2010 - 2020 là một thập kỷ mà Việt Nam đầy biến động và đổi mới. Xuyên suốt 10 năm qua chúng ta đã trải qua nhiều sự kiện trọng đại, có cả sự kiện hào hùng xứng tầm lịch sử đến cả những mất mát lớn lao.
Người dân vẫn còn nhớ rất rõ vào năm 2010, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được tổ chức trọng thể tại Thủ đô văn hiến. Sau đó 1 năm, dự án đường sắt trên cao đầu tiên của Việt Nam cũng đã chính thức khởi công, mang lại diện mạo mới mẻ, hiện đại cho Hà Nội.
Thế nhưng cũng trong 10 ấy, năm 2013 cả nước đã vô cùng tiếc thương trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị anh hùng của dân tộc, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Các năm sau đó, những đợt mưa lũ lịch sử cướp đi tính mạng của nhiều người dân cho đến đại dịch Covid-19 đã lần lượt xảy ra thử thách sự kiên cường của dân tộc, mang đến nhiều tổn thất lớn lao.
Hãy cùng nhìn lại 12 sự kiện lớn trong nước diễn ra vào thập kỷ vừa qua:
Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức từ ngày 1/10 đến ngày 10/10/2010 với tâm điểm là thủ đô Hà Nội nhằm kỷ niệm tròn 1.000 năm vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô, chính thức dời kinh đô của nước ra từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long, nay là Hà Nội.
Hoạt động văn hoá:
Lễ khai mạc Đại lễ được tổ chức trọng thể vào sáng 1/10/2010 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ và đường Đinh Tiên Hoàng, xung quanh Hồ Hoàn Kiếm.
Lễ khai mạc Đại lễ được tổ chức vào sáng 1/10/2010 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ và đường Đinh Tiên Hoàng (Ảnh: Báo Di sản)
Ngoài Lễ khai mạc, Đại lễ còn có trên 50 hoạt động văn hoá khác nhau có thể kể đến như: “Đêm Hồ Gươm lung linh và trình diễn áo dài truyền thống”, biểu diễn các điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội, biểu diễn Âm nhạc của các nghệ sỹ nổi tiếng Việt Nam,…
Bên cạnh đó, trong 10 ngày diễn ra Đại lễ đã có nhiều triển lãm được tổ chức như: Triển lãm các trận đánh và chiến dịch nổi tiếng trong lịch sử quân sự Việt Nam, Triển lãm và Liên hoan thư pháp Thăng Long - Hà Nội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám,…
Trong dịp Đại lễ còn có Liên hoan ẩm thực Hà thành tại Công viên nước Hồ Tây, Liên hoan nghệ thuật Diều - Hà Nội tại Quảng trường Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Liên hoan Du lịch quốc tế Thăng Long - Hà Nội tại Thiên đường Bảo Sơn…
Công trình kỷ niệm Đại lễ:
Nhiều công trình trọng điểm chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng đã được khánh thành trong dịp Đại lễ như Đại lộ Thăng Long, Con đường gốm sứ, cầu Vĩnh Tuy...
Trong đó, Tổ chức Kỷ lục Guinness đã trao Bằng chứng nhận "Bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới" cho "Con đường gốm sứ" tại Hà Nội.
Một đoạn của Con đường gốm sứ (Ảnh: VNexpress)
Lễ diễu binh lớn nhất với 40.000 người:
Sự kiện quan trọng trong dịp Đại lễ là Lễ Mít tinh, Diễu binh, Diễu hành diễn ra sáng 10/10/2010 tại Quảng trường Ba Đình. Đây là chương trình mít tinh, diễu binh diễu hành cấp quốc gia quy mô lớn nhất cho tới năm 2010 với sự tham gia của 31.000 người.
Đại lễ là Lễ Mít tinh tại Quảng trường Ba Đình sáng 10/10/2010 (Ảnh: Báo Tuyên Giáo)
Khép lại 10 ngày Đại lễ, Đêm hội văn hoá nghệ thuật kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình là đêm nghệ thuật hoành tráng được chốt lại bằng màn bắn pháo hoa nghệ thuật.
Đây là đợt mưa lớn gây lũ lụt dồn dập, kéo dài tại các tỉnh miền Trung trong tháng 10 và 11/2010. Đây là đợt mưa lũ được nhận định là lớn nhất trong vòng 100 năm tính đến năm 2010, tàn phá nhiều tỉnh thành, gây thiệt hại lớn về người và của.
Cụ thể, mưa lũ đã làm 198 người chết, 35 người mất tích, 197 người bị thương, thiệt hại về kinh tế hơn 13.500 tỉ đồng (theo TTXVN).
Cảnh ngập lụt tại xã Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: TTXVN)
Đầu tháng 10/2010, chỉ sau vài giờ đồng hồ, lũ lên “siêu tốc” khiến cả huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) chìm trong biển nước (Ảnh: VTC)
Ảnh: ANTĐ
Ảnh: ANTĐ
Chiều ngày 20/11/2011, hầm Thủ Thiêm - hầm chui vượt sông đầu tiên của cả nước và lớn nhất Đông Nam Á (tính đến năm 2011) đã chính thức khánh thành tại TP.HCM.
Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, có tổng chiều dài 1.490m. Đường hầm bao gồm 585m hầm dẫn phía Khánh Hội (quận 1), 535m hầm dẫn phía Thủ Thiêm (quận 2) và phần dìm dưới sông có chiều dài 370m gồm 4 đốt hầm.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải cắt băng khánh thành hầm Thủ Thiêm ngày 20/11/2011 (Ảnh: VNexpress)
Toàn bộ tuyến Đại lộ Đông - Tây TP.HCM (bao gồm hầm Thủ Thiêm) sau khi được thông xe đưa vào khai thác, sử dụng đã rút ngắn thời gian đi lại của người dân thành phố, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Đây còn là con đường ngắn nhất nối kết giữa thành phố hiện hữu với bán đảo Thủ Thiêm, tạo tiền đề phát triển khu đô thị phía Đông của thành phố. Nhờ có dự án, đô thị thành phố được chỉnh trang, vệ sinh môi trường được cải thiện, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao.
Những chiếc xe đầu tiên chạy vào hầm Thủ Thiêm từ phía quận 2 sang quận 1 ngày 20/11/2011 (Ảnh: VNexpress)
Sáng ngày 10/10/2011, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đã được khởi công xây dựng tại Ba La, quận Hà Đông
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Dự án do chủ thầu Trung Quốc thực hiện.
Lễ khởi công Depo và toàn tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ngày 10/10/2011 (Ảnh: Dân Trí)
Ban đầu, dự án dự kiến triển khai từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013 hoàn thành, tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (trong đó gồm nguồn vốn chính phủ kết hợp với vốn vay ODA của Trung Quốc).
Tuy nhiên, với tiến độ chậm, đến tháng 10/2011, dự án mới chính thức được triển khai và phải nhiều lần điều chỉnh tổng vốn đầu tư, lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).
Dự án đã được đóng điện toàn hệ thống vào cuối tháng 7/2018. Từ 20/9/2018, dự án vận hành thử toàn bộ hạng mục (gồm đoàn tàu và 11 thiết bị liên quan) và khai thác thương mại sau khi chạy thử 3-6 tháng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được đưa vào khai thác.
Cận cảnh đoàn tàu chạy tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Ảnh: VNexpress)
Từ ngày 12-31/12/2020, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử 20 ngày để đánh giá an toàn trước khi đưa vào khai thác thương mại dự kiến vào năm 2021.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử ngày 12/12/2020 (Ảnh: Tuổi Trẻ)
18h09' ngày 4/10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Quân y 108, hưởng thọ 103 tuổi (Ảnh: Sưu tầm)
Ngày 5/10/2013, Ban tổ chức lễ tang cùng gia đình Đại tướng thông báo sẽ mở cửa tư gia từ ngày 6/10/2013 để người dân có thể tới viếng Đại tướng
Ngay từ 4, 5h sáng 6/10/2013, hàng nghìn người dân đã có mặt tại số nhà 30 Hoàng Diệu, xếp hàng chờ hàng tiếng đồng hồ để mong được vào viếng, tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi mãi mãi của Đại tướng (Ảnh: Sưu tầm)
Ngày 7/10/2013, trời nắng rất to nhưng hàng chục ngàn người vẫn kiên nhẫn xếp hàng để chờ đến lượt vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sáng 8/10/2013, hàng người như đông hơn 2 ngày hôm trước, khi không chỉ có người dân Hà Nội mà dường như khắp nơi trên cả nước đã đổ về con phố Hoàng Diệu
Ngày 9/10/2013, bất chấp cái nắng gắt đầu tháng 10, hàng chục nghìn người vẫn nối dài xếp hàng nghiêm trang để chờ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thậm chí vào đêm cùng ngày, khi biết ngày hôm sau là ngày cuối cùng được vào viếng Đại tướng, nhiều người dân đã ngủ qua đêm luôn tại vỉa hè số 30 Hoàng Diệu, mong ngày mai có thể được xếp hàng sớm để vào viếng Người (Ảnh: Sưu tầm)
Ngày 10/10/2013 là ngày cuối cùng người dân được viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia. Sau nhiều lần nới thêm thời gian đón khách, đến 21h30' gia đình Đại tướng và ban tổ chức lễ viếng đã quyết định đóng cửa. Rất nhiều người dân bật khóc nghẹn ngào khi không kịp vào viếng Đại tướng
Đúng 12h trưa ngày 11/10/2013, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, lễ treo cờ rủ đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, đánh dấu bắt đầu 2 ngày quốc tang (Ảnh: Sưu tầm)
7h30' ngày 12/10/2013, lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (Ảnh: Sưu tầm)
11h ngày 12/10/2013, Ban tổ chức lễ tang thông báo cho phép người dân được vào viếng Đại tướng ở nhà tang lễ quốc gia (Ảnh: Sưu tầm)
Thời khắc thiêng liêng và ý nghĩa khi dòng người cuối cùng được viếng Đại tướng tại nhà tang lễ Quốc gia lúc nửa đêm ngày 12/10/2013 (Ảnh: Sưu tầm)
Đúng 7h ngày 13/10/2013, lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra tại nhà tang lễ Quốc gia (Ảnh: Sưu tầm)
Đoàn linh xa đưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua Lăng Bác, vị Cha già của Dân tộc mà Đại tướng vô cùng kính yêu, gắn bó (Ảnh: AP)
Những giây phút cuối cùng Đại tướng đi qua các con đường Hà Nội trước khi về đất mẹ an nghỉ ngàn thu. Biển người tập trung tại các tuyến phố tiễn biệt người lần cuối cũng đã cho thấy được sự vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: AFP)
Khoảng 10h26' ngày 13/10/2013, chuyên cơ chở linh cữu Đại tướng bắt đầu cất cánh, đưa Đại tướng về với đất Mẹ Quảng Bình
11h55' ngày 13/10/2013, chuyên cơ chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp hạ cánh tại sân bay Đồng Hới, Quảng Bình
Giây phút linh cữu của Đại tướng được đặt xuống phần mộ - nơi Người sẽ an nghỉ ngàn thu, trước sự chứng kiến của rất nhiều người dân (Ảnh: AFP)
2015 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia "hai trong một", hợp nhất hai kỳ thi: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, gọi chung là Kỳ thi THPT Quốc gia.
Đối với hình thức thi mới mẻ này, các thí sinh sẽ được tách biệt thi và tuyển sinh. Sau khi có kết quả thi THPT Quốc gia, căn cứ vào điểm số đạt được, thí sinh mới cân nhắc để đăng ký xét tuyển vào những ngành, trường phù hợp. Các em theo dõi khả năng đỗ của mình thông qua bảng thống kê danh sách, điểm số của thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường đại học (3 ngày cập nhật một lần).
Các thí sinh làm thủ tục vào sáng 30/6/2015 tại cụm thi ĐH Kinh tế Quốc dân (Ảnh: VOV)
Một thay đổi căn bản nữa là thay vì 7 cụm thi quốc gia như trước đây, kỳ thi THPT Quốc gia mở rộng ra 38 cụm thi quốc gia và 61 cụm thi địa phương để thí sinh không phải di chuyển xa. Những em thi chỉ để xét tốt nghiệp được các địa phương hỗ trợ đi lại, ăn ở.
Đến hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn áp dụng hình thức thi "hai trong một" tuy nhiên đã có một số cải cách để phù hợp với từng thời điểm.
Thí sinh trao đổi bài sau khi hoàn tất môn thi tại cụm thi trường ĐH Sài Gòn năm 2015 (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Thí sinh trao đổi bài trước giờ vào phòng thi môn sinh tại cụm thi trường ĐH Tôn Đức Thắng (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Đây là tấm huy chương cao quý mà xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đem về với nội dung 10m súng ngắn hơi tại Thế vận hội mùa hè năm 2016 tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil.
Với 202,5 điểm ở chung kết nội dung 10 súng hơi nam, Hoàng Xuân Vinh không chỉ phá kỷ lục Olympic mà anh còn ghi tên mình vào lịch sử thể thao Việt Nam với tấm Huy chương Vàng đầu tiên.
Với 202,5 điểm, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã phá kỷ lục Olympic (Ảnh: Sưu tầm)
Khoảng khắc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tự hào nhận tấm HCV Olympic (Ảnh: Sưu tầm)
Năm 2017, Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vai trò chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong vòng 19 năm gia nhập diễn đàn này (lần trước đó vào năm 2006).
Loạt hội nghị trong khuôn khổ APEC 2017 được diễn ra từ đầu tháng 12/2016 đến tháng 11/2017 tại Đà Nẵng và các thành phố lớn khác như Hà Nội, Nha Trang, Vinh, Ninh Bình, Hạ Long (Quảng Ninh), Huế, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Hội An (Quảng Nam) với chủ đề: "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung".
Đỉnh điểm của sự kiện là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC (Hội nghị Cấp cao APEC) diễn ra trong hai ngày 10 và 11/11/2017 ở Đà Nẵng.
Lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC đã ra Tuyên bố Đà Nẵng, đây là thành công lớn của Việt Nam trong vai trò chủ nhà APEC 2017 (Ảnh: Dân Trí)
Việc một lần nữa đăng cai APEC đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về tương lai Châu Á-Thái Bình Dương và là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tin cậy và tín nhiệm cao của các nền kinh tế thành viên cũng như cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại Đà Nẵng (Ảnh: Ban tổ chức APEC Việt Nam 2017)
(Ảnh: Zing News)
Một cuộc họp trong khuôn khổ APEC 2017 (Ảnh: Sưu tầm)
Lãnh đạo các nền kinh tế lớn trên thế giới tại APEC 2017 (Ảnh: Sưu tầm)
Năm 2018 đánh dấu mốc son một hành trình lịch sử của bóng đá Việt Nam với những thành tích vang dội trên đấu trường khu vực và châu lục. Mốc son này đã thổi một luồng sinh khí mới, tạo cú hích mạnh mẽ và động lực to lớn cho sự phát triển vượt bậc của bóng đá nước nhà về sau.
Hành trình lịch sử của bóng đá Việt Nam bắt đầu bằng việc trở thành Á quân Giải Vô địch bóng đá U23 châu Á diễn ra vào tháng 1/2018 tại Trung Quốc. Theo đó, đội tuyển U23 Việt Nam đã vượt qua hàng loạt những đội bóng tên tuổi của bóng đá châu Á như U23 Hàn Quốc, U23 Australia và U23 Syria để tiến vào trận Chung kết.
Trận Chung kết giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan diễn ra vào ngày 27/12/2018 trên SVĐ Olympic tại Thường Châu, Trung Quốc dưới cơn mưa tuyết khá lớn. Dù thua chung cuộc 1-2 trước đội bạn nhưng U23 Việt Nam đã được đón chào như những người hùng khi về nước, mở ra 2 năm cực thành công cho bóng đá Việt Nam trên tất cả các đấu trường.
Hình ảnh các cầu thủ U23 Việt Nam ăn mừng chiến thắng trên SVĐ tại Thường Châu, Trung Quốc gây xúc động mạnh (Ảnh: Sưu tầm)
Người dân cả nước "đi bão" ăn mừng chiến thắng lịch sử của U23 Việt Nam (Ảnh: Sưu tầm)
Tiếng reo hò khắp các tuyến phố đến tận nửa đêm (Ảnh: PLO)
Hàng ngàn người dân đón chào đội tuyển trở về nước (Ảnh: Zing News)
Tháng 8/2018, cảm hứng từ Vòng chung kết U23 châu Á tiếp tục giúp Olympic Việt Nam nối dài thành công ở đấu trường Á vận hội (ASIAD 2018) khi giành vé vào tứ kết ASIAD 2018.
Cuối cùng, sau 10 năm chờ đợi, tháng 12/2018, đội tuyển Việt Nam lần thứ 2 vô địch Giải bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup), khép lại một năm đầy thành công của bóng đá Việt Nam.
Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Hà Nội năm 2019 là cuộc gặp thượng đỉnh giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, được tổ chức tại Khách sạn Metropole (Hà Nội).
Hội nghị diễn ra vào ngày 27 và 28/2/2019. Đây là cuộc gặp thứ hai giữa các nhà lãnh đạo của Triều Tiên và Hoa Kỳ sau cuộc gặp đầu tiên vào năm 2018 tại Singapore.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai ở Hà Nội (Ảnh: Zing News)
Một số sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị:
- Sáng 27/2/2019, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc gặp với Chủ tịch nước - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau đó, ông Trump tiếp tục gặp mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
- Chiều 27/2/2019, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump đã có cuộc gặp một đối một tại khách sạn Metropole.
- Sáng 28/2/2019, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tiếp tục cuộc gặp một đối một tại khách sạn Metropole. Sau đó, phía Nhà Trắng tuyên bố rằng Hội nghị thượng đỉnh đã bị rút ngắn và không có thỏa thuận nào đạt được.
Đoàn xe của Mỹ được tháp tùng từ sân bay Nội Bài về khách sạn Marriott trước ngày Tổng thống Trump tới Hà Nội (Ảnh: Zing News)
Tổng thống Trump vẫy chào khi hạ cánh tại Sân bay Nội Bài (Ảnh: Zing News)
Chủ tịch Kim Jong Un trong vòng vây của nhiều người tiếp đón sau khi xuống tàu tại Ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) (Ảnh: Zing News)
Kết thúc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Chủ tịch Kim Jong Un bắt đầu thăm chính thức Việt Nam. Lễ đón chính thức diễn ra tại Phủ Chủ tịch chiều 1/3, do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì (Ảnh: Zing News)
Hội nghị đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tiến trình duy trì ổn định, hòa bình, hợp tác và phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên; thể hiện vai trò của Việt Nam đối với hòa bình, ổn định, hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới; tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam đảm nhận vai trò lớn hơn trên các diễn đàn quốc tế trong thời gian tiếp theo.
Phóng viên trong nước và quốc tế tác nghiệp trong khuôn khổ sự kiện (Ảnh: Zing News)
An ninh được thắt chặt tối đa (Ảnh: Zing News)
Ngày 23/1/2020 (tức 29 Tết Canh Tý), Việt Nam chính thức bước vào cuộc chiến chống Covid-19. Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM xác nhận 2 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên, là hai cha con người Vũ Hán, Trung Quốc. Trong quá trình di chuyển, lưu trú tại Khánh Hòa, họ đã lây bệnh cho một nữ nhân viên khách sạn - trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam.
2 cha con ông Li Ding (đến từ Vũ Hán, Trung Quốc) chụp hình với các nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi được công bố khỏi bệnh (Ảnh: Văn Tiên)
Từ ngày 23/1 - 13/2, Việt Nam ghi nhận 16 người mắc Covid-19, trong số họ, 11 người sống tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ổ dịch đầu tiên tại Việt Nam được xác lập, xã Sơn Lôi "nội bất xuất, ngoại bất nhập", 11.000 người dân phải cách ly y tế. Đến ngày 4/3, xã được dỡ phong toả sau 21 ngày.
Ngày 26/2, toàn bộ 16/16 bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 giai đoạn 1 được công bố khỏi bệnh và xuất viện.
Xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bị phong toả 21 ngày sau khi ghi nhận 11 ca bệnh Covid-19 liên quan (Ảnh: Phương Thảo)
Tối ngày 6/3, Hà Nội công bố ca bệnh đầu tiên, cũng là bệnh nhân thứ 17 trên cả nước. Từ đó, Việt Nam bước vào giai đoạn 2 chống dịch, chủ yếu là các ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài.
Ngày 31/3, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 về việc cách ly toàn xã hội trên phạm vi cả nước trong vòng 15 ngày để phòng chống Covid-19, từ 0h ngày 1/4.
Người dân nghiêm chỉnh chấp hành việc đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà, kể từ khi Covid-19 được công bố là đại dịch toàn cầu (Ảnh: Minh Nhân)
Ngày 25/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 chính thức công bố ca bệnh 416 tại TP. Đà Nẵng, chấm dứt chuỗi 100 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Cả nước một lần nữa bước vào cuộc chiến với Covid-19 giai đoạn 2.
Chiều tối ngày 31/7, Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo về 2 bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19 tử vong tại Việt Nam.
Đó là bệnh nhân 428, nam, 70 tuổi, trú tại phường Minh An, TP. Hội An, Quảng Nam. Cụ ông tử vong vì nhồi máu cơ tim trên nền bệnh lý nặng và mắc Covid-19. Và bệnh nhân 437, nam, 61 tuổi, trú ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng.
Đà Nẵng phong tỏa toàn thành phố từ ngày 28/7 sau khi liên tiếp phát hiện những ca bệnh trong cộng đồng sau 100 ngày (Ảnh: Hà Nam)
Từ ngày 14-18/11, nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines đã vi phạm quy định tại khu cách ly tập trung, có tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác và trở thành bệnh nhân 1342.
Sáng 17/12, 3 tình nguyện viên gồm 2 nam, 1 nữ, trong độ tuổi 20-25 đã chính thức được tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax của Việt Nam.
Mới đây nhất, từ ngày 25-29/12, 4/6 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ Myanmar đã được cơ quan y tế xác định dương tính SARS-CoV-2.
Tuy nhiên cũng trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, chúng ta đã thấy được sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của toàn dân để chiến đấu lại với dịch bệnh. Rất nhiều doanh nghiệp đóng góp vật tư, thiết bị và cả kinh phí cho chống dịch. Những mô hình "ATM gạo", "ATM khẩu trang", "Siêu thị 0 đồng", "Siêu thị khẩu trang"... giúp đỡ thiết thực nhiều người nghèo trong giai đoạn khó khăn. Nhiều chủ nhà đã miễn giảm, không thu tiền thuê trọ cho công nhân, sinh viên, người nghèo...
Nhiều chuyến bay "giải cứu" từ Việt Nam đã đi vào những tâm dịch đón sinh viên, người lao động nước ngoài trở về quê hương theo đúng tinh thần mà Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh "không để một ai bị bỏ lại ở phía sau" trong đại dịch Covid-19.
Cây ATM gạo trong mùa dịch với khẩu hiệu "Nếu khó khăn cứ lấy 1 phần. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác" (Ảnh: Tứ Quý)
Chuyến bay đầu tiên bay thẳng vào tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc "giải cứu" 30 công dân Việt Nam (Ảnh: Sưu tầm)
Lũ lụt miền Trung trong năm 2020, hay còn được gọi là lũ chồng lũ, lũ lịch sử, bắt đầu từ đêm 6, rạng sáng ngày 7/10/2020, kéo dài đến đầu tháng 12/2020, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế của Bắc Trung Bộ, một phần Nam Trung Bộ gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Bắc Tây Nguyên.
Đợt lũ thứ nhất từ ngày 6 đến 13/10, các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ hư hỏng cơ sở vật chất, hạ tầng cho đến thiệt hại người và của, tác động xấu tới đời sống của người dân.
Ngày 16/10, áp thấp nhiệt đới đã đi vào vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi và đây cũng chính là thời điểm đợt lũ thứ 2, miền Trung không ngừng tiếp nhận các đợt mưa lớn, đợt lũ lụt kéo dài. Một số vùng miền Trung có mực nước vượt qua lịch sử năm 1979, 1999, xác lập kỷ lục mới về thiên tai bão lụt.
Đợt lũ thứ ba từ ngày 25 tháng 10, với hai cơn bão đổ bộ, đặc biệt cuồng phong nghiêm trọng của bão Molave ngày 28, 29 gây tổn thất vô cùng lớn.
Lũ lịch sử nhấn chìm nhiều nhà dân ở Quảng Bình, tháng 10/2020 (Ảnh: Sưu tầm)
Lũ lụt miền Trung 2020 được xem là một đợt lũ lụt lịch sử mới, được đặt mức báo động IV, thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng và tác động gây tổn thất, thiệt hại toàn khu vực. Lũ lụt còn gây ra nhiều vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng như vụ sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế),Tiểu khu 67, Sư đoàn 337 Quảng Trị, Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình)...
Tính đến trung tuần tháng 11, mưa lũ miền Trung đã làm 192 người chết, 57 người mất tích (trong đó riêng bão đã làm 25 người, lũ là 78 người, sạt lở đất là 112 và thiên tai khác là 34 người chết và mất tích); 1.531 ngôi nhà bị sập; 239.340 nhà bị hư hại, tốc mái và hơn 473.450 lượt nhà bị ngập nước.
Nhiều ngôi nhà nước ngập đến mái (Ảnh: Sưu tầm)
Bộ đội đưa những cụ già đến nơi an toàn để tránh lũ (Ảnh: Kinh tế đô thị)
Ông Nguyễn Văn Hạt (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) vừa khóc nghẹn, vừa nhai lương khô sau 3 ngày mắc kẹt trong dòng nước lũ. Vừa thoát khỏi nhà, lên cano của đội cứu hộ, ông Hạt mếu máo: "Tui trắng tay rồi, không còn chi hết nữa..." (Ảnh: Tuổi trẻ)
Sản phụ Hoàng Thị Phượng ở Huế bị lũ cuốn khi trên đường sinh con. Hình ảnh người chồng bất lực, đứng trên bờ gào khóc gọi tên vợ khiến ai cũng xót xa (Ảnh: Facebook)
Người đàn ông chèo thuyền vội vã, ánh mắt cầu cứu, gọi đội cứu hộ đến cứu người giữa biển nước mênh mông (Ảnh: Vietnamnet)
Khung cảnh tan hoang tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 sau vụ sạt lở (Ảnh: Tiền Phong)
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nhin-lai-thap-ky-voi-nhung-su-kien-khong-the-nao-quen-a73934.html