Pháo nổ Trung Quốc được rao bán công khai trên mạng xã hội Facebook - Ảnh: T.T.
Những tài khoản rao bán pháo cấm thường dùng tên "ảo", yêu cầu đặt cọc chuyển tiền qua ngân hàng, sau đó mới chuyển hàng dưới danh nghĩa là lịch tết, bánh kẹo và cả... phân bón. Cũng không ít người "mê" pháo bị lừa đảo, hướng dẫn đặt cọc xong rồi "bùng".
Rao bán công khai, giao hàng bí mật
Qua nhiều nguồn tin, chúng tôi tiếp cận với Nguyễn Xuân Chiến (quận Hà Đông, Hà Nội). Mặc dù ở quận Hà Đông, nhưng khi có "khách" đặt hàng Chiến lại giới thiệu đang sinh sống ở Lào Cai, khu vực giáp biên giới.
"Bên anh chuyên cung cấp hàng Trung Quốc, bệ 36 (36 lỗ) giá 700.000 đồng, bệ 49 giá 800.000 đồng, pháo trứng 350.000 đồng/quả, nếu lấy từ 15 triệu đồng sẽ được giảm giá. Loại 36 có bảy màu, phóng tầm cao khoảng 20m, tiếng nổ thì khỏi phải nói. Em lưu ý là phải cọc trước 30% đơn hàng, ngay trong ngày hàng giao tận tay" - Chiến giọng khàn đặc giới thiệu.
Vừa dứt lời, Chiến tung thêm loạt clip, ảnh về pháo cấm và giới thiệu từ cách sử dụng đến mức độ nổ của từng loại một cách rành rọt.
Để khách tin tưởng, Chiến tiếp tục mời chào: "Shop nhà anh không chỉ cung cấp dịp tết, tháng giêng mà đã bán từ tháng 9, tháng 10 rồi. Cứ yên tâm, cọc là có pháo, bên anh không uy tín thì đã bị bóc "phốt" đầy trên mạng rồi. Em mua đi, thấy tin tưởng nhau thì mua tiếp, bao nhiêu cũng có, sợ em không dám mua thôi vì mua bán số lượng lớn hay bị soi đấy".
"Em cọc tiền qua số tài khoản 662522..., chủ tài khoản tên anh luôn. Chuyển xong gọi anh, số điện thoại anh là 0878247..." - Chiến hướng dẫn.
Chúng tôi đòi gặp trực tiếp mới đặt cọc thì Chiến từ chối: "Anh không gặp trực tiếp đâu, mạo hiểm lắm. Cứ chuyển tiền là có hàng".
Vũ Ngọc Duy, ở TP Cẩm Phả, đang sinh sống tại TP Móng Cái (Quảng Ninh), cho biết không có hàng nhiều như Chiến nhưng cũng là người buôn bán pháo nổ. Để giao dịch, Duy lập tài khoản Zalo với tên "ảo" Trung Nguyễn.
"Em chuyên pháo trứng, chỉ cần cho địa chỉ em sẽ gửi đến. Nếu muốn đến lấy trực tiếp cũng được nhưng em không đảm bảo vì có thể bị kiểm tra. Để an toàn, cứ cọc trước cho em một ít qua ngân hàng xong em chuyển hàng. Càng cận tết hàng càng hiếm. Năm nay dịch nên hàng cực khan, không có mà bán, giá lại tăng theo ngày" - Duy nói.
Một "trùm" giới thiệu cung cấp pháo nổ toàn quốc có tài khoản Zalo tên Minh Hoàng, nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, người này tên thật là Nguyễn Minh Anh. Anh khoe có cả pháo cấm Trung Quốc, Thái Lan.
Theo người này, mỗi bệ pháo Thái Lan giá cao hơn Trung Quốc khoảng 200.000 đồng. "Bên mình đủ các loại hàng, từ bệ 36, 49, 88, trứng, bi to, bi nhỏ, pháo tép. Hàng Thái đắt hơn hàng Trung vì khi nổ màu sắc đẹp hơn, hàng Trung có nhiều bệ nếu để ẩm thi thoảng bị xịt".
"Khi chuyển hàng bên ngoài thùng cactông ghi là lịch tết, quà biếu. Khi em chuyển tiền cũng không được nhắc đến nội dung tên hàng là pháo" - Minh Anh dặn.
Một dàn pháo hoa nổ (loại 49 ống) được báo giá 1,4 triệu đồng - Ảnh: MINH HÒA
"Chơi bình thường có gì đâu mà sợ"
Dạo một vòng trên mạng xã hội, chúng tôi thấy có rất nhiều tài khoản rao bán các loại pháo nổ, thậm chí có những nhóm được tạo ra để "giao dịch" pháo với hàng ngàn thành viên. Điển hình như nhóm "Pháo Tết 2021...", có gần 2.000 thành viên hoạt động khá rôm rả. Quản trị viên của nhóm này là một thanh niên tên Hưng.
Liên hệ hỏi mua pháo, chiều 6-1 Hưng đi xe máy chở theo một cô gái đến nơi hẹn với chúng tôi ở gần khu vực cầu Bình Lợi (TP Thủ Đức). Hưng mở cốp xe mang ra một bịch pháo bi lớn (100 viên) và ra giá 700.000 đồng. Hưng cho hay vừa chạy từ Long An lên TP.HCM để giao hàng cho chúng tôi. "Nó nổ to hơn trái nhỏ, chơi bình thường có gì đâu mà sợ" - Hưng nói.
Theo một số tay chơi tại TP.HCM, nhiều loại pháo từ Trung Quốc, Campuchia... tuồn về Việt Nam sẽ được các tay buôn phân phối cho các mối buôn bán sỉ và lẻ. Sau đó, pháo được bán đến tay người chơi và giá cả cũng được đẩy lên gấp nhiều lần so với giá ban đầu.
Chiều 12-1, chúng tôi liên hệ tài khoản Facebook H.N. vờ hỏi mua pháo thì một cô gái báo có dàn pháo hoa loại 49 ống, giá 1,4 triệu đồng. Sau khi chốt điểm hẹn giao dịch, ít phút sau một nam thanh niên chạy xe máy đến mang theo dàn pháo đúng như cô gái giới thiệu lúc nãy. Vừa cho chúng tôi xem hàng, thanh niên này vừa nói: "Khi đốt sẽ cho tiếng nổ lớn giống như tiếng pháo bông ngày tết vậy đó".
Thanh niên này khẳng định loại pháo dàn này do Thái Lan sản xuất, có thể bắn cao từ 5-6m. "Tôi đã bắn nhiều lần rồi. Bao cho anh đốt. Bữa giờ tôi bán gần cả trăm bệ rồi. Cái mặt tôi buôn bán mấy năm trời trên Facebook lừa gạt ai trời, không tin tưởng thì tôi về" - người này nói.
Nguồn: Nghị định137/2020 của Chính phủ - Dữ liệu: V.LAM - Đồ họa: T.ĐẠT
Bán cả thuốc nổ chế pháo
Không chỉ bán pháo làm sẵn, nhiều tài khoản trên mạng xã hội còn bán cả... thuốc nổ và dạy cách tự chế pháo. Ngày 12-1 qua điện thoại, H. (quê Thái Nguyên) chốt giá với chúng tôi 240.000 đồng/kg thuốc nổ đen. H. giới thiệu đây là thuốc đã được pha trộn sẵn từ bốn chất khác nhau. Loại thuốc này có thể làm pháo bi hoặc làm pháo giấy và cho tiếng nổ to gấp 4 lần pháo hoa, khi nổ sẽ cho nhiều khói hơn.
Ngoài ra, H. còn bán các loại vỏ nhựa để làm pháo bi giá 75.000 đồng/100 vỏ và dây cháy chậm giá 40.000 đồng/m. H. hứa sẽ bớt giá nếu khách mua số lượng nhiều. Theo H., trên mạng có nhiều người dùng tài khoản ảo, người mua có thể bị lừa tiền mà không nhận được hàng. Để đảm bảo uy tín, H. không nhận tiền cọc trước mà khi nào khách nhận được hàng mới giao tiền.
H. cho biết sẽ gửi hàng bằng đường bưu điện, trên đó ghi tên mặt hàng là "phân bón".
H. còn hứa nếu chưa biết làm pháo thì H. sẽ gửi link video hướng dẫn. "Yên tâm không phải lừa đảo, tôi sẽ gửi CMND, địa chỉ rõ ràng, tài khoản đúng tên mình" - H. khẳng định.
Không chỉ mua bán pháo lậu để thỏa mãn thú chơi nguy hiểm, một số người còn tìm mua các loại vật liệu để tự chế pháo... bất chấp những ẩn họa khôn lường. Cuối tháng 12-2020, cơ quan công an đã phát hiện D.V.N. (32 tuổi) tự sản xuất pháo nổ trái phép tại một căn nhà ở đường Bùi Viện (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM). Tại cơ quan công an, bước đầu N. khai nhận đã tìm hiểu công thức làm pháo trên mạng, sau đó đặt mua nguyên vật liệu về để làm.
Theo nghị định 137/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo (có hiệu lực từ ngày 11-1-2021), việc mua bán, vận chuyển các loại thuốc nổ cũng như một số vật dụng để chế tạo pháo nổ mà không được phép đều vi phạm pháp luật.
Vào mục tìm kiếm trên Facebook chỉ cần gõ từ khóa "pháo tết 2021", "pháo tết không cọc 2021" hay "đam mê pháo" sẽ có hàng loạt hội nhóm lớn, nhỏ hiện ra. Điểm chung của các nhóm này đều rao bán đầy đủ các loại pháo, từ pháo hoa nổ cho tới những loại pháo nổ cỡ lớn như pháo cối với lời chào mời vô cùng hấp dẫn.
Hình ảnh, video của các loại hàng cấm được đăng tải ngang nhiên, kèm số điện thoại của bên chào mời, nếu có nhu cầu có thể gọi điện trực tiếp hoặc kết bạn qua Zalo. Chỉ cần bạn để lại một bình luận ở các bài viết trong nhóm, thì ngay lập tức sẽ được chăm sóc, mồi chài rất tận tình.
Buôn bán, tàng trữ pháo nổ bị xử lý ra sao?
Theo luật sư Lương Huy Hà - giám đốc Công ty luật TNHH Lawkey (Đoàn luật sư Hà Nội), việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ là các hành vi bị nghiêm cấm. Vì vậy, những hành vi mua, bán các loại pháo hoa nổ, pháo nổ diễn ra tràn lan trên mạng xã hội, diễn đàn là những hành vi vi phạm pháp luật.
Người có hành vi mua, bán trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ có thể bị phạt tiền 5-10 triệu đồng, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Nếu là tổ chức, mức phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Về trách nhiệm hình sự, cá nhân, pháp nhân thương mại buôn bán pháo nổ từ 6kg trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu là cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 3 tỉ đồng, hoặc phạt tù 1-10 năm. Nếu là pháp nhân thương mại thì bị phạt tiền từ 1-9 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động.
Cũng theo luật sư Hà, với những trường hợp đốt pháo hoa trái phép có thể bị phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với cá nhân và phạt gấp đôi số tiền đối với tổ chức.
Trong trường hợp tàng trữ pháo nổ từ 6kg trở lên, người đốt pháo còn có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hàng cấm.
Các hành vi mang pháo, thuốc pháo trái phép vào lãnh thổ Việt Nam đều bị nghiêm cấm. Đối với cá nhân, người thực hiện hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ từ 6kg trở lên từ biên giới vào Việt Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển hàng cấm. Khung hình phạt cho tội danh này là từ 2 năm tù trở lên hoặc phạt tiền từ 300 triệu đồng trở lên.
P.TUẤN - T.THẮNG - Q.THẾ
Chơi pháo cấm coi chừng ở tù
Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang (phó cục trưởng Cục A05, Bộ Công an):
Khởi tố hàng chục vụ
Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cùng công an các địa phương đã và đang tập trung đấu tranh, triệt phá các nhóm mua bán trên thực địa, trên mạng xã hội. Qua đó đã bắt, khởi tố hàng chục vụ với hơn 10 bị can, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin truyền thông.
Theo đó, yêu cầu các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới loại bỏ các tài khoản vi phạm pháp luật, cung cấp dữ liệu cho cơ quan chức năng xác minh, xử lý.
Cần lưu ý là mọi hành vi buôn bán, sử dụng pháo nổ đều có thể bị xử lý phạt hành chính hoặc xử lý phạt hình sự.
Đại tá Lê Công Vân (trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.HCM):
Xử lý nghiêm việc lợi dụng đốt pháo hoa để đốt pháo nổ
Nghị định 137/2020 cho phép người dân và tổ chức sử dụng pháo hoa, trong đó quy định rõ nhiều điểm để hướng dẫn cho các đơn vị địa phương, cá nhân, tổ chức thực hiện.
Vì vậy, đề nghị chính quyền địa phương và công an địa phương tham mưu cho cấp ủy địa phương, xử lý nghiêm việc lợi dụng đốt pháo hoa mà có đốt pháo nổ trên địa bàn của địa phương mình.
Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM):
Người dân tuyệt đối không được sử dụng pháo nổ, pháo hoa nổ
Nghị định 137/2020 của Chính phủ quy định pháo được phân loại thành pháo nổ và pháo hoa. Trong đó, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Lưu ý cần phân biệt rõ pháo hoa và pháo hoa nổ. Theo nghị định 137/2020 pháo hoa nổ là loại pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Người dân chỉ được sử dụng các loại pháo hoa được phép và chỉ mua pháo hoa ở những nơi được phép sản xuất, mua bán pháo hoa.
Còn với các loại pháo nổ, pháo hoa nổ thì người dân tuyệt đối không nên sử dụng, vì khi sử dụng đã vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý vi phạm pháp luật về hình sự, về hành chính cũng như các quy định pháp luật liên quan.
Ngày 14-1, Công an TP Uông Bí đã phát hiện, triệt xóa ổ nhóm mua bán pháo trứng trên địa bàn TP Hạ Long và Uông Bí - Ảnh: TƯỜNG MINH
Sang Trung Quốc "đánh" pháo lậu từ giữa năm?
Nam (quê Quảng Ninh) được nhiều người giới thiệu sành sỏi trong việc "đánh" pháo cấm từ Trung Quốc. Nam cho biết pháo nổ ở phía Bắc chủ yếu được tuồn từ Trung Quốc về Việt Nam, nhưng để lấy số lượng lớn thì các "trùm" đã vận chuyển pháo về từ 5-6 tháng trước tết, sau đó cuối năm mới tách lẻ để giao.
Nam cho hay do giáp tết các lực lượng liên ngành đều làm ngặt nên chẳng ai dại đi pháo từ biên giới về tầm này để rủi ro bị bắt là mất cả tết. Cũng theo Nam, do năm nay dịch bệnh nên các chốt kiểm soát ở vùng biên lập ra khắp nơi, vì vậy pháo nổ đưa được về không nhiều như mọi năm.
"Dù ở Quảng Ninh nhưng mấy năm nay em toàn phải lấy pháo ở tỉnh khác, chứ không đi đường biên Quảng Ninh nữa. Tuyến này ngay cả khu vực huyện Bình Liêu giờ cũng khó, chứ nói gì đến Móng Cái. Nhất là đoạn km15 ở đầu TP Móng Cái thì gần như không đi qua nổi vì đội trạm liên ngành ở đây làm ngặt, kiểm tra rất kỹ" - Nam than thở.
Nam cho biết để không bị phát hiện, bắt giữ vẫn có "cửa lách" và cách thức đưa được pháo vào sâu nội địa tiêu thụ thông qua xe tải, xe khách dồn mỗi lần một ít. Pháo khi vận chuyển thường kẹp cùng thùng bánh kẹo, thuốc lá.
Chúng tôi thử hỏi mua 1-2 tạ và muốn gặp trực tiếp Nam để xem và lấy hàng. Nghe vậy Nam tỏ ra dè dặt nói thời điểm này nếu muốn lấy chỉ có thể để cho một ít, đồng thời phải chuyển tiền trước 50% và báo địa chỉ sẽ có hàng gửi về. "Anh em mình cũng chưa quen biết nhau sâu nên làm ăn đến lúc "lệch" sẽ khó. Nếu năm sau anh muốn lấy số lượng lớn thì tầm tháng 8 hoặc tháng 9 cứ báo em trước, em vẫn có thể lấy và giao được" - Nam cảnh giác.
Liên hệ với một nam thanh niên tên Đạt (trú huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), người này giới thiệu mình là đầu mối trung gian pháo nổ cho người cần mua với bên có hàng bán. "Khách" ngỏ lời lấy pháo về buôn, Đạt nhanh chóng giới thiệu có loại pháo bệ 36 đang hàng "hot" và giá chỉ 500.000 đồng/bệ.
Theo Đạt, ngoài bệ 36 còn có loại pháo mới dài cả mét, tiếng nổ cực vang cũng đang có sẵn nhưng giá khá "chát", dao động trong khoảng 1,2 triệu đồng/bánh. Về nguồn gốc pháo, thanh niên này cho biết chủ yếu lấy ở tỉnh khác và gom hàng từ giữa năm thủ sẵn rồi.
Nhiều "tay buôn" pháo ảo
Trên các hội, nhóm nêu trên, ngoài những người mua và người bán pháo lậu phi pháp cũng có rất nhiều kẻ lừa đảo đội lốt những "ông trùm" buôn pháo lâu năm.
Nhiều người vì cần có pháo cấm đáp ứng "thú chơi" phi pháp nên đã cả tin nộp thẻ cào, chuyển khoản tiền cọc cho các kẻ xấu này. Sau khi nhận được tiền, các "ông trùm" tự xưng này liền "bặt vô âm tín".
Một số tay sau khi lừa nhận tiền cọc thì chỉ chuyển gạch đá, vỏ pháo cho người nhận. Trên các hội nhóm mua bán pháo, có không ít người bị lừa đã chụp lại hình ảnh đăng lên các nhóm để "bóc phốt".
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/phao-cam-tung-hoanh-tren-mang-a74203.html