Khó tiêu, đầy hơi là một dấu hiệu mà người bệnh hay phàn nàn khi đi khám bệnh. Người ta cho rằng đây là dấu hiệu của dạ dày hay bị kích thích, hậu quả của rối loạn chức năng này liên quan đến những rối loạn vận động của dạ dày và hành tá tràng mà không có tổn thương thực thể của hai tạng này. Trong 50% các trường hợp khó tiêu đầy hơi do giảm khả năng co bóp đưa thức ăn từ dạ dày xuống ruột ở cả hai giai đoạn tiêu hóa lỏng và đặc. Các yếu tố về tâm lý (stress) cũng đóng vai trò trong bệnh lý này. Đôi khi khó tiêu lại liên quan đến các bệnh lý thực thể của các cơ quan khác như: gan, tụy, bệnh lý đường mật...
Đi tìm thủ phạm
Thông thường, sau mỗi bữa ăn khoảng 30 phút chúng ta đã có cảm giác thoải mái vì thức ăn được tiêu hóa bớt đi và tiếp tục được công việc của mình. Tuy nhiên ở những đối tượng bị đầy hơi, khó tiêu thì hoàn toàn ngược lại. Và nguyên nhân thì có rất nhiều.
Viêm loét dạ dày-tá tràng là một trong những nguyên nhân gây chứng đầy bụng, khó tiêu.
Mất cân đối thức ăn
Sau thời gian làm việc mệt mỏi mỗi chúng ta đều muốn thưởng thức bữa ăn ngon miệng. Nhưng ăn món gì, ăn bao nhiêu để tốt cho sức khỏe là vấn đề quan trọng.
Thông thường, do chúng ta ăn quá nhiều, ăn thực phẩm khó tiêu và dễ sinh hơi gây ra tình trạng tiêu hóa chậm chạp. Những thực phẩm khi ăn nhiều gây trướng bụng, đầy hơi, ăn không tiêu như: thức ăn giàu tinh bột, nhiều chất xơ, món ăn xào rán nhiều dầu mỡ, sử dụng rượu bia, thuốc lá, đồ uống có gas.
Thói quen ăn uống
Ăn không đúng cách gây ra gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Ăn quá nhanh, nhai không kỹ, ăn không đúng giờ, vừa ăn xong đã đi nằm ngay làm cho tình trạng đầy hơi, khó tiêu thường xuyên “ghé thăm” bạn; thói quen ăn uống chưa đúng như: ăn quá nhanh, nhai không kĩ, ăn uống tùy tiện không đúng bữa-đúng giờ, ăn no đã vội vàng đi nằm ngay; thói quen vừa ăn vừa xem phim, nuốt nhiều không khí gây ra tình trạng trướng bụng, đặc biệt là ở trẻ em. Vì vậy khi ăn không nên xem phim để tránh hiện tượng đầy bụng xảy ra.
Rối loạn tiêu hóa
Độc tố từ các loại thức ăn, loạn khuẩn đường ruột, dư acid dịch vị, nhiễm Helicobacter Pylori một loại vi khuẩn gây loét dạ dày- tá tràng. Cơ thể suy nhược, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, stress gây giảm tiết các men tiêu hóa, giảm nhu động đường tiêu hóa; một số người do khả năng dung nạp lactose (có nhiều trong sữa) kém cũng gây trướng hơi, đầy bụng, khó tiêu.
Bệnh về đường tiêu hóa
Một số bệnh về tiêu hóa như: viêm niêm mạc dạ dày, loét dạ dày-tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, ung thư dạ dày ảnh hưởng đến khả năng co bóp tống thức ăn. Bệnh tuyến tụy tạng gây giảm tiết men tụy, bệnh sỏi mật, viêm gan dẫn đến suy giảm chức năng gan-mật, giảm bài tiết mật và enzym tiêu hóa.
Ngoài ra việc dùng một số thuốc có thể gây tác dụng phụ khó tiêu, đầy hơi...
Dấu hiệu nhận biết
Khó tiêu có thể xuất hiện thường xuyên hoặc từng đợt một vài ngày. Sau khi ăn hoặc trong khi ăn người bệnh cảm thấy nóng bỏng vùng thượng vị đặc biệt là sau khi uống rượu, dùng các thức ăn có nhiều chất béo, đường sữa hay các thức ăn nóng có chứa các gia vị kích thích như ớt, hạt tiêu. Có những trường hợp bệnh nhân thấy bụng quặn thành cơn. Thường thì bệnh nhân cảm giác ậm ạch, khó chịu, đầy tức vùng thượng vị sau khi ăn. Cảm giác trướng bụng này sẽ giảm bớt khi bệnh nhân đánh hơi hoặc đi ngoài. Đôi khi người bệnh còn xuất hiện ợ hơi, ợ chua,
cảm giác buồn nôn, hoặc có thể nôn vào buổi sáng. Bụng tức nặng ở phía trên, cảm giác óc ách như chứa đầy nước, đầy hơi. Thở phì phò, đi lại nặng nề. Có thể bị tiêu chảy, táo bón kèm theo. Tình trạng trên xảy ra sau mỗi bữa ăn, nếu là nguyên nhân do ăn uống thì không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, sau một thời gian bệnh sẽ giảm bớt khi người bệnh tự điều chỉnh chế độ ăn hoặc dùng thuốc trung hòa axit. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên và kéo dài làm cho cơ thể trở nên mệt mỏi, kiệt sức, thì có thể là báo hiệu của một bệnh nguy hiểm cần điều trị sớm.
Khắc phục thế nào?
Chủ yếu là điều trị triệu chứng. Trong trường hợp người bệnh đau vùng thượng vị nhiều phải dùng thuốc trung hòa dịch dạ dày, hoặc từng đợt ngắn ngày các thuốc chống bài tiết (do thầy thuốc thăm khám và chỉ định).Khi người bệnh cảm giác ậm ạch nặng bụng nhiều, cần phải điều chỉnh chế độ ăn, ăn thành nhiều bữa, giảm lượng chất béo trong thức ăn, không uống rượu. Nếu các biện pháp này không kết quả có thể cần dùng một số thuốc điều hòa vận động dạ dày để làm tăng khả năng co bóp của dạ dày, tăng trương lực cơ thắt thực quản và phối hợp các thuốc hấp thụ hơi trong ruột (than hoạt, dimethicon...). Nếu có cảm giác nôn, buồn nôn nhiều thầy thuốc có thể cho dùng thuốc sunpiride triệu chứng này được cải thiện đáng kể.
Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp xoa bóp bấm huyệt, tập dưỡng sinh... để hỗ trợ điều trị, tăng cường chức năng tiêu hóa. Bài viết sau xin giới thiệu tới độc giả cách xoa bóp bấm huyệt nhằm điều hòa nhu động ruột.
Xoa bóp tam tiêu Tư thế: ngồi thõng chân hay nằm hơi chống chân. Cách xoa: - Xoa hạ tiêu: một tay nắm lại, tay kia úp lên trên để tăng áp lực. Xoa theo chiều kim đồng hồ từ 10 - 20 lần và ngược lại cũng từ 10 - 20 lần. - Xoa trung tiêu: một tay nắm lại, tay kia úp lên trên để tăng áp lực. Xoa từ 10 - 20 lần mỗi chiều. - Vuốt cạnh sườn: vuốt từ xương sườn cụt 12 theo bờ sườn đến vùng mỏm xương ức, thay bên nhau mỗi bên làm 10 lần. Động tác này có tác dụng tốt cho gan và lách. - Xoa thượng tiêu: một bàn tay xòe ra áp lên ngực, bàn tay kia úp chồng lên. Xoa vòng trên vùng ngực một chiều từ 10 - 20 lần rồi đổi chiều ngược lại từ 10 - 20 lần. - Vuốt bụng: sau khi xoa tam tiêu xong, hai tay hơi nắm lại để ở vùng hạ tiêu vuốt lên trung tiêu rồi thượng tiêu 5 - 10 lần. Động tác này làm khỏe cơ bụng, chữa sa tạng phủ, điều hòa khí huyết vùng bụng. Liệu trình xoa bóp: tự xoa bóp thường xuyên đều đặn hàng ngày, một lần vào buổi sáng sớm và một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ. Day bấm các huyệt: hợp cốc, túc tam lý, thái xung, công tôn, tam âm giao. Cách day bấm huyệt: Ngồi co hai chân lại mà lấy huyệt rồi dùng ngón tay cái bấm vào huyệt công tôn, ngón tay trỏ bấm cố định vào huyệt thái xung, bấm mạnh dần tới căng tức (đắc khí), giữ nguyên như vậy 10 giây rồi day từ từ một phút sau chuyển sang các huyệt túc tam lý, tam âm giao, hợp cốc - cường độ và cách bấm, thời gian bấm như huyệt công tôn. Vị trí các huyệt cần tác động: Túc tam lý: thẳng dưới hõm ngoài xương bánh chè 3 thốn, cách lồi củ trước xương chày 1 khoát ngón tay. Công tôn: ở chỗ lõm bờ dưới trước đáy xương bàn chân thứ nhất, nơi tiếp giáp mu bàn chân và gan bàn chân. Hợp cốc: huyệt ở chỗ lõm giữa ngón cái và ngón trỏ, đặt đốt 2 ngón cái bàn tay bên đối diện lên hố khẩu bàn tay bên này, đầu ngón cái ở đâu thì huyệt nằm tương ứng tại chỗ đó (giáp xương bàn 2). Thái xung: từ kẽ ngón chân 1 và 2 đo lên 1,5 thốn về phía mu chân. Tam âm giao: từ đỉnh giữa bờ trên mắt cá trong đo lên 3 thốn, huyệt cách bờ sau trong xương chày một khoát ngón tay. |
Thực phẩm cải thiện hệ tiêu hóa vào mùa đông Rau xanh mùa đông: Mặc dù rau xanh khan hiếm hơn trong thời tiết giá lạnh, nhưng bạn vẫn nên tìm những rau xanh vào mùa đông. Ăn nhiều loại rau xanh mùa đông là một cách tuyệt vời để cải thiện việc tiêu hóa. Rau có lá xanh chứa nhiều chất xơ làm tăng số lượng phân giúp cho thói quen đi vệ sinh được duy trì đều đặn. Hơn nữa, ăn nhiều chất xơ làm cho bạn cảm thấy no lâu, vì vậy bạn sẽ không bị cám dỗ với các thức ăn hấp dẫn dự trữ trong nhà vào mùa đông. Với nhiều loại rau xanh mùa đông có sẵn như rau bina và xà lách, bạn có thể sử dụng chúng để chế biến món súp hoặc luộc chín. Món bơ Ghee: Ghee là bơ sau khi đã chưng, bỏ cặn, lấy lớp chất béo vàng nổi lên trên. Ghee là một loại bơ thơm ngon bắt nguồn từ Ấn Độ, không cần bảo quản lạnh mà vẫn để được nhiều năm. Ghee không chỉ được tìm thấy giúp cải thiện tiêu hóa, mà còn tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể, điều này càng cần thiết cho những tháng lạnh, do bạn dễ dàng bị cảm lạnh hoặc cúm vào mùa đông. Ghee thúc đẩy vi khuẩn ruột khỏe mạnh và giúp cải thiện tiêu hóa. Ghee có thể là một chất thay thế cho dầu ăn khi bạn muốn làm các món ăn lành mạnh vào ngày đông. Các loại thảo mộc và gia vị: Các loại thảo mộc và gia vị thường dùng giúp thúc đẩy tiêu hóa cùng với hệ thống miễn dịch của bạn. Hơn nữa, chúng có thể dễ dàng thêm vào súp, đồ uống và các món chính như thịt và rau. Sử dụng các loại thảo mộc và gia vị là một cách tuyệt vời để giảm lượng muối ăn vào, và tất nhiên giảm muối sẽ giúp bạn có một sức khỏe tốt hơn. Chất xơ: Chất xơ là chìa khóa cho tiêu hóa tốt. Như đã đề cập, chất xơ thúc đẩy sự tuần hoàn của ruột, làm tăng lượng phân và ngăn ngừa bạn ăn quá nhiều. Các loại thực phẩm giàu chất xơ đã được chứng minh có lợi cho sức khoẻ tim mạch cũng như có thể giúp giảm mức cholesterol máu. Uống đủ nước: Thay vì chọn uống hỗn hợp dung dịch khác như caffein hoặc rượu vang, hãy uống nước để cung cấp đủ nước cho cơ thể. Cơ thể đủ nước giúp ngăn ngừa đầy hơi và giúp làm sạch các chất độc ra khỏi cơ thể. Nước cũng có thể giúp bạn cảm thấy no. Cuối cùng, đủ nước giúp thúc đẩy tiêu hóa và hạn chế táo bón. Uống nước ấm cũng là một cách tốt khác để thúc đẩy quá trình tiêu hóa trong những ngày đông. Tốt nhất, uống khoảng 8 ly nước ấm và chất lỏng khác (súp, canh…) mỗi ngày. |
Lời khuyên của thầy thuốc
Thay đổi thói quen ăn uống. Ăn uống đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ, chọn các thực phẩm cân đối giữa các thành phần đạm, mỡ, đường. Hạn chế ăn thực phẩm chiên rán, nhiều tinh bột và chất xơ; không nên sử dụng chất kích thích như cafe, rượu, bia, thuốc lá, đồ uống nhiều gas, các gia vị nóng: mù tạt, ớt, hạt tiêu.
Chế độ sinh hoạt hợp lý. Năng vận động, tham gia môn thể thao nhẹ nhàng, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, nghe nhạc, đi bộ,... giúp tinh thần thoải mái, giải tỏa stress giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn. Bên cạnh đó nên làm việc điều độ, cần ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi ngày, đây được coi như cách thư giãn và nạp lại năng lượng cho cơ thể.
Hạn chế dùng thuốc. Hạn chế dùng thuốc gây tác dụng phụ dẫn đến tình trạng khó chịu ở hệ tiêu hóa. Đồng thời nếu bị các bệnh về đường tiêu hóa thì cần khám và điều trị dứt điểm.
Ngọc Anh (T/H)
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nguyen-nhan-va-cach-go-roi-chung-day-bung-kho-tieu-a73792.html