2020 - Một năm căng mình chống dịch của ngành Y tế

Năm 2020, có lẽ người dân Việt Nam không thể nào quên những hình ảnh các y, bác sĩ căng mình chống đại dịch Covid-19

2020 – Một năm căng mình chống dịch của ngành y tế - 2

Cuộc chiến chống COVID-19 chính thức bắt đầu từ ngày 29 Tết Nguyên đán Canh Tý. Chính phủ đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp. Cả hệ thống chính trị được kích hoạt bắt đầu một cuộc chiến chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19.

Lúc đó, áp lực đè nặng nhất là những ngày đầu tiên đối với ngành y đó là: Đại dịch xảy ra toàn cầu, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, chưa có phương pháp cụ thể trong điều trị, tất cả các thông tin đều mới.

Tuy nhiên, ngay từ đầu, Việt Nam đã chống dịch theo từng bước, chắc chắn và hiệu quả, không chỉ bám sát diễn biến dịch trên thế giới mà còn chủ động đi trước một bước, đưa ra các biện pháp ứng phó ở tầm mức cao hơn các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

2020 – Một năm căng mình chống dịch của ngành y tế - 3

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19. Người dân từ hoang mang, sợ hãi đã nhanh chóng lấy lại cân bằng, trở lại trạng thái bình thường mới (nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội).

2020 – Một năm căng mình chống dịch của ngành y tế - 4

Năm 2020, có lẽ người dân Việt Nam không thể nào quên tinh thần “thép” của những “chiến sỹ áo trắng” sẵn sàng đi đầu trên trận chiến chống dịch.

Trong số này có BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. BS Cấp đã bỏ qua một cái Tết trọn vẹn bên gia đình để lao vào cuộc chiến.

Nhớ lại những ngày đầu tiên chiến đấu với COVID-19, bác sĩ Cấp thở dài: “Quá nhiều áp lực đè nặng lên tôi trong những ngày tháng ấy”.

2020 – Một năm căng mình chống dịch của ngành y tế - 5

Đúng ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Canh Tý, khi anh và cả gia đình về quê ăn Tết thì nhận được tin thông báo về những ca dương tính đầu tiên. Bỏ lại bữa cơm sum vầy ngày Tết, anh phải lên Hà Nội gấp.

Khi các bệnh nhân nhập viện điều trị, bác sĩ Cấp là một trong những người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân. Và từ đó, anh biết mình đã trở thành F1 – người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính. Dù vậy, với tâm thế của một người làm nghề lâu năm, anh vẫn vững tâm để chiến đấu cùng các đồng nghiệp và bệnh nhân.

Khi được hỏi, phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, anh có lo sợ mình sẽ trở thành F0 không, BS Cấp bộc bạch: “Bác sĩ, điều dưỡng là đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất. Chẳng có thầy thuốc nào không lo ngại điều đó cả, dù về mặt biện pháp bảo vệ ai cũng biết”.

2020 – Một năm căng mình chống dịch của ngành y tế - 6

Đến giờ, đã trải qua hơn 300 ngày chiến đấu với đại dịch COVID-19, BS Cấp chia sẻ: “Tôi coi cuộc chiến với dịch COVID-19 là một giai đoạn lịch sử, như một trải nghiệm làm nghề và cuộc đời. Đó là những ngày tháng không thể nào quên trong cuộc đời làm bác sĩ”.

Năm 2020, chúng ta cũng không thể nào quên một ổ trong những ổ dịch nguy hiểm nhất Việt Nam. Đó là Bệnh viện Bạch Mai.

Ngày 28/3, Bệnh viện Bạch Mai phải thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trong thời điểm bệnh viện bị phong tỏa, đã có rất nhiều nhân viên y tế hi sinh vì người bệnh trong đó nữ bác sĩ mang thai 9 tháng, cách ly tại C9 Viện Tim mạch. Mặc dù đã ở tháng cuối của thai kỳ nhưng nữ bác sĩ vẫn xung phong ở lại bệnh viện để chăm sóc cho người bệnh.

Hay hình ảnh nữ nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai mặc đồ bảo hộ ngủ gục trên bàn sau nhiều giờ làm việc liên tục cũng được nhiều người quan tâm chia sẻ.

2020 – Một năm căng mình chống dịch của ngành y tế - 7

Đến tháng 8/2020, khi dịch COVID-19 hoành hành ở Đà Nẵng, cả thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam phải cách ly, hàng nghìn nhân viên y tế tại đây lại lao vào cuộc chiến. Trong đó phải kể đến hình ảnh nữ nhân viên y tế Đặng Thị Thu Hà, công tác tại Trạm Y tế phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu – TP Đà Nẵng) bị ngất xỉu, phải thở ô xy do làm việc quá sức cả tuần trời. Chị Hà đã đi rất nhiều nơi để truy tìm F1 và tuyên truyền người dân đi cách ly khiến việc ăn uống, ngủ nghỉ của chị bất thường, dẫn tới kiệt sức. Sau khi sức khỏe đã ổn định, chị Hà lại tiếp tục tham gia cuộc chiến đẩy lùi COVID-19.

Bên cạnh đó, hình ảnh nhân viên y tế của Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng quần áo ướt sũng, kiệt sức phải nhờ đồng nghiệp sơ cứu, truyền nước khiến cộng đồng mạng không khỏi xúc động. Các nhân viên của trung tâm (cũng như tất cả các y bác sĩ tham gia chống dịch COVID-19) phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, không thoát khí nên sau nhiều giờ làm việc, quần áo bên trong đã ướt sũng, lúc cởi đồ ra dễ bị sốc nhiệt và mất nước. Được biết, trong những ngày chống dịch, nhiều nhân viên y tế của Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng chỉ được ngủ vài tiếng đồng hồ mỗi ngày, vì liên tiếp có ca bệnh phải vận chuyển. Dù đuối sức, nhớ gia đình nhưng không nhân viên nào muốn rời khu cách ly.

Đặc biệt, trong lúc dịch ở Đà Nẵng lên đến đỉnh dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã xin phép Thủ tướng được ở lại tâm dịch Đà Nẵng đến khi hết dịch COVID-19 mới về.

2020 – Một năm căng mình chống dịch của ngành y tế - 8

Nhắc đến việc chủ động xin Thủ tướng ở lại Đà Nẵng chiến đấu đến khi hết dịch, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Không chỉ tôi mà là chúng tôi, bao gồm tất cả các thầy thuốc được Bộ Y tế cử đến miền Trung đều có nguyện vọng muốn ở lại tham gia công tác phòng chống dịch cho đến khi hết dịch. Đây là nghĩa vụ và cũng là mong muốn hết sức bình thường của thầy thuốc để đảm bảo giúp đẩy lùi dịch bệnh tại miền Trung”.

Cũng trong đại dịch COVID-19 tại Việt Nam suốt hơn 300 ngày qua, mặc dù không tham gia trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân, nhưng các bác sĩ, nhân viên của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng là những người đi đầu trong “trận chiến”.

Để có thể đưa ra được những kết quả xét nghiệm sớm, chính xác phục vụ đáp ứng nhanh cho công tác phòng, chống dịch, các y bác sĩ không không còn khái niệm thời gian nhất là sau khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện (sau 22 ngày không có ca bệnh mới), cả nước chính thức bước vào giai đoạn II của cuộc chiến. Số lượng mẫu nhiều hơn, dồn dập hơn, công tác xét nghiệm căng thẳng hơn.

Ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai bùng phát cũng là lúc cao điểm của dịch bệnh, ngoài nhiệm vụ xét nghiệm cấp thiết thì các cán bộ y tế phải bắt tay ngay vào nghiên cứu phân lập SARS-CoV-2.

Đây là tiền đề để Việt Nam giải mã nguồn gốc của virus mới, độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng xâm nhập, tính sinh miễn dịch; tạo điều kiện cho việc sản xuất test xét nghiệm nhanh cho các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm virus SARS-CoV-2.

2020 – Một năm căng mình chống dịch của ngành y tế - 9

Ngày 17/12, thời khắc lịch sử của ngành y tế Việt Nam khi liều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên do các nhà khoa học nghiên cứu, điều chế được tiêm cho người tình nguyện.

Đến nay, sức khỏe của tất cả các tình nguyện viên sau khi tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 đều rất tốt.

Mục tiêu chính của giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng là đánh giá tính an toàn của vắc xin, bước đầu đánh giá đáp ứng sinh miễn dịch của 3 liều Nanocovax.

Giai đoạn 2 sẽ thử nghiệm trên 400-600 người (12-75 tuổi) trên nhiều địa điểm của cả nước. Mục đích chính là đánh giá tính an toàn và so sánh đáp ứng miễn dịch của 3 liều Nanocovax, từ đó xác định liều dùng tối ưu.

Giai đoạn 3 sẽ thử nghiệm trên 10.000 - 30.000 người. Trong giai đoạn này, nếu Việt Nam không có dịch, có thể sẽ thử nghiệm ở một số nước dịch bùng phát mạnh như Indonesia, Bangladesh…

2020 – Một năm căng mình chống dịch của ngành y tế - 10

Theo GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, điều then chốt nhất để Việt Nam có thành công bước đầu trong kiểm soát dịch COVID-19 như hiện nay là chúng ta đã triển khai đúng đắn kịp thời về giải pháp chống dịch, huy động toàn bộ lực lượng y tế tham gia. Ngay từ đầu đã tập hợp được những người làm công tác khoa học, công tác xét nghiệm để thực hiện việc xét nghiệm và có thể nói rằng Việt Nam là một trong 4 quốc gia khống chế được thành công dịch COVID-19.

Ngoài ra, việc áp dụng cách ly tập trung chưa từng có trong tiền lệ, cách ly tập trung trong diện rất rộng cũng tạo nên thành công bước đầu trong kiểm soát dịch COVID-19 tại Việt Nam.

2020 – Một năm căng mình chống dịch của ngành y tế - 11

Thành công bước đầu trong kiểm soát dịch COVID-19 còn nhờ vào những bài học của SARS năm 2003 và nhiều dịch khác cùng với quan điểm dự phòng là trên hết, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe của người dân.

GS.TS.Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam là một trong số ít quốc gia sản xuất thành công sinh phẩm chẩn đoán huyết thanh học, tự chủ được sinh phẩm trong chẩn đoán PCR, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất đào tạo, tập huấn, con người để điều trị. Tất cả bệnh nhân nhiễm đều tiếp nhận điều trị, cách ly tại cơ sở y tế, kể cả bệnh nhân nặng và bệnh nhân nhẹ.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng không quên nhắc tới những y bác sĩ tham gia chống dịch: “Chúng tôi rất cảm động, có nhiều tấm gương, hình ảnh trân quý của những y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Có những người chấp nhận cách ly trong thời gian dài, có người giờ vẫn cách ly, có người thức đêm hôm trong phòng xét nghiệm. Có những người đối mặt với nguy hiểm nhưng vẫn hết lòng, hết sức”.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/2020-mot-nam-cang-minh-chong-dich-cua-nganh-y-te-a73896.html