Những chuyện ít biết xung quanh đồng tiền Việt Nam

Bài 1: Tản mạn 10 thế kỷ tiền Việt

So với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam có đồng tiền riêng muộn mằn, mãi đến đời nhà Đinh, năm 970, tức là thế kỷ thứ 10. Trong 1.000 năm bị thống trị, người Việt phải sử dụng đồng tiền của các triều đại phương Bắc.

Đồng tiền tự thân nó không hề có giá trị nhưng trong một thể chế, nó trở thành phương tiện mua bán hàng hóa, tuy nhiên phương tiện này đôi lúc như con ngựa bất kham nên các thể chế đều phải đưa ra chính sách quản lý, vì thế tiền mang ý nghĩa chính trị. Khi thể chế thay đổi, ắt sẽ kéo theo đồng tiền mới ra đời vì thế tiền được coi là “biểu tượng” của một chế độ. Việc nhà Đinh cho đúc đồng tiền riêng là sự khẳng định Đại Cổ Việt là quốc gia độc lập.

Tiền và thời trang dường như chẳng liên quan với nhau nhưng ở xứ Việt nó lại có mối quan hệ khá thú vị. Xa xưa và cả nay, việc ngồi chợ bán hàng, giữ tiền trong nhà, hỏi lương chồng thuộc về phụ nữ như luật bất thành văn. Cái “quyền” đó có thể chịu ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ. Xưa, đàn bà, con gái cho tiền vào túi vải dài như ruột tượng (voi) rồi thắt nút hai đầu, sau đó buộc ngang bụng, vì thế được gọi là thắt lưng. Cảnh giác với kẻ gian có thể dùng dao cắt khúc ruột tượng có tiền, họ để nó trước bụng và thế là câu ngạn ngữ: “Đồng tiền liền khúc ruột” ra đời. Và cái thắt lưng chính là cái ví. Dần dần thắt lưng được dệt bằng tơ tằm, nhuộm nhiều mầu khác nhau trở thành đồ trang điểm làm duyên cho phụ nữ Việt.

Trong lịch sử tiền đúc Việt Nam, không chỉ có chất liệu bằng đồng mà còn có bạc, chì, sắt, khi xảy ra chiến tranh Trịnh-Nguyễn, Đàng Trong không có mỏ đồng vì thế các chúa phải đúc tiền bằng kẽm. Để đồng tiền cứng cáp nhưng lại không giòn, tuổi thọ cao, các thợ đúc đã pha trộn các kim loại theo tỷ lệ nào đó. Cũng vì ảnh hưởng của tiền Trung Quốc nên đơn vị tiền xưa rất phức tạp nhưng cơ bản xếp theo thứ tự gồm: quan, tiền, đồng. Thế kỷ 20 lại có thêm các đơn vị nhỏ hơn là hào, xu, trinh. Khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, họ in tiền bằng giấy nhưng dân gian không gọi là tiền giấy mà gọi là giấy bạc. Trong chế độ phong kiến, bạc cũng là tiền và đồng tiền cao cấp làm bằng kim loại quí hiếm này thường để giao dịch với các nhà buôn ngoại quốc. Dân gian gọi là giấy bạc vì ngoài nghĩa đen còn có nghĩa bóng là tiền rất bạc, không “chung thủy”, chưa ấm thắt lưng đàn bà này đã chạy sang thắt lưng người đàn bà khác. Cùng với sắc đẹp, giấy bạc cũng luôn làm đạo đức lung lay.

Kể từ đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo đầu tiên thời Đinh đến tiền đúc triều vua Tự Đức, xuyên suốt là đồng tiền của triều vua nhưng nó cũng tiền của Việt Nam và chỉ có một mệnh giá. Đầu thế kỷ 15, nhà Hồ cho in tiền giấy với 7 mệnh giá, song khi quân Minh xâm lược Đại Việt, họ lại duy trì đồng tiền một mệnh giá. Việc Hồ Quí Ly in tiền giấy không phải là sự sáng tạo mà chỉ là sự bắt chước nhà Tống. Dù tiền giấy bị dân chúng ngại dùng và chết yểu nhưng đáng để lịch sử ghi nhận. Đó là tư tưởng đổi mới của Hồ Quí Ly, ông coi tiền chỉ là phương tiện trao đổi hàng hóa, không nhất thiết phải dùng một lượng lớn kim loại vốn đã hiếm ở Đại Việt trong khi lại thiếu đồng và sắt để đúc vũ khí. Một quan điểm rất mới trong chế độ quân chủ Việt Nam. Cũng cần biết thêm tư tưởng đổi mới của Hồ Quí Ly là ông đã cho dùng chữ Nôm thay chữ Hán như khẳng định, Việt Nam có văn tự riêng với phương Bắc. Việc dân chúng không mặn mà với tiền giấy cho thấy, từ bỏ thói quen không hề dễ dàng.

Đồng tiền Việt Nam thay đổi có tính bước ngoặt khi Pháp lập ra Ngân hàng Đông Dương và in tiền giấy năm 1875 với 3 mệnh giá. Năm này cũng là dấu mốc xóa bỏ đơn vị quan, tiền và biến đồng trở thành đơn vị lớn nhất sau đó là hào, xu. Và cũng năm này, xã hội có hai đồng tiền song song tồn tại là tiền đúc triều Tự Đức và tiền kim loại, tiền giấy do Ngân hàng Đông Dương phát hành. Một dấu mốc khác khiến người đời nay phải ngạc nhiên là vua Tự Đức đã cho phép tư nhân được đúc tiền, công việc mà hàng thế kỷ luôn thuộc quyền của triều đình.

Tiền tệ Việt Nam thời Pháp thuộc

Dù có tiền riêng nhưng từ nhà Lý đến cuối thế kỷ 19, tiền Việt chỉ loanh quanh trong nước, không thể dùng để buôn bán với nước ngoài vì thế trên đất Thăng Long đã sinh ra nghề đổi tiền. Lạ lùng là đàn ông không làm nghề này, hầu hết là đàn bà con gái. Một nhà buôn nước ngoài muốn mua sơn ta hay tơ tằm, họ sẽ dùng bạc hay tiền Mehico có giá trị quốc tế đổi lấy tiền Việt Nam để trả cho người bán. Khi triều đình mua đồng, súng của các nhà buôn nước ngoài sẽ thanh toán cho họ bằng bạc hoặc tiền Mehico, các nhà buôn trong nước cũng vậy nên nhiều nhà giầu lên bằng nghề buôn tiền. Tuy có tiền riêng nhưng có giai đoạn, tiền Trung Quốc vẫn hoành hành trên đất Đại Việt. Các nhà buôn Nhật sang Hội An làm ăn mang theo đồng Yên. Vì không tin tiền xứ người, tiền trong nước không có giá trị nên người xưa thích vàng hơn. Ngay cả khi nhà Hậu Lê thực hiện chính sách tư hữu đất, bán ruộng cho dân thì dân chúng vẫn thích tích trữ vàng hơn mua đất. Thói quen tích vàng, giữ vàng kéo dài cho đến năm 1945 khi chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tổ chức “Tuần lễ vàng” kêu gọi dân nước Nam ủng hộ chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà không phải “Tuần lễ tiền”.

Hơn 10 thế kỷ đồng tiền Việt Nam, chưa bao giờ tiền lại rối ren như thập niên 40 thế kỷ 20 bởi có nhiều đồng tiền tồn tại trên thị trường. Cuối năm 1940, năm Nhật đưa quân sang Đông Dương, ngoài tiền Đông Dương, tiền Bảo Đại Thông Bảo dập bằng kim loại có thêm đồng Yên. Năm 1945 quân đội của Trung Hoa dân quốc do tướng Lư Hán cầm đầu đưa quân vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật thất trận theo yêu cầu của đồng minh đã mang theo đồng Kim Quan vô giá trị. Họ dùng đồng Kim Quan vơ vét hàng hóa mang về nước. Rồi tiền của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành cuối năm 1945, đầu năm 1946; tiền kháng chiến của các tỉnh Nam Bộ. Tuy náo loạn nhưng người dân lại tin tưởng vào tiền của nhà nước Việt Nam mới, đồng tiền in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và lạ lùng người dân gọi bằng cái tên vô cùng thân thương và gần gũi: Tiền Cụ Hồ. Việc gọi tên một đồng tiền bằng tên của lãnh tụ cũng là hiếm thấy trên thế giới.

Năm 1945 tại Viễn Đông Bác cổ, đồng tiền xu hai hào đầu tiên của nước Việt Nam độc lập đã ra đời, tiếp sau đó là các đồng năm xu, một đồng và hai đồng. Tiền giấy bạc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng được ra đời năm 1946 có tên gọi Tiền tài chính hay Giấy bạc Cụ Hồ được phát hành tại các vùng tự do, để phân biệt với tiền của ngân hàng Đông Dương thuộc Pháp kiểm soát.

Trong lịch sử đồng tiền Việt Nam, có thời kỳ tiền không mấy giá trị ví dụ như tiền Cảnh Hưng và bộ tiền sau ngày đất nước thống nhất. Khi mua bán những vật dụng sinh hoạt như: xe đạp, xe máy, tủ lạnh… dân chúng đều tính bằng cây, bằng chỉ. Từ năm 1986-1989 lạm phát đến mức làm giả đồng tiền giai đoạn này là dễ nhất vì tiền được in ở các nhà máy trong nước bằng công nghệ offset nước rất lạc hậu song kẻ gian cũng không muốn in vì nếu in ra chúng không có lời bởi cũng mất giá theo tiền…thật. Một điều rất đặc biệt khác là từ bộ tiền năm 1946 cho đến bộ tiền polymer năm 2003 đều có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các mệnh giá, không chỉ tôn vinh một lãnh tụ có công với nước mà hình ảnh Bác Hồ như một hình tượng nhận diện cho người nước ngoài.

Từ năm 1946 đến nay, Việt Nam có tổng cộng 6 bộ tiền, nhưng từ bộ tiền năm 1951 đến năm 1991, tiền giấy đều in ở nước ngoài. Đầu tiên là Tiệp Khắc đến Trung Quốc, Cộng hòa dân chủ Đức rồi Liên Xô và cả Thụy Sỹ. Ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn in tiền ở nước ngoài, tuy nhiên Trung tướng Vũ Hải Triều, nguyên Tổng cục phó Tổng cục An ninh Bộ Công an, người nhiều năm làm lăn lộn với an ninh tiền tệ khẳng định, in tiền ở nước ngoài rất nguy hiểm, có thể dẫn đến mất chủ quyền quốc gia.

Hơn 10 thế kỷ đồng tiền Việt Nam cho thấy, bộ tiền polymer là bộ tiền thành công nhất. Thành công ở chỗ tiền bị in giả ít nhất, đồng tiền được tin tưởng nhất, trở thành kênh giữ tài sản như vàng, bất động sản, cổ phiếu.

Còn nữa

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nhung-chuyen-it-biet-xung-quanh-dong-tien-viet-nam-a73767.html