Thời điểm không được phép lơ là, chủ quan với Covid-19

Tại Hội nghị y tế toàn quốc diễn ra ngày 6-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh không được lơ là với dịch Covid-19, xử lý nghiêm những ai không tuân thủ quy trình phòng chống dịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 01 năm 2021 về tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19.  Trước hết, thực hiện dừng các chuyến bay với Anh và Nam Phi. Giao Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao tiếp tục xác định những nơi có biến chủng Covid-19 khác…

Chỉ thị nêu rõ, dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh trên diện rộng tại nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, cộng đồng vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đây là điều rất nguy hiểm bởi dịch Covid 19 luôn rình rập bùng phát mọi lúc, mọi nơi nên không được phép chủ quan.

Nhất là tại Việt Nam, thời điểm cuối năm luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh rất cao đối với những căn bệnh về đường tiêu hóa, hệ hô hấp.

Lý do thứ nhất, đó là do sự thay đổi thời tiết. Tại các tỉnh phía Bắc, nhiệt độ xuống rất thấp cộng với không khí ẩm là mảnh đất màu mỡ cho dịch bệnh phát triển.

Thứ hai, dịp đón năm mới là thời điểm dễ lây lan nhất vì theo phong tục, tết âm lịch là ngày tụ họp gia đình, dòng họ, số người về quê tăng mạnh khiến dịch bệnh có nguy cơ lây truyền cao.

Đây cũng là thời điểm nhiều lễ hội, đặc biệt là năm nay lại là năm cuối nhiệm kỳ nên số lượng hội họp cũng tăng đáng kể, cần phải đảm bảo an toàn vì sẽ diễn ra sự kiện vô cùng quan trọng là Đại hội Đảng lần thứ 13.

Thứ ba, đó là dòng người từ nước ngoài nhập cư vào Việt Nam tăng mạnh trong khi tại nhiều quốc gia đã xuất hiện virus SARS-CoV-2 biến thể, có độ lây nhiễm rất cao.

Khuyến cáo phòng chống Covid-19 cho người điều khiển phương tiện giao thông  công cộng

Xác định việc phòng chống dịch bệnh thời điểm này rất quan trọng nên các cơ quan chức năng đã đề ra nhiều biện pháp ngăn chặn như siết chặt việc thực hiện cách ly, khởi tố các đối tượng đưa người qua biên giới trái phép gây hậu quả. Bộ đội Biên phòng còn đề xuất cho lắp hệ thống camera dọc tuyến biên giới để ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép…

Để tiếp tục khống chế và kiểm soát thành công dịch Covid-19, không để xuất hiện trường hợp xâm nhập, lây lan trong nước, Bộ Y tế đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường nhiều biện pháp kiên quyết và đây là những biện pháp cần thiết lúc này.

Điều lo ngại nhất hiện nay là đã xuất hiện tư tưởng chủ quan trong một số người dân, sự buông lỏng quản lý của một số địa phương và cơ quan liên quan.

Điển hình là việc ông Tạ Văn Thiềng, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ vừa bị kỉ luật vì đã ký giấy xác nhận không đúng cho bệnh nhân Đ.T.N, 22 tuổi, du học sinh từ Mỹ về khi chưa đủ thời gian cách ly.

Việc tụ tập đông người khi không thật cần thiết, nhất là qui định về việc bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi cộng cộng chưa được thực hiện nghiêm túc.

6 cách phòng, chống Covid-19 khi nới lỏng giãn cách xã hội - Đà Nẵng Online

Việc xử lý theo qui định đối với những cá nhân không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân theo hướng dẫn của cơ quan y tế và xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ chưa được triệt để.

Tóm lại, việc phòng chống, ngăn chặn không để virus SARS-CoV-2 tái phát trở lại là vô cùng cấp bách và hệ trọng. Vì thế, cùng với việc siết chặt quản lý đối với người nhập cư, cần tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao cảnh giác, thực hiện nghiêm túc Nghị định 117/2020/NĐ-CP đồng thời Bộ Y tế cần chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó kịp thời.

Đặc biệt là không được để xuất hiện tâm lý chủ quan trong dân cũng như trong chính quyền cấp cơ sở.

Ngọc Anh (T/H)

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/thoi-diem-khong-duoc-phep-lo-la-chu-quan-voi-covid-19-a74022.html