Qua màu ảnh Flim, mùa Đông ở Hà Nội bỗng trở nên thơ mộng lạ thường.
Những ai lần đầu trải qua cái lạnh ở Hà Nội, thậm chí cả những người đã từng sống ở các xứ lạnh có tuyết rơi đều phải thốt lên rằng “Cái lạnh này thật khó chịu”. Đùa đấy! Ai mà nói vậy về mùa đông, chắc họ đang trong kỳ khó ở, hoặc hờn dỗi chi đó chút thôi, chứ hiếm ai từng ở Hà Nội, từng đến Hà Nội vào mùa đông mà lại “thù ghét” thời tiết đến mức ấy. Mùa đông là một đặc sản của Hà Nội, một thứ đặc sản phương Bắc khó lẫn vào đâu khác.
Nếu phương Nam thi thoảng còn được tặng cho mấy ngày thu mát dịu, đẹp đẽ lãng mạn tựa như một mùa xuân thứ hai trong năm, nếu Đà Lạt là nơi có khí hậu mát mẻ dịu dàng quanh năm, tháng xuân cũng như ngày hạ thì mùa đông Hà Nội có những màu vẻ rất riêng mà chẳng thể lẫn vào đâu khác, dễ khắc vào lòng người trót nhớ thương một nỗi nhớ cồn cào. Mà khi đã yêu, mọi điều “xấu xí” sẽ được thứ tha.
Một trong nhiều khúc ca gắn với cái rét ở Hà Nội thì người nghe chắc hẳn đều nhớ đến "Em ơi Hà Nội phố".
“…Ta còn em, cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em, nóc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông
Mùa đông năm ấy,
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Tan lễ chiều, sao còn vọng tiếng chuông ngân?...”
Những hình ảnh đẹp nhất về mùa đông Hà Nội đã được nhạc sĩ Phú Quang đưa vào ca khúc Em ơi Hà Nội phố, phổ từ bài thơ Hà Nội phố của nhà thơ Phan Vũ. Khi những giai điệu ấy được cất lên, người nghe tìm thấy trong Hà Nội một sự hoài cổ, cũ kĩ, với một nỗi buồn man mác nhưng vẫn có cảm giác bình yên đến lạ lùng. Rất nhiều ca sĩ, từ Cẩm Vân, Thanh Lam cho tới Hồng Nhung, Bằng Kiều đều từng thể hiện thành công nhạc phẩm này.
Mùa đông Hà Nội trong Em ơi Hà Nội phố được kể bằng những hình ảnh thân thương – mùi hoàng lan, mùi hoa sữa, cây bàng mồ côi, hàng phố cũ rêu phong, mái ngói xô nghiêng, màu xanh thời gian… Bài thơ Hà Nội phố được sáng tác vào mùa đông năm 1972 khi miền Bắc đang trong giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến tranh nên có một hình ảnh mang đầy tính ước lệ - “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”. Với Em ơi Hà Nội phố, người nghe như bất chợt được đi qua một con phố nhỏ và trở về với những kỷ niệm của “mùa đông năm ấy”.
Những ngày mưa phùn, bầu trời ảm đạm, rét mướt và cũng khiến người ta giận hờn, dễ ỉu xìu, nhưng nếu bỏ qua những bụi nước mờ ảo đọng trên tóc, trên áo như những hạt muối li ti, tận hưởng cái lạnh từ từ ngấm vào da thịt làm ta run rẩy - điều nhiều người Hà Nội sống ở phương xa thèm đến phát điên - mà lao ra phía hồ Tây ngắm khói sương bảng lảng trôi trên mênh mông gương hồ, mà ngắm cây lá từ hàng cổ thụ ven đường Cổ Ngư xanh thẫm, mà bước chân dạo quanh Bờ Hồ liễu rủ, thả bộ lên cầu Thê Húc cong cong, hít hà hơi phố xá, mùa đông sẽ đáng yêu hơn nhường nào.
Mùa đông Hà Nội cũng thi vị và đáng yêu hơn bởi cái thú quà chiều. Nào trứng ngải cứu, bánh đúc nóng, cháo sườn cháo trai, bát ốc luộc hay chè nóng, bánh trôi tàu, bánh chuối bánh khoai… bày biện khắp nơi khó lòng mà cưỡng lại. Ấy là còn chưa kể những tối mùa đông, ven các mặt hồ, những hàng thịt xiên nướng, dồi sụn thơm nước mũi, đi qua mà thấy cả cái khói cũng thơm bủa vây, rồi ngô nướng, khoai nướng, mía tím nướng, hạt dẻ rang la liệt, rồi các quán cafe nho nhỏ ấm cúng gọi mời một cuộc tâm tình thủ thỉ mùa đông.
Cũng mùa đông ấy, nếu là những ngày nắng hanh thì đáng yêu vô ngần, bởi những vệt nắng hiếm hoi ấy sẽ khiến người ta thổn thức cả ngày. Vạt nắng mùa đông, nhất là nắng đến sau một chuỗi ngày u tịch, tái tê lại càng quý giá, vì nó mang đến cho Hà Nội một phong vị thật khác.
Một số hình ảnh Hà Nội qua màu Flim Cine:
Quốc Anh
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/dua-ha-noi-ve-voi-hoai-co-a73874.html