Chợ tạm Kim Lan và bài học về phòng ngừa tham nhũng chính sách

Trong quá trình triển khai phương án xây dựng chợ tạm Kim Lan ở huyện Gia Lâm, TP Hà Nội của Hợp tác xã dịch vụ công nông nghiệp Kim Lan đã bộc lộ nhiều sai phạm trong quản lý sử dụng đất đai, khiến nhân dân bức xúc.

Năm 2019, căn cứ vào đề xuất của Hợp tác xã dịch vụ công nông nghiệp của xã Kim Lan (HTX công nông nghiệp Kim Lan), UBND xã Kim Lan đã trình lên UBND huyện Gia Lâm xin phê duyệt phương xây chợ tạm với tổng diện tích xây dựng là 10.000 m2, tại khu đồng vùng 3, xã Kim Lan, nằm trên thửa đất số 3, tờ bản đồ số 44. Phương án bao gồm 5 hạng mục, được lắp dựng theo hình thức lắp ghép mang tính tạm thời, vật liệu tạm, tháo lắp dễ dàng.

Ngày 29/5/2019, UBND huyện Gia Lâm ra Quyết định số 3419, phê duyệt phương án xây dựng và quản lý, kinh doanh, khai thác chợ tạm Kim Lan. 

HTX công nông nghiệp xã Kim Lan thực hiện xây dựng và quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Thời gian quản lý, kinh doanh, khai thác tối đa là 15 năm, kể từ ngày ký hợp đồng. 

UBND huyện Gia Lâm ra Quyết định số 3419, phê duyệt phương án xây dựng và quản lý, kinh doanh, khai thác chợ tạm Kim Lan

Sau khi được UBND huyện phê duyệt, HTX công nông nghiệp Kim Lan đã tiến hành xây dựng công trình nhà khung thép kiên cố, không đúng với phương án xây dựng chợ tạm như đề xuất.

Điều đáng nói, khu đất xây dựng chợ là đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích Người dân địa phương vô cùng bức xúc.

Ông Đào Văn Tính, người dân xã Kim Lan cho biết: “Công trình chợ Kim Lan do ông Nguyễn Văn Dũng, thuộc HTX công nông nghiệp Kim Lan làm chủ đầu tư. Xây dựng một ngôi chợ to như thế mà không thông qua nhân dân, các buổi họp thôn, xã cũng không đề cập tới việc này. Còn đất đang dựng chợ là đất nông nghiệp, và chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Vậy tại sao lại xây được”.

Bà Phan Thị Nguyệt, người dân xã Kim Lan cho biết: “Đất xây dựng chợ đó, trước thống nhất chia để giãn dân nhưng không thấy chia mà xã lại cho HTX xây chợ. Chúng tôi đang làm đơn để kiện đây”.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã Kim Lan cho biết: “Đất đang xây chợ là đất nông nghiệp, nhưng do chợ cũ của Kim Lan rất là chật và mất vệ sinh môi trường. Từ năm 2012, xã đã quy hoạch và chuyển chợ cũ lên khu vực đồng 3 bây giờ, tuy nhiên quy hoạch chi tiết cho vùng ngoài đê này hiện nay chưa được phê duyệt. Hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân, xã đã lên phương án xây dựng chợ tạm Kim Lan và đã được huyện phê duyệt”.

Ông Đào Văn Tính cùng nhiều người dân Kim Lan cho biết: "Xây dựng Kim Lan chợ  mà UBND xã không thông qua ý kiến  của nhân dân"

Theo điểm a, mục 2, điều 7 của Quyết định số 28, ngày 16/11/2018, của UBND thành phố Hà Nội quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố nêu rõ: Đối với chợ đầu tư xây dựng mới sử dụng ngân sách ngoài nhà nước, phải tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu xây dựng, quản lý kinh doanh, khai thác chợ theo quy định của thành phố về quản lý các dự án đầu tư.


Người dân cho rằng, việc phê duyệt phương án xây dựng chợ Kim Lan không tổ chức đấu thầu mà chỉ định HTX công nông nghiệp làm chủ đầu tư là có dấu hiệu trái với quyết định của thành phố.

Vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã Kim Lan cho biết: “Cái này xã đã báo cáo huyện và huyện cũng đã nghiên cứu rất kỹ, bởi vì tình hình thực tế hiện đang rất bất cập, nhu cầu về phát triển kinh tế xã hội địa phương. Và khó khăn vướng mắc nhất là Hà Nội chưa có quy hoạch chi tiết, cho nên tạm thời lãnh đạo huyện đã nghiên cứu và thống nhất để Kim Lan xây chợ tạm”.

UBND xã Kim Lan đã ra Thông báo số 237 yêu cầu tạm dừng thi công đối với công trình xây dựng chợ tạm Kim Lan

Căn cứ vào Biên bản kiểm tra ngày 6/5/2020 của đoàn kiểm tra liên ngành huyện Gia Lâm, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng phương án chợ tạm Kim Lan, UBND xã Kim Lan đã ra Thông báo số 237 yêu cầu tạm dừng thi công công trình vi phạm TTXD tại công trình xây dựng chợ tạm Kim Lan.

HTX công nông nghiệp Kim Lan, đại diện là ông Nguyễn Văn Dũng (giám đốc) phải tháo dỡ phần vi phạm trả lại lại hiện trạng ban đầu và dừng ngay mọi hoạt động thi công xây dựng chợ Kim Lan cho đến khi có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định.

Tuy nhiên, ghi nhận của PV vào những ngày gần đây, công trình xây dựng chợ Kim Lan vẫn có công nhân làm việc, xe chở vật liệu vẫn hoạt động ra vào, các phần vi phạm vẫn không được tháo dỡ hoàn toàn.

Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tich UBND xã Kim Lan, việc đề xuất phương án xây chợ tạm là do nhu cầu bức thiết của địa phương

Để đi sâu nghiên cứu vụ việc, PV đã nhiều lần liên hệ làm việc với UBND huyện Gia Lâm nhưng đơn vị này né tránh.

Ông Trang Thành Nam, Phó chánh văn phòng huyện Gia Lâm chia sẻ, PV cần thông cảm cho huyện, đợt này huyện đang rất nhiều việc nên chưa thế tiếp PV được.

Chợ tạm Kim Lan được xây trên đất nông nghiệp và chưa chuyển đổi mục đích sử dụng

Đất nông nghiệp vốn là “bờ xôi ruộng mật”, là tư liệu sản xuất của người dân. Việc lợi dụng các "kẽ hở" trong các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước để “lách luật”, phục vụ lợi ích nhóm sẽ xâm hại đến lợi ích của người dân.

Tham nhũng chính sách thời gian gần đây là một vấn đề nóng, được nhắc nhiều trên các diễn đàn của Quốc hội. Mục đích của tham nhũng chính sách là để phục vụ lợi ích cho một nhóm lợi ích. Xác định rõ và xử lý được nhóm lợi ích, cũng là một hành động chống tham nhũng thiết thực.

Ở dự án chợ tạm Kim Lan, nếu không quản lý tốt và có các biện pháp kiểm tra, giám sát kịp thời thì rất dễ xảy ra tiêu cực.

Truyền hình Người đưa tin pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/cho-tam-kim-lan-va-bai-hoc-ve-phong-ngua-tham-nhung-chinh-sach-a73654.html