổi chiều. Trời bắt đầu đỏ dần, tôi nhận thấy thời gian không còn nhiều nên nhịp chân nhanh dần, hy vọng kịp bắt lấy những tia nắng cuối ngày.

cửa quảng đức

Cửa Quảng Đức.

So với cầu Tràng Tiền và cầu Phú Xuân, thì cầu Dã Viên không thể sánh về tuổi đời hay những hoài niệm trong lòng người dân. Phần tôi thì cũng chỉ vài ba lần ra đây, tụm năm tụm bảy với đám bạn để nói chuyện giết thời gian. Nhưng khách quan mà nói rằng, sông Hương nhìn từ cầu Dã Viên rực rỡ vô cùng. Phóng tầm mắt về phía thượng nguồn, cả dòng sông nhuộm màu nắng sáng rực. Còn nhìn về phía hạ nguồn, dòng sông uốn lượn vào con phố xa xa, hai bờ nam bắc thẳng tắp hàng cây, nhìn rất Tây. 

sông hương

Tia nắng mặt trời rọi xuống sông Hương, nhìn về phía thượng nguồn.

Cầu Bạch Hổ

Cầu Bạch Hổ.

Một địa điểm check-in Huế đời thường, giản dị mà hiếm người tới là cầu Bạch Hổ. Cầu Bạch Hổ, vốn dĩ dành cho tàu chạy, trước đây cũng tấp nập người qua lại. Nhưng từ khi có cầu Dã Viên thì vắng người hẳn. Cùng lắm lâu lâu có vài người thong dong đạp xe qua, hoặc những mon men lại gần chụp ảnh vì thích thú với sự gỉ sét đẹp đẽ của cây cầu.

Hoàng hôn trên cầu Dã Viên

Hoàng hôn trên cầu Dã Viên.

Mấy cơn gió khiến người ta khẽ run lên của những ngày đầu xuân cũng không thể ngăn tôi đổ mồ hôi sau cuộc đi bộ dài mấy cây số ấy. Khi mặt trời khuất bóng cũng chính là lúc tôi kết thúc hành trình. Mệt thì có mệt, nhưng trong lòng lại mang cảm giác rộn ràng khó nguôi. Vì được dạo chơi? Vì chụp được những bức hình tâm đắc? Hay vì thấy được rằng, Huế của tôi vẫn còn những điều nho nhỏ, giản dị mà đẹp đẽ ngoài kia? 

Ai ơi đến Huế, đừng chỉ đến check-in rồi về. Sống chậm lại một tí, nhìn ngắm kỹ một tí, mới thấm đượm cái hơi thở của Huế.

Lê Hoàng

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tan-bo-doc-song-huong-ngam-nhin-mot-hue-rat-doi-thuong-a73564.html