Vào năm 1933, cụ Hoàng Thúy Chi - quan Tổng trấn Bắc Giang khởi xướng xây dựng con đường lát đá xuyên suốt đường làng Phù Lưu (nay là phố Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh) và sau 10 năm mới hoàn thành.
Tổng chiều dài con đường lát đá độc đáo còn lại cho đến nay là 1700m.
Đường chính trong làng (xưa gọi là đường cái quan) được lát 4 hàng đá, mỗi mặt có hình vuông, chiều dài cạnh dao động từ 48 - 50 cm/viên.
Đường cái quan bao gồm 4 hàng đá ở giữa, 2 bên lát gạch đỏ, một hàng xếp ngang, 2 hàng xếp nghiêng chụm đầu kiểu xương cá.
Ngoài đường cái quan, những con đường nhỏ (ngõ) chỉ được lát hàng đá 2 viên. Tất cả những con đường được lát đá đều là dạng đường thoát. Các đường chỉ lát gạch đỏ là đường cụt. Khách theo con đường lát đá sẽ đi được quanh làng rồi thoát ra 6 cổng.
Xưa người làng Phù Lưu còn trồng lúa thì đường làng dùng để phơi rơm phơi thóc ngày mùa, thóc sạch không bao giờ bị dính đất. Giờ không còn phơi thóc, đi trên con đường đá xanh sạch, nhẵn bóng vẫn là điều thú vị.
Nhà văn Kim Lân viết về con đường đá của làng Phù Lưu như sau: "Đường trong làng toàn lát đá xanh, trời mưa gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm bùn không dính đến gót chân. Tháng năm, ngày mười phơi rơm phơi thóc thì tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc đất".
Đá lát đường thời đó được mua từ Đông Triều (Quảng Ninh), các cụ trong làng cho biết mỗi viên đá mang về đến làng thì tương đương với 30 kg thóc.
Đến nay con đường đá xanh đã tồn tại được gần một thế kỉ nhưng vẫn bền chắc, tuy bề mặt một số viên bị vỡ. Có thời điểm con đường được chính quyền đề nghị bê tông hóa nhưng các cụ nhất quyết giữ con đường đá, chỉ sửa chữa phục hồi những chỗ hư hỏng.
Một ngã tư đường cái lát đá chia nhánh tỏa đi khắp thôn xóm.
Ngoài trục đường chính của làng được lát 4 viên, còn có một lối khác dẫn ra cổng phụ cũng được lát đá 4 viên.
Cận cảnh những viên đá xanh đã tồn tại ngót trăm năm tại làng Phù Lưu.
Ngoài một số viên đá bị vỡ bề mặt, con đường chính đã có hiện tượng lún sống trâu.
Phù Lưu còn có tên gọi khác là làng Giàu, làng gần chợ, gần đường lớn của tỉnh, nhiều người buôn bán, vì thế người dân dễ thu nạp được nhiều điều mới mẻ.
Năm 1933, dân làng Phù Lưu khởi công xây dựng con đường đá đồng thời cũng trùng tu đình làng, thay nền gỗ bằng nền đá giống với đường làng; xây nhà văn chỉ và hương học đường (trường học của làng).
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/con-duong-lat-da-xanh-van-ben-dep-sau-gan-100-nam-tai-bac-ninh-a73570.html