Chuyện kêu gọi đầu tư kiểu “trên trải thảm, dưới dải đinh” ở Hải Phòng: (Bài 1) Doanh nghiệp tiên phong và kết cục… đau lòng!

Khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển và ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế – xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển, đảo của Tổ quốc là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Hải Phòng là một địa phương đã làm rất tốt chủ trương này. Tuy nhiên...

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Truyền hình người đưa tin pháp luật đã nhận được đơn kêu cứu của 6 doanh nghiệp tại huyện đảo Cát Bà về việc bị TP Hải phòng yêu cầu dỡ bỏ các công trình xây dựng đã hoạt động hàng chục năm nay khiến doanh nghiệp đối diện nguy cơ phá sản.

Đảo Cát Bà là một đảo thuộc quần đảo Cát Bà, nằm ngoài khơi và cách TP Hải Phòng khoảng 30km. Cát Bà được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Cát Bà có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, tuy nhiên để phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn hệ sinh thái là một bài toán khó.

Để tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 104/2007/QĐ - BNN ngày 27/12/2007 về quy chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

Trên cơ sở các quy định pháp luật, UBND TP Hải phòng đã ban hành Quyết định số 492 ngày 24/3/2009 về việc thành lập Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường. Đơn vị này thay mặt Vườn quốc gia Cát Bà để thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch sinh thái… và các hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp.

Quyết định số 104 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ề quy chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên

Để đưa hoạt động khai thác du lịch có hiệu quả, Vườn quốc gia Cát Bà đã có các tờ trình để xin ý kiến về việc thí điểm liên doanh cho các khu du lịch Cát Dứa 2, Bãi Nam Cát, hòn Ba Cát Bằng, hòn Tháp Nghiêng… đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hải Phòng và được chấp thuận bằng văn bản.

Các ban ngành trên địa bàn TP Hải Phòng cũng có văn bản ủng hộ chủ trương phát triển kinh tế địa phương.

Các ban ngành trên đại bàn TP Hải Phòng đã có văn ủng hộ chủ trương phát triển kinh tế địa phương tại Cát Bà

Nhận thấy tiềm năng và nghe theo tiếng gọi của Vườn quốc gia Cát Bà và Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường Cát Bà, 6 doanh nghiệp gồm: Công ty đầu tư thương mại và dịch vụ Đông Kinh; Công ty cổ phần thương mại Tùng Long; Công ty cổ phần thương mại Thanh Bình; Công ty cổ phần du lịch Cát Dứa; Công ty TNHH du lịch dịch vụ thủy sản TM Thùy Trang; Công ty TNHH Đảo Cát đã thực hiện đầu tư.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc Công ty CP thương mại Tùng Long, cho biết: "Năm 2006, Vườn quốc gia Cát Bà, UBND huyện Cát Hải, UBND thị trấn Cát Bà, có kêu gọi chúng tôi đầu tư các khu vực trên vịnh Lan Hạ dựa theo đề án của Bộ NN & PTNT, cho phép các vườn quốc gia trên toàn quốc được phát triển về du lịch, làm những mô hình thí điểm. Doanh nghiệp chúng tôi là một trong những doanh nghiệp có uy tín, góp vốn đầu tư lớn và được vườn quốc gia cũng nhưng các cơ quan ban ngành thành phố, địa phương tin tưởng kêu gọi gửi gắm đầu tư".

Ông Trịnh Phúc Mãn, PGĐ Công ty cổ phần du lịch Cát Dứa, chia sẻ: “Bản thân thành phố đã ra rất nhiều quyết định để vườn quốc gia lập đề án cho thuê môi trường rừng. Chúng tôi rất phấn khởi, lúc đấy chúng tôi nghĩ thành phố đã đồng ý cho vườn và doanh nghiệp, tạo tiền đề, thủ tục pháp lý rất vững vàng, để chúng tôi yên tâm đầu tư”.

Cát Bà, nơi có tiềm năng phát triển du dịch rất lớn, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. 

Ngày 18/10/2010 và 4/12/2012, UBND TP Hải Phòng ban hành 2 quyết định phê duyệt đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Cát Bà. Các quyết định đã cụ thể hoá việc sử dụng đất đối với 23 khu vực, trong đó có các khu vực của 6 doanh nghiệp như: Bãi Nam Cát, bãi Tháp Nghiêng, bãi Cát Dứa 2, bãi Tai Kéo, bãi Vạn Bội, Vườn vải trung tâm Vườn Quốc gia Cát Bà.

Từ năm 2009 đến nay, các doanh nghiệp đã đầu tư tại các điểm du lịch trên trị giá hơn 600 tỷ đồng và kinh doanh ổn định.

Ông Trịnh Phúc Mãn, PGĐ Công ty cổ phần du lịch Cát Dứa, cho biết thêm: “Quá trình xây dựng, công sức và nguồn đầu tư của chúng tôi như muối bỏ biển, cảm tưởng có những lúc muốn gục ngã vì không còn đủ tài chính nữa. Tuy nhiên, được các lãnh đạo từ thành phố đến địa phương động viên rất nhiều, nên chúng tôi đã cố gắng cả tinh thần lãnh tiền bạc để xây dựng, mặc dù vô vàn khó khăn”. 

Để tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm và thực tiễn mô hình thí điểm thực hiện liên doanh liên kết khai thác mô hình du lịch sinh thái, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Văn bản số 1254/UBND-NN ngày 27/2/2013 cho phép Vườn quốc gia Cát Bà là đầu mối, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện đề án thí điểm về tăng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ môi trường ở Vườn quốc gia Cát Bà.

Từ năm 2009 đến nay, các doanh nghiệp đã đầu tư tại các điểm du lịch trên trị giá hơn 600 tỷ đồng và kinh doanh ổn định

Vườn quốc gia Cát Bà đã xây dựng đề án cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên, được UBND TP Hải Phòng phê duyệt tại Quyết định số 2360 ngày 11/9/2017 do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng ký.

Theo đó, các doanh nghiệp được đầu tư du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Cát Bà, thời hạn cho thuê 50 năm, mỗi chu kỳ 10 năm. Thành phố cũng đã có quy định về giá thuê môi trường rừng Vườn Quốc gia Cát Bà tại Quyết định số 33/QĐ-UB ngày 19/12/2017.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc Công ty CP thương mại Tùng Long, cho biết: “Khi chúng tôi đầu tư thì các sở, ban, ngành, đều có văn bản chấp thuận chủ trương cũng như tạo điều kiện cho chúng tôi. Năm 2012 và 2014, bác Dương Anh Điền đã ra những văn bản chấp thuận cho vườn quốc gia cũng những các doanh nghiệp kinh doanh trên đảo theo mô hình du lịch sinh thái. Đến năm 2017, thời điểm bác Nguyễn Văn Tùng làm chủ tịch, có ra 2 văn bản chấp thuận cho thuê môi trường rừng, trong đó có địa điểm chúng tôi khai thác, tạo điều kiện cho chúng tôi hợp pháp dự án”.

Các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển du lịch tại Cát Bà đều được các ban ngành trên địa bàn TP Hải Phòng ủng hộ, cấp thủ tục pháp lý đầy đủ

Trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp đã thực hiện đúng quy định của pháp luật và nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

Mô hình liên doanh liên kết phát triển du lịch sinh thái đã thu hút hàng vạn lượt khách du lịch mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người, xây dựng thương hiệu và thúc đẩy cho các ngành kinh tế khác ở Cát Bà phát triển.

Các cấp các ngành đã ghi nhận bằng nhiều bằng khen, giấy khen cho tập thể và cá nhân của Vườn quốc gia Cát Bà, tặng giấy khen cho các doanh nghiệp thực hiện mô hình thí điểm phát triển du lịch.

Khi các doanh nghiệp đang tràn trề hi vọng về một tương lai tương sáng thì nhận được tin “sét đánh ngang tai”: TP Hải Phòng đã “lật kèo” với các doanh nghiệp.

Thông tin chi tiết sẽ được Truyền hình Người đưa tin pháp luật chia sẻ ở bài sau.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/chuyen-keu-goi-dau-tu-kieu-tren-trai-tham-duoi-dai-dinh-o-hai-phong-bai-1-doanh-nghiep-tien-phong-va-ket-cuc-dau-long-a74094.html